Hướng đến kiến trúc bền vững
Mới đây, tại Giải thưởng Kiến trúc quốc tế (International Architecture Awards) 2012, công trình Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Lương Sơn, Hòa Bình) của KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự đã vinh danh. Trước đó, hồi cuối năm 2011, công trình này đã lọt vào danh sách lựa chọn và tác giả thiết kế được mời thuyết trình tại liên hoan kiến trúc thế giới WAF-Barcelona (Tây Ban Nha). Công trình cũng lọt vào Top 5 (xếp loại thứ 2/383 đồ án từ khắp thế giới) hạng mục Gold Medal (Huy chương Vàng) Giải thưởng Barbara Cappochin Prize - Italia 2011(nằm trong hệ thống giải của Hiệp hội KTS quốc tế - UIA) ) dành cho công trình thể hiện xuất sắc sự đổi mới công nghệ và tiết kiệm năng lượng...
Còn ở trong nước, Công trình nhà cộng đồng Suối Rè đã đoạt giải Nhì Giải thưởng kiến trúc quốc gia năm 2010 và được công nhận một trong những công trình kiến trúc xanh do Hội KTS Việt Nam lần đầu tiên bình chọn tháng 4/2012…
Vì sao công trình Nhà cộng đồng Suối Rè có sức hấp dẫn đến vậy? Trước tiên, đó là công trình hướng đến kiến trúc xanh, thân thiện với môi trường. Công trình được xây dựng trên mảnh đất mà từ bao đời nay, người Kinh và người Mường chung sống hòa thuận, do vậy hình thái kiến trúc vừa kế thừa cấu trúc nhà năm gian Bắc bộ, vừa thấp thoáng nếp nhà sàn Mường. Hơn thế, công trình đã khai thác triệt để yếu tố địa hình. Cấu trúc không gian tổng thể được thiết kế theo lớp. Lớp trước là khoảng sân thoáng, nơi diễn ra các hoạt động ngoài trời. Lớp giữa là không gian sinh hoạt chính, gồm công trình 2 tầng. Tầng trên là không gian đa năng, được sử dụng làm nhà trẻ, lớp mẫu giáo kết hợp thư viện, nơi thôn làng hội họp... Tầng trệt (ăn vào khoảng lõm triền dốc, tránh gió đông bắc, hút gió địa hình đông nam nên ấm về đông, mát về hè) được mở ra lớp sau, hướng lên núi và rừng tre, tạo ra khoảng không gian để người dân có thể đến tụ họp, làm nghề phụ, vui chơi...
Công trình càng đặc biệt hơn khi KTS thiết kế chủ động thiết kế đơn giản, tiết kiệm, sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương theo nguyên tắc “thống nhất trong tương phản đa dạng”. KTS đã tạo đường hầm đối lưu gió, khoảng elip thông tầng, những bậc cỏ, mái lấy sáng… Tất cả các yếu tố trên cùng kết nối không gian trước - sau, trong - ngoài, trên - dưới thành chuỗi không gian mở liên hoàn...
Đầu tư công trình công cộng bằng tiền cá nhân
Nhưng đó chưa phải là tất cả sức hấp dẫn riêng biệt của công trình Suối Rè. Bất ngờ hơn cả là KTS Hoàn Thúc Hào còn đồng thời là nhà đầu tư của công trình. Anh cho biết có nhiều lý do để tự bỏ tiền túi ra thiết kế, đầu tư xây dựng một công trình công cộng rồi mời đông đảo đồng bào địa phương đến sử dụng. Thứ nhất là vì lâu nay, dư luận nói nhiều về việc KTS không làm công trình cho nông thôn và nếu có làm thì rất xấu. Bằng công trình của mình, KTS Hoàng Thúc Hào muốn chứng minh: Sự thật không phải vậy. Lý do thứ hai là nông thôn Việt Nam còn nghèo khổ quá nên anh muốn làm cho nông thôn cái gì đó “vừa hay, vừa thiết thực, vừa nhân văn”. Thứ ba, ở góc độ người làm nghề, anh Hào nhận thấy kiến trúc nông thôn chính là một cánh để đưa kiến trúc Việt Nam khoe ra với thế giới...
Từ ý tưởng đó, anh Hào quyết định đầu tư xây dựng công trình nhà cộng đồng Suối Rè trên khu đất rộng 2.200m2 do chính anh mua từ trước. Anh chia sẻ: Suối Rè là thôn nghèo, lâu nay vẫn thiếu các không gian, các thiết chế như nhà trẻ, nhà văn hóa, thư viện, thiếu không gian vui chơi, hội họp. Nay mình làm cho họ công trình đa năng, đáp ứng cơ bản các tính năng nói trên nên được chính quyền địa phương và nhân dân liệt nhiệt ủng hộ. Và hơn thế, công trình còn nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn trong và ngoài nước, thông qua các giải thưởng.
Từ kinh nghiệm và thành công trong quá trình thiết kế, đầu tư, xây dựng công trình nhà cộng đồng Suối Rè, KTS Hoàng Thúc Hào và cộng sự tiếp tục vận động các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân, bạn bè tham gia đầu tư dự án tương tự tại bản Tả Phìn (SaPa, Lào Cai). Công trình đã được khánh thành vào tháng 5/2012 và hiện được sử dụng như là một không gian sinh hoạt văn hóa, triển lãm, trưng bày, “xúc tiến thương mại” các “sản phẩm văn hóa” đa dạng của người Dao đỏ. KTS Hào kỳ vọng: Tôi mong sẽ nhận được sự ủng hộ thiết thực hơn nữa để có nguồn lực đầu tư xây dựng thêm những công trình nhà cộng đồng cho người nghèo. Công trình mà tôi hướng tới trong thời gian tới có thể là nhà cộng đồng dành cho đồng bào vùng lũ lụt.
Anh Hào bộc bạch: Việc đầu tư xây dựng các công trình cộng đồng không chỉ là sự đóng góp của các KTS cho kiến trúc nông thôn, cho địa phương mà còn là sân chơi thể nghiệm các ý tưởng sáng tác kiến trúc. Các giải thưởng mà tôi đã nhận được có ý nghĩa rất lớn, nhất là giải thưởng quốc tế. Chúng như những tín hiệu khả quan về việc đưa kiến trúc Việt Nam tiếp cận và hội nhập thế giới.
Theo Báo Xây dựng điện tử