"Hệ thống cấu trúc xanh" trong đô thị Hà Nội mở rộng

Thứ sáu, 11/09/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong hai giá trị vật chất căn bản tạo dựng chất lượng môi trường sống trong đô thị đó là thiên nhiên (địa hình, khí hậu, mặt nước, cây xanh...) và nhân tạo (không gian, kiến trúc, hạ tầng...), thì giá trị nhân tạo thường có vị thế chủ động được điều tiết bởi ý thức của con người, còn giá trị thiên nhiên lại thường hay bị động do những hành vi của con người tác động, xâm hại.

Cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3o C- 3,3o C khi diện tích đất cây xanh đạt 20%- 50%  diện tích đất đô thị. Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm từ 17%- 57% năng lượng cần thiết khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. Cây xanh đô thị có thể làm giảm từ 40%- 50% cường độ bức xạ mặt trời và hấp thụ từ 70% - 75%  năng lượng mặt trời. Không gian đô thị rất cần những diện tích đất cây xanh, mặt nước lớn để điều tiết vi khí hậu. Tại Indonesia, India, Mỹ, Hà Lan, Bỉ, Anh người ta đã triển khai thí điểm ở một số thành phố các dự án về hệ thống Át lát xanh (green map Atlas) và hệ thống cấu trúc xanh trong quy hoạch đô thị (greestructure and urban planning) của Tổ chức phi Chính phủ về sinh thái với cộng đồng của Mỹ và Hiệp hội quy hoạch thế giới. Kết quả của các dự án này đã đem lại một "thương hiệu" đáng tự hào cho các thành phố này: "Thành phố xanh". Cây xanh, mặt nước có vai trò quan trọng và không thể thiếu trong chất lượng môi trường đô thị. Nếu quá trình đô thị hoá được tiếp cận một cách thông minh, biết học hỏi nghiêm túc những bài học kinh nghiệm của các nước đi trước, thì đô thị Việt Nam sẽ có cơ hội giảm thiểu được nhiều khiếm khuyết đáng tiếc.

Với việc sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc), 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình), Hà Nội có tổng diện tích tự nhiên lên đến trên 3300km2 và ba vùng văn hoá chính, đó là: vùng văn hoá Thăng Long (trung tâm Hà Nội) ; vùng văn hoá Sơn Nam Thượng (các huyện phía Nam của Hà Tây cũ) và vùng  văn hoá xứ Đoài (vùng văn hoá phía Bắc Hà Tây cũ). Trong đó Thăng Long và xứ Đoài là hai vùng có những nét văn hoá đặc sắc. Cùng với những nét văn hoá đặc sắc ấy, hệ khung thiên nhiên của Hà Nội cũng là một tài sản vô giá. Thực tế cho thấy, thiên nhiên trong đô thị Hà Nội đã từng được coi là ưu thế của Thủ đô với mạng lưới sông, hồ, làng hoa, vườn cây len lỏi khắp thành phố. Những khoảng không thiên nhiên quý hiếm của Hà Nội không những góp phần điều tiết vi khí hậu mà còn là ngôn ngữ biểu đạt những giá trị văn hoá rất riêng, rất thanh lịch của người Hà Nội. Sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Sét, sông Đáy, sông Kim Ngưu, các sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích... Hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy mẫu, hồ Thiền Quang, hồ Thanh Nhàn, hồ Ngọc Khánh, hồ Linh Đàm, các hồ Đồng Mô, Ngải Sơn... gắn với các làng hoa, cây cảnh và các làng nghề truyền thống... đã tạo nên nét đặc trưng về thiên nhiên và văn hoá của đô thị Hà Nội.

Tuy nhiên, dù chưa có một tổng kết đầy đủ về hơn 10 năm đô thị hoá của Hà Nội (chưa mở rộng), những chúng ta đều nhận thấy bên cạnh những cái được, Thủ đô đã mất đi chẳng ít các không gian thiên nhiên vốn là ưu thế đặc sắc của Thăng Long nghìn năm tuổi. Sau khi đã gần như mất hết làng hoa Ngọc Hà, làng quất Quảng An... hệ thống mặt nước của Hà Nội đã bị giảm hơn 50%, riêng Hồ Tây trung bình mỗi năm mất khoảng 2000m2. Sau 5 năm  từ cảnh báo trên người ta tiếp tục nhận thấy rất nhiều hồ nước được coi là "những chiếc máy điều hoà tự nhiên" khổng lồ của thành phố đã bị san lấp trở thành những mảnh đất vàng. Dấu tích hồ nước xưa cũ ấy chỉ còn lại  qua các tên gọi địa danh của người dân Hà Nội  như khu Đầm Trấu, khu tập thể Hồ Đình, khu dân cư hồ Việt Xô... Và theo số liệu  của JICA đánh giá, thì trong vòng 15 năm, Hà Nội chỉ còn 19 hồ (21 hồ mất tích trên tổng số 40 hồ), tương đương với 850 ha bị thu hẹp xuống còn 547 ha. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Đáy, hồ Bảy Mẫu, hồ Tây ... là chuyện phổ biến. Một câu hỏi đặt ra là theo thời gian, Hà Nội sẽ còn bao nhiêu diện tích mặt nước hồ...?

Trong quá trình đô thị hoá, tư duy con người đã chậm hơn so với thực tiễn, mà kết quả thường là sự mất mát không gì bù đắp đối với cộng đồng và tương lai đô thị. Hà Nội có thể có nhiều khu đô thị mới được mệnh danh là kiểu mẫu, có thể có nhiều tuyến phố được gắn biển là con đường đẹp của thành phố. Nhưng trong tổng thể đô thị, Hà Nội đang mất dần đi các giá trị đặc hữu và tính bền vững. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội đang tự đánh mất dần những lợi thế với nữhng "đặc tính" hay những cái "duyên" rất riêng của mình.

Không gian đô thị Hà Nội được mở rộng, kéo dài cùng với những tài sản văn hoá đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên có giá trị còn lưu giữ được đang là cơ hội, là khát vọng. Đồng thời đây cũng là một thách thức đối với trách nhiệm và lòng tự trọng của người dân Thủ đô, là làm sao để Hà Nội phát triển bền vững trường tồn, hướng tới một đô thị thanh lịch, hiện đại, giàu bản sắc, có môi trường sống trong sạch, an toàn, có mối quan hệ và vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế- xã hội, quốc gia, khu vực và quốc tế. Hà Nội phải làm gì trước cơ hội và khát vọng đầy tính tự trọng ấy? Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội chắc chắn phải là sản phẩm trí tuệ đa chiều của xã hội hợp thành, dựa trên cội nguồn văn hoá đặc sắc và các giá trị thiên nhiên đặc hữu vốn có của Thủ đô. Hà Nội cần một tầm nhìn, một chiến lược phát triển tổng thể, toàn diện, có tính đột phá nhưng  phải bền vững lâu dài. Trong đó, có chiến lược duy trì, bảo toàn được hệ thống khung thiên nhiên cơ bản, có giá trị cho nhiều thế hệ. Đó là đặc điểm cấu trúc địa hình đa dạng, phong phú, có đồi núi, đồng bằng, có hệ thống sông, hồ, cảnh  quan thiên nhiên, có hệ sinh thái nông nghiệp gắn với giá trị đặc sắc từng vùng văn hoá (Thăng Long, Sơn Nam Thượng, xứ Đoài) của Thủ đô mở rộng. Hệ khung thiên nhiên này không những góp phần làm tăng chất lượng môi trường sống, mà còn tạo nên bản sắc riêng cũng như sự hấp dẫn và tính cạnh tranh cao trong đô thị.

Một trong các yếu tố quan trọng của chiến lược ấy là sự cần thiết phải coi trọng việc hoạch định, bảo lưu một "Hệ thống cấu trúc xanh" trong tổng thể đô thị Hà  Nội. "Hệ thống cấu trúc xanh" này được hình thành trên cơ sở lấy "hành lang các con sông lớn" là sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích, gắn với hệ sinh thái nông nghiệp tạo nên các vành đai xanh chủ đạo và "không gian xanh, mặt nước các hồ lớn" làm trọng tâm để dẫn dắt lan toả theo các hành lang của hệ thống sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ, sông Nhuệ... Hệ thống các hồ lớn như hồ Tây, hồ  Hoàn Kiếm, hồ Bảy mẫu, hồ Thiền Quang, hồ Thanh Nhàn, hồ Ngọc Khánh, hồ Linh Đàm, các hồ Đồng Mô, Ngải Sơn, Quan Sơn (tất nhiên nguồn nước mặt của hệ thống sông, hồ này phải đảm bảo không bị ô nhiễm như hiện nay). Hệ thống các công viên lớn như Thống Nhất, Tuổi trẻ, Thanh Trì, Mỹ Đình và cần thiết có một số công viên tự nhiên (công viên rừng, công viên sinh thái) với quy mô nhiều trăm ha ở phía Bắc (Sóc Sơn, Mê Linh) phía Tây (Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Chương Mỹ...) và phía Nam (Mỹ Đức, Phú Xuyên). Coi trọng việc xây dựng phát triển vành đai xanh vùng sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tích với các hệ sinh thái đặc trưng về nông, lâm nghiệp, làng nghề truyền thống....

"Hệ thống cấu trúc xanh" này còn len lỏi vào hệ thống các tuyến đường giao thông, các khu chức năng đô thị của thành phố trung tâm và các đô thị vệ tinh, góp phần che phủ, giảm nhiệt độ hấp thụ đối với những bề mặt diện tích bê tông đồ sộ của các công trình xây dựng, hướng tới xây dựng Thủ đô Hà Nội thành một thành phố kiểu mẫu về môi trường. Bên cạnh đó, "Hệ thống cấu trúc xanh" này còn phải được kết nối với hệ thống không gian xanh vùng Thủ đô Hà Nội. Như vậy, thông qua "Hệ thống cấu trúc xanh" được hoạch định mà hai giá trị vật chất căn bản tạo dựng chất lượng môi trường sống trong đô thị Hà Nội là thiên nhiên và nhân tạo, đã được nhìn nhận một cách tích cực trong phát triển Thủ đô. Điều đó sẽ tạo ra cơ hội để Hà Nội không những trở thành một thành phố "thành phố xanh, sạch, đẹp", phát triển bền vững mà còn đảm bảo để Hà Nội có bản sắc, có những đặc tính riêng- một đô thị "đặc thù" gắn với các yếu tố đất, nước, cây xanh, văn hoá và con người, thực   hiện được khát vọng mang tính thời đại trước cơ hội về một tương lai đang mở rộng của Thủ đô- Hà Nội ngàn năm văn hiến.

 

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, số 8/2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)