Điều chỉnh quy hoạch vật liệu xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và Định hướng đến năm 2020

Thứ hai, 12/12/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tây Nguyên bao gồm 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng với diện tích tự nhiên 54.460 km2, dân số năm 2000 là 4.271.093 người. Mặc dù được Đảng và Nhà nước hỗ trợ về mọi mặt để phát triển kinh tế xã hội, nhưng đến năm 2000 nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội còn thấp thua nhiều so với mức trung bình của cả nước và các vùng khác: bằng 56% về GDP/người; tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 24,9%, cao nhất trong cả nước.
Kết cấu hạ tầng chưa phát triển, đặc biệt là giao thông ở vùng sâu, vùng xa. Ngày 30/10/2001 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 168/2001/QĐ-TTg về phương hướng phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2010 đã xác định định hướng dài hạn và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tạo sự phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, tiến tới trở thành một trong những vùng kinh tế động lực của cả nước.
Ngành VLXD của Tây Nguyên trong thời gian qua cũng cần được đánh giá và xem xét lại, trên cơ sở đó xây dựng phương án phát triển cho phù hợp thực tế hiện nay.Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch VLXD vùng Tây Nguyên là cần thiết và dự án Điều chỉnh quy hạch VLXD vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 sẽ thay thế cho dự án đã được Bộ Xây dựng phê duyệt trong quyết định số 2131/QĐ-BXD ngày 28/12/2001 với những nội dung chính như sau:
- Xi măng:
Giai đoạn 2001-2005: Đầu tư thêm một số trang thiết bị để hoàn thiện và duy trì công suất nhà máy Xi măng Yaly như hiện tại. Tiếp tục đầu tư hoàn thành xây dựng trạm nghiền măng tại Công ty Xi măng Gia Lai công suất 50.000 tấn/năm, đến cuối năm 2001 đưa vào hoạt động, tiếp tục đầu tư thay thế cấc lò nung xi măng cũ bằng lò nung ghi quay  2,5  10 m đưa công suất lên 60.000 T/năm.
- Vật liệu xây:
+ Đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất gạch tuy nen với quy mô sản xuất từ 5 - 20 triệu viên/năm tuỳ theo nhu cầu thị trường tập trung hay phân tán.
+ Khuyến khích các tổ hợp, hợp tác xã, các doanh nghiệp tư nhân đầu tư nâng cấp công nghệ chuyển đổi từ lò đứng sang sản xuất gạch bằng lò tuy nen nhỏ công suất 5-7 triệu viên tiêu chuẩn/năm hoặc sản xuất các vật liệu không nung. Hướng dẫn việc sử dụng than thay cho củi đốt gạch để loại bỏ dần việc sử dụng củi đốt gạch.
+ Nâng dần tỷ lệ các loại vật liệu xây không nung, phấn đấu đến năm 2005 đạt 15-20%, đến năm 2010 đạt 25-30% trong cơ cấu vật liệu xây. Đa dạng hoá các loại vật liệu xây không nung gồm các loại gạch bloc bê tông, gạch vôi puzolan, đá chẻ, đá đẽo, các cấu kiện bê tông đúc sẵn.
Năng lực sản xuất vật liệu xây đến năm 2005 dự kiến sẽ đạt 497 triệu viên, đến năm 2010 đạt 662 triệu viên.
- Vật liệu lợp:
+ Giai đoạn 2001-2005: Duy trì sản xuất ngói nung tại các tỉnh với sản lượng 11 triệu viên/ năm tương đương 0,5 triệu m2/năm và các cơ sở tấm lợp kim loại đã được đầu tư tại Gia Lai, Đăk Lăk với tổng công suất 3,2 triệu m2/năm. Đầu tư xây dựng mới 2 cơ sở sản xuất tấm lợp kim loại, công suất mỗi cơ sở 500.000m2/năm tại thị xã Kon Tum và thị trấn Đức Trọng - Lâm Đồng. Đầu tư một số dây chuyền sản xuất ngói Roman tại một số huyện để cung cấp cho nhu cầu tại chỗ công suất năm 2005 dự kiến 120.000 m2.
+ Giai đoạn 2006-2010: Đầu tư mở rộng nâng công suất các cơ sở sản xuất tấm lợp kim loại tại thị trấn Đức Trọng - Lâm Đồng lên 1 triệu m2/năm; Xí nghiệp cơ khí Gia Lai lên 1,3 triệu m2/năm.
Năng lực sản xuất vật liệu lợp đến năm 2005 dự kiến là 4,82triệu m2; đến năm 2010 là 5,82 triệu m2/năm.
- Đá xây dựng:
Đầu tư chiều sâu để khai thác hết công suất hoặc mở rộng một số mỏ đá hiện có. Đầu tư xây dựng một số mỏ mới ở những khu vực chưa có mỏ đá để khai thác và cung ứng tại chỗ, giảm bớt việc cung cấp từ xa và đẩy mạnh việc khai thác sỏi thay thế một phần đá dăm trong xây dựng.
Đến năm 2005 năng lực khai thác đá sỏi xây dựng trong toàn vùng dự kiến đạt 2,325 triệu m2 và năm 2010 là 3,15 triệu m2.
- Cát xây dựng:
+ Đầu tư một số mỏ cát để phục vụ cho những công trình xây dựng có nhu cầu lớn, tập trung như các nhà máy thuỷ điện, các khu công nghiệp, các đô thị lớn sẽ được đầu tư trong vùng từ nay đến năm 2010. Khuyến khích việc thành lập các tổ hợp, HTX khai thác cát với quy mô vừa và nhỏ, duy trì và mở rộng việc khai thác cát của các thành phần kinh tế khác để đáp ứng nhu cầu tại chỗ.
+ Đẩy mạnh việc khai thác cát tại Kon Tum đặc biệt khu vực quanh thị xã và huyện Sa Thầy để cung cấp một phần cho tỉnh Gia Lai.
+ Tiến hành khảo sát các điểm cát dọc sông Đa Dâng thuộc các xã Đăk Blao, Quảng Khê, Đạo Nghĩa, Đăk Sơn để khai thác cung cấp cho các huyện Đăk Nông, Đăk Rlấp tỉnh Đăk Lăk giảm bớt việc đưa cát từ xa đến.
Năng lực khai thác cát xây dựng trên toàn vùng đến năm 2005 dự kiến đạt 1,67 triệu m3; năm 2010 đạt 2,36 triệu m3.
- Đá khối và đá ốp lát:
+ Giai đoạn 2001-2005: Đầu tư mở rộng một số mỏ khai thác đá khối tại Gia Lai. Duy trì cơ sở gia công đá ốp lát tại Lộc An huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng đưa tổng công suất lên 24.000 m2/năm. Đến năm 2005 năng lực khai thác đá khối dự kiến là 2.500 m3 và chế biến đá ốp lát là 14.000 m2; đến năm 2010 khai thác đá khối là 6.000 m3 và chế biến đá ốp lát là 34.000 m2.
- Bê tông:
+ Đầu tư chiều âu để phát huy hết công suất các cơ sở sản xuất hiện có.
+ Đầu tư một số cơ sở sản xuất bê tông đúc sẵn ở các tỉnh.
+ Đầu tư một số trạm trộn bê tông ở khu vực các đô thị, các khu công nghiệp tập trung tại các tỉnh.
Năng lực sản xuất bê tông dự kiến đến năm 2005 là bê tông đúc sẵn: 28.000 m3, bê tông tươi: 75.000 m3; đến năm 2010 bê tông đúc sẵn: 32.000 m3, bê tông tươi: 175.000 m3.
- Vật liệu chịu lửa:
Tiếp tục triển khai thực hiện dự án sản xuất gạch chịu lửa samốt, công suất 5000 tấn/năm tại Lâm Đồng.
- Gạch lát:
Tiếp tục duy trì và phát huy công suất các cơ sở hiện có, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng để tiêu thụ tốt sản phẩm.
- Ván nhân tạo:
+ Duy trì và mở rộng các cơ sở sản xuất tấm trần, ván ép, ván dăm hiện có tại Đăk Lăk đạt công suất 40.000 m3 năm 2005 và 50.000 m3 năm 2010.
+ Tiếp tục đầu tư để hoàn thành việc xây dựng nhà máy sản xuất ván ép sợi cứng MDF tại huyện An Khê - Gia Lai, công suất 54.000 m3/năm.
+ Giai đoạn 2001-2005 đầu tư 2 cơ sở sản xuất gỗ ván ép tại: Khu công nghiệp Đăk Tô - Kon Tum và thị trấn Gia Nghĩa - Đăk Lăk. Trong giai đoạn 2006 - 2010 tiếp tục đầu tư các cơ sở tại thị trấn Buôn Hồ - Đăk Lăk và thị xã Bảo Lộc - Lâm Đồng. Công suất mỗi cơ sở 3.000 m3/năm.
- Vật liệu nhựa:
Giai đoạn 2006-2010, đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất vật liệu nhựa tại Khu công nghiệp Hoà Bình - Kon Tum, các sản phẩm sẽ sản xuất gồm ống PVC, PE, PP dùng trong cấp thoát nước, tấm lợp nhựa hoặc tấm nhựa PVC rỗng. Công suất: 1000 tấn/năm.
- Khai thác chế biến nguyên liệu:
+ Đầu tư mở rộng khai thác fenspat Iakbo - Đăk Lăk đến năm 2005 đạt công suất 100.000 tấn/năm.
+ Đầu tư khai thác chế biến cao lanh tinh lọc tại Trại Mát - Lâm Đồng. Đến năm 2005 đạt công suất 30.000 tấn/năm.
- Phương hướng giải quyết VLXD cho nhân dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa:
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ở vùng sâu, vùng xa chủ yếu cần đáp ứng một số loại VLXD như xi măng, vật liệu xây, vật liệu lợp và có thể phát triển các loại VLXD dễ khiếm, rẻ tiền phục vụ cho nhu cầu trước mắt. Đối với vật liệu xây có thể phát triển các loại gạch không nung như gạch xi măng - đá mạt, xi măng - cát sỏi, đá chẻ, đá đẽo; vật liệu lợp là các loại ngói nung Roman. Có thể kết hợp chính sách hỗ trợ về nhà ở cùng các chương trình 135, chương trình xoá đói giảm nghèo để cung cấp cho huyện, xã các bộ thiết bị sản xuất gạch bloc bê tông nhỏ công suất 1 triệu viên/năm; thiết bị sản xuất ngói Roman công suất 3000 m2/năm, các vật tư và những hướng dẫn cần thiết dể sản xuất các loại VLXD trên, cung cấp cho xây dựng của đồng bào. Về lâu dài sẽ từng bước thay thế các loại VLXD cổ truyền như gỗ tre nứa lá ở những khu vực đồng bào dân tộc có điều kiện kinh tế khá nhằm cải thiện bộ mặt xây dựng kiến trúc và cải thiện đời sống của nhân dân.

KS. Hoàng Văn Nhượng
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)