Bệnh viện Hà Nội ở đâu trong quy hoạch chung Hà Nội

Thứ sáu, 11/09/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 1888, bệnh viện cho người Việt đầu tiên xây dựng ở Hà NộiBệnh viện đầu tiên ở Hà Nội là quân y viện- Bệnh viện Lanesssan (nay là chỗ BV Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Hữu nghị  Việt -Xô). Nó xuất hiện đồng thời với sự có mặt của đội quân xâm lược Pháp tại Hà Nội. Trên nền những lán quân y ban đầu, người Pháp xây dựng trong 3 năm, năm 1894 khánh thành, cổng chính quay ra sông Hồng, vì Bắc kỳ chưa có đường bộ, di chuyển hầu hết bằng đường thuỷ- thế mới gọi là Đồn Thuỷ. Năm 1887- 1888, dịch tả lớn ở Hà Nội, lính bệnh nặng, dễ lây nên phải cách ly chuyển ra ngoài. Do có mỗi một đường bộ duy nhất nối khu Đồn Tthủy với khu thành Hà Nội, nên men theo lối này ra chỗ đất trống (vốn là trường thi Hương) để dựng tạm nhà gỗ, làm trạm xá...Có một bà phước, tên thánh là Seur Antonie ra chăm sóc bệnh binh, thấy bà con Hà Nội cũng mắc bệnh nhiều nên phát thuốc làm phúc. Người đến ngày càng đông, năm 1888, bà xin vật liệu từ Đồn Thuỷ ra, dựng 3 gian nhà trên đất trống- khu này vốn là lỵ sở  phủ Hoài Đức do quan Phủ Doãn đứng đầu, giờ thì không còn nữa. Bệnh viện người Việt đầu tiên ở Hà Nội hình thành như vậy. Bà con ta gọi là nhà thương Phủ Doãn. Do nhiều bệnh nhân, nên bà Antonie nhờ bác sỹ Đồn Thuỷ ra khám giúp. Hoạt động đến năm 1904 thì bệnh viện bị Nhà nước bảo hộ xung công.

Kế hoạch di dời bệnh viện ra ngoài thành phố thời thuộc Pháp

Đồng thời với nhà thương Phủ  Doãn, bên đối diện cũng hình thành Nhà hộ sinh nằm trên khu đất của Tu viện Carmen, đến năm 1904 cơ sở này cũng bị xung công, nay là bệnh viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em (viện C).

Xây dựng bằng ngân sách Bắc Kỳ nên quy mô bệnh viện tăng nhanh, nhân viên y tế Nhà nước đến làm việc nhiều hơn. Bản đồ năm 1911 đã thấy chi chít nhà cửa, đến năm 1925 thì nhìn cơ bản giống như bây giờ.

Trong 30 năm, số dân Hà Nội tăng chậm, từ 10 vạn (1902) lên 15 vạn (1935), nhưng phân bố không cân đối: chỉ có 2000 người Pháp nhưng họ đã sở hữu một thành phố. Vị trí bệnh viện bất cập: ngoài hai bệnh viện sẵn có, giờ lại thêm bệnh viện quang tuyến (bệnh viện K). Bệnh viện Phủ Doãn thì  phần đông là bà con mắc bệnh nặng ở các tỉnh đưa về, hay người nghèo vào chữa bệnh làm phúc. Các bệnh viện này giờ đây nằm lọt giữa khu thị dân truyền thống phía bắc và khu phố tây sang trọng phía Nam. Năm 1926- 1927 Hà Nội có dịch tả lớn, bệnh viện Phủ Doãn không đủ chỗ, nhiều bệnh nhân nặng bị đưa ra nằm la liệt ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám, các vị nho sĩ Bắc kỳ bức xúc lắm. Sau đợt dịch, chính quyền Bắc Kỳ có kế hoạch mở rộng bệnh viện Phủ Doãn thành bệnh viện thực hành của Trường Cao đẳng Y Dược. Nhưng những công dân ở khu phố Tây phản ứng quyết liệt, dư luận báo chí Tây yêu cầu di chuyển bệnh viện đi chỗ khác. Ý kiến này có hiệu lực ngay: : một kế hoạch di chuyển bệnh viện lập tức được soạn thảo.

Vị trí bệnh viện mới do Robin- Thống sứ Bắc kỳ chỉ định, nằm rất xa trung tâm thành phố. Bản đồ 1929, giới hạn là đường Đại  Cồ Việt, bệnh viện còn định vị xa hơn: Bạch Mai, cánh đồng hoang vắng giữa một vùng hồ đầm chi chít. Bản đồ năm 1943 cho thấy nó ở tận cũng thành phố, lấy đất Hà Đông- quỹ đất đặc biệt (délegation spéciale)  Hà Nội. Khởi công năm 1929, đang tiến hành thì Robin hết nhiệm kỳ, lại gặp phải thời khủng hoảng kinh tế (1930- 1931)nên công việc phải dừng lại. Đến năm 1934 kinh tế Đông Dương hồi phục, lại vừa may Robin quay trở lại Hà Nội với chức trách cao hơn: toàn quyền đông Dương, nên việc xây dựng nhanh chóng tiến hành. Bệnh viện có quy mô lớn nhất Đông Dương lúc ấy, có đủ các khoa, từ đa khoa đến khoa nhi, khoa sản, nhưng chưa có khoa ngoại. Năm 1940, tất các các phòng ban, các khoa (trừ  khoa ngoại) ở Phủ Doãn đều chuyển xuống Bạch Mai.

Vị trí bệnh viện Hà Nội ở đâu năm 2030 tầm nhìn 2050?

Chỉ sau 30 năm xuất hiện (1888- 1928) vấn đề di dời bệnh viện ra khỏi trung tâm đã được đề cập. Vậy mà gần 70 năm sau (tháng 5/2007), vào thời điểm nạn tắc đường nội đô gay gắt cùng với dịch bệnh ngày một gia tăng, chính quyền thành phố Hà Nội vẫn cho nâng cấp mở rộng cả chục bệnh viện lớn nội thành: viện Mắt, Bạch Mai, viện C, Xanh pon, bệnh viện Nhi... Thực tế phản ánh sự lúng túng, bị động, chưa bao giờ vị trí bệnh viện trong các bản quy hoạch thành phố được xác định thuyết phục.

Ranh giới hành chính thành phố mở rộng liên tục, các khu dân cư tự phát và dự án kinh doanh bất động sản tràn lan. Những vùng ngoại ô lại nằm lọt vào trong lòng thành phố, các bệnh viện cũ đặt ở ven đô nay lại nằm giữ các khu dân cư như bệnh viện 354, 198, Y học cổ truyền, Giao thông, Thanh Nhàn...khi xây dựng thì ba mặt ruộng, hồ ao, nay nhà cửa vây kín. Các nhà khoa học dịch bệnh khẳng định là đặt các cơ sở y tế trong nội thành ẩn chứa nhiều hiểm hoạ, nơi tàng trữ nhiều vi rút gây bệnh đặt giữa khu dân cư dày đặc là rất nguy hiểm. Các  bệnh viện lớn Hà Nội đều có khoa truyền nhiễm và chỉ được cách ly bởi tấm biển chỉ dẫn và cửa sắt kéo?

Theo dự kiến đến năm 2020, Việt Nam có 1.300 bệnh viện và Viện nghiên cứu. Tổng số 250.000 giường bênh, 4 trung tâm y tế chuyên sâu tại Hà Nội, Huế- Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và 10 bệnh viện vùng. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 đề xuất có 10 trung tâm y tế tập trung. Thận trọng giữ lại 14.000 giường/200 ha tại đô thị cũ; ba trung tâm tả ngạn sông Hồng với 10.500 giường/400 ha (Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm) và 6 trung tâm phía Tây  13.000 giường/440ha (Sơn Tây, Hoà Lạc, Đan Phượng, Hà Đông, Đại Nghĩa, Phú Xuyên). Nếu kể cả các bệnh viện quận, huyện hiện có Hà Nội sẽ có hàng trăm bệnh viện mới với trên 50.000 giường bệnh (20% toàn quốc). Theo giới chuyên môn, suất đầu tư là 1 tỷ VNĐ/giường bệnh, thì cần 3 tỷ USD đầu tư bệnh viện Hà Nội (không kể hạ tầng và chuẩn bị đất đai). Dự kiến năm 2030, GPD của 10 triệu dân Hà Nội là 100 tỷ USD (10.000USD/người). Còn hiện nay (2009) thì GDP của 6 triệu cư dân hiện trạng có hơn 6 tỷ USD.

Các trung tâm đô thị chăm sóc sức khoẻ tương lai

Có thể đề xuất 10 trung tâm y tế này mới là ban đầu, vì thời gian nghiên cứu mới có 3 tháng, nên còn nhiều hạn chế. Thứ nhất là khu đô thị cũ còn 1/3 giường điều trị là giải pháp nửa vời. Thứ hai là các trung tâm bên ngoài bố trí vào chỗ còn quỹ  đất để xây dựng hơn là nơi cần thiết có mặt. Có 3 vị trí khả thi hơn cả là Đông Anh (nếu như cầu Nhật Tân hoàn thành); Phú Xuyên (nếu như tuyến đường sắt đô thị số 1 đưa vào sử dụng đồng bộ với các tuyến RBT) và Hoà Lạc. Ba vị trí này có cự ly giãn cách phù hợp và thuận đường giao thông. Về mạng lưới là hợp lý vì các tỉnh lân cận Hà Nội cũng đang quy hoạch các trung tâm y tế lớn với mục tiêu phục vụ tại chỗ và thu hút bệnh nhân trong các vùng lân cận. Toàn bộ 29 quận huyện còn lại chỉ cần đầu tư tập trung, đồng bộ để nâng cấp, mở rộng, nâng công suất phục vụ các bệnh viện địa phương và các cơ sở y tế hiện trạng.

Nhiều ví dụ những trung tâm y tế hiện đại tại Singapore, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển...thực tế là các tổ hợp đồng bộ từ nơi điều trị, viện nghiên cứu y dược, các trường đại học, cơ sở sản xuất thiết bị y tế và cả khu nhà ở của người nhà bệnh nhân nữa. Chẳng ai muốn ốm đau, nhưng có những bệnh tật bám theo cả cuộc đời. Ngay Hà Nội cũng có "xóm chạy thận". Giả sử người kiến trúc sư có cơ hội vẽ ra cái không gian có khả năng làm vợi đi nỗi đau khổ của người bệnh, hay gia đình họ thì cái sứ mạng nghề nghiệp của họ trở nên cao quý biết bao.

 

Nguồn: Tạp chí Kến trúc, số 8/2009.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)