Hệ thống đánh giá công trình kiến trúc xanh của Đài Loan được chính thức ban hành từ năm 1998. Hiện nay hệ thống này được cơ bản hoàn thiện với 9 yêu tố cơ bản: đa dạng sinh học, cây xanh, yếu tố đất và nước, tiết kiệm năng lượng, giảm thải khí CO2 , giảm lãng phí vật liệu xây dựng, tiện nghi nhiệt, tiết kiệm nước, nâng cao hệ thống xử lý rác thải và nước thải. Những yếu tố này được đánh giá theo chỉ số điểm và được xếp vào 4 mục cơ bản. Đó là: sinh thái, tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Những chữ cái đầu tiên trong tiếng Anh của 4 mục cơ bản này được đặt tên cho hệ thống tiêu chuẩn: hệ thống tiêu chuẩn EEWWH (Ecologi: sinh thái, Energy saving: tiết kiệm năng lượng, Waster redution: giảm chất thải, Health: sức khoẻ). Các công trình xây dựng và các công trình xây dựng xong đều được khuyến khích tham gia đánh giá công trình xanh, trong đó danh hiệu Công trình xanh được trao tặng cho những công trình đã xây dựng xong tham gia đánh giá và những chứng nhận ứng viên cho công trình xanh, cho công trình đang xây dựng. Các công trình được tham gia ít nhất phải đủ 2 yếu tố cơ bản bắt buộc: tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm nước và đủ 2 tiêu chuẩn tùy chọn trong 7 tiêu chuẩn còn lại. Hệ thống tiêu chuẩn cũng được trang bị những phương pháp, công thức tính toán và những tiêu chuẩn đánh giá. Hệ thống sau khi tính toán sẽ phân hạng công trình xanh cho công trình đánh giá gồm 5 cấp: kim cương, vàng, bạc, đồng, chứng chỉ.
Qua quá trình thực hiện 8 năm (từ năm 2004) với hệ thống tiêu chuẩn kiến trúc xanh EEWWH, kiến trúc xanh Đài Loan đã đạt được những thành tựu rất đáng kể:
- Thứ nhất: tiêu chuẩn này đã và đang được áp dụng cho tất cả các công trình do Nhà nước đầu tư cũng như những công trình không thuộc khối Nhà nước và nó lan rộng trong toàn bộ ngành xây dựng. Tính đến nay có hơn 600 công trình nhận chứng chỉ công trình xanh và có hơn 2000 dự án đang là ứng viên cho danh hiệu công trình xanh. Không chỉ vậy, các công trình này đã đóng góp vào việc tiết kiệm điện 738 triệu KWh mỗi năm và tiết kiệm 33 triệu tấn nước mỗi năm.
- Thứ hai: những công trình hiện đại cũng được nâng cấp thành công trình xanh ngày càng nhiều. Chính phủ thực hiện việc tài trợ cho các công trình công cộng nâng cấp thành công trình xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ giảm nước thải, thu nước mưa…Đó là những biện pháp nhằm thúc đẩy nền kiến trúc xanh trong ngành xây dựng.
- Thứ ba: Chính phủ thúc đẩy việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, bao gồm vật liệu không có hại cho sức khoẻ, vật liệu sinh thái, vật liệu tái chế, vật liệu hiệu suất cao…
Đến nay, các công trình ở Đài Loan đều tuân thủ ít nhất 30% vật liệu sử dụng là vật liệu đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng đề ra trong 4 hạng mục trên.
- Thứ tư: nhờ những phổ biến rộng rãi việc tuân thủ những quy chuẩn về Kiến trúc xanh nên số lượng người có hiểu biết về kiến trúc xanh và đóng góp xây dựng hoàn thiện tiêu chuẩn ngày càng đông. Tiêu biểu là các Viện nghiên cứu tại các trường Đại học luôn có khoa chuyên ngành nghiên cứu liên quan đến kiến trúc xanh thân thiện môi trường.
- Thứ năm: Kiến trúc xanh không chỉ dừng lại ở các công trình dân dụng mà còn áp dụng tại các nhà máy sản xuất công nghiệp. Những công viên công nghệ xanh hay những khu công nghiệp xanh đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp tại Đài Loan hướng đến. Các kiến trúc sư, các nhà đầu tư, các giám đốc dự án đều rất sẵn sàng áp dụng công nghệ xanh cho công trình của mình.
Một số công trình được áp dụng tiêu chuẩn kiến trúc xanh trong xây dựng ở Đài Loan:
- Toà nhà cao tầng Taipei 101 (hay Đài Bắc 101) với chiều cao 509m, toà nhà cao nhất thế giới được biết đến từ năm 2004 đến năm 2010, cho đến khi toà nhà Buji Khalifa tại Dubai, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hoàn thành vào năm 2011.
- Sân vận động Đại hội thể thao thế giới tại Kaohsiung thành phố cực Nam của Đài Loan.
- Toà nhà Eco- Ark trong quần thể lễ hội trng bày hoa thế giới tại Taipei.
Các công trình này đều có những đặc tính riêng biệt, nổi bật với những nét kiến trúc khoẻ khoắn mà lại mềm mại, khúc chiết, thân thiện với môi trường sống.
Hiện nay ở nước ta, Chính phủ và Bộ Xây dựng đang hướng tới một nền xây dựng xanh thân thiện với môi trường. Nhiều tổ chức quốc tế và cơ quan Chính phủ đang xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường. Kiến trúc xanh sẽ là một xu hướng tất yếu cho các công trình nước ta trong những năm tới. Để phát triển quá trình xây dựng tuân thủ các tiêu chuẩn nền kiến trúc xanh chúng ta phải:
- Nêu cao nhận thức cho mỗi ngừơi dân tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống, với vai trò là công dân, mỗi ngừơi Việt Nam cần ý thức sâu sắc tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình tại nơi mình đang sống, làm việc, nghỉ ngơi, hoạt động giải trí… hàng ngày.
- Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến các định hướng công trình xanh trong ngành xây dựng. Hơn ai hết, nước ta và Đài Loan có khí hậu tương đối giống nhau, có những nét tương đồng về văn hoá và truyền thống. Chúng ta cần chú ý nghiên cứu và áp dụng mô hình kiến trúc xanh ở Đài Loan. Nên chăng chúng ta cũng bắt đầu làm kiến trúc xanh từ những công trình trọng điểm quốc gia, những công trình có đầu tư công, để làm mô hình cho các thành phần kinh tế khác áp dụng, làm theo.
- Các kiến trúc sư là những người sáng tạo đầu tiên cho công trình, cần nắm bắt các kiến thức mới nhất của thế giới về thiết kế kiến trúc xanh để cố vấn cho chủ đầu tư, các nhà hoạch định chiến lược. Các công ty kiến trúc nên mời các chuyên gia nước ngoài chuyên sâu về công trình xanh, các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới và trong khu vực đã áp dụng thành công các công nghệ xanh như Renzo Piano, Richard Roger, Toyo Ito, Ken Yang… để chúng ta có thể tiếp cận nhanh hơn với xu hướng kiến trúc xanh trên thế giới.
- Giáo dục có tầm quan trọng trong định hướng cho tương lai. Chúng ta nên bắt đầu với hệ thống nhà trường, qua đó giáo dục các công dân tương lai về nhận thức công trình xanh và thế giới xanh cho các em.
Qua những kinh nghiệm về kiến trúc xanh đã được đúc rút từ những nước đi trước nói chung và Đài Loan nói riêng, thế hệ chúng ta cần rút ra được những yếu tố thành công trong sáng tác và xây dựng các công trình thân thiện với môi trường và hạn chế bớt những khu dân cư, các công trình mới mọc lên lấn át sự cân bằng sinh thái vốn có của môi trường.
Việt Nam là một nước có tài nguyên thiên nhiên phong phú. Dân tộc Việt Nam là dân tộc có truyền thống hiếu học từ lâu đời, biết tiếp thu và vận dụng sáng tạo những tinh hoa của nhân loại về văn hoá và khoa học kỹ thuật. Chúng ta phải tự xây dựng hướng đi phù hợp theo xu thế kiến trúc xanh của nhân loại để xây dựng đất nước. Đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư cần nhận thức đầy đủ những tinh hoa sáng tạo của nhân loại trong việc tạo nên những không gian kiến trúc phù hợp thân thiện với môi trường. Góp phần xây dựng nên những công trình, những không gian sống phù hợp với xu thế phát triển của đất nước cho hôm nay và mai sau.
(Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, số 8&9/2012)