Giải pháp tăng cường xuất nhập khẩu kính Việt Nam

Thứ hai, 12/06/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng mạnh mẽ. Nhu cầu đầu tư xây dựng gia tăng, dẫn đến nhu cầu về các mặt hàng vật liệu xây dựng cũng tăng theo, trong đó có kính xây dựng. Tuy nhiên tuỳ thuộc vào giá bán, chất lượng và mẫu mã, việc xuất khẩu kính xây dựng còn rất khiêm tốn chỉ trong khoảng từ 7 đến 9 triệu đo la Mỹ từ năm 2003 đến 2005 theo số liệu của Tổng cục Hải quan theo cả hai icon đường chính ngạch và tiểu ngạch.
Đầu mối xuất nhập khẩu kính của Việt Nam chủ yếu tập trung vào một số danh nghiệp. Trong đó có: Công ty Kinh doanh và Xuất nhập khẩu, sản phẩm xuất khẩu chính là nguyên liệu với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2004 gần 3 triệu USD và năm 2005 khoảng 4,5 triệu USD và Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phú Phong ở thành phố Hồ Chí Minh, một điển hình trong xuất khẩu các sản phẩm gia công sau kính. Trong mấy năm qua, công ty này đã xuất khẩu khoảng 20% sản lượng sang một số thị trường như Châu Á, Canada, Singapore, Úc, Nhật, Mỹ... Doanh thu từ xuất khẩu của công ty liên tục tăng đáng kể, năm 2004 tăng 11% so với năm 2003 và sẽ tiếp tục tăng trong năm 2005. Tuy nhiên, xu thế hội nhập kinh tế hiện nay đòi hỏi phải có các biện pháp để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu kính.

Duy trì và mở rộng thị trường: Kính xây dựng rất khó thâm nhập vào các thị trường lớn như Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... vì ở các khu vực này bình quân sản lượng kính đầu người của họ đều từ 5 - 8m2 kính QTC/người/năm ở nước ta khoảng 1m2/người/năm. Do đó cần tập trung duy trì mở rộng tiêu thụ tại các thị trường quen thuộc như Cambodia, TháiLan, Ấn Độ, Nam Phi... và đồng thời mở rộng vươn xa sang châu Phi, Mỹ la tinh. Trong khi đó cần tiếp tục đàm phán, thương thuyết với các bạn hàng cũ vốn là các thị trường tiềm năng để nối lại hoạt động xuất khẩu như Philipin, Bangladesh... Thị trường Philipin mặc dù đã từng là một đối tác nhập khẩu kính lớn của Việt Nam nhưng do từ 3 năm nay nước này áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu kính và một số loại vật liệu xây dựng khác từ Việt Nam và Trung Quốc nên số lượng kính nhập khẩu vào thị trường này đình trệ. Còn thị trường Bangladesh đã tạm ngừng nhập khẩu kính từ Việt Nam, do tại đây đã xây dựng nhà máy sản xuất kính trắng và kính màu. Mặt khác, thị trường và sản lượng xuất khẩu kính cũng chịu tác động của các sản phẩm kính từ Trung quốc với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu từ các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đây vẫn là một trong những khó khăn lớn nà những nhà xuất khẩu kính phải đối mặt. Thời gian tới cần tập trung vào việc khai thác các thị trường tiêu thụ sản phẩm sau kính như kính trang trí, kính mỹ thuật, mỹ nghệ, kính nghệ thuật... vì giá xuất khẩu sẽ cao hơn so với kính phẳng giá cao hơn từ 1.5 đến 3 lần, lại dễ bảo quản, cước vận chuyển giảm nhiều tính theo trọng lượng lô hàng.

Nâng cao chất lượng vật liệu kính xây dựng: Chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề hàng đầu và sống còn. Muốn xuất khẩu được nhiều thì các nhà sản xuất kính cần khẩn trương khắc phục những khuyết tật còn tồn tại trong các sản phẩm, không ngừng nâng cao và duy trì chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Có như vậy các sản phẩm kính xây dựng Vịêt Nam mới có thể đủ sức cạnh tranh với mặt hàng cùng loại của các nhà sản xuất trong khu vực và trên thế giới. Dù chất lượng kính xây dựng của nước ta đã được nâng cao nhiều, nhưng vẫn có nhiều hạn chế về độ giòn, khả năng chống chọi ẩm mốc. Do vậy, các nhà sản xuất kính Việt Nam vẫn cần chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín với bạn hàng.

Đoàn kết nâng cao năng lực cạnh tranh: Khi đã có sản phẩm và hàng xếp đầy trong kho thì các doanh nghiệp ai cũng muốn bán cho nhanh, muốn làm xuất khẩu thậm chí xuất khẩu bằng mọi giá. Cơ chế thị trường hiện nay cho phép các doanh nghiệp kính thuộc các thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu hoặc trực tiếp hoặc qua trung gian. Việc khai thác thị trường cũng chưa có sư quy hoạch rõ ràng nên mạnh ai nấy làm., chưa làm thành một mối nên dẫn đến hiện tượng cạnh tranh ngầm ở khối các doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp đều muốn công khai chủng loại, giá cả xuất khẩu. Do đó giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể là các doanh nghiệp sản xuất kính xây dựng nên định kỳ gặp nhau, trao đổi kinh nghiệm làm xuất khẩu giao cho một số đầu mối thí dụ một ở thành phố Hồ Chí Minh, một ở Hà Nội. Tổ chức này tập hợp số lượng sản phẩm của từng doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu trong kỳ 6 tháng, một năm rồi phân bổ thị trường, thời gian... Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất kính Việt Nam mong muốn có cơ hội nối lại hoạt động xuất khẩu sang thị trường Philipin, Bangladet... là những thị trường tiềm năng. Điều này rất cần đến sự hỗ trợ, đàm phán thương thuyết của các nhà quản lý vĩ mô của Việt Nam trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới. Đề nghị các tham tán thương mại tới các nước dành thời gian quan tâm đến lĩnh vực vật liệu xây dựng trong đó có thuỷ tinh xây dựng và có thông tin về nước thông qua Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam Ngõ 235- Nguyễn Trãi - Thanh Xuân - Hà Nội; Tel: 04 8584949/Fax: 04 5580824 và Văn phòng Hiệp hội kính xây dựng Việt Nam - Vieglass theo địa chỉ: số 5 đường Trung Hoà - Lô 11B Đô thị TrungYên - quận Cầu Giấy - Hà Nội. ĐT: 84-4 7830913 - Fax: 84-4 7830853. Mobile: 0913 80829. Email: Vieglas@yahoo.com - Website: vieglass.com.vn.

Nguồn tin: T/C Thông tin Kính xây dựng, số 4/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)