Sản phẩm sứ vệ sinh - Yêu cầu kỹ thuật

Thứ năm, 13/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Mở đầu Hiện nay, sản phẩm sứ vệ sinh ở thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng rất phổ biến cả về số lượng cũng như chất lượng. Trước đây, sản phẩm sứ vệ sinh sản xuất theo phương pháp ban thủ công, lò nung gián đoạn, năng suất thấp, chất lượng không cao. Những năm gần đây, nước ta đã đầu tư xây dựng các dây chuyền công nghệ sản xuất sứ vệ sinh với trang thiết bị đồng bộ, nung liên tục bằng lò tuy nen, vì vậy đã tạo ra các chủng loại sản phẩm sứ vệ sinh có hình dáng, mẫu mã, kiểu dáng mới, phong phú, đa dạng và có chất lượng tốt.
Các sản phẩm sứ vệ sinh không những được sử dụng ở trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực, Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... và bước đầu đã được các thị trường trên chấp nhận.
Tiêu chuẩn TCVN 6073: 1995 Sản phẩm sứ vệ sinh - Yêu cầu kỹ thuật cần được sửa đổi cho phù hợp với sản phẩm của các cơ sở sản xuất sứ vệ sinh trong nước đồng thời hoà nhập với hệ thống tiêu chuẩn các nước trong khu vực và tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế.

2. Những căn cứ chính để thiết lập tiêu chuẩn

- Tham khảo các tài liệu và tiêu chuẩn trong và ngoài nước;
- Khảo sát tình hình sản xuất sứ vệ sinh của một số cơ sở sản xuất trong nước;
- Tổng hợp các dữ liệu và thông tin nhằm đảm bảo tính thực tế của tiêu chuẩn;
- Thí nghiệm, kiểm tra một số chỉ tiêu của sản phẩm sứ vệ sinh.

3. Bố cục tiêu chuẩn

- Phạm vi áp dụng
- Tài liệu Viện dẫn
- Định nghĩa và khái niệm
- Phân loại
- Một số kiểu dáng của sản phẩm sứ vệ sinh
- Yêu cầu kỹ thuật.
- Lấy mẫu
- Phương pháp thử
- Ghi nhãn, đóng gói, vận chuyển và bảo quản.

4. Giới thiệu một số nội dung sửa đổi chính trong quá trình nghiên cứu biên soạn tiêu chuẩn

4.1. Định nghĩa và khái niệm
Phần định nghĩa trong tiêu chuẩn cũ chưa xây dựng. Qua tham khảo một số tiêu chuẩn nước ngoài và quy định về bố cục tiêu chuẩn TCVN, dự thảo đã bổ sung một số khái niệm đưa vào tiêu chuẩn, cụ thể như sau:
- Các khái niệm về bề mặt sản phẩm: bề mặt chính, bề mặt làm việc, bề mặt lắp ráp và bề mặt khuất.
- Định nghĩa các khuyết tật: về men, màu, xương và hình dạng, kích thước.
Phần định nghĩa này được xây dựng trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn UNI 4242, JIS A 5207: 1995, BS 3402: 1989, Tiêu chuẩn cơ sở của Công ty sứ Thanh Trì, Công ty sứ Bình Dương và Công ty Sứ Thiên Thanh từ đó chỉnh sửa cho phù hợp.

4.2. Phân loại
Việc phân loại sản phẩm phải dựa vào các sản phẩm thực tế hiện có trong nước đồng thời tham khảo thêm tài liệu tiêu chuẩn nước ngoài.
Hiện nay, tất cả các sản phẩm đều đạt chất lượng sứ, không còn sản phẩm bán sứ nữa. Mặt khác, hầu hết các cơ sở sản xuất đều chỉ xuất kho một loại sản phẩm duy nhất với mức chất lượng đạt yêu cầu kỹ thuật trong tiêu chuẩn đề ra. Còn những loại sản phẩm có chất lượng thấp hơn hay những sản phẩm tận dụng lại để sửa một số lối khuyết tật cho hoàn chỉnh thì dự thảo không đề cập tới trong tiêu chuẩn này.
Vì vậy, dự thảo đưa ra mức phân loại sản phẩm theo kiểu dáng và chức năng sử dụng, cụ thể như:
- Bệ xí: xí bệt và xí xổm
- Chậu rửa: có chân và không có chân
- Bồn tiểu nam và tiểu nữ.

4.3. Yêu cầu kỹ thuật
Trước đây, tiêu chuẩn cũ chỉ đưa ra một số chỉ tiêu về khuyết tật ngoại quan cũng như các chỉ tiêu cơ lý chung cho tát cả các chủng loại sản phẩm sứ vệ sinh. Mỗi một chủng loại sản phẩm có tính năng sử dụng riêng nên cần có các chỉ tiêu về yêu cầu kỹ thuật khác nhau. Vì vậy, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung thêm một số chỉ tiêu và chia thành 3 phần chính trong yêu cầu kỹ thuật.

4.3.1 Yêu cầu ngoại quan
Các chỉ tiêu và mức cho phép về khuyết tật ngoại quan dựa trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn nước ngoài như BS 3402: 1989, JIC A 5207: 1995, CNS 3220 và tiêu chuẩn cơ sở TC 01: 2003/CTSTT, TC01: 2003/BSC, TC - TT cùng với việc khảo sát thực tế các sản phẩm trong nước.
Dự thảo tiêu chuẩn đã chỉnh sửa nhiều so với tiêu chuẩn cũ:
- Đưa thêm một số quy định về bề mặt sản phẩm cũng như việc dán nhãn hay lôgô
- Trình bày khuyết tật ngoại quan đối với từng loại sản phẩm riêng biệt vì mỗi loại sản phẩm đều có những tính chất đặc thù riêng.
- Dự thảo đã đưa ra yêu cầu ngoại quan cho các chủng loại sản phẩm như phần phân loại đã trình bày.

4.3.2. Chỉ tiêu cơ lý của sản phẩm sứ vệ sinh
Một số chỉ tiêu cơ lý của sản phẩm sứ vệ sinh, dự thảo vẫn giữ nguyên theo tiêu chuẩn cũ như:
- Độ hút nước: nhỏ hơn 0,5%
- Độ bền nhiệt: đạt yêu cầu
- Độ bền hoá : đạt yêu cầu
- Khả năng chịu tải của sản phẩm:
+ Đối với bệ xí: không nhỏ hơn 3KN
+ Đối với chậu rửa: không nhỏ hơn 1,5KN
Các chỉ tiêu cơ lý sửa đổi, bổ sung:
- Độ bền rạn men:
Độ bền rạn men là chỉ tiêu quan trong đối với các sản phẩm gốm sứ vì nó thể hiện được khả năng chịu được điều kiện nhiệt độ, môi trường, áp suất trong quá trình sử dụng.
Mặt khác, các tiêu chuẩn nước ngoài như BS 3402: 1989, JIC A 5207: 1995 đều quy định độ bền rạn men cho sản phẩm sứ vệ sinh. Vì vậy, dự thảo quy định thêm chỉ tiêu này.
- Độ cứng bề mặt men:
Độ cứng là chỉ tiêu cần đối với các sản phẩm gốm sứ có phủ men. Nó cho biết được loại men phủ thuộc hệ men nào và khả năng sản phẩm chịu được sự cọ sát, trầy xước đến đâu. Mặt khác, thông qua độ cứng còn biết được khả năng chịu mài mòn của sản phẩm. Đối với các sản phẩm sứ vệ sinh, đặc biệt là sản phẩm xí xổm, thì chỉ tiêu này rất quan trọng. Quy định độ cứng bề mặt men không nhỏ hơn 6 Mohs.
- Độ thấm mực:
Độ thấm mực thể hiện mức độ bám bẩn khi sản phẩm qua quá trình sử dụng. Hầu hết, tiêu chuẩn các nước đều quy định và có phương pháp thử cho chỉ tiêu này. Vì vậy, dự thảo bổ sung chỉ tiêu này và mức quy định độ thấm mực không lớn hơn 1 mm.

4.3.3. Tính năng sử dụng của sản phẩm sứ vệ sinh
Đây là điểm khác biệt so với tieu chuẩn cũ. Mỗi một loại sản phẩm sẽ có một tính năng riêng và mức cho phép cụ thể:
Ví dụ: Đối với sản phẩm xí bệt và xí xổm thì tính năng sử dụng có quy đinghj kiểm tra độ xả thoát...của sản phẩm nhưng đối với chậu rửa quy định kiểm tra tốc độ chảy tràn...

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.4846.765' />

4.4. Lấy mẫu
Phần lấy mẫu được chia thành hai phần nhỏ: lấy mẫu và phân chia mẫu.
- Lấy mẫu: mẫu được lấy theo lô, sao cho mẫu được lấy khách quan và đại diện.
- Phần chia mẫu:
+ Kiểm tra ngoại quan đối với tất cả các sản phẩm của lô.
+ Kiểm tra sai lệch kích thước trên 10% sản phẩm ngẫu nhiên từ mỗi lô nhưng không ít hơn 5 sản phẩm, không nhiều hơn 30 sản phẩm.
+ Kiểm tra tính năng sử dụng đối với các sản phẩm đã thoả mãn các yêu cầu về ngoại quan và kích thước.

4.5. Phương pháp thử
Các phương pháp thử để kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật được dựa trên các căn cứ sau:
TCVN 5436: 1998: Sản phẩm sứ vệ sinh - Phương pháp thử
BS 3402: 1989: Yêu cầu kỹ thuật về chất lượng sản phẩm sứ vệ sinh
- Thử nghiệm tại Trung tâm gốm sứ & Thuỷ tinh Viện Vật liệu Xây dựng.

4.6. Ghi nhãn, đóng gói, bảo quản và vận chuyển
Phần này quy định cụ thể cho việc ghi nhãn theo đúng quy định về hàng hoá, cách bảo quản khi lưu kho và vận chuyển đối với sản phẩm sứ vệ sịnh.

5. Kết luận

Với những nội dung đã nêu ra, tiêu chuẩn sẽ được người sản xuất, tiêu dùng, quản lý cháp nhận sử dụng. Đồng thời, định hướng cho các công ty sản xuất sứ vệ sinh trong cả nước có căn cứ khoa học để đánh giá chất lượng sản phẩm, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng cho việc sản xuất và cung cấp sản phẩm sứ vệ sinh phục vụ yêu cầu xây dựng.
Tiêu chuẩn TCVN 6073 - Sản phẩm sứ vệ sinh - Yêu cầu kỹ thuật đã thông qua Hội đồng KHKT các cấp, sẽ được ban hành vào năm 2006.

KS Nguyễn Minh Quỳnh
Nguồn tin: Thông tin KHCN Vật liệu xây dựng, số 2/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)