Phát triển gạch ngói không nung trong mối liên hệ phát triển các làng nghề mới ở nông thôn

Thứ hai, 13/02/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ở nước ta, đã có nhiều làng nghề truyền thống sản xuất gạch ngói nung Hương Canh Vĩnh Phúc, Phú Phong Bình Định, Cừa Nghệ An, Đắc Cấm Kon Tum, Krong Dua Đắc Lắc... Những năm gần đây, do nhu cầu về gạch tăng mạnh nên phong trào sản xuất gạch đất nung thủ công nở rộ ở nhiều địa phương.
Sự phát triển tự phát này có phần tích cực là đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng nhà ở, công trình ngày càng tăng, tạo thêm được nhiều việc làm cho nhân dân nông thôn nhưng mặt trái của nó là gây nhức nhối về ô nhiễm môi trường chung và lãng phí tài nguyên đất nông nghiệp.
Theo quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đến 2010 và định hướng đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/8/2001, phải phát triển gạch không nung thay thế gạch đất nung từ 10 - 15% vào năm 2005 và 25 - 30% vào 2010, xoá bỏ hoàn toàn gạch đất nung thủ công vào năm 2010 nhưng đến thời điểm này tỷ lệ gạch không nung mới chiếm khoảng 4- 5% sản lượng gạch toàn quốc trong khi gạch đất nung thủ công chiếm tỷ lệ 70 - 100% tuỳ thuộc vào từng địa phương.
Trong 5 năm 1995 - 2000, các doanh nghiệp đã nhập ồ ạt khoảng 30 dây chuyền gạch bloc bê tông xây và bloc bê tông lát vỉa hè của các nước Tây Ban Nha, Italia, CHLB Đức, Hàn Quốc với công suất từ 6 triệu đến 20 triệu viên tiêu chuẩn/năm nhưng gạch bloc xây gần như không tiêu thụ được chỉ còn gạch bloc lát vỉa hè sản xuất cầm chừng vì nhu cầu không lớn.
Ngược lại, gạch không nung lại có chiều hướng phát triển ở một vài địa phương thiếu đất sét hoặc những địa phương có sẵn nguồn phế thải công nghiệp đặc biệt là tro xỉ nhiệt điện. Ở các địa phương này, tỷ lệ gạch không nung chiếm từ 25 - 50%. Vậy, để phát triển gạch ngói không nung nên đi theo hướng nào?.

1. Một số nguyên nhân chính hạn chế việc tiêu thụ gạch bloc bê tông
1.1 Kích thước lớn và nặng
Xét về lý thuyết thì viên gạch có kích thước lớn sẽ tiết kiệm được vữa xây và thời gian xây. Theo kiểm nghiệm của cơ quan nghiên cứu xây dựng thế giới, thời gian xây gạch bloc bê tông giảm 4 lần và lượng dùng vữa giảm 3 lần so với gạch đất nung. Gạch bloc bê tông thường có độ rỗng 30 - 40%, tối đa là 47%. Kích thước mỗi viên thường bằng 5,35- 10,16 viên gạch đất nung tiêu chuẩn của Việt Nam. Trọng lượng mỗi viên khoảng 12 - 18 kg. Kích thước gạch bloc bê tông gần như thống nhất ở nhiều nước được trình bày trong bảng 1.

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.2597.273' />
Như vậy đối với điều kiện thi công được cơ giới hoá cao như ở các nước phát triển và sức vóc người châu Âu, châu Phi thì kích thước của viên gạch bloc bê tông như thế là hợp lý. Nhưng qua thực tế sử dụng ở Việt Nam thì kích thước và trọng lượng lớn của viên gạch bloc bê tông gây khó khăn cho việc bốc dỡ, vận chuyển từ cơ sở sản xuất đến công trường xây dựng cũng như vận chuyển nội bộ trong công trình xây dựng; cước phí vận chuyển chiếm từ 7- 25% trong giá thành của gạch bloc tuỳ theo bán kính tiêu thụ. Viên gạch to và nặng lại thêm lỗ rỗng lớn làm khó khăn hơn trong thao tác của người thợ xây vốn quen xây gạch đất nung kích thước nhỏ.
1.2 Giá thành cao
Theo số liệu cung cấp của một số cơ sở sản xuất, kết cấu giá thành sản xuất gạch bloc bê tông thông thường được trình bày trong bảng 2 .
Riêng chi phí xi măng 30 - 32% còn cao hơn tổng chi phí nguyên liệu và nhiên liệu trong kết cấu giá thành sản xuất gạch đất nung hệ lò tuy nen 19- 20%. Do tiêu thụ chậm, công suất thiết bị không phát huy được nên khấu hao thiết bị, nhà xưởng quá lớn 16- 30%.

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.2597.274' />
Hai khoản chi phí này đã làm cho giá thành sản xuất gạch bloc bê tông lên cao. Nếu cộng thêm chi phí bốc dỡ, vận chuyển thì tổng giá thành viên gạch tại công trường xây dựng còn cao hơn nữa.
1.3 Quy phạm xây dựng gạch bloc bê tông khác biệt so với gạch đất nung
Việt Nam chưa ban hành quy phạm xây dựng bằng gạch bloc bê tông nên các công trình xây dựng có sử dụng sản phẩm này đang phải áp dụng quy phạm xây dựng nước ngoài:
- Vữa xây, trát yêu cầu phải trộn bằng máy trộn, sử dụng cát vàng có độ hạt nhỏ, mác vữa phải đạt ≥ 75
- Chiều dày vữa xây là 15mm, chiều dày vữa trát là 10mm
- Với tường chịu lực phải gia cố thêm cột bê tông cốt thép đúng với khẩu độ 0,8m một cột bằng cách luồn cốt thép ф 14- 15 qua lỗ rỗng viên gạch rồi chèn lỗ bằng vữa mác 120 - 150. Cốt thép giằng ngang ф 6 hàn thành lưới, cứ cách 0,4 m theo chiều cao đặt một lưới
- Tay nghề công nhân xây dựng phải đảm bảo đạt từ 3/7
Các yêu cầu trên đều vượt qua xa kinh nghiệm xây dựng truyền thống bằng gạch đất nung của nước ta. Với những nhuyên nhân trên, việc sử dụng gạch bloc bê tông trong xây dựng ở đô thị đã khó, còn ở nông thôn còn khó khăn hơn.

2. Những dấu hiệu tốt về sử dụng gạch ngói không nung ở nông thôn
2.1 Gạch papanh
Gạch không nung từ phế thải công nghiệp với tên gọi thông dụng là "gạch papanh" đã xuất hiện ở nước ta hơn 4 thập kỷ những công nghệ sản xuất lạc hậu, hình thức xấu, mẫu mã đơn điệu, phẩm chất cơ lý thấp nên lĩnh vực sử dụng còn hạn chế chủ yếu là tự sản, tự tiêu. Nhưng mấy năm đầu thế kỷ 21, nhân dân đã có những cải tiến trong quy trình sản xuất và mẫu mã viên gạch nên chất lượng cũng được cải thiện. Mức độ tiêu thụ ngày càng tăng vượt ra khỏi phương thức tự sản tự tiêu, bước đầu hình thức tổ chức của một làng nghề. Một ví dụ điển hình là làng Nai, xã Lai Vu huỵện Kim Thành tỉnh Hải Dương do đất nông nghiệp Nhà nước thu hồi để chuyển sang xây dựng khu công nghiệp người dân ở đay đã sử dụng tiền đền bù để tạo ra nghề mới là sản xuất gạch không nung từ phế thải nhiệt điện. Năm 2004, cả làng có khoảng 200 hộ sản xuất. Sản lượng cao thấp nhất là 200.00 viên/năm, hộ cao nhất là 600.00 viên/năm. Tổng số lao động tham gia vào quá trình sản xuất và tiêu thụ trên dưới 2000 người. Thu nhập bình quân người lao động 450.000 đồng/tháng. Sản lượng gạch của cả làng khoảng 60 triệu viên tiêu chuẩn/năm. Sản phẩm được sử dụng để xây dựng các công trình nhà xưởng ở các khu công nghiệp thuộc Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên.
2.2 Gạch bloc bê tông
Ở các tỉnh Bắc trung bộ, đặc biệt là Thừa Thiên Huế có nhiều xã không có đất sét để làm gạch nên nhân dân đã phải sản xuất lấy gạch bloc bê tông để xây nhà mình và bán cho các hộ khác không có điều kiện tổ chức; đồng thời chuyển đến tiêu thụ ở thành phố Huế và các khu công nghiệp trong tỉnh. Điển hình là huyện Phong Điền 74 hộ, ngoại thành thành phố Huế 97 hộ.
Sản lượng gạch không nung Thừa Thiên Huế năm 2004 là 90 triệu viên tiêu chuẩn/năm, chiếm 56% sản lượng gạch xây của Thừa Thiên Huế. Gạch không nung ở đây được xây dựng nhà ở nông thôn và các công trình xây dựng ở nông thôn và các công trình xây dựng ở thành phố, khu công nghiệp của tỉnh.
Gạch bloc ở Huế chủ yếu là sản xuất thủ công nên tính chất cơ lý thấp, kích thước lớn nên trọng lượng viên gạch vẫn nặng
Ở khu vực Hà Tĩnh, Nghệ An, công đoạn trộn và tạo hình đã được cơ giới hoá nên hình thức đã đẹp hơn, cường độ nén uốn cao hơn. đã xuất hiện một số hộ chuyên sản xuíât gạch bloc bê tông, thoátly sản xuất nông nghiệp như ở Nghi Xuân Hà Tĩnh, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh ChươngNghệ An. Sản lượng toàn tỉnh Nghệ An đạt trên 80 triệu viên tiêu chuẩn/năm 2002.
2.3 Gạch ngói xi măng - cát
Ngói xi măng cát được sản xuất theo phương pháp thủ công phổ biến nhất ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy chưa thành làng sản xuất như gạch không nung ở các tỉnh đồng bằng nhưng hầu như ở các bản đã có một số hộ chuyên sản xuất xuất ngói xi măng cát. Do sản xuất thủ công nên mẫu mã đơn diệu, phẩm cấp cơ lý chưa cao nhưng nhờ giá bán hợp lý nên mức tiêu thụ ngày càng tăng, như ở một số địa phương điển hình là Hoà Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai.

3.Phát triển sản xuất gạch ngói không nung ở nông thôn trong mối liên hệ phát triển các làng nghề mới
Phát triển sản xuất gạch ngói không nung ở nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, xét trên phương diện phát triển bền vững là một hướng đi đầy tính chất xây dựng bởi lẽ:
- Đất sét là nguồn tài nguyên hữu hạn, đặc biệt là đất sét để sản xuất ngói nung rất hiếm ở nhiều địa phương. Khai thác bừa bãi đất sét để sản xuất gạch nung như hiện nay sẽ gây tổn hại đến môi trường chung. Hầu hết Luật Tài nguyên của các nước đã hạn chế sử dụng đã vôi và đất sét.
- Ngược lại, sản xuất gạch ngói không nung đều sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở hầu khắp các địa phương như: xi măng, cát, sỏi và một lượng lớn phế thải công nghiệp; như tro xỉ nhiệt điện khoảng 2 triệu m3, mạt đá khoảng 4 triệu m3, chạt vôi, xỉ lò gạch, xỉ nồi hơi khoảng 1 triệu m3. Tận dụng phế thải công nghiệp để sản xuất gạch ngói không nung vừa tạo ra sản phẩm mới hữu ích lại vừa giải quyết giảm thiểu ô nhiễm môi trường chung. Nhưng nên chọn mô hình nào?
3.1 Mô hình công nghệ
Đối với gạch bloc, chỉ nên lựa chọn mô hình 1 triệu viên tiêu chuẩn /năm, kết hợp giữa thủ công và cơ khí... Đưa máy móc vào công đoạn trộn và đặc biệt là tạo hình, ở những nơi xa nguồn cung cấp mạt đá, cát thì sử dụng thêm máy đập búa mini để nghiền đá.
Đối với ngói xi măng - cát, nên lựa chọn mô hình 100.000 đến 150.000 viên tiêu chuẩn/năm. Khác với viên gạch, viên ngói đòi hỏi tính thẩm mỹ cao, mang bản sắc văn hoá dân tộc nên thiết bị chính là máy tạo hình viên ngói. Thiết bị này vừa phải phải đảm bảo yêu cầu tạo ra viên ngói cường độ cao, chống thấm tốt, kích thước chuẩn lại phải tạo ra được hoa văn và màu sắc đồng đều. Thợ làm ngói cần phải có hiểu biết nhất định về mỹ học và có tay nghề cao.
3.2 Mô hình tổ chức sản xuất
Nên lấy hộ gia đình làm đơn vị sản xuất chủ yếu, ngoài ra có thế chọn hình thức liên kết như: tổ hợp sản xuất, HTX, hình thành những làng nghề mới sản xuất gạch ngói không nung.
3.3 Kích thước và mẫu mã gạch, ngói không nung
Nên lấy kích thước và mẫu mã viên gạch và viên ngói không nung như viên gạch ngói nung để phù hợp với thói quen sử dụng gạch ngói nung truyền thống. Ngoài ra, cần chọn lọc một số mẫu gạch, ngói không nung của nứơc ngoài để ứng dụng vào hoàn cảnh nức ta nếu xét thấy được người tiêu dùng chấp nhận rộng rãi.

4. Mô hình công nghệ sản xuất gạch bloc bê tông công suất 1 triệu viên tiêu chuẩn/năm
Phát triển kết quả dự án "Điều tra nghiên cứu sử dụng và định hướng phát triển gạch bloc bê tông đến năm 2010", Viện Vật liệu xây dựng đã kết hợp với cơ sở gạch bloc Phương Nam nghiên cứu quy trình công nghệ, thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất gạch bloc công suất 1 triệu viên tiêu chuẩn/năm .
Thiết bị trung tâm của dây chuyền mini là máy rung ép, dùng điện 1 pha, công suất điện 1,25 kW kết hợp với máy trộn vữa đã có sẵn trên thị trường. Nguyên liệu sản xuất là xi măng + cát vàng + mạt đá hặc vôi + tro xỉ nhiệt điện + cát đen. Sử dụng 3 lao động; công suất từ 2.500- 3.000 viên/ca loại kích thước 200 x 100 x 100 mm có 2 lỗ rỗng dọc viên gạch với độ rỗng 30%.
Vốn đầu tư thiết bị khoảng 20 - 25 triệu đồng. Diện tích cần để đặt thiết bị khoảng 10m2, diện tích sân bãi khoảng 200m2 nên có thể tận dụng sân vườn, nơi ở để bố trí sản xuất theo hộ gia đình. Nếu bán với giá 350 đồng/viên là có lãi cho người sản xuất. Còn người tiêu dùng chấp nhận mua giá đó thì sẽ được lợi qua so sánh chi phí tiền gạch cho 1m2 tường 10giữa 3 loại gạch:
- Gạch nung tuynen 2 lỗ rỗng, mác 75
75 viên x 350đ/viên = 26.000 đồng
- Gạch nung thủ công, mác 50:
100 viên x 250đ/viên = 25.000 đồng
- Gạch bloc bê tông, mác 50
50 viên x 350 đ/viên = 17.500 đồng
Quy phạm xây dựng gạch bloc bê tông kích thước nhỏ này hoàn toàn như gạch đất sét nung. Viện và cơ sở Phương Nam đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất mô hình sản xuất ngói không nung công suất 100.000 - 150.000 viên tiêu chuẩn/năm 22 viên/m2.

5. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất gạch, ngói không nung trong giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông thôn
5.1 Đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị
Ở những làng xã đang sản xuất gạch ngói không nung thủ công hiện nay cần phải cải tiến quy trình công nghệ, áp dụng máy móc vào các công đoạn cần thiết để ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ở những làng xã bắt đầu đi vào tổ chức sản xuất thì đầu tư ngay thiết bị và công nghệ mới theo mô hình kết hợp giữa thủ công và cơ khí.
5.2 Các chính sách hỗ trợ và khuyến khích
Nhà nước cần có các chính sách thích hợp về đất đai, thị trường, nguyên liệu sản xuất, tài chính tín dụng và thuế để cho các lãng nghề mới sản xuất vật liệu không nung phát triển lâu dài ổn định.
Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc hỗ trợ về vốn, hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện công nghệ mới, cải tiến hoặc chế tạo máy móc thiết bị mới, hướng dẫn hoặc cung cấp thông tin và thiết bị, công nghệ để giúp nhân dân nông thôn áp dụng thành công và hiệu quả công nghệ sản xuất gạch ngói không nung.
5.3 Đào tạo nguồn nhân lực
Đối với nghề sản xuất gạch ngói không nung, nên chọn mô hình đào tạo dạy nghề nơi cơ sở sản xuất cơ sở, làng nghề. Cử các chuyên gia giỏi có kinh nghiệm trong dạy nghề, kết hợp với các thợ giỏi đến truyền nghề, kèm cặp nghề cho lao động mới bắt đầu vào nghề. Bổ túc các kiến thức về vật liệu, thẩm mỹ, xã hội cho các thợ chính và chủ cơ sở sản xuất.
5.4 Tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất gạch ngói không nung trong các lãng nghề. Phải coi việc hướng dẫn, giúp đỡ phát triển làng nghề sản xuất gạch ngói không nung là trách nhiệm của chính quyền các cấp mà trực tiếp là chính quyền cấp xã, huyện... tạo mọi điều kiện về mặt bằng sản xuất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính để dần dần loại bỏ việc sản xuất gạch ngói nung thủ công theo lộ trình mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại quyết định 115/2001/QĐ- TTg ngày 1/8/2001.

6. Kết luận
Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những vấn đề cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại háo nông nghiệp nông thôn nước ta. Nước ta có hệ thống lãng nghề phong phú đa dạng, sản phẩm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có truyền thống và có thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gồm: các lãng nghề thủ công, mỹ nghệ, vàng bạc, đồ gỗ, chạm khắc, mây tre đan, dệt thổ cẩm, dá, gốm, sứ, gạch ngói đất nung. Phát triển thêm các làng nghề sản xuất gạch ngói không nung sẽ góp phần bổ sung thêm các mặt hầng vật liệu xây dựng theo định hướng của Nhà nước, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công trước năm 2010.

Nguồn tin: Thông tin Khoa học công nghệ Vật liệu xây dựng, số 1/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)