Công trình ngầm văn minh cho nội đô Hà Nội

Thứ năm, 15/12/2011 17:13
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hà Nội đã được mở rộng với diện tích nằm trong top 20 các thành phố trên thế giới. Việc xây dựng tại các khu đất mới là việc làm cho các nhu cầu của sự phát triển trong tương lai. Còn việc cải tạo, đặc biệt trong các khu vực nội đô đáp ứng nhu cầu sử dụng của cư dân đô thị, nhằm phát triển bền vững là một vấn đề không thể thiếu và cần được quan tâm, giải quyết thích đáng.

Công trình ngầm góp phần tăng cường chức năng công cộng

Với các tính chất của khu vực nội đô là khu vực lựa chọn tạo dựng đô thị đầu tiên nên đó là các khu vực thuận lợi về địa lý, giao thông, địa chất. Chính vì vậy, giá trị đất đai của các khu vực nội đô ngày càng tăng, đặc biệt là các khu vực gần trung tâm cũ, trong khi các trung tâm trong quy hoạch đa cực chưa được xác định hoặc chưa triển khai đầu tư theo quy hoạch.

Theo xu hướng hiện nay, không gian ngầm đô thị không chỉ là những công trình hạ tầng kỹ thuật như cáp điện, ống kỹ thuật hay tàu điện ngầm, bãi đậu xe, hầm đường bộ mà còn bao gồm cả các tổ hợp trung tâm thương mại, không gian cộng đồng, không gian tiện ích đa chức năng, đôi khi có thể là không gian văn phòng, hành chính, lưu trữ…

Hà Nội với dân cư ngày càng đông, các công trình cũ xuống cấp được xây dựng lại, quy mô nhỏ thì từng lô đất, quy mô lớn là cả khu vực các khu tập thể cũ xây dựng lại. Chính vì vậy, mật độ xây dựng cao, dân số lớn là những yếu tố căn bản chất tải nên hệ thống hạ tầng vốn đã được xây dựng và chỉ đáp ứng cho nhu cầu dân cư của hơn 100 năm trước. Các chức năng mới nhưng không được phân bố đều: ăn ở, làm việc và dịch vụ tiện ích, công cộng khiến cho giao thông con lắc ngày càng lớn, thời gian lưu thông trên đường ngày càng nhiều, thời gian tái tạo sức lao động ngắn và như vậy chất lượng cư dân đô thị suy giảm và đô thị không đảm bảo cấu trúc của từng khu vực dẫn đến sự suy giảm về phát triển bền vững, đặc biệt giữa hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

Vì vậy, đối vơi khu vực đất chật người đông, giá trị đất cao, quỹ đất đã cạn kiệt, các không gian xanh đang ngày càng bị thu hẹp như khu nội đô thì việc bổ sung các công trình ngầm như việc tận dụng chiều sâu công trình tại các khu vực đất trống hoặc trong các dự án lớn là điều vô cùng cần thiết, góp phần tăng cường bổ sung chức năng, giảm tải trong các ngày lễ, nghỉ cuối tuần. Tình trạng phổ biến hiện nay, các công trình có xây dựng phần ngầm chỉ để đáp ứng nhu cầu để xe của chính mình, thậm chí không đủ theo quy chuẩn, chứ chưa nghĩ đến việc khai thác tạo ra các chức năng tiện ích khác. Điều này cũng dễ hiểu khi chưa có quy định tiêu chuẩn nào, trong khi đầu tư xây dựng phần ngầm rất tốn kém.

Các không gian quảng trường, công viên, vườn hoa nên quy hoạch theo hướng giữ bề mặt phía trên là không gian cảnh quan và cải tạo bên dưới làm không gian ngầm thì đó là những khu vực đảm bảo phục vụ đa chức năng cho các đối tượng tham gia sử dụng. Đã có nhiều dự án của các chủ đầu tư đề xuất xây dựng theo ý tưởng trên như khu Công viên Vạn Xuân ( vườn hoa Hàng Đậu cũ) với ga ra ô tô, khu đường Trần Nhân Tông đoạn trước Rạp Xiếc, mới đây là khu các công trình cao tầng tại đường Hoàng Đạo Thuý với sự liên thông các tầng ngầm của các công trình cao tầng phía trên. Dự án bãi đỗ xe ngầm công viên Lê Văn Tám (TP. Hồ Chí Minh) có 5 tầng ngầm với tổng diện tích 70.300m2 có sức chứa 2000 xe máy, 1.250 ô tô và gần 30 xe bus đầu tư theo hình thức BOT…

Công trình ngầm góp phần tăng cường hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị

Ngoài việc tạo ra các bến bãi đỗ xe mới, không tốn diện tích trên mặt đất trong các khu vực nội đô, mở rộng diện tích giao thông mà điều quan trọng việc tăng cường các chức năng thiếu và yếu trong khu vực mà khu công trình ngầm mới được tăng cường các chức năng mới… sẽ góp phần giảm lưu lượng tham gia giao thông đến góp phần giảm thiểu bán kính phục vụ, giảm giao thông con lắc đến các khu vực khác, góp phần cải thiện vi khí hậu về chất thải khí thải ô tô và khoảng cách đủ để mọi người sử dụng đi bộ.

Kinh nghiệm các nước: tại Nhật Bản với dạng thức vành đai nối đô với 3 khu vực điểm trung chuyển chính của Tokyo là 3 địa điểm:Uneno, Zinzuki và Tokyo. Ngay tại ga Zinzuki đã có hệ thống tầng ngầm không chỉ là đầu mối trung chuyển các loại hình phương tiện giao thông công cộng với cá nhân: metro, xe lửa, bus, taxi, đi bộ và xe ô tô cá nhân. Tầng ngầm với đầy đủ các chức năng vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, ăn uống, trung tâm thời trang, hàng ngày thu hút 2,5 triệu lượt người. Uneno với hệ thống các bảo tàng và khu phố Sybua thời trang giúp phục vụ đủ các đối tượng, độ tuổi của cư dân đô thị. Hệ thống công trình ngầm với đầu đủ các không gian chức năng công cộng, kết nối đến các công trình lớn.

Trong các khu đô thị mới xây dựng, các chức năng nhà trẻ, sân bóng cũng được đưa xuống cốt ngầm nhưng được sáng từ tự nhiên ở trên xuống, góp phần giảm tiếng ồn khi sử dụng trên mặt đất.

Nam Ninh (Trung Quốc) trong 5 năm gần đây đã tận dụng tối đa giá trị đại điểm tại các khu vực trung tâm bằng cách tiếp tục cải tạo, xây dựng các không gian ngầm dưới công viên, khu đi bộ. Các không gian này được kết nối với các khu phố phía trên, tạo các lối vào, không gian loại hình chức năng hấp dẫn, kết hợp với công nghệ xử lý không khí ngầm tốt, giúp cho số lượng khách đến sử dụng, du lịch, mua sắm ngày càng tăng…góp phần lớn cho quảng bá du lịch và phát triển kinh tế của cả Nam Ninh.

Công viên Nhân Chính: sự kết hợp hài hoà giữa phát triển hạ tầng với tăng cường chức năng văn minh

Đây là khu có vị trí thuận lợi để xây dựng công trình ngầm đồng bộ chức năng, không chỉ là diện tích phần khai thác ngầm đủ để xây dựng 5 tầng hầm, 3 tầng nổi mà không phá vỡ mặt nước hồ 9ha và không gian của các khu đô thị cao tầng, các dịch vụ cao cấp của Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng liền kề. Việc thuận tiện còn ở 4 phía đều có tuyến đường giao thông lớn bao quanh, góp phần giảm tải và tiếp cận, thoát người nhanh ra mọi phía.

Hai tầng ngầm phía dưới được bố trí các không gian để xe ô tô, còn các tầng trên là dịch vụ tiện ích mà khu vực Mỹ Đình, Thanh Xuân cũng đang cần, góp phần trở thành một trung tâm mới không chỉ của Thanh Xuân mà cấp độ thành phố. Xây dựng tại khu vực này với đa chức năng, nằm xa khu dân cư cũng là điều khác biệt với công viên Thống Nhất trước đây. Dự kiến xây dựng Khu vui chơi giải trí Disney Land tại đó sẽ gây ách tắc cả khu vực nôi đô này bất kể khi sử dụng nào.

Ưu điểm của công viên Nhân Chính đó là thiết kế linh hoạt, hấp dẫn với các khu đi bộ, không khô cứng, không gian linh hoạt theo các tuyến, theo tầng bậc và hướng vào trung tâm, không gian đóng mở với các góc nhìn thay đổi. Chắc năng đa năng và bố trí nhiều cấp độ phục vụ nhiều đối tượng sử dụng. Thiết kế sinh thái và tự nhiên với thác nước được bố trí Đông- Nam tạo gió thổi mát cải tạo vi khí hậu cho khoảng sân trống, lấy sáng và thông thoáng cho toàn bộ công trình như gắn chặt vào đất và không có cảm giác cao, hài hoà cảnh quan thiên nhiên, cây xanh mặt nước khu vực. Việc thành công trong ý tưởng thiết kế này cũng góp phần tạo dựng nên hình ảnh công viên không còn là công trình ngầm vì sự thuận tiện giao thông ngang, đứng, dốc dần từ dưới đất đi lên.

Đề xuất

Tiện ích của công trình ngầm là điều không thể chối bỏ dù có những hạn chế như việc thoát người chỉ có lối duy nhất trên mặt đất. Đối với khu nội đô Hà Nội, cần xác định quy hoạch không gian ngầm là vô cùng cần thiết, kết nối giữa không gian ngầm hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, nước, thông tin…) với các không gian ngầm chức năng (gara. dịch vụ…), đặc biệt trên cơ sở phân tích đánh giá chất lượng quy hoạch xây dựng để tạo dựng các khu vực đáp ứng các chức năng công cộng yếu và thiếu bổ sung trong việc xây dựng công trình ngầm đa chức năng. Sắp xếp thứ tự công trình ngầm ưu tiên phục vụ đô thị, đủ điều kiện xây dựng, đặc biệt là giao thông tiếp cận, quy mô lớn, có các quy định đối với các khu đất trên 2ha.

Đặc biệt những nút thắt về vấn nạn giao thông như ga Hà Nội, cần nghiên cứu nhanh và tập trung đầu tư xây dựng khu vực ngầm vừa là ga đầu mối, vừa là ga trung chuyển, tạo dựng một trung tâm thương mại văn hoá, dịch vụ, giảm tải cho khu Hoàn Kiếm và đặc biệt là tạo dựng sự lưu thông Đông- Tây mà hiện nay Hà Nội chỉ duy nhất có tuyến Đường 32- Nguyễn Thái Học.

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 11/2011

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)