Những vấn đề cần quan tâm trong khai thác đất sét để sản xuất gạch nung trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện nay

Thứ năm, 23/02/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay, việc khai thác đất sét dùng để sản xuất gạch nung đang diễn ra sôi động và hầu khắp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trên các tuyến sông Thái Bình, Kinh Thầy, Kinh Môn... Trên tuyến sông Thái Bình tại khu vực Bình Hàn, có tới 45 lò. 6 xã ven sông của huyện Tứ Kỳ cũng có tới gần 70 lò...
Tình trạng khai thác sét trái phép ven sông đã xâm lấn cả vào hành lang bảo vệ đê điều đang là nỗi bức xúc trong dư luận xã hội, là mối hiểm họa đe dọa đến sự ổn định của hệ thống đê điều. Nhiều công trình đê, kè chống lũ bị hư hỏng, đất canh tác của nhân dân bị thu hẹp. Khói từ các lò gạch thủ công thải ra làm hư hỏng cả hoa màu, gây ô nhiễm môi trường sinh thái; đặc biệt là ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của nhân dân. Mật độ lò gạch khá cao dọc theo các tuyến sông Thái Bình, sông Kinh Thầy như ở địa phận xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh; các xã Hiệp Cát, Thái Tân, Minh Tân, Đức Chính, Thượng Đạt, huyện Nam Sách; các xã Việt Hoà, phường Cẩm Thượng, Ngọc Châu, Hải Tân, thành phố Hải Dương; các xã Bình Lãng, Tứ Xuyên, huyện Tứ Kỳ; các xã Thanh Sơn, Phượng Hoàng, Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà... Việc khai thác sét sản xuất gạch nung tại các bãi bồi đã khoét sâu tạo thành các hố lớn với độ sâu từ 3m đến 4m, cá biệt có nơi đến 6m, dẫn đến mất tính ổn định của môi trường địa chất. Các phương tiện vận tải lớn vận chuyển đất, gạch thường xuyên đi lại trên đê tạo ra những rung động lớn, hình thành nên nhiều khe nứt đa phương trong thân đê. Vào mùa mưa lũ tại những nơi xung yếu này, nước ngấm vào làm cho đất bị nhão no nước, mất dần tính liên kết, đó là nguy cơ dẫn đến nứt đê, vỡ đê, trượt lở hành lang bảo vệ đê và cả kè sông. Những diễn biến trên đang biểu hiện ở những nơi khai thác sét ở ven sông Thái Bình, sông Kinh Thầy, sông Kinh Môn...
Tại đoạn sông Thái Bình thuộc địa phận các xã: Thượng Đạt, An Châu, huyện Nam Sách; xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng; xã Việt Hoà, phường Ngọc Châu, thành phố Hải Dương đã xảy ra hiện tượng trượt lở, nứt đất, rạn nứt kè sông... và hàng chục km đê bị hư hỏng do vận chuyển đất, gạch gây ra. Dọc theo sông Kinh Thầy đã có hiện tượng xói lở như ở khu vực kè Xạ Sơn, khu vực thôn Nội Hợp, xã Lê Ninh, khu vực xã Kênh Giang, huyện Chí Linh; trên tuyến sông Kinh Môn với chiều dài 45km cũng đã xuất hiện nhiều đoạn sạt lở...
Để việc khai thác đất sét dùng sản xuất gạch nung đi vào nề nếp, nhằm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ hệ thống đê điều, bảo vệ môi trường sinh thái, trong thời gian tới cần thực hiện tốt các nội dung sau:
- UBND tỉnh cần đầu tư kinh phí để điều tra, thăm dò và đánh giá tiềm năng đất sét dùng để sản xuất gạch nung trên địa bàn toàn tỉnh, trước mắt là đất sét tại các bãi bồi thuộc các tuyến sông và quy hoạch những vùng có thể khai thác nhằm định hướng cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu vào khai thác tại những khu vực này;
- Khuyến khích các tổ chức và cá nhân sử dụng đất sét đồi để làm nguyên liệu sản xuất gạch nung, giảm bớt việc khai thác đất sét tại các bãi bồi ven các tuyến sông nhằm bảo vệ hệ thống đê điều và tiết kiệm đất canh tác;
- Xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân khai thác đất sét trái phép, vi phạm hành lang bảo vệ đê, đe doạ tới sự ổn định của hệ thống đê điều. Nếu tổ chức và cá nhân nào tái phạm nhiều lần phải đưa ra truy tố trước pháp luật.

Nguồn tin: T/C Hoạt động khoa học, số 1/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)