Hai năm triển khai thực hiện Luật Xây dựng

Thứ tư, 22/02/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Luật Xây dựng được Quốc hội thông qua và ban hành tháng 11 năm 2003 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2004. Như vậy, kể từ ngày công bố đến nay vừa được 2 năm và trong khoảng thời gian đó về cơ bản hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn bao gồm các Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn đã lần lượt được ban hành bước đầu đi vào cuộc sống.
Có thể nói, Luật Xây dựng là một trong những Bộ luật có đối tượng và phạm vi điều chỉnh rất rộng lớn và phức tạp đã khắc phục được tình trạng khá phổ biến hiện nay ở nước ta là: Luật "chờ" Nghị định; Nghị định "chờ" Thông tư hướng dẫn mới được thực thi. Sau đây là một số vấn đề đánh giá tổng quan bước đầu việc triển khai Luật Xây dựng sau 2 năm được Quốc hội ban hành.

I. Những kết quả bước đầu được phản ánh trong thực tế
1. Hệ thống văn bản pháp quy có quy mô lớn và phức tạp đã được Nhà nước nghiên cứu ban hành hướng dẫn bước đầu phát huy tác dụng trong thực tế.
Có thể nói, ít có Bộ luật nào phải nghiên cứu ban hành một khối lượng lớn các Nghị định và Thông tư hướng dẫn như Luật Xây dựng. Tính đến nay các Nghị định về Quản lý quy hoạch xây dựng số 08/2005/NĐ-CP, Nghị định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình XDCT thay thế những nội dung về hoạt động xây dựng trong Nghị định 52CP, 12CP và 07CP số 16/2005/NĐ-CP, Nghị định về Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định về Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng... số 126/2004/NĐ-CP đã được Nhà nước nghiên cứu ban hành. Có thể nói các Nghị định trên đã phản ánh những nội dung cơ bản của Luật Xây dựng được áp dụng vào thực tế các hoạt động đầu tư XDCT. Tiếp theo các Nghị định trên là hơn 10 Thông tư hướng dẫn các Nghị định với các nội dung thiết thực và cấp bách như về quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng về quản lý năng lực các tổ chức, cá nhân hành nghề trong xây dựng, về quản lý chất lượng công trình xây dựng, về quản lý chi phí và hợp đồng trong xây dựng... có thể nói đây là các văn bản đang điều tiết các hành vi trong hoạt động xây dựng từ lĩnh vực lập và quản lý quy hoạch xây dựng, lập thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư XDCT, quản lý khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, giám sát chất lượng công trình xây dựng, nghiệm thu bàn giao, bảo hành và bảo trì các công trình xây dựng trong phạm vi cả nước có liên quan đến mọi đối tượng từ các cấp quản lý Nhà nước đến các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn và các doanh nghiệp xây dựng...
2. Bước đầu Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn đã tác động từ nhận thức đến hành động, từ tổ chức bộ máy đến thực thi công việc có liên quan trong hoạt động xây dựng của các cấp quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có liên quan được thể hiện qua một số lĩnh vực cụ thể sau:
2.1. Quản lý dự án đầu tư XDCT phải được thực hiện nghiêm chỉnh từ khâu quản lý quy hoạch xây dựng đến khâu lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án, đến khâu thực hiện dự án đầu tư XDCT, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng.
2.2. Tăng cường vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các bộ quản lý ngành thông qua việc thẩm định báo cáo đầu tư để xin phép đầu tư đối với các dự án có quy mô nhóm A trước khi lập dự án đầu tư nhằm đảm bảo sự tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội cũng như quy hoạch phát triển ngành.
2.3. Tăng cường vai trò trách nhiệm của các bộ có quản lý xây dựng chuyên ngành đối với các dự án nhóm A và các sở quản lý xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, thành phố trong việc quản lý Nhà nước đối với hồ sơ thiết kế cơ sở của các dự án nhóm B, C.
Nhà nước thông qua việc thẩm định thiết kế cơ sở để quản lý dự án của các thành phần kinh tế về quy hoạch, về tiêu chuẩn, quy chuẩn về mật độ xây dựng, cao độ và không gian, kiến trúc công trình... Có thể nói hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án là cái mà Nhà nước phải và cần quan tâm xem xét đối với mọi dự án: nhận thức này bước đầu đã được làm rõ đối với các cấp quản lý Nhà nước cũng như các cấp liên quan từ trung ương đến các địa phương trong quá trình quản lý dự án.
2.4. Về quản lý chất lượng công trình xây dựng bước đầu đã được làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các chủ thể trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng công trình chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, và các nhà thầu.... Quản lý chất lượng công trình được thực thi giám sát, kiểm tra xuyên suốt từ sản phẩm khảo sát đến sản phẩm thiết kế cho đến sản phẩm thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị đến nghiệm thu bàn giao, bảo hành và bảo trì công trình.
Các hệ thống giám sát tác giả, giám sát thi công, kiểm định chất lượng được tổ chức phối hợp thực thi đồng bộ và phân công phân trách nhiệm rõ ràng..., tạo điều kiện cho mục tiêu đảm bảo chất lượng cuối cùng của các công trình xây dựng.
2.5. Về quản lý chi phí các dự án đầu tư XDCT của Nhà nước đã được làm rõ hơn các phương pháp tiếp cận phù hợp với đặc điểm của sản phẩm xây dựng thông qua các nguyên tắc, phương pháp hình thành và quản lý các chỉ tiêu chi phí từ tổng mức đầu tư, tổng dự toán, dự toán, giá thanh toán và quyết toán công trình. Đặc biệt, bước đầu tách biệt được các biện pháp quản lý chi phí các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước với các dự án sử dụng vốn của các doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các chủ đầu tư trong quản lý chi phí các dự án đầu tư XDCT. Ngoài ra cơ chế quản lý chi phí mới ban hành đã hướng tới những tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư trong việc tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ của luật pháp về quản lý chi phí trong quá trình thực hiện dự án. Các cơ chế quản lý chi phí tư vấn, thiết kế cũng bước đầu được tháo gỡ thông qua các biện pháp như các chủ đầu tư được tự xác định các chi phí quản lý dự án phù hợp với quy mô, tính chất của dự án và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc quản lý chi tiêu các dự toán này trong khuôn khổ luật pháp hiện hành....

II. Một số tồn tại và bất cập cụ thể nảy sinh cần được quan tâm xem xét xử lý kịp thời
1. Cần sớm ban hành đồng bộ các văn bản của các bộ ngành có liên quan đến quản lý dự án đầu tư XDCT, trong đó có những vấn đề cụ thể như: Theo Nghị định 16/CP của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành các định mức chi phí tư vấn thẩm tra, trong khâu khảo sát, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, đấu thầu và giám sát thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị; Bộ Tài chính sẽ ban hành lệ phí và chi phí thẩm định trong khâu lập thẩm định, phê duyệt dự án, những khâu quản lý này hiện chưa có văn bản quy định nên việc quản lý ở khâu quan trọng này của các ngành, các cấp gặp nhiều khó khăn.
2. Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước của các bộ, sở có xây dựng chuyên ngành phần lớn còn lúng túng và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước thông qua việc thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở của các dự án, đặc biệt là các dự án nhóm B, C ở các tỉnh, thành phố. Ở đây có nguyên nhân trực tiếp là trong nhiều thập niên các bộ, sở có quản lý xây dựng chuyên ngành đã quen với cách quản lý trực tiếp dự án thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, nghiệm thu chất lượng công trình... mà chưa quen với việc thẩm định quản lý Nhà nước đối với hồ sơ thiết kế cơ sở một phần quan trọng trong hồ sơ dự án theo quy định mới. Trước mắt cần tổ chức những lớp tập huấn nghiệp vụ cụ thể về thẩm định thiết kế cơ sở cho các ngành, đặc biệt là cho các địa phương cũng như giới hạn mức độ cần thiết về nội dung lập và thẩm định của hồ sơ thiết kế cơ sở trong lập hồ sơ dự án.
3. Về tổ chức hệ thống giám sát chất lượng công trình, mặc dù thời gian qua Bộ đã có những chỉ đạo sớm và kịp thời trong việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát thi công XDCT, tuy nhiên việc xét cấp chứng chỉ nên dựa trên căn cứ theo môi trường thực tế hoạt động của các cán bộ giám sát thi công, cũng như cần mở rộng cấp chứng chỉ hành nghề cho các cán bộ kỹ thuật có trình độ trung cấp, cao đẳng cho phép hoạt động theo cấp công trình mà cụ thể là các cán bộ kỹ thuật này sau khi hoàn tất chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ giám sát có thể được hành nghề trong các công trình xây dựng cấp IV, không nên phân biệt theo khu vực vùng sâu, vùng xa... như quy định hiện hành.
4. Đổi mới cơ chế quản lý chi phí dự án đầu tư XDCT với những nguyên tắc và phương pháp quản lý linh hoạt, đi đôi với đề cao trách nhiệm của các chủ đầu tư là những đổi mới quan trọng so với trước đây hoặc như việc phân biệt các dự án theo 2 nguồn vốn vốn ngân sách Nhà nước và vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước đi đôi với tăng cường trách nhiệm và quyền hạn cho các chủ đầu tư trong quản lý chi phí các dự án đầu tư XDCT là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn cần có sự quán triệt đối với các cấp quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương, từ các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án đến các nhà tư vấn, từ các cơ quan quản lý xây dựng đến các cơ quan quản lý kế hoạch, tài chính và các tổ chức tín dụng ngân hàng... chỉ có như vậy, mới đảm bảo cho việc đưa nhanh cơ chế chính sách vào thực tế cuộc sống.
5. Cần đổi mới công tác lập kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình lập báo cáo kinh tế kỹ thuật Điều 12-NĐ 16CP của Chính phủ và Mục V - Thông tư 08 của Bộ Xây dựng với hàng chục ngàn đối tượng công trình có quy mô nhỏ của các ngành, các địa phương đang áp dụng cơ chế này với yêu cầu việc lập, thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật phải bao gồm cả việc thiết kế bản vẽ thi công; hướng đổi mới công tác quản lý của các đối tượng này là việc hoàn thiện hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật bao gồm việc lập phê duyệt thuyết minh, phương án thiết kế hoặc thiết kế mẫu, thiết kế điển hình khảo sát và thiết kế bản vẽ thi công phải được hoàn tất ngay từ năm trước năm kế hoạch, chỉ có như vậy thì việc triển khai công trình của năm kế hoạch mới có thể thực thi ngay từ những tháng, quý đầu năm, khắc phục tình trạng diễn ra trong nhiều thập niên đã qua luôn xảy ra tình trạng 6 tháng đầu năm các công trình thuộc vốn ngân sách Nhà nước thường không có đủ hồ hơ thiết kế dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt kéo theo việc giải ngân các đối tượng công trình loại này ở các ngành, các địa phương thường bị chậm trễ kéo dài đến quý III hàng năm.

Nguồn tin: T/C Xây dựng, số 1/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)