Thiết kế đô thị trong khu vực đô thị kiểu mẫu về môi trường tại Hà Nội

Thứ tư, 10/05/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Xây dựng đô thị kiểu mẫu về môi trường là một hướng nghiên cứu quan trọng cần được đưa vào tổ chức thực hiện đối với công tác xây dựng đô thị. Qua đó chúng ta có thể thấy rõ hơn những vấn đề nổi cộm cần giải quyết về môi trường trong từng dự án xây dựng cụ thể. Với mục đích dài hạn giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường sống đô thị. Nghiên cứu xây dựng đô thị kiểu mẫu về môi trường sẽ là một chương trình hành động hữu hiệu ủng hộ chiến lược phát triển đô thị bền vững.
Xây dựng mô hình đô thị kiểu mẫu về môi trường cần tập trung giải quyết 3 vấn đề:
- Vấn đề sinh thái trong đó đặc biệt quan tâm đến yếu tố khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, tôn trọng các dạng địa hình và sự đa dạng sinh học.
- Đảm bảo môi trường xanh sạch đẹp, cộng đồng có sức khoẻ tốt và chất lượng môi trường sống ngày càng tăng cao.
- Sử dụng vật liệu xây dựng đảm bảo không gây ô nhiễm, vật liệu sau sử dụng có thể quay vòng tái chế sử dụng trong sản xuất và sinh hoạt.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào có thể quy nạp và làm cân đối các tiêu chí trên vào các lĩnh vực xây dựng và qua đó vẽ lên một bức tranh tổng thể về xây dựng đô thị cho Hà Nội với bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trong tương lai. Mở rộng hướng đi này người làm công tác nghiên cứu cần có cách nhìn tổng quan dài hạn cho quá trình xây dựng mô hình đô thị kiểu mẫu về môi trường. Để tìm ra những tiêu chí và những phương pháp áp dụng xây dựng thực tế cho các đô thị của chúng ta. Tức là người tham gia xây dựng mô hình kiểu mẫu về môi trường phải đưa vấn đề môi trường vào áp dụng thử nghiệm ở tất cả mọi lĩnh vực trong xây dựng, bên cạnh đó còn cần bổ sung thêm các nhân tố kinh tế xã hội khác nhằm tìm kiếm sự đồng tình ủng hộ của chính phủ, giới quan chức địa phương và các nhà chuyên môn để các mô hình kiểu mẫu về môi trường này sẽ có hướng phát triển bền vững về mọi mặt.
Về giải pháp tiếp cận, trước tiên cần có những xem xét đánh giá điều kiện tự nhiên của khu vực trên cơ sở những tài liệu thống kê hiện trạng sẵn có. Trên cơ sở những chỉ tiêu quản lý về môi trường ISO 1400, cần có ngay những bước đánh giá tác động môi trường đối với các lĩnh vực xây dựng như năng lượng, khoan trắc môi trường, đánh giá ô nhiễm đất xây dựng, có những thống kê khảo sát chi tiết về các vấn đề môi trường sống bên trong và bên ngoài công trình xây dựng tại các khu vực hiện có hoặc các khu lân cận, vấn đề sử dụng vật liệu xây dựng và nghiên cứu quay vòng sử dụng rác thải từ xây dựng, số lượng và mật độ công trình xây dựng, giao thông đô thị và nhiên liệu sử dụng không gây ô nhiễm…
Để quản lý được môi trường trong các khu đô thị kiểu mẫu việc quản lý sử dụng rác thải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chi phí xử lý rác thải rất lớn vì vậy cần tìm các giải pháp tái chế mang lại hiệu quả tái sử dụng và góp phần làm giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên.
Xem xét về môi trường là sự thành lập một cách thức rõ ràng bền vững trong xây dựng đô thị. Do đó những đề xuất xây dựng một khu đô thị kiểu mẫu về môi trường cần quan tâm quản lý đất, nước, không khí và môi trường xây dựng.

1. Đối với quy hoạch đô thị
Mục tiêu lớn nhất đối với quy hoạch cho các khu đô thị kiểu mẫu về môi trường là tạo ra một điều kiện vi khí hậu công bằng thuận lợi cho cuộc sống, một điều kiện không khí sạch không mang đến những mầm bệnh cho con người. Đất xây dựng đô thị phải được xử lý ô nhiễm đất và ô nhiễm khí trước khi đưa vào xây dựng sử dụng.
Quy hoạch cần tạo ra nhiều nhất những khoảng không, khoảng trống giữa các toà nhà, giữa các công trình, cụm công trình và sử dụng các không gian trống không gian xanh trên toàn đô thị để điều hoà làm cân bằng môi trường vi khí hậu cho toàn đô thị. Do đó, việc tạo những luồng đối lưu khí trong đô thị, hay việc nghiên cứu thông thoáng tốt trong các khu vực đô thị chính là tạo nên một môi trường sinh thái tự nhiên tốt cho con người.
Khó bụi và tiếng ồn được đẩy xa hoặc tách hẳn khỏi khu dân cư sinh sống. Giao thông cao tốc cần hạn chế ảnh hưởng đến các tuyến giao thông trong các khu đô thị kiểu mẫu về môi trường. Các tuyến giao thông ô tô, xe gắn máy và các tuyến đi bộ phải tránh bị giao cắt. Giao thông cơ giới bắt buộc phải hạn chế gây ảnh hưởng đến các tuyến giao thông dành cho người đi xe đạp và đi bộ. Nguyên nhiên liệu phục vụ cho các phương tiện đi lại phải là sản phẩm thân thiện với môi trường.
Trong các đô thị có điều kiện môi trường đặc trưng cần nghiên cứu tiết kiệm sử dụng năng lượng, quản lý tốt lượng nước thải, rác thải, và có biện pháp xử lý tái chế quay vòng sử dụng. Rác hữu cơ tái chế tại chỗ để làm phân bón phục vụ cây trồng tại chỗ. Nước bẩn phải được thu gom và xử lý trước khi đổ ra sông hồ. Nước mưa sạch được thu gom tưới cây trồng và là nguồn nước cung cấp cho các mặt nước trong khu vực. Nước mặt trên các tuyến giao thông là nước bị ô nhiễm nặng cần được thu gom xử lý cùng hệ thống nước bẩn trong đô thị. Tổ chức nơi tập kết và phân loại chất thải rắn xây dựng. Rác cháy cần được phân loại để đốt phục vụ sản xuất sinh hoạt tại các nhà máy tái chế rác tập trung. Tận dụng tối đa các phế thải xây dựng tái chế thành các dạng chất liệu khác phục vụ xây dựng.
Xây dựng các công trình kiến trúc cần xác định rõ diện tích chiếm đất và khối tích không gian, tạo cảnh quan xa gần trong các đô thị. Cây xanh đường phố cần đảm bảo cung cấp đủ bóng mát cho các phương tiện giao thông và người đi lại và đảm bảo đối lưu khí trong đô thị. Các tuyến cách ly phải đảm bảo mật độ và chỉ tiêu cây xanh cho đô thị. Đối với các đô thị lớn thì việc nghiên cứu vành đai xanh bảo vệ các khu đô thị kiểu mẫu về môi trường là hết sức quan trọng. Vành đai này một mặt giúp khu đô thị xác định được giới hạn phát triển của mình, mặt khác đây cũng là vành đai kiểm soát việc chuyển hoá đất nông nghiệp vào các chức năng phát triển không có lợi cho đô thị.

2. Năng lượng - ánh nắng mặt trời, gió và mưa
Hiệu ứng ánh sáng, gió và mưa có không ít những ảnh hưởng đến sinh thái đô thị nhiệt đới. Kiến trúc sinh thái truyền thống, đã thành công không những chỉ qua cách dùng vật liệu xây dựng, cách mở cửa sổ, cửa đi, cách bố trí lan can cầu thang, bố cục các lớp mái công trình mà tại đây, thông thoáng lấy sáng, lấy gió tự nhiên, sử dụng nước mưa sạch chưa lại trong các bể, chum thau sạch để sử dụng trong sinh hoạt đã phần nào thể hiện được ý thức truyền thống đối với tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Mô hình đô thị truyền thống là mô hình cần được khai thác áp dụng trong các khu đô thị kiểu mẫu về môi trường.
Gió là yếu tố làm mát ngôi nhà ở miền nhiệt đới. Chọn nhà hướng Nam là cách lựa chọn truyền thống của người Việt. Sức nóng nắng hướng Tây, cùng sức mạnh của gió mùa Đông Bắc nếu có biện pháp xử lý và chuyên hoá thích hợp qua các giải pháp sinh học sẽ có thể chuyển hoá thành các dạng năng lượng để phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Mô hình kiến trúc truyền thống với xử lý nắng, gió và mưa là mô hình bảo vệ môi trường kiểu mẫu cần được nghiên cứu chuyển hoá vào kiến trúc hiện đại của Việt Nam.

3. Năng lượng giao thông và môi trường
Nhiên liệu chạy xe sẽ được nghiên cứu thu nạp từ nguồn năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng sạch khác. Tương lai Hà Nội sẽ có một hệ thống giao thông công cộng đa dạng và hoàn thiện đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Phương tiện giao thông cá nhân sẽ giảm thiểu bằng các đề xuất sử dụng chung các phương tiện giao thống cá nhân trong khu vực hay khuyến khích sử dụng giao thông công cộng vì đó là phương tiện rẻ tiền tiết kiệm không gây ô nhiễm.

4. Sử dụng đất và môi trường
Để có môi trường đất, nước, không khí sạch không bị ô nhiễm bởi khói bụi và tiếng ồn trong đô thị nhiều nhà máy sẽ bị di dời ra vùng ngoại vi thành phố, đất nhà máy công xưởng đó sẽ được chuyển đổi phục vụ chức năng khác. Chuyển đổi chức năng sử dụng đất phải xem xét đánh giá và xử lý triệt để độ ô nhiễm đất trước khi đưa vào xây dựng sử dụng cho mục đích mới. Cân bằng đất xây dựng, chú trọng vào vấn đề sinh thái, đánh giá và xử lý tốt chất lượng đất xây dựng, hạn chế chuyển đổi chức năng đất nông nghiệp cho xây dựng đô thị sẽ đảm bảo tốc độ phát triển bền vững cho các khu đô thị kiểu mẫu về môi trường tại Hà Nội.

5. Các chỉ dẫn Quy hoạch cần được quan tâm tại Hà Nội
- Khuyến khích xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu về môi trường theo mô hình đô thị truyền thống.
- Kết hợp sử dụng nhiều loại hình giao thông công cộng đặc biệt tại những nơi có mật độ giao cắt với đường bộ và đường sắt. Các phương tiện giao thông gây tiếng ồn bụi và khói chỉ được phép chạy trên các tuyến cao tốc. Tạo nhiều tuyến đi bộ và đi xe đạp giảm thiểu việc sử dụng xe ô tô, xe gắn máy.
- Quy hoạch cần quy định và xác định các hướng công trình theo tính chất ánh sáng và hướng gió chủ đạo của khu vực. Tất cả các công trình kiến trúc cần đảm bảo có thể liên hệ trực tiếp với không gian tự nhiên, có thể nhìn ra các khu cảnh quan lớn xung quanh.
- Tích cực sử dụng cây xanh mặt nước và coi đây là các yếu tố tạo sự sống còn cho đô thị; Khu ở cần được ưu tiên bố trí gần nhất với các khu vực có cảnh quan cây xanh mặt nước đẹp và thoáng đãng. Các công trình chức năng khác cần được bố trí xen lẫn trong không gian cây xanh tự nhiên. Nghiêm cấm chuyển đổi chức năng các khu cây xanh thành các chức năng sử dụng khác trong đô thị.
- Quy hoạch đô thị cần tạo nên sự giảm thiểu tối đa mức độ ô nhiễm, tạo môi trường đô thị mát mẻ xanh sạch đẹp. Cuộc sống của người dân cần được thoả mãn bằng việc sử dụng ở mức độ tối đa không gian bên ngoài các toà nhà cho tiện ích công cộng. Quy hoạch đô thị cần tạo được nhiều khu vực có bóng mát, bố cục các công trình kiến trúc sao cho có thể tạo các diện đổ bóng lớn tạo các khu râm mát và là nơi che chắn nắng tự nhiên cho con người.
- Các khu đô thị kiểu mẫu về môi trường phải đảm bảo có thiết kế đô thị trên cơ sở thực hiện quy hoạch chung mang tính chiến lược có tầm nhìn dài hạn. Thiết kế đô thị áp dụng cho các dự án nhỏ đã có chủ đầu tư, các dự án thiết kế đô thị này không được hiểu là các dự án xây dựng các công trình kiến trúc đơn lẻ.
- Các khu đô thị kiểu mẫu về môi trường cần tạo được một môi trường xây dựng tốt nhất, trong đó đặc biệt quan tâm nghiên cứu về quay vòng sử dụng tái chế các sản phẩm tiêu dùng trong xây dựng. Bên cạnh đó cần quan tâm đến hai vấn đề hết sức quan trọng trong đó là sử dụng năng lượng hợp lý và đảm bảo chất lượng môi trường bên trong và bên ngoài các toà nhà. Khu đô thị kiểu mẫu về môi trường cũng cần tạo ra môi trường xanh sạch đẹp, vừa là khu ở chức năng đô thị vừa là các khu vực tạo cảnh quan chung cho đô thị. Ngoài ra các khu đô thị kiểu mẫu về môi trường phải thoả mãn những quy định về quản lý tài nguyên và các chính sách tái chế quản lý rác thải của khu vực, thành phố, vùng miền tại Việt Nam.

6. Các chỉ dẫn thiết kế đô thị cần được quan tâm tại Hà Nội
- Thiết kế đô thị cần đưa ra những mẫu mã thiết kế khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng tăng cường khai thác sử dụng nguồn sáng tự nhiên, tăng cường thu nhận nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió để sưởi ấm hoặc làm mát công trình, có hệ thống sử dụng nước mưa, nước thải hợp lý tiết kiệm phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho từng công trình và cho toàn khu vực.
- Thiết kế công trình dân dụng và công trình kỹ thuật hạ tầng cần đảm bảo độ bền vững cho công trình. Mẫu thiết kế phải phù hợp với điều kiện sinh thái và tạo sức khoẻ tốt cho cộng đồng.
- Thiết kế kiến trúc phải ngăn chặn được các hướng gió mùa thổi xuyên qua công trình là các hướng gió Đông Bắc và Tây Nam. Tất cả các công trình cần đảm bảo thông thoáng gió tự nhiên. Hướng các công trình kiến trúc cần bố trí sao cho có thể đón gió mát nhiều nhất và tránh được nóng tốt nhất.
- Các công trình phải tạo được mát âm cho công trình. Khuyến khích sử dụng lan can, ban công có mái che.
- Các công trình kiến trúc không được phép xả hoặc truyền hơi nóng tới các công trình lân cận. Cầu thang và các khu vực vệ sinh bố trí ở cuối hướng gió về hướng Bắc và Tây của công trình.
- Mặt đứng cần có những hướng dẫn thiết kế đồng nhất và được trang trí bằng những vật liệu, màu sắc có độ bức xạ thấp. Vật liệu xây dựng được sử dụng là vật liệu không độc hại có độ an toàn cao, có khả năng chống nóng và chống rét chống ồn tốt. Khuyến khích bố trí cây xanh theo các phân vị dọc và phân vị ngang và trên mái các công trình.
- Tiết kiệm năng lượng, quản lý tốt lượng nước thải, rác thải, và có biện pháp xử lý tái chế quay vòng sử dụng. Xử lý hệ thống thu thoát trên mái tốt tận dụng nước mưa sạch sử dụng làm mát công trình, tưới cây cối trong khu vực và dùng cho các mục đích sử dụng khác.
- Năng lượng mặt trời phải được đưa vào sử dụng phục vụ các tiện ích cuộc sống. Phổ cập và khuyến khích người dân sử dụng pin năng lượng mặt trời.
Kết luận
Các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch ở Việt Nam không thể bỏ qua những nghiên cứu liên quan đến vấn đề môi trường mà trái đất hiện nay đang phải đối mặt trong khi nghiên cứu thiết kế các khu đô thị kiểu mẫu về môi trường. Vì vậy, mọi vấn đề liên quan đến thiết kế đô thị đều cần rất chú ý đến vấn đề nhạy cảm liên quan đến sinh thái môi trường đặc biệt chú ý đến sinh thái địa phương, vùng toàn cầu.
Xét tận gốc vấn đề, đối với những chuyên ngành liên quan đến quy hoạch thiết kế và quản lý môi trường xây dựng cần có những đánh giá đúng đắn về giá trị, về sự nhạy cảm của các khu đất, vì đó là nguyên nhân cốt lõi để giải quyết các vấn đề môi trường. Ý thức về sinh thái môi trường cần được coi như là một lĩnh vực sống còn trong quá trình thực hiện chuyên môn về quy hoạch và thiết kế đô thị.
Thành phố Hà Nội nói riêng và các đô thị của Việt Nam nói chung cần tìm được một hướng đi bền vững trên các lĩnh vực sau:
- Tạo được môi trường đầu tư xây dựng cạnh tranh lành mạnh mang tính quốc tế.
- Tạo ra điều kiện sống tốt và bình đẳng.
- Tạo được một môi trường sống bền vững lâu dài.

H. Phước
Nguồn tin: Hội thảo Hướng tới một đô thị kiểu mẫu về môi trường, năm 2005

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)