Điều chỉnh quy hoạch VLXD vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010

Thứ ba, 13/12/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đồng bằng sông Cửu Long ĐBSCL còn gọi là miền Tây Nam Bộ bao gồm 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, có diện tích tự nhiên 39.889 km2 chiếm 12,3% diện tích cả nước, dân số 16.385.000 người chiếm 21% dân số cả nước.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực có cơ sở hạ tầng thấp kém và có số lượng dân cư sử dụng nhà tranh vách đất lớn nhất trong cả nước. Theo số liệu tổng điều tra về nhà ở năm 1999 của Tổng cục Thống kê, vùng ĐBSCL có số lượng nhà thô sơ lớn nhất cả nước chiếm 50-55%, cả nước bình quân chung 25-26%.Tại các vùng ngập lũ số nhà kiên cố và bán kiên cố chỉ chiếm 20% và số nhà tạm là 80%.
Trong những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chương trình nghiên cứu và đầu tư nhằm phát triển cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đồng bào vùng ĐBSCL. Dự án điều chỉnh quy hoạch VLXD vùng ĐBSCL đến năm 2010 là một trong những công trình tham gia đóng góp vào chương trình của cả nước nhằm định hướng cho ngành công nghiệp VLXD vùng ĐBSCL phát triển, khai thác có hiệu quả những nguồn lực sẵn có, tạo ra nhiều loại sản phẩm VLXD mới thích hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục tập quán, thu nhập của dân cư, tạo điều kiện cho dân cư ĐBSCL có cuộc sống an toàn, ổn định với lũ và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, để đáp ứng cho xây dựng hạ tầng cơ sở, các tuyến cụm dân cư chống lũ, tôn nền đắp đê cao, xây dựng nhà ở, công trình công cộng: trường học, trụ sở, trạm y tế và các khu công nghiệp... nhu cầu VLXD trong vùng ĐBSCL sẽ tăng nhanh đặc biệt là xi măng, đá xây dựng, cát xây dựng, bê tông, các loại vật liệu bao che, vật liệu làm mái...
Sau khi rà soát, đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch VLXD vùng ĐBSCL đến năm 2010 đã được BXD phê duyệt, dự án đã rút ra được một số nội dung quy hoạch không phù hợp với tình hình thực tế tại ĐBSCL và điều chỉnh lại như sau:
- Vật liệu xây dựng:
+ Giảm bớt phát triển gạch bloc, toàn vùng trong giai đoạn từ nay đến năm 2010 chỉ đầu tư thêm 2 cơ sở sản xuất gạch bloc tại An Giang và Kiên Giang.
+ Sản xuất gạch nung lò tuy nen vẫn phát triển, để thay thế gạch thủ công nhưng tiến độ xoá bỏ sản xuất gạch nung lò thủ công sẽ chậm lại.
- Vật liệu lợp:
Chủ yếu phát triển sản xuất các loại tấm lợp kim loại. Giảm tỷ lệ ngói nung từ 30% xuống 12% trong cơ cấu vật liệu lợp. Năng lực sản xuất vật liệu lọp vùng ĐBSCL năm 2010 đạt 18 triệu m2 tăng 25% so với phương án quy hoạch đã được phê duyệt.
- Cát xây dựng:
Đẩy nhanh tốc độ phát triển khai thác cát vàng của vùng để đến năm 2010 sản lượng cát vàng trong vùng đạt 7,5 triệu m3 vượt so với phương án quy hoạch cũ 120%.
- Vật liệu trang trí hoàn thiện:
+ Không tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất gạch bông, mà chỉ duy trì ở sản lượng hiện nay là 2,5 triệu viên/năm, giảm so với phương án cũ 12 triệu viên.
+ Đối với gạch ceramic: Phát triển thêm một cơ sở sản xuất gạch ốp lát tại tỉnh An Giang, nơi có nguồn nguyên liệu tại chỗ đạt chất lượng.
+ Đối với đá ốp lát: Không đầu tư thêm cơ sở khai thác chế biến đá ốp lát tại Kiên Giang mà chỉ đầu tư mở rộng cơ sở hiện có tại An Giang nâng công suất lên 20.000 m2 vào năm 2005 và 40.000 m2 vào năm 2010.
+ Đối với ván sàn tre: Không đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất ván sàn tre tại Trà Vinh, đầu tư một số cơ sở tấm trần nhựa.
- Vật liệu xây dựng nhà ở cho dân cư có thu nhập thấp và dân cư vùng ngập lũ đã được dự án điều chỉnh quy hoạch VLXD vùng ĐBSCL đề xuất với phương án phát triển một số chủng loại VLXD mới như khung nhà bê tông ứng lực trước, tấm tường bê tông nhẹ trên cơ sở sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như sợi sơ dừa, tro trấu hoặc hạt xốp với các loại phụ gia; tấm ván ép bã mía; tấm phẳng amiăng xi măng, tấm vách lá dừa nước... Đây là các loại VLXD phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, phong tục tập quán cũng như khả năng tối đa sử dụng vật liệu địa phương kết hợp với những công nghệ vật liệu mới tiên tiến.
Nếu phát huy được tối đa năng lực sản xuất trên đây thì tới năm 2010 sản xuất VLXD trong vùng đáp ứng dược phần lớn nhu cầu các loại VLXD cơ bản nhất như xi măng, vật liệu xây, vật liệu lợp., cát xây dựng, gạch ốp lát, các loại bê tông đúc sẵn như cột điện, ống nước, cọc, cột... Ngoài ra vùng ĐBSCL còn có thể cung ứng một số chủng loại VLXD cho các vùng khác như gạch ốp lát tráng men, đá ốp lát, ván nhân tạo, cát vàng. Không những thế, một số sản phẩm VLXD trong vùng có thể tham gia xuất khẩu như gạch ceramic, đá ốp lát, ván nhân tạo.
Tuy nhiên có một số sản phẩm VLXD, vùng ĐBSCL chưa có khả năng sản xuất được hoặc sản xuất trong vùng không đủ để đáp ứng nhu cầu cần phải cung ứng từ các vùng khác hoặc nhập khẩu như, sứ vệ sinh, kính xây dựng, tiểu ngũ kim xây dựng, gạch ngói nung...
Trên cơ sở điều tra khảo sát thị trường hiện nay và dự báo thị trường VLXD đến năm 2010, xác định những nguồn lực, thuận lợi cơ bản và khó khăn những hạn chế trong vùng, phương án điều chỉnh quy hoạch VLXD vùng ĐBSCL đã đề cập đến 10 chủng loại VLXD thiết yếu nhất phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng công nghiệp, xây dựng dân dụng và xây dựng nhà ở cho dân cư mà vùng ĐBSCL có khả năng phát triển để đáp ứng nhu cầu. Dự án đã chú trọng tới một số loại VLXD mới thích hợp cho phát triển nhà khu vực ngập lũ và một số loại vật liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với mỗi chủng loại VLXD, đều có định hướng phát triển và phương án cụ thể về quy mô, công nghệ, thiết bị, tiến độ thực hiện và khả năng giải quyết về nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ và bố trí địa điểm đầu tư. Tuy nhiên, để phát triển sản xuất VLXD, vùng ĐBSCL rất cần đến các cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể của Nhà nước và các địa phương để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất VLXD, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt với giá thành thấp, giúp cho người dân ĐBSCL có điều kiện xây dựng nhà ở, cải thiện đời sống.

KS. Nguyễn Thị Hồng - KS. Tạ Khánh Hiệp
Nguồn tin: Tuyển tập các công trình Nghiên cứu KHCN VLXD 1999 - 2004

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)