Nhà ở xã hội hay còn gọi là nhà ở cho người thu nhập thấp là một bộ phận quan trọng trong vấn đề an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Nhà ở xã hội xuất hiện do tác động của quá trình phát triển kinh tế và đô thị hoá. Chính phủ và chính quyền mỗi thành phố phải có các chính sách xã hội, các quỹ phúc lợi để giải quyết các vấn đề của tầng lớp dân cư đô thị có thu nhập trung bình và thấp. Tại Thượng Hải, nhà ở xã hội chỉ được đáp ứng cho các hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại Thượng Hải và phải là các hộ gia đình có thu nhập trung bình thấp (căn cứ theo tiêu chuẩn của Nhà nứơc Trung Quốc và Thượng Hải đề ra). Đối với nhóm dân cư này, chính quyền thành phố nhận thức được tầm quan trọng trong việc đảm bảo một xã hội ổn định và phát triển bền vững.
Chặng đường phát triển của Nhà ở xã hội tại Thượng Hải
Kể từ khi cải cách mở cửa, cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng, kéo theo đó là tốc độ xây dựng nhà ở xã hội tại thành phố Thượng Hải ngày càng gia tăng, chính vì thế mà giải quyết được nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp đang khó khăn về nhà ở. Đặc biệt là từ năm 1995, thành phố Thượng Hải đạt thành tích xuất sắc trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và được Liên Hợp Quốc trao tặng giải thưởng “Môi trường sống tích cực”.
Từ năm 2003, việc thực hiện quy hoạch nhà ở cho người có thu nhập thấp là một phần quan trọng nằm trong kế hoạch phát triển của chính quyền thành phố Thượng Hải và là công việc quan trọng để cải thiện đời sống, đảm bảo sự công bằng xã hội. Từ đầu năm 2003 đến táhng 12/2005, Thượng Hải đã xây dựng được khoảng 30 triệu m2 nhà ở xã hội. Trong đó năm 2005 vượt mức 10 triệu m2 nhà ở. Đây là nỗ lực lớn trong tình hình khó khăn của cả nước.
Năm 2003- 2005, chính quyền thành phố Thượng Hải đã phê duyệt 4 khu vực tập trung cho nhà ở thu nhập thấp, đó là Bao Shan, Jia Ding, Nanhiu, Kang Qiao, đều nằm ở khu vành đai thành phố. Tuy nhiên, có nhược điểm là các khu này chưa có sẵn cơ sở hạ tầng, vị trí cách xa khu trung tâm và nhiều vấn đề phát sinh khác nên chưa thu hút được người dân đến sinh sống. Tới năm 2006- 2007, thành phố điều chỉnh lại quy hoạch nhà ở xã hội và đã có những chính sách hợp lý hơn.
Tháng 1/2008, chính quyền công bố tiêu chuẩn “Quy hoạch và các giải pháp hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp”, đồng thời trong khoảng 5 năm tiếp theo, thành phố đã xây dựng thêm khoảng 20 triệu m2 nhà ở xã hội. Năm 2008- 2009, dựa trên nhu cầu phát triển của thành phố, chính quyền đã mở rộng thêm 2 khu vực nhà ở xã hội nữa là DiaDing và QingPu, với diện tích xây dnựg vào khoảng 4 triệu m2 nhà ở, nâng tổng số lên 6 khu trên toàn thành phố.
Năm 2010, chính quyền Thượng Hải đặt vấn đề xây dựng nhà ở xã hội làm trọng điểm của công tác quy hoạch xây dựng, dựa trên tổng thể quy hoạch chung của thành phố để đưa ra chiến lược phát triển cho các vùng ngoại ô thành phố. Tiến hành đô thị hoá các khu vực nông thôn và cải tạo nâng cấp các đô thị cấp 2, cấp 3. Giai đoạn này Thượng Hải tiến hành một bước chi tiết hơn là công bố quy hoạch chi tiết 23 khu nhà ở xã hội. Khu vực này chủ yếu dành cho các chương trình phúc lợi xã hội cho dân cư đô thị.
Xu hướng phát triển và các đặc điểm của nhà ở xã hội
Về xu hướng phát triển, nhà ở xã hội chủ yếu được xây dựng ở vành đai ngoài, thuộc vùng ngoại ô thành phố, cách khá xa khu trung tâm. Vấn đề đặt ra là việc đi lại sẽ có nhiều khó khăn, không thể dựa vào phương tiện giao thông cá nhân mà phải sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Hiện nay, phương tiện giao thông công cộng của thành phố đang ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống đường sắt, tàu điện ngầm phát triển rất mạnh, đảm bảo sức chuyên chở cho thành phố hơn 20 triệu dân. Ngoài ra, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng và các công trình công cộng được chú trọng nhằm thu hút dân cư đến sinh sống.
Về đặc điểm của nhà ở xã hội, vấn đề tiết kiệm đất sử dụng được xử lý theo hướng xây dựng các công trình công cộng được thành từng cụm, các khu dịch vụ buôn bán thì bố trí phân tán thành nhiều điểm. Về không gian công cộng, thường các khu nhà ở xã hội dành hẳn tầng trệt, hay 1 tầng để làm khu vui chơi công cộng cho người già và trẻ em. Hoặc có thể tận dụng các khu sinh hoạt ngoài trời, tránh tình trạng thiếu hẳn không gian công cộng.
Đối với cây xanh, Thượng Hải có những quy định cụ thể và nghiêm ngặt về mật độ cây xanh, cũng như tỷ lệ đất trồng cây xanh cho các khu đô thị. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn về hướng nhà, khoảng cách, tỷ lệ cây xanh… nếu được nới lỏng và yêu cầu giảm xuống thì sẽ rất có lợi cho việc tiết kiệm đất xây dựng nhà ở xã hội. Do vậy, thực tế đối với quy hoạch khu nhà ở xã hội thì những quy chuẩn về cây xanh có thấp hơn để tăng diện tích đất xây dựng công trình và các công trình phục vụ công cộng.
Các giải pháp thiết kế Nhà ở xã hội
- Hướng nhà: Căn cứ theo “Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở” của Thượng Hải thì nhà ở xã hội có yêu cầu về ánh sáng mặt trời thấp hơn so với các nhà ở thông thường. Tức là chỉ cần đáp ứng 50% số phòng trong một căn hộ có hướng tốt. Các yêu cầu thiết kế được đơn giản bớt sẽ làm giảm bớt chi phí thiết kế, xây dựng và tăng cường mật độ sử dụng đất.
- Thiết kế căn hộ: Cơ bản mỗi căngồm phòng ngủ, bếp, tắm + WC, ban công và không gian kỹ thuật. Chủ yếu là loại căn hộ 1 phòng, 2 phòng và một số ít căn 3 phòng, diện tích mỗi căn trong khoảng từ 50- 65m2. Do đặc điểm tiết kiệm chi phí, giá thành đầu tư thấp nên các không gian đều nhỏ gọn và được tận dụng tối đa. Ví dụ, nhà bếp và phòng ăn thường được kết hợp với nhau, phòng vệ sinh được bố trí gần lối vào, phòng ngủ đơn giản và sử dụng vệ sinh chung, không có phòng để quần áo mà dùng tủ tường ở hành lang, tận dụng không gian trên nóc hành lang và khu vệ sinh làm kho. Ngoài ra, theo tiêu chuẩn mới, mỗi căn hộ nhà ở xã hội được sở hữu một ban công có diện tích không quá 5m2.
- Tổ chức mặt đứng kiến trúc: Thường sử dụng vật liệu vừa kinh tế vừa lâu bền. Màu sắc thường có màu sáng và ấm, giúp người ở có cảm giác vui vẻ, gần gũi và đảm bảo mỹ quan. Trên bề mặt ngoài cũng bố trí sẵn các vị trí hợp lý đặt máy điều hoà nhiệt độ, tránh tình trạng lộn xộn trên mặt đứng nhà ở.
Như vậy, chúng ta hiểu được vấn đề quy hoạch và các đặc điểm kiến trúc của nhà ở xã hội tại thành phố Thượng Hải, một loại nhà ở mà thành phố đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ trong vòng hơn 10 năm qua. Chúng tôi hy vọng thông qua những kinh nghiệm của Thượng Hải, sẽ giúp ích cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng trong thời gian tới.
Nguồn: Tạp chí Quy hoạch số 53/2011.