I. Phân công rõ trách nhiệm quản lý quy hoạch đối với các cấp địa phương
Do năng lực kiểm soát quy hoạch đô thị của chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang của Mỹ còn yếu, nên việc lập, thẩm định và thực hiện quy hoạch chủ yếu là do chính quyền thành phố chịu trách nhiệm. Chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang chủ yếu là sử dụng chính sách pháp luật, kinh tế để ban hành các quy định và hướng dẫn, mà không trực tiếp tham gia vào việc thực hiện quy hoạch. Ở Mỹ không có cơ quan và các phòng ban quy hoạch cấp quốc gia, cũng hiếm khi chính quyền tiểu bang lập quy hoạch và chính sách sử dụng đất cho toàn tiểu bang, mà chính quyền tiểu bang chỉ lập mục tiêu quy hoạch hoặc phương hướng phát triển, thông qua hình thức quy định và quy chế yêu cầu các cơ quan chính quyền từ cấp tiểu bang trở xuống phải tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho quá trình lập quy hoạch đô thị.
1. Trách nhiệm quản lý quy hoạch của chính quyền liên bang
Trong lịch sử của nước Mỹ, năm 1933 là thời kỳ Chính sách kinh tế mới và cũng là năm duy nhất Cơ quan Quy hoạch Quốc gia thiết lập “Ủy ban quy hoạch nguồn tài nguyên Quốc gia”, nhưng đến năm 1943, do sự phản đối của Quốc hội và các cơ quan liên bang khác, Ủy ban này đã bị giải tán. Chính quyền liên bang thông qua các đạo luật của Quốc hội, thúc đẩy hoạt động quy hoạch và xây dựng tại các địa phương trên cả nước, quy định quy hoạch của chính quyền liên bang là thực hiện theo nguyên tắc ngân sách là chính, kiểm soát quy định là phụ trợ. Quốc hội sẽ thông qua một loạt các dự luật và kết hợp với kế hoạch hỗ trợ ngân sách cho liên bang để thúc đẩy các chính quyền tiểu bang và địa phương triển khai các hoạt động quy hoạch. Như trong Thế chiến thứ II, công tác xây dựng nhà ở tại Mỹ gần như bị đình trệ, để cải thiện điều kiện nhà ở sau chiến tranh, trong dự luật nhà ở năm 1949, Mỹ đã đề ra kế hoạch phục hồi và phát triển đô thị, trước tiên yêu cầu các thành phố tại địa phương xin ngân sách hỗ trợ về nhà ở và nhất thiết phải lập quy hoạch tổng thể đô thị. Năm 1956, Quốc hội đã thông qua “Luật Đường cao tốc nối liền các tiểu bang”, đẩy mạnh đầu tư xây dựng đường cao tốc ở Mỹ trong 20 năm. Ngoài ra, chính quyền liên bang và tiểu bang còn có các chuyên đề về ngân sách, chuyên đề kế hoạch phát triển… dành cho chính quyền địa phương nào đáp ứng đủ các điều kiện tài trợ.
2. Trách nhiệm quản lý quy hoạch của chính quyền tiểu bang
Dự luật trao quyền quy hoạch mà chính quyền tiểu bang ban hành là phương tiện quan trọng để chính quyền tiểu bang kiểm soát tình hình quy hoạch tại địa phương, các tiểu bang thông qua dự luật này tiến hành kiểm soát quản lý hoạt động quy hoạch đối với các chính quyền địa phương, theo đó chính quyền địa phương căn cứ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền, tổ chức các hoạt động quy hoạch trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình. Theo dự luật mà chính quyền tiểu bang đề ra, để quy hoạch địa phương, trên nguyên tắc chỉ cần thông qua Thị trưởng của địa phương ký, Hội đồng Thành phố phê chuẩn, như vậy là làm đúng theo quy định của pháp luật, chính quyền tiểu bang không tham gia vào việc phê chuẩn, sửa đổi và giám sát quy hoạch. Ngoài ra, để thúc đẩy việc bảo vệ và phát triển những lĩnh vực nhạy cảm về môi trường, khu di tích lịch sử…chính quyền tiểu bang đã lập ra những quy định đặc biệt đối với các địa phương, không phải bao trùm toàn bộ các địa phương, mà những quy định đặc biệt này chỉ nhằm vào những khu vực có tính đặc thù như đã nêu ở trên, đồng thời quy định đặc biệt không được chồng chéo với quy định quy hoạch hiện có tại địa phương, mỗi quy định có hiệu lực pháp luật riêng. Các hoạt động trong phạm vi quy định đặc biệt đều phải tuân thủ thực hiện theo quy định quy hoạch đặc biệt, mọi hoạt động quy hoạch đặc biệt trong các cấp tiểu bang đều phải tuân theo quy định quy hoạch đã có hiệu lực của chính quyền địa phương.
3. Trách nhiệm quản lý quy hoạch của chính quyền địa phương
Chính quyền thành phố là chủ thể khởi xướng hoạt động quy hoạch, lập quy hoạch, phê chuẩn, thực hiện, sửa đổi và giám sát. Hệ thống quy hoạch thành phố của Mỹ dựa trên cơ sở Luật cho phép quy hoạch của tiểu bang, luật cho phép dựa trên hình thức quy định đưa ra những quy định chi tiết về mặt nguyên tắc và trình tự lập quy hoạch đô thị, công chúng tham gia, chấp hành và giám sát kiểm tra… , tuy nhiên công việc cụ thể vẫn do chính quyền thành phố thực hiện. Chính quyền địa phương cần thực tốt công việc quy hoạch tổng thể và quy hoạch phân khu, bởi đây là những nội dung quan để quản lý quy hoạch tại địa phương.
Quy hoạch tổng thể là kế hoạch và chính sách toàn diện hướng dẫn công tác phát triển đô thị và sử dụng đất, trong đó điểm đặc trưng của nó là có nội dung tổng quát và rộng rãi, mang tính chiến lược. Thông qua Dự luật quy hoạch của tiểu bang, phê duyệt của Hội đồng nhân dân thành phố, Sở quy hoạch địa phương hoặc Ban quy hoạch thành phố, nhận được sự phê duyệt của cơ quan lập pháp, lúc đó hồ sơ quy hoạch tổng thể mới chính thức có hiệu lực pháp luật.
Quy hoạch phân khu là phân chia thành phố thành các khu vực khác nhau, đồng thời đưa ra những quy định đối với việc sử dụng đất và tòa nhà, lựa chọn địa điểm, bố cục không gian và quy mô để tiến hành quản lý. Quy hoạch phân khu thường do 2 bộ phận hợp thành: một là, dựa vào việc phân chia sử dụng đất thành phố, hình thành chi tiết bản đồ phân loại đất; hai là, văn bản phân khu quy hoạch, thực hiện tiêu chuẩn hóa quy định và hướng dẫn đối với bản chất của tất cả các loại đất đô thị. Quy hoạch phân khu là phương pháp cụ thể để chính quyền địa phương tiến hành các cấp kỹ thuật quản lý đất đai và đây cũng là phương tiện quản lý quy hoạch xuất hiện sớm nhất. Năm 1916, thành phố NewYork đã ban hành bộ luật đầu tiên về quy hoạch phân khu, bộ luật này chủ yếu quy định chiều cao của tòa nhà, khoảng cách xây dựng và sử dụng đất, mục đích chính là cải thiện điều kiện lấy ánh sáng, đảm bảo đường phố thoáng mát, cải thiện môi trường vệ sinh…, những năm gần đây, kết hợp với tổng thể quy hoạch đô thị, sự phát triển của nền kinh tế đã trở thành biện pháp kiểm soát quản lý quy hoạch quan trọng và ngày càng nhận được sự quan tâm rộng rãi.
II. Tăng cường sự tham gia của công chúng trong quá trình quản lý quy hoạch
Trong quá trình lập quy định, quy hoạch, xét duyệt và giám sát, các cấp chính quyền phải có những yêu cầu và quy định rõ ràng về việc tham gia của công chúng, đảm bảo rằng các hoạt động lập quy hoạch có thể lắng nghe mọi ý kiến và đề xuất của các bên liên quan. Thứ nhất là kiện toàn hệ thống pháp luật, đảm bảo các khía cạnh cơ sơ sở pháp lý trong hoạt động quy hoạch; thứ hai là phải đảm bảo rằng, từ chính quyền liên bang tới chính quyền địa phương, trong phạm vi quyền hạn, các cấp chính quyền có thể tự thực hiện sửa đổi và điều chỉnh mô hình luật pháp, hành chính và tư pháp của mình, như vậy sẽ tránh được tình trạng phê duyệt chồng chéo và hiệu quả giám sát thấp.
Trong cơ cấu tổ chức quy hoạch của chính quyền địa phương, hầu hết các thành viên là công dân đến từ các lĩnh vực trong xã hội, nên họ có thể kịp thời cung cấp nhu cầu quy hoạch của người dân, có thể đưa ra những ý kiến và đề xuất về lĩnh vực chính sách và phê duyệt dự án quy hoạch. Chính quyền địa phương khởi xướng các quy định về quy hoạch, trước khi có hiệu lực phải thông qua hội nghị cùng cấp xét duyệt, trong quá trình xét duyệt, trưng cầu dân ý. Một số tiểu bang cho phép công chúng trực tiếp tham đề xuất trong quá trình lập quy định, có một số tiểu bang thì chọn theo cách toàn dân biểu quyết quy hoạch.
III. Lập quy hoạch một cách khoa học
Cuối thế kỷ XX, nước Mỹ xảy ra vấn đề đô thị mật độ thấp, đặc biệt điều này càng thể hiện rõ hơn tại những đô thị lớn và vừa, vùng ngoại ô phát triển, dân số trong đô thị ngày càng phân tán. Năm 1970, dân số vùng ngoại ô của Mỹ đã vượt dân số trong khu trung tâm thành phố, thậm chí dân số vùng ngoại ô đang ngày một tăng, dân số nội đô đang ngày càng giảm, khiến cho người dân phụ thuộc vào xe ô tô nhiều hơn, như vậy đồng nghĩa với việc phải tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phải tiêu thụ một lượng lớn nguồn năng lượng. Để giải quyết vấn đề trên, giới quy hoạch nước Mỹ đề xuất ý tưởng chủ nghĩa đô thị mới, phát triển hợp lý, chủ nghĩa ranh giới đô thị…, những ý tưởng này chủ yếu chuyên sâu về các vấn đề khu dân cư truyền thống và thiết kế khu phố dành cho người đi bộ, khuyến khích hệ thống giao thông công cộng, thúc đẩy đất sử dụng hỗn hợp, tăng cường phát triển đô thị.
Quy hoạch đô thị là phương pháp chính để giải quyết các vấn đề nhức nhối trong đô thị, nhưng quan trọng hơn là quy hoạch phải luôn có tính khoa học, mang tính nhân văn, thì mới có thể giải quyết các vấn đề bất cập đó./.
Trần Siêu (Nguồn: Tạp chí Xây dựng đô thị và nông thôn Trung Quốc số 9/2012)