Xây nhà cho người thu nhập thấp ở TP. HCM: Tín hiệu vui cho các doanh nghiệp

Thứ sáu, 09/12/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chỉ thị 24/CT-UB của UBND TP.HCM về chương trình xây dựng 30 nghìn căn nhà cho người thu nhập thấp có quy định mức lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp DN không quá 6% giá trị công trình.

Chỉ thị 24/CT-UB của UBND TP.HCM về chương trình xây dựng 30 nghìn căn nhà cho người thu nhập thấp có quy định mức lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp DN không quá 6% giá trị công trình. Với tỷ lệ lợi nhuận này thì chẳng DN nào muốn bỏ vốn để đầu tư, mặc dù khi xây chung cư cho người thu nhập thấp được hưởng nhiều ưu đãi. Tiến độ xây dựng nhà ở theo chương trình này ở các DNNN được giao chỉ tiêu thực hiện rất chậm. Các DN đều cho rằng là một đơn vị kinh doanh, muốn phát triển phải tuân theo quy luật của thị trường, do đó Nhà nước cần có sự thay đổi về chính sách để chương trình này sớm thành công.
Trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND TP và các DN xây dựng, bất động sản cuối tháng 11 vừa rồi, ông Nguyễn Văn Đua - Phó chủ tịch UBND TP đã nhìn nhận với mức lợi nhuận như thế thì khó tạo được sự tham gia tích cực của các DN, vì thế UBND TP sẽ xem xét lại và mức lợi nhuận tối thiểu có thể là 8%. Nhiều DN có dự án nhà ở đang đóng băng đã đề nghị TP mua lại chung cư với chi phí giải tỏa đất thực tế và họ sẵn sàng chuyển dự án nhà ở sang xây dựng chung cư. Việc TP mua lại chung cư để bố trí tái định cư nhưng tính chi phí đền bù đất theo bảng giá sẽ khiến DN lỗ nặng. Bởi theo các DN họ phải thương lượng tiền đền bù đất cho dân cao hơn giá đất TP ban hành rất nhiều. Ông Nguyễn Văn Đua cho biết, TP sẽ mua lại chung cư và đất nền của các DN với giá đền bù thực tế, nhưng cần phải xây dựng một lộ trình, UBND các quận, huyện phải duyệt chi phí đền bù của các DN, Sở Xây dựng phải duyệt chi phí xây dựng công trình.
Ông Nguyễn Phụng Thiều - Chủ tịch HĐQT Cty CP địa ốc Sài Gòn - Gia Định kiến nghị TP cho phép DN đền bù giải tỏa đến đâu thì được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất tạm đến đó để DN có thể dùng để thế chấp vay vốn ngân hàng vì có những dự án mà đơn vị đã bỏ ra gần 70 tỷ đồng để đền bù và đã có cơ quan chức năng xác nhận nhưng vẫn không thể vay ngân hàng dù số tiền chỉ vài tỷ đồng. Về vấn đề này ông Trần Thế Ngọc - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường đã đề xuất một số giải pháp giúp DN có thể vay vốn ngân hàng như: cấp giấy từng thửa đất bằng cách chuyển quyền sử dụng đất từ người dân sang DN hoặc có thể cấp GCNQSDĐ sau khi DN thực hiện xong các khâu bồi thường, nộp tiền sử dụng đất và xong phần quy hoạch chi tiết, căn cứ theo các quy phạm pháp luật thì các giải pháp này hoàn toàn hợp lệ và TP có thể áp dụng. Ông Đào Đức Nghĩa - Giám đốc Cty CP KTXD & VLXD COTEC cho rằng, DN đầu tư bất động sản rất khó khăn về đầu ra, nhất là các công trình cao cấp như Bitexco, Saigon Pearl có giá gần 2.000 USD/m2 thì rất khó bán cho người dân trong nước, trên thực tế thì những người mua căn hộ ở đây hầu hết là Việt kiều hoặc người nước ngoài bằng nhiều cách khác nhau. Nên chăng cho phép thí điểm để DN thu hút đầu tư bằng việc cho phép các Việt kiều, chuyên gia nước ngoài được quyền sở hữu căn hộ.

Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 98, ngày 8/12/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)