Đề tài “Tận dụng xốp phế thải để sản xuất bêtông nhẹ” của Hoàng Nguyên, Kim Thanh, Thế Anh và Minh Tân (SV năm cuối lớp XD 08A1) vừa đoạt giải khuyến khích giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần 13-2011, được hội đồng giám khảo đánh giá cao về ý tưởng có tác dụng bảo vệ môi trường.
Ý tưởng độc đáo
Cả bốn bạn đều học ngành xây dựng dân dụng nên thường ngày tiếp xúc nhiều với các vật liệu mới, có tính ứng dụng cao của nhiều nước trên thế giới. “Mỗi lần ăn cơm hộp ở trường, mình thấy một lượng lớn hộp xốp bỏ đi rất phí. Ngoài ra còn lượng lớn xốp phế thải từ các thùng đựng tivi, tủ lạnh, đầu đĩa... Thế là ý tưởng tận dụng xốp phế thải thay thế một lượng sạn cát làm nguyên liệu sản xuất bêtông nhẹ trong xây dựng ra đời từ đó” - Nguyên nhớ lại.
Hoàng Nguyên (trưởng nhóm) cho biết công nghệ xây dựng nhà ở bằng phương pháp lắp ghép có sử dụng các cấu kiện panel (hoặc tấm lớn) tường, sàn, mái làm từ bêtông nhẹ hay sử dụng block gạch nhẹ. Đây là công nghệ xây dựng hiện đại có nhiều ưu điểm được nhiều nước tiên tiến áp dụng. Vì thế, khi tận dụng xốp sản xuất bêtông nhẹ không những theo hướng hiện đại trong xây dựng, mà còn giúp giải quyết vấn nạn ô nhiễm từ lượng lớn xốp phế thải.
Cánh cửa dẫn đến vật liệu xanh
Đem ý tưởng, nội dung đề tài trao đổi với giảng viên hướng dẫn Phan Thế Vinh (ĐH Kiến trúc TP.HCM), nhóm được thầy ủng hộ nhiệt tình. Những ngày đầu vào phòng thí nghiệm trường, cả nhóm lúng túng chẳng biết bắt đầu từ đâu. Suốt sáu tháng thực hiện đề tài, cả nhóm mải miết thu gom vỏ cơm hộp ở các giảng đường, dãy trọ, những miếng xốp phế thải ở các hộ gia đình... về nghiền vụn làm nguyên liệu. Kim Thanh - thành viên nữ duy nhất của nhóm - bộc bạch: “Buổi nào không có tiết học, các thành viên lại cặm cụi với ximăng, cát, xốp ở phòng thí nghiệm của khoa để đổ bêtông mẫu. Dù vất vả nhưng ai cũng cố gắng nghiên cứu, thử nghiệm để đưa ra một tỉ lệ trộn hợp lý cho chất lượng bêtông tốt nhất”.
Nhóm đã thực hiện sáu thí nghiệm, mỗi lần thí nghiệm đổ ba khối bêtông mẫu 15cm x 15cm x 15cm. Ba lần đổ thí nghiệm cuối đã cho ra những tiêu chuẩn ổn định về kỹ thuật như độ nén, sức bền và kinh phí. Bêtông xốp có cường độ chịu nén 1-3 MPA (đơn vị đo lực nén), giá thành rẻ hơn so với các vật liệu nhẹ khác (ước tính 832.000 đồng/m3), được sản xuất theo dạng bêtông khối. “Bước đầu nghiên cứu thành công loại bêtông nhẹ này sẽ mở ra cánh cửa mới cho việc tận dụng các phế thải khác vào nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm vật liệu xanh mới. Ngoài ra, nếu bêtông xốp được người dân biết đến, mọi người sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường xung quanh, góp phần cải thiện mỹ quan thành phố”, Minh Tân hi vọng.
Theo TS Lưu Nguyễn Nam Hải, phó trưởng khoa kỹ thuật công trình ĐH Tôn Đức Thắng, thành viên hội đồng giám khảo giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần 13- 2011, ý tưởng đề tài của nhóm rất hay về mặt khoa học lẫn xã hội. Bêtông xốp nhẹ không những góp phần bảo vệ môi trường, mà còn bổ sung vào ngành xây dựng VN một vật liệu nhẹ mới trong xây dựng, có nhiều ưu điểm về kết cấu bao che, thi công đơn giản và kinh phí sản xuất thấp. Loại bêtông này rất phù hợp để xây dựng nhà cho đối tượng hộ gia đình thu nhập thấp ở các đô thị lớn nước ta.
Hiện nhóm vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề tài với mong muốn trong tương lai có thể nhân rộng công nghệ sản xuất bêtông nhẹ từ xốp.
Theo Báo Thanh niên