Ngay trong thời gian đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nghiên cứu, trình Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước, thì những nhu cầu về phát triển đô thị như giao thông, hạ tầng kinh tế- xã hội, quản lý phát triển đô thị đã đặt ra những yêu cầu phải triển khai các bước tiếp theo của quy hoạch chung, để giải quyết các vấn đề trên. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tổ chức lập các quy hoạch phân khu đô thị đồng thời với lập đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Việc lập các quy hoạch phân khu đồng thời với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là nhằm khớp nối và hướng dẫn giải quyết các dự án trên địa bàn Hà Nội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi hợp nhất mở rộng Thủ đô. Đây là việc nhằm đáp ứng kịp thời công tác quản lý xây dựng đô thị trong bối cảnh mở rộng địa giới hành chính; đồng thời làm cơ sở để lập quy hoạch chi tiết, đảm bảo triển khai các dự án đầu tư xây dựng theo đúng quy định pháp luật.
Các công việc cụ thể hoá cho việc lập quy hoạch phân khu là:
- Tiến hành đánh giá, rà soát các quy hoạch chi tiết, các dự án đã được chấp thuận về chủ trương, hoặc đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và thực hiện triển khai dự án, để cùng với các sở, ngành của thành phố đề xuất các bước triển khai tiếp theo.
- Tiến hành khảo sát đo đạc bản đồ các khu vực dự kiến lập quy hoạch phân khu, thu thập các tài liệu, số liệu điều tra cơ bản, để phân tích và đánh giá về dự kiến các quy hoạch phân khu đô thị mang tính khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của thành phố và các địa phương.
- Phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các dự án phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương cũng như các như cầu khác của thành phố trên địa bàn. Việc triển khai phối hợp trong xác định, thống nhất các nhu cầu phát triển của địa phương đã tạo được sự đồng thuận trong giai đoạn xác lập nhiệm vụ quy hoạch và trong quá trình lập quy hoạch.
Việc triển khai lập quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trong điều kiện quy hoạch chung xây dựng đang được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nhiều khó khăn, đòi hỏi phải phân đợt thực hiện, xác định các tiêu chí và lựa chọn các phân khu đô thị để tiến hành lập quy hoạch theo từng bước, từng khu vực.
Giai đoạn 1: thực hiện lập quy hoạch phân khu đô thị cho khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng, khu vực mở rộng phía Bắc sông Hồng, Nam sông Cà Lồ vơi ly do:
Đây là khu vực tập trung các dự án đô thị đã và đang nghiên cứu triển khai. Khu vực này tập trung các đầu mối lớn về cơ sở hạ tầng giao thông đối ngoại, tuyến đường vành đai, các công trình đầu mối về chuẩn bị kỹ thuật, cấp điện…
Quy hoạch phân khu này là phù hợp với cấu trúc mô hình phát triển không gian đô thị. Các phân khu đô thị nằm trên các trục đường hướng tâm và nằm dọc theo các tuyến vành đai 3, vành đai 3,5, vành đai 4 của thành phố, hình tàhnh vành đai đô thị mở rộng của Hà Nội. Các phân khu đô thị dự kiến phát triển này cũng tiếp giáp với các vành đai xanh, các nêm xanh, làm giảm áp lực phát triển đô thị nên khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô.
Giai đoạn 2: tiến hành nghiên cứu lập quy hoạch phân khu đô thị cho khu vực nội đô lịch sử tập trung vào việc nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị, xây dựng quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt và xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị.
Trên nguyên tắc đó, nhiệm vụ quy hoạch phân khu cho 17 phân khu nằm trong khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng, phía Bắc sông Hồng và phía nam sông Cà Lồ (quy hoạch phân khu S1, s2, S3, S4, S5, N1, N2, N3, N4, N5, N6, N7, N8, N9, N11, GN và GS) đã được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập và được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tháng 1/20110
Cụ thể các quy hoạch phân khu như sau:
- Khu vực phía Bắc sông Hồng : gồm 11 phân khu đô thị
+ Các phân khu N1, 2,3,4,5,6,7,8,9,11: là các cụm dô thị, chủ yếu phục vụ phát triển mới, nằm trên địa bàn các huyện Mê Linh, Đông Anh và Gia Lâm
+ Phân khu GN: là phân khu có chức năng chủ đạo là cây xanh, mặt nước dựa trên yếu tố cơ bản là hệ thống Sông Thiếp- đầm Vân Trì thuộc địa giới hành chính huyện Mê Linh và Đông Anh
- Khu vực phía Nam sông Hồng: gồm 6 phân khu đô thị.
+ Các phân khu S1, 2, 3, 4, 5 : là các đô thị phía Đông đường vành đai 4 thuộc khu vực mở rộng của đô thị trung tâm chủ yếu phục vụ phát triển mới nằm trên địa bàn các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín và các quận Hà Đông, Hoàng Mai .
+ Phân khu GS là phân khu nêm xanh- vành đai sông Nhuệ.
17 đồ án quy hoạch phát triển phân khu phát triển ngay trong giai đoạn này đã tạo ra công cụ quản lý cơ bản để hướng dẫn các nhà đầu tư, cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch chung, có cơ sở pháp lý chặt chẽ.
Giai đoạn 2 hiện nay sau khi Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, đang được tiến hành các công việc khảo sát, điều tra để thực hiện tiếp tục các phân khu đô thị trong khu vực nội đô lịch sử và nội đô mở rộng. Cùng với đó, công tác lập quy hoạch chung cho các đô thị vệ tinh của các thành phố, các thị trấn huyện lỵ cũng được triển khai, để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương.
Khu vực nội đô lịch sử (khu vực hạn chế phát triển), gồm 5 phân khu: H1.1, H1.2, H 1.3, H 1.4 và phân khu Hồ Tây và vùng phụ cận.
Khu vực nội đô mở rộng thuộc đô thị trung tâm, gồm 4 phân khu: H2.1, H 2.2, H2.3, H2.4.
Phân khu sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị lõi: các phân khu được triển khai trong giai đoạn này, chủ yếu là các phân khu đô thị nằm trong là khu vực đã cơ bản có quy hoạch ổn định.
Quy hoạch các quận, huyện: các phân khu đô thị tại khu vực này có mục tiêu:
- Giảm tốc độ đầu tư trong khu vực đô thị lõi, để đảm bảo nội dung bảo tồn, bảo vệ, cải tạo, dần nâng cao chất lượng đô thị trong khu vực.
- Di dân, giãn dân để hiện thực hoá chủ trương kiểm soát, hạn chế gia tăng dân số, đô thị hoá nội tại nhằm giảm áp lực đối với hệ thống hạ tầng đô thị.
- Di chuyển các cơ sở công nghiệp, các trụ sở cơ quan, trường đại học, cơ sở y tế gây ô nhiễm hiện hữu để giảm sức hút vào trong khu vực nội đô, giảm chất tải đối với hạ tầng hiện có của khu vực.
- Phù hợp khả năng thu hút nguồn lực đầu tư bởi đây là khu vực có giá trị kinh tế đất rất cao, đòi hỏi tiềm lực tài chính lớn. Quá trình đầu tư đô thị hoá đã diễn ra tại khu vực trong thời gian qua đã bước đầu cần sự thay đổi về chất lượng.
- Giảm mật độ lưu lượng giao thông, giảm áp lực về hạ tầng đô thị cho khu vực.
- Tạo điều kiện để bổ sung quỹ đất cho các nhu cầu xây dựng công trình công cộng, tiện ích đô thị (bãi để xe, công viên cây xanh, thể dục thể thao, vui chơi giải trí…)
- Tạo điều kiện để bảo tồn các di sản đô thị, tôn tạo các không gian di sản đặc thù của Thủ đô: Trung tâm chính trị Ba Đình, khu di sản Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận.
- Tạo điều kiện nâng cấp các khu ở cũ đã xuống cấp, quá tải: làng xóm đô thị hoá, các khu ổ chuột… đặc biệt là việc cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể, khu chung cư cũ nguy hiểm.
Mô hình tổ chức triển khai các quy hoạch phân khu đô thị:
- Các quy hoạch phân khu được tổ chức triển khai trên cơ sở các quy định pháp luật và các văn bản hướng dẫn hiện hành, đảm bảo các định hướng của đồ án quy hoạch chung. Quá trình thực hiện các quy hoạch phân khu đã được phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành để thống nhất về quan niệm, cũng như tiêu chuẩn quy phạm và mức độ thực hiện đồ án .
- Công tác đo đạc bản đồ địa hình: yêu cầu đảm bảo phủ kín ranh giới các phân khu đô thị (bao gồm các diện tích đo chờm), nhằm đảm bảo yêu cầu nghiên cứu, bản đồ đo đạc do đơn vị tư vấn có kinh nghiệm và uy tín thực hiện, được Sở Tài nguyên và môi trường thẩm tra đủ điều kiện.
- Công tác điều tra hiện trạng nghiên cứu quy hoạch: xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá sự phù hợp của các dự án, đồ án quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trong các phương án quy hoạch phân khu.
- Tổ chức phối kết hợp với chính quyền các địa phương, các sở, ban, ngành trong suốt quá trình, từ bước lập nhiệm vụ quy hoạch, tổng hợp điều tra, đánh giá hiện trạng đến xây dựng phương án … Cập nhật, lồng ghép các yêu cầu, nhu cầu của từng địa phương và các quy hoạch ngành cùng các kế hoạch- chương trình chuyên biệt trong các giải pháp quy hoạch, nhằm tạo nên sự đồng thuận chung.
- Đề xuất nhiều sáng kiến, với các phương thức tiếp cận linh hoạt để đảm bảo tốc độ và yêu cầu về đầu tư cấp bách, mà vẫn đảm bảo hành lang pháp lý theo quy định. Ví dụ: chủ động đề xuất 17 phân khu đô thị trong khi quy hoạch chung còn đang trong quá trình thẩm định, phối hợp với các đơn vị tư vấn đo đạc để sớm có bản đồ nền, phục vụ ngay công tác nghiên cứu, bao gồm cả hệ thống bản đồ không ảnh mới nhất thực hiện trong quá trình bay chụp; xây dựng hệ thống phiếu điều tra hiện trạng, hệ thống kỹ thuật thống nhất trong các phân khu đô thị…
Mô hình tổ chức thẩm định, xin ý kiến các quy hoạch phân khu đô thị:
- Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng đã cùng Sở Quy hoạch- kiến trúc phối hợp đề xuất mô hình vừa lập quy hoạch đồng thời tập hợp được ý kiến góp ý từ các cơ quan sở, ngành, địa phương, thực hiện thẩm định đồ án thống nhất trong một quá trình
- Sở Quy hoạch- kiến trúc Hà Nội và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thành lập tổ thẩm định, làm việc trên cơ sở khung thẩm định được thống nhất. Phối hợp giữa tư vấn lập quy hoạch với các bộ phận quản lý chuyên môn để thống nhất nội dung, chỉ tiêu số liệu…Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nghiên cứu cũng như kiểm tra, thẩm định đồ án, rút ngắn thời gain thẩm định hồ sơ.
Quá trình xem xét góp ý, thẩm định đồ án quy hoạch phân khu được duy trì song song với quá trình nghiên cứu, theo từng đợt của các giai đoạn thực hiện, cụ thể là:
+ Điều tra hiện trạng cập nhật các dự án.
+ Đề xuất phương án quy hoạch kiến trúc- giao thông, định hướng hệ thống quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chính.
+ Hoàn chỉnh đồng bộ hồ sơ quy hoạch theo đúng quy định tại Thông tư 10.
Đề xuất với UBND thành phố thành lập Hội đồng thẩm định thành phố, gồm các thành viên là đại diện các sở chuyên ngành liên quan, đại diện chính quyền địa phương, để tiến hành thẩm định đảm bảo chất lượng và có tính phối hợp đa ngành trong việc thẩm định quy hoạch. Thực tế hiện nay, trong quá trình thực hiện lập quy hoạch phân khu, các đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng đã và đang được nghiên cứu, sau khi quy hoạch chung được duyệt. Vì vậy, chúng tôi có phối hợp đề xuất thành lập tổ công tác liên ngành thẩm định để giúp thông tin, khớp nối và lồng ghép các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật đô thị vào đồ án quy hoạch phân khu, đảm bảo tính thống nhất trong quy hoạch đô thị và quy hoạch ngành, trước mắt cũng như lâu dài.
Theo Luật Quy hoạch đô thị, đồ án quy hoạch phân khu cần triển khai lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Hiện nay Viện QHXD Hà Nội dự kiến thực hiện theo hình thức trưng bày các đồ án quy hoạch tại các địa phương, tổ chức giới thiệu về đồ án và gửi các phiếu góp ý, các phiếu thăm dò về nội dung quy hoạch, để lấy ý kiến của cộng đồng dân cư…
Khó khăn và bài học kinh nghiệm
Quy hoạch phân khu lần đầu tiên được đưa vào quy định pháp luật, nên các hướng dẫn và quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ tiêu quy hoạch đối với loại hình quy hoạch này chưa rõ ràng, việc thực hiện quy hoạch phân khu chủ yếu dựa trên các văn bản hướng dẫn trước đây đối với các quy hoạch xây dựng có tỷ lệ tương ứng là 1/5000 và 1/2000. Các văn bản quy phạm này hiện quá chi tiết: đòi hỏi tính toán đến cấp đơn vị ở và đến từng ô phố, trong khi quy hoạch phân khu đặt mục tiêu là làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết.
Đối với các phân khu đô thị Hà Nội (17 phân khu hiện nay có quy mô lớn từ 720 ha (N2) đến 7.062ha (GS). Mà quy định nghiên cứu ở mức quá chi tiết là không khả thi, gây khó khăn và làm chậm tiến độ nghiên cứu và thẩm định đồ án. Đồng thời quy định quá chi tiết còn gây khó khăn trong đè xuất nghiên cứu ở cấp độ quy hoạch phân khu, có nguy cơ làm giảm sự sáng tạo với những đề xuất mới đối với các quy hoạch chi tiết sau này.
Nghị định của Chính phủ số 37/2010/NĐ- CP ngày 7/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị cóo quy định về nội dung đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, nguyên tắc lập đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tàng kỹ thuật được nêu tại Điều 21, Nghị định 37/2010/NĐ- CP. Thực tế khi lập quy hoạch phân khu sau khi quy hoạch chung được duyệt nhưng các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật chưa được nghiên cứu là một trở ngại lớn trong quá trình lập quy hoạch phân khu. Lý do là: trong quy hoạch phân khu yêu cầu quy hoạch tổng mặt bằng xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị đối với từng ô phố, khoảng lùi các trục đường, vị trí, quy mô các công trình ngầm (nếu có).
Phần quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị: yêu cầu quy hoạch liên quan đến chuyên ngành sâu về giao thông đô thị, chuẩn bị kỹ thuật, thoát nước mưa, nước thải, chất thải rắn…Nếu các đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật chưa được lập, nhưng vì mục tiêu lập quy hoạch phân khu phục vụ công tác quản lý đô thị, xác định các dự án đầu tư và lập quy hoạch chi tiết, thì các đò án quy hoạch phân khu sẽ phải điều chỉnh khi các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật được lập và phê duyệt, làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị.
Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, thì tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về đồ án quy hoạch đô thị là chưa hợp lý, vì quy định trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị mà cụ thể là quy hoạch phân khu là trách nhiệm của UBND thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố trực thuộc tỉnh, UBND huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị), nên cần có sự phối hợp trách nhiệm giữa chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị- xã hội của địa phương, tổ chức tư vấn để lấy ý kiến của cá nhân và cộng đồng dân cư về quy hoạch phân khu. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong các ý kiến đóng góp cho quy hoạch phân khu và không bị đan xen các lợi ích của các cộng đồng dân cư, các tầng lớp dân cư khác nhau trong phạm vi quy hoạch phân khu.
Hiện nay, 17 quy hoạch phân khu đô thị tại thành phố Hà Nội đang được khẩn trương hoàn chỉnh, thẩm định- phê duyệt; các phân khu đô thị còn lại đã được Viện Quy hoạch Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch.
Kinh nghiệm cho thấy, cần phát huy tín chủ động, sáng tạo, cải tiến phương pháp triển khai, quy trình, vận hành… của lãnh đạo, các tập thể và từng cá nhân. Đặc biệt cần có sự “chung sức- chung lòng” của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân, để tạo ra “con đường đi ngắn nhất, hợp lý, đảm bảo đúng quy định pháp luật” đối với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn Thủ đô.
Nguồn: Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 55/ 2012