Hiện trạng sản xuất tấm lợp amiăng - xi măng ở Việt Nam và lộ trình cải tạo công nghệ, xử lý môi trường

Thứ năm, 16/02/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tấm lợp amiăng - xi măng A/C đã được sản xuất ở Việt Nam từ năm 1963, cho đến này đã có hơn 40 năm phát triển, đặc biệt là trong 15 năm gần đây, sản xuất tấm lợp amiăng - xi măng đã trở thành ngành công nghiệp phát triển rộng khắp trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với 36 cơ sở sản xuất, tổng công suất 74,2 triệu m2/năm, trong đó:
- 2 cơ sở được đầu tư năm 1963, tổng công suất 15 triệu m2/năm.
- 3 cơ sở được đầu tư năm 1980 - 1990, tổng công suất 16,3 triệu m2/năm.
- 21 cơ sở được đầu tư năm 1991 - 2000, tổng công suất 31,1 triệu m2/năm.
- 10 cơ sở được đầu tư năm 2001 - 2004, tổng công suất 11,8 triệu m2/năm.
Sản xuất tấm lợp A/C đã thu hút một lực lượng lớn lao động, bình quân khoảng 300 lao động một cơ sở, có cơ sở sản xuất có tới 400 - 500 lao động. Tổng số lao động sản xuất tấm lợp A/C hiện nay lên tới trên 10.000 người.
Sản lượng tấm lợp của cả nước từ năm 2001 đến nay vẫn liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,4% /năm, cụ thể:
• Năm 2001: 56,55 triệu m2.
• Năm 2002: 61,70 triệu m2.
• Năm 2003: 65,65 triệu m2.
• Năm 2004: 68,75 triệu m2.
• Dự kiến năm 2005: 78,24 triệu m2.
So với lượng ngói nung trên cả nước thì sản lượng tấm A/C trong các năm từ 2001 đến nay thường lớn hơn khoảng 3,5 - 4 lần, cho thấy tấm lợp amiăng - xi măng đã góp phần to lớn vào việc giải quyết nhu cầu vật liệu lợp ở nước ta.
Công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm thấp, cá biệt sản phẩm A/C của một vài cơ sở không đạt tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cả về kích thước và các tính chất cơ lý nên việc tiêu thụ sản phẩm gần đây đã trở nên khó khăn hơn.
Công nghệ sản xuất tấm lợp A/C ở Việt Nam là công nghệ xeo ướt - công nghệ phổ biến của thế giới. Hiện tại chỉ có 5 cơ sở có công nghệ tương đối hoàn chỉnh, trình độ cơ giới hoá tương đối cao, điển hình là Công ty cổ phần tấm lợp VLXD Đồng Nai, Công ty cổ phần Nam Việt, Công ty cổ phần tấm lợp & VLXD Đông Anh, còn hầu hết các cơ sở sản xuất đều thuộc loại quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, bán cơ giới, nhiều công đoạn sản xuất thủ công như tháo bao, đổ bao, tạo hình, tháo khuôn, chuyển khuôn, chuyển tấm... Do những hạn chế và tồn tại về công nghệ mà ở nhiều cơ sở sản xuất tấm lợp quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu đã gây ra ô nhiễm môi trường sản xuất cũng như môi trường xung quanh, người lao động chưa có được điều kiện làm việc tốt nhất, ngoài những lý do khách quan còn do ý thức chủ quan của mỗi cơ sở, mỗi con người, nhất là vai trò quan trọng của người đứng đầu trong các doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, giá sản phẩm tấm lợp đã giảm rất nhiều trong khi giá amiăng tăng, kéo theo lợi nhuận trong sản xuất tấm lợp giảm đáng kể. Chính vì vậy, nguồn vốn tích luỹ tại các cơ sở không nhiều, nhất là các cơ sở mới đầu tư năm 2004 nên việc tiếp tục cải tạo đồng bộ sẽ gặp khó khăn. Nhưng cũng có một số cơ sở tư nhân chỉ chú trọng đầu tư ra sản phẩm để bán chứ không quan tâm đến điều kiện làm việc của công nhân, đến những quy định về môi trường; hoặc có một số cơ sở do địa điểm sản xuất phải đi thuê nên rất chật hẹp, không có điều kiện quy hoạch lại nhà xưởng, không ổn định do khả năng phải di dời nên đã không chú trọng đến việc đầu tư bảo vệ môi trường như: Công ty cổ phần Nam Long, Công ty TNHH Vân Long và Công ty sản xuất kinh doanh VLXD Nghệ An. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều cơ sở sản xuất tấm lợp đã chú trọng đến việc đầu tư cải tạo công nghệ và xử lý ô nhiễm môi trường, đã đạt được những kết quả rất khả quan như:
- Năm 2001 các chuyên gia của Nga sang Việt Nam giúp Công ty cổ phần tấm lợp và VLXD Đồng Nai cải tạo dây chuyền sản xuất nâng cao sản lượng và giảm thiểu chất thải rắn. Hiện nay dây chuyền sản xuất tấm lợp của Công ty đã có mức độ cơ giới hoá cao và khép kín hoàn toàn.
- Công ty cổ phần Nam Việt cũng đã cải tạo lại nhà xưởng đảm bảo thông thoáng, đã đầu tư nâng cấp cải tạo thiết bị, dây chuyền công nghệ nên có mức độ cơ giới hoá cao, khép kín hoàn toàn khâu nạp trộn phối liệu.
- Công ty cổ phần tấm lợp & VLXD Đông Anh phối hợp cùng Viện Vật liệu xây dựng - BXD, trường ĐH Xây dựng, Vụ Khoa học công nghệ - BXD đã thực hiện thành công các dự án cải thiện môi trường. Hiện nay Công ty đã xử lý triệt để được bụi, nước thải và chất thải rắn.
- Một số cơ sở sản xuất tấm lợp đã chuyển sang sử dụng xi măng rời, vận chuyển xi măng bằng xi téc và bơm lên silô chứa kín hoặc chuyển xi măng vào silô bằng băng tải kín, bằng vít tải kín, cân đong tự động chuyển vào bể trộn.
- Nhiều cơ sở đã xây thêm các bể lắng lọc nước thải nhiều cấp và xây hồ chứa để xử dụng lại nguồn nước thải một cách triệt để cho sản xuất nhất là ở những khu vực hiếm nước.
- Một số cơ sở đã xử lý triệt để đối với nước thải bằng phương pháp sục khí thừa của lò đốt nồi hơi để khử đọ pH và hệ thống bể lắng nhiều cấp để lọc chất lơ lửng trước khi thải ra môi trường.
- Một số cơ sở đã nghiên cứu xử lý chất thải rắn để tái sử dụng trong sản xuất tấm lợp hoặc chế tạo sản phẩm khác đã giảm thiếu tối đa chất thải rắn ra môi trường.
- Một số cơ quan nghiên cứu như Viện Vật liệu xây dựng, Viện Công nghệ Bộ Công nghiệp đã phối hợp với các cơ sở sản xuất tấm lợp nghiên cứu sản xuất tấm lợp không amiăng để đa dạng hoá sản phẩm tấm lợp. Hiện tại, Viện Vật liệu xây dựng, Công ty cổ phần Nam Việt và Công ty Elkem Na Uy đang triển khai dự án hợp tác quốc tế: Hoàn thiện công nghệ sản xuất tấm lợp không amiăng do NORAD tài trợ.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 133/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 về sửa đổi một số điều của Quyết định 115, theo đó chỉ nghiêm cấm việc sử dụng amiăng amphibon nâu và xanh, nhưng vẫn cho phép sử dụng amiăng trắng, loại vật liệu đang được các doanh nghiệp sử dụng để sản xuất tấm lợp amiăng-xi măng, song phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường và y tế. Quyết định số 133/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra một thời kỳ mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm có thể tiếp tục sản xuất trên dây chuyền hiện có. Tuy nhiên để khắc phục những tồn tại, những yếu kếm đang hiện hữu đòi hỏi các cơ sở phải có sự đầu tư cải tạo, nâng cấp công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường, chấp hành nghiêm chỉnh Quyết định số 133/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp cần thực hiện tốt lộ trình cải tạo xử lý môi trường đã được Bộ Xây dựng đề xuất, như sau:
- Đối với các cơ sở có công suất lớn, lượng chất thải nhiều hơn nên đòi hỏi phải tiến hành việc đầu tư cải tạo công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường khẩn trương theo hướng cải tạo hoàn chỉnh cơ giới hoá khép kín đồng bộ. Tiến độ hoàn thành vào 6 tháng đầu năm 2006.
- Đối với các cơ sở đã xử lý ô nhiễm song chưa triệt để và toàn diện cần tiếp tục tiến hành xử lý để có thể hoàn thiện trong năm 2006.
- Đối với các cơ sở chưa thực hiện đầu tư cải tạo xử lý ô nhiễm môi trường, có khó khăn về nguồn vốn sẽ tiến hành từng bước đối với từng tác nhân gây nhiễm môi trường, trước mắt xử lý ngay tại các vị trí phát tán chất thải nhiều và thời hạn hoàn thành vào cuối năm 2007.
- Các cơ sở hiện đang dừng sản xuất, trong điều kiện khó khăn về vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật và thị trường tiêu thụ sản phẩm không có khả năng đầu tư cải tạo trong vài năm tới, sẽ phải thanh lý hoặc chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm khác.
Một số giải pháp kỹ thuật để cải tạo hoàn thiện công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường:
• Cơ giới hoá các khâu: cân, xé bao, nạp liệu amiăng vào máy nghiền.
• Áp dụng phương pháp cấp xi măng rời, chấm dứt cấp xi măng thủ công.
• Cơ giới hoá khâu vận chuyển ba via.
• Trang thiết bị hút bụi ở các khâu phát sinh bụi amiăng, bụi xi măng và bột giấy.
• Xây thêm bể lắng lọc nhiều cấp và bể chứa lớn tích trữ nước thải để tận dụng tối đa lượng nước thải vào hệ thống cấp nước tuần hoàn.
• Các hệ thóng cống rãnh phải được bố trí hợp lý, các mương rãnh thoát nước thải phải được đậy tấm đan để dễ làm vệ sinh khi cần thiết.
• Để giảm độ pH của nước thải khi thải ra môi trường bên ngoài có thể dùng khí thải từ lò hơi với cơ sở có dưỡng hộ bằng hơi nước hoặc dùng cột trao đổi ion với cơ sở không có lò hơi.
• Sử dụng phụ gia để giảm thiểu chát thải rắn.
• Sử dụng xi măng theo tiêu chuẩn ngành TCXDVN 167:2002 quy định cho sản xuất tấm sóng amiăng - xi măng, để giảm bớt lượng chất thải rắn trong nước đục.
• Cải tiến côn nước để giảm thiểu chất thải rắn: Tăng thể tích côn nước đục lên 1,5 lần so với hiện nay hoặc lắp đặt 2 côn nước đục để lấy được nước trong tốt hơn, hạn chế nước đục tràn ra ngoài bồn như hiện nay.
• Tăng đường kính tang xeo lên 1m, sử dụng lưới có độ dày N0 60 thay cho N0 50 như hiện nay, dùng 3 bồn xeo thay cho 2 bồn để hạn chế sự thất thoát hạt rắn.
• Đầu tư thiết bị để xử lý bùn thải từ các bể lắng, tái sử dụng vào dây chuyền công nghệ sản xuất tạo thành chu trình khép kín không có phế thải.
• Bố trí khu vực chôn lấp, chôn lấp đúng quy cách, không để gây tái ô nhiễm trong cơ sở và khu vực dân cư xung quanh.

Nguồn tin: Thông tin KHCN Vật liệu xây dựng, số 1/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)