Điều chỉnh quy hoạch VLXD vùng Nam Trung Bộ đến năm 2010

Thứ hai, 12/12/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh, thành phố thuộc vùng duyên hải miền Trung: TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận với tổng diện tích đất tự nhiên gần 45,4 nghìn km2 và tổng số dân là gần 8,3 triệu người.
Năm 1997 Bộ trưởng BXD đã ra văn bản phê duyệt dự án quy hoạch VLXD vùng Nam Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Viện KHCN VLXD nghiên cứu xây dựng trong năm 1995 - 1996. Trong những năm vừa qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng Nam Trung Bộ có nhiều thay đổi, đặc biệt là công tác đầu tư XDCB trong các ngành công nghiệp, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng và phát triển đô thị, nông thôn,... nên nhu cầu VLXD đã dự báo cũng như phương án quy hoạch xây dựng trước đây cũng cần được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Ngày 23/9/1998 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến năm 2010, trong chỉ thị đã nêu rõ: "... Đối với các ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành xây dựng quy hoạch và đã được phê duyệt, cần triển khai rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và nhu cầu mới...". Xuất phát từ những yêu cầu trên, năm 1999 Bộ Xây dựng đã giao cho Viện KHCN VLXD nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch VLXD vùng Nam Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Định hướng đầu tư phát triển sản xuất một số chủng loại VLXD của vùng Nam Trung Bộ được điều chỉnh như sau:
- Xi măng:
+ Đầu tư chiều sâu, đồng bộ hoá sản xuất, tìm thị trường và gắn các cơ sở nghiền với các nguồn clinker ổn định để phát huy có hiệu quả năng lực của các cơ sở hiện có.
+ Duy trì và ổn định sản xuất của các cơ sở, phấn đấu đạt công suất thiết kế để tự cung ứng cho địa bàn và cung ứng một phần cho Tây Nguyên. Lượng xi măng còn thiếu sẽ được cung ứng chủ yếu từ vùng Bắc Trung Bộ vào theo đường biển.
+ Đầu tư một số trạm tiếp nhận và phân phối xi măng tại một số tỉnh trong vùng có các nước sâu như Dung Quất ở Quảng Ngãi, Quy Nhơn ở Bình Định, Cam Ranh ở Khánh Hoà..., với năng lực 300 - 500 nghìn tấn/năm.
+ Đối với các cơ sở xi măng lò đứng, sau năm 2005 có thể ngừng sản xuất clinker và chuyển sang nghiền xi măng để tự cung ứng một phần xi măng trong tỉnh.
+ Tuỳ theo điều kiện cụ thể và nhu cầu thị trường, có thể đầu tư nhà máy xi măng Thạch Mỹ ở Quảng Nam, công suất 1,4 triệu tấn/năm.
- Đá xây dựng:
+ Vùng Trung Nam Bộ hiện có năng lực khai thác đá khoảng 4,3 triệu m3/năm, so với nhu cầu năm 2005, đã có khả năng thoả mãn được nhu cầu của toàn vùng. Vì vậy trong giai đoạn này không đầu tư cơ sở mới nào mà chỉ đầu tư chiều sâu và đồng bộ hoá các dây chuyền khai thác và nghiền để phát huy tốt công suất thiết kế của các cơ sở hiện có. Đồng thời, sắp xếp lại các cơ sở khai thác thủ công để tránh khai thác lãng phí tài nguyên, các cơ sở khai thác gần các đô thị, các di tích lịch sử... cần dẹp bỏ.
+ Giai đoạn 2006 - 2010 có thể đầu tư thêm hoặc mở rộng, nâng công suất của một số cơ sở khai thác đá, chủ yếu ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Bình Định và Ninh Thuận với công suất 100 - 150 nghìn m3/năm.
- Vật liệu xây, lợp:
* Vật liệu xây:
+ Ngoài phát triển gạch nung, Nam Trung Bộ sẽ phát triển sản xuất gạch không nung như gạch bloc, đá chẻ, đá ong để nâng dần tỷ trọng gạch không nung, thay thế cho gạch nung nhằm tiết kiệm nguyên liệu đất sét ruộng và giảm việc gây ô nhiễm môi trường.
+ Đầu tư chiều sâu, mở rộng nâng công suất một số cơ sở hiện có và đầu tư mới một số dây chuyền gạch tuy nen với công suất 7 - 10 triệu viên/năm ở các tỉnh trong vùng tuỳ theo nhu cầu và thị trường. Bên cạnh đó, giảm dần và tiến tới xoá bỏ hoàn toàn vào năm 2010 các cơ sở sản xuất gạch nung lò thủ công.
+ Đầu tư một số cơ sở sản xuất gạch bloc ở một số tỉnh trong vùng với các dây chuyền RE 400, RE 800 của Công ty Cơ khí Xây dựng số 4 hoặc các hệ thiết bị của Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ,... với công suất khoảng 20 - 24 triệu viên/năm đồng thời cần mở rộng sản xuất đá chẻ, đá ong ở các tỉnh có nguồn nguyên liệu tốt.
* Vật liệu lợp:
Hiện nay Nam Trung Bộ hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu vật liệu lợp của toàn vùng. Vì vậy, từ nay đến năm 2010, dự kiến chỉ đầu tư chiều sâu, đồng bộ hoá sản xuất để phát huy tốt năng lực của các cơ sở hiện có.
- Gốm sứ xây dựng:
+ Ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất với quy mô vừa và lớn, với kỹ thuật và công nghệ hiện đại để sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài vùng.
+ Các cơ sở sản xuất gốm sứ xây dựng sẽ được xây dựng gần các trung tâm tiêu thụ lớn như Tp. Đà Nẵng, khu kinh tế mở Chu Lai, Tp mới Vạn Tường, Quy Nhơn, Nha Trang,... và gần nguồn nguyên liệu chủ yếu.
- Đá khối và đá ốp lát:
+ Đầu tư thêm một số cơ sở khai thác và gia công đá ốp lát với thiết bị và công nghệ hiện đại, quy mô vừa và lớn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để có thể cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước.
+ Giai đoạn trước mắt có thể xuất khẩu đá khối để tạo nguồn kinh phí đầu tư các dây chuyền gia công đá ốp lát trong khi còn đang có nhiều khó khăn về vốn, nhưng sau đó sẽ giảm dần và sau năm 2010 tiến tới không xuất khẩu đá khối để tiết kiệm tài nguyên, tập trung nguyên liệu để gia công đá ốp lát, vừa tạo được việc làm cho người lao động, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
- Các loại vật liệu khác:
Ngoài các loại VLXD chủ yếu trên, Nam Trung Bộ còn phát triển một số loại vật liệu khác như khai thác và gia công các loại nguyên liệu cát trắng, cát vàng, cao lanh, fenspat, phụ gia xi măng,..., sản xuất sợi thuỷ tinh, vật liệu nhựa, gỗ ván ép nhân tạo, vật liệu chóng thấm,...
Phương án quy hoạch VLXD vùng Nam Trung Bộ đã đề xuất những công trình dự kiến đầu tư phát triển sản xuất VLXD nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng của vùng để thoả mãn nhu cầu thị trường và góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở các tỉnh thuộc vùng Nam Trung Bộ.

KS. Đào Thị Thắng
Nguồn tin: Tuyển tập các công trình Nghiên cứu KHCN VLXD 1999 - 2004

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)