Sỏi nhẹ Keramzit (viên đất sét nung đông nở) được cấu tạo đặc biệt trộn với bê tông xi măng, nước và cát tạo nên kết cấu bê tông nhẹ có cường độ khá cao tới 40 Mpa trong điều kiện thi công bình thường và cao hơn trong điều kiện thi công đặc biệt. Nhờ có cốt liệu nhẹ (keramzit) nên khối lượng của bê tông giảm tới 1200 - 1900 kg/m3(so với 2500 kg/m3 của bê tông thường). Loại vật liệu mới này rất thích hợp với công trình xây dựng trên nền đất yếu bởi nó đạt được hiệu quả kép: không chỉ giảm đáng kể tổng trọng lượng công trình, nếu kết hợp vật liệu nhẹ keramzit với gạch nhẹ thì trọng lượng toàn công trình chỉ còn 50% mà còn làm giảm thời gian, chi phí cho gia cố nền đất và thi công móng.
Ông Trịnh Quang Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Hạ tầng đô thị Hà Nội cho biết: Nếu áp dụng công nghệ tiên tiến là bê tông nhẹ chịu lực dùng sỏi Keramzit (Bê tông nhẹ CICO) sẽ khắc phục được nhược điểm cơ bản về cường độ của bê tông, nâng cao khả năng ứng dụng trong công tác chế tạo cấu kiện nhẹ, chịu lực cho công trình. Không chỉ giảm chi phí, thời gian thi công móng và gia cố nền đất, sử dụng vật liệu bê tông CICO trong thi công còn giúp công trình có khả năng chống thấm, cách nhiệt, cách âm cao, thời gian thi công nhanh (60% thời gian) ...giúp tổng chi phí đầu tư giảm 20-30 %.
Hiện hàng loạt các công trình như Khách sạn 11 tầng đang xây dựng tại Hà Nội, Nhà 6 tầng 130 Giảng Võ, Nhà 6 tầng 132 Khuất Duy Tiến, Cải tạo nhà 6 tầng số 182 phố Trấn Vũ - Ba Đình, Nhà 7 tầng ở số 26 phố Phan Chu Trinh…được xây dựng bằng loại vật liệu nhẹ này. Tuy nhiên, việc thi công bằng vật liệu này mới dừng ở những tòa nhà riêng lẻ, nhà dân là chủ yếu.
Theo ông Trịnh Quang Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Hạ tầng đô thị Hà Nội, hệ thống tiêu chuẩn về thử nghiệm và nghiệm thu của nhà nước chưa đề cập đến loại bê tông Keramzit nên việc ứng dụng và đưa vào sử dụng loại sản phẩm mới này một cách đồng loạt còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đây là vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có chế tài rộng mở hơn nhằm khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo để sản phẩm, công nghệ hiện đại được đưa vào sử dụng tại Việt Nam sớm hơn nữa, bắt nhịp với sự phát triển của công nghệ xây dựng trên thế giới.
Theo Báo Xây dựng điện tử