Khoa học công nghệ chưa được coi trọng và quan tâm đúng mức
Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 của Chính phủ đã đề cập đến các chủng loại sản phẩm tương ứng với từng loại công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung. Tuy nhiên, lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp với đặc điểm khí hậu, khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu, khả năng và tập quán tiêu dùng… cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh lãng phí nguồn lực và mất thời gian.
Điểm lại tiến trình phát triển gạch không nung trong những năm gần đây để chúng ta thấy rõ sự phát triển tự phát, thiếu tính chiến lược tổng thể về khoa học công nghệ sản xuất gạch không nung nói riêng, vật liệu thân thiện môi trường nói chung.
Trong những năm 2008- 2009 thị trường đón nhận sự ra đời sản phẩm gạch không nung công nghệ “đất hoá đá”. Sau một thời gian “lên cơn sốt”, với nhiều cuộc Hội thảo, nhiều đợt tham quan…dòng sản phẩm này đến nay vẫn không phát triển được thành quy mô sản xuất công nghiệp.
Cùng thời gian này, “bê tông bọt” lại nổi lên như một công nghệ sản xuất đầy tiềm năng. Sự xuất hiện của nhà sản xuất uy tín Liên bang Đức (Neopor) càng hứa hẹn sự bùng nổ của “bê tông bọt” trong đời sống xây dựng nước nhà. Lại hàng loạt Hội thảo, hàng loạt cuộc thăm viếng học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu đầu tư trong và ngoài nước tốn kém được tổ chức. Phong trào rầm rộ khiến cho hàng loạt các đơn vị tư vấn chuyển giao công nghệ, cung cấp thiết bị và phụ gia sản xuất bê tông bọt ra đời. Một số nhà máy được đầu tư nhưng chủ yếu là mô hình trình diễn phục vụ cho công tác bán máy và phụ gia hơn là sản xuất kinh doanh. Hiện nay, đa phần các cơ sở này bị “đắp chiếu” do không bán được sản phẩm, lãng phí tiền tỷ của các doanh nghiệp đã trót đầu tư.
Quyết định 567/QĐ- TTg ra đời như tiếng súng lệnh của cao trào đầu tư gạch không nung AAC với thói quen suy nghĩ gạch không nung là gạch nhẹ. Hơn 20 dự án đầu tư gạch AAC ra đời và trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế, thị trường bất động sản đóng băng, chỉ trong hơn một năm, 9 nhà máy gạch AAC quy mô công nghiệp đã kịp đi vào sản xuất. Kết quả là đến nay phần lớn các nhà máy hoạt động cầm chừng, có nhà máy phải dừng sản xuất hẳn.
Gạch bê tông được một số nhà sản xuất đầu tư với quy mô công nghiệp và nở rộ về số lượng các dây chuyền quy mô công suất nhỏ trên khắp cả nước do tính phù hợp điều kiện nguyên vật liệu và suất đầu tư. Dòng sản phẩm này có vẻ khả quan hơn một chút nhưng cũng chỉ khai thác được bình quân 50% công suất thiết kế.
Với 2 chủng loại gạch AAC và gạch bê tông, công nghệ sản xuất được kèm theo khi nhập máy từ các nhà cung cấp, sản phẩm làm ra không kiểm soát được chất lượng khi chỉ có “chuyển giao công nghệ kèm theo bán máy” là điều dễ hiểu. Vài tháng gần đây, thị trường lại đón nhận một công nghệ gạch không nung mới với tên gọi mỹ miều: gạch polyme. Chưa biết sẽ có “phong trào” nào nổ ra nữa hay không, nhưng chính tên polyme và mẫu mã sản phẩm giống gạch truyền thống đã đặt ra nhiều suy nghĩ về mặt khoa học công nghệ.
Sắp tới, với việc “đưa vôi trở lại xây dựng” có thể sẽ làm cho công nghệ sản xuất “gạch vôi cát” hoà vào tiến trình phát triển gạch không nung và hứa hẹn một trào lưu đầu tư mới sẽ lại nổ ra trong tương lai gần. Và xem chừng, những công nghệ gạch không nung khác trên thế giới và công nghệ “sáng tạo” tại Việt Nam sẽ còn xuất hiện, sẽ còn tạo nên những cơn nóng lạnh của các nhà sản xuất gạch.
Giải pháp tăng cường khoa học công nghệ phát triển gạch không nung
Xây dựng chiến lược tổng thế về khoa học công nghệ nhằm phát triển gạch không nung trên cơ sở đặc điểm khí hậu, địa hình, khả năng đáp ứng vật tư nguyên liệu trong nước để hạn chế nhập khẩu, phù hợp với trình độ ứng dụng, tập quán tiêu dùng xã hội. Sự đa dạng công nghệ sản xuất với nhiều chủng loại sản phẩm là điều tốt cho bất cứ ngành kinh tế nào. Quy luật thị trường sẽ làm cho các công nghệ sản xuất, các dòng sản phẩm không phù hợp tự đào thải. Nhưng nếu chúng ta không có chiến lược khoa học công nghệ phát triển gạch không nung mang tính tổng thể, giảm thiểu tình trạng để cho các doanh nghiệp tự mò mẫm “cạy cục thử và sai” như hiện nay thì tiến trình phát triển gạch không nung Việt Nam sẽ còn chậm và lãng phí nhiều của cải xã hội.
- Về nhân lực hoạt động khoa học công nghệ ngành gạch không nung: các trường, viện cần tổ chức chương trình đào tạo chuyên biệt để có lực lượng hoạt động trong lĩnh vực gạch không nung, bao gồm cả đội ngũ nghiên cứu khoa học, đội ngũ nghiên cứu ứng dụng và lực lượng vận hành sản xuất. Cần có nhiều biện pháp để thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia vào tiến trình phát triển gạch không nung.
- Về cơ chế chính sách: Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các đơn vị hoạt động khoa học công nghệ hoặc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gạch không nung như miễn giảm thuế, ưu đãi vốn đầu tư, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm trong các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
- Tăng cường thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất: đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất tiếp cận và khai thác kịp thời các thông tin về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào sản xuất gạch không nung. Đẩy mạnh hoạt động của các diễn đàn, các hoạt động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau về khoa học công nghệ, nâng cao hiệu qủa sản xuất và chất lượng sản phẩm.
- Thắt chặt quan hệ tương hỗ của 3 nhà: Nhà nước- nhà khoa học- và nhà tiêu dùng là một giải pháp quan trọng làm cho khoa học công nghệ gạch không nung phát triển và mang lại lợi ích thực tiễn. Giải pháp này sẽ khả thi khi hoạt động của các đơn vị như Hội VLXD Việt Nam được duy trì và quan tâm đúng mức.
- Tăng cường hợp tác quốc tế: phát triển VLXD thân thiện môi trường nói chung, gạch không nung nói riêng được nhiều quốc gia phát triển và các tổ chức phi Chính phủ quan tâm. Việc tranh thủ tốt sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn kinh nghiệm của họ là nguồn lực quan trọng để tăng cường khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển gạch không nung tại Việt Nam.
Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ “Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Không nằm ngoài quy luật ấy, để phát triển gạch không nung thì nhất thiết chúng ta phải coi nhân tố khoa học công nghệ là động lực quan trọng nhất và cần đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ để gạch không nung phát triển xứng tầm với sự kỳ vọng của toàn xã hội.
Nguồn: Tạp chí Vật liệu Xây dựng, số 12/2012