Không gian mặt nước trong đô thị yếu tố cần phát huy đúng mức

Thứ hai, 08/05/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Yếu tố mặt nước thường đi kèm với cây xanh trong quy hoạch và kiến trúc đô thị. Tuy nhiên, trong các sách báo, vấn đề mặt nước mới điểm qua một cách sơ sài. Ngay cả các sách giáo khoa cũng nói tới tác động tích cực của cây xanh, không gian mặt nước, nhưng thực ra thiên về cây xanh.
Đó là tác dụng làm trong sạch bầu không khí, làm giảm bức xạ mặt trời, làm thay đổi nhiệt độ và độ ẩm, chế độ gió trong một khu vực nhất định. Điều này cũng dễ hiểu, bởi người ta chú trọng diện tích phủ xanh đô thị hơn là diện tích mặt nước của đô thị. Hiểu một cách khái quát thì mặt nước- một bộ phận không gian mở, gồm: sông, hồ, bể bơi, vườn cảnh, thác nước, suối, mảng nước tiểu cảnh trang trí khu đất công trình. Không phải chỉ ở nước ta, mà yếu tố mặt nước đã sớm tham gia vào việc hình thành đô thị từ xa xưa, khi mà trong quá trình hình thành đô thị, tụ điểm thương mại thường hình thành trên cơ ở của đầu mối giao thông thuỷ. Tiếp đó, mặt nước tồn tại xung quanh những thành quách quân sự và cuối cùng là trong khuôn viên của các dinh thự, các phủ của vua chúa phong kiến. Trình tự xuất hiện của mặt nước trong đô thị từ thương mại, quân sự, giải trí. Ngày nay, yếu tố mặt nước có vai trò và tác dụng rất to lớn trong đô thị. Đó là:
- Điều hoà nước mưa: đảm bảo thoát hết nước mưa trong mùa mưa bên cạnh hệ thống thoát nước còn hạn hẹp, tránh cho đô thị khỏi úng ngập cục bộ. Các hồ, ao có tác dụng chứa nước mưa, rồi sau đó mới thoát dần theo hệ thống cống. Các hồ điều hoà có khả năng hỗ trợ hệ thống thoát nước trong đô thị, bởi làm giảm được lưu lượng nước chảy sau đó, giảm công suất trạm bơm.
- Tạo cảnh quan cho đô thị: đâu phải ngẫu nhiên mà các công viên, nơi giải trí trong đô thị thường ở gần hay ngay trong khu vực mặt nước của đô thị. Lấy các hồ có tại Hà Nội mà xem xét, rõ ràng là hồ Hoàn Kiếm, hồ Thuyền Quang, hồ Tây...đều là những nơi vui chơi giải trí, có cảnh quan đẹp vì địa hình, vị trí tương đối với không gian kiến trúc chung quanh
- Xử lý nước thải: đó là khả năng tự làm sạch chất ô nhiễm thông qua các quá trình làm sạch tự nhiên lý học, hoá học, sinh học diễn ra trong môi trường nước. Quá trình này diễn ra tương đối nhanh và làm phân huỷ hoàn toàn chất hữu cơ có trong nước sau 20 ngày. Tác dụng dẫn xuất là tạo ra thức ăn cho nguyên sinh động vật, rồi sinh vật phù du và nhuyễn thể...làm cho nước ngày càng sạch hơn.
- Nuôi trồng thuỷ sản: nuôi cá nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng mặt nước đô thị. Tuy nhiên, phải có sự cân đối thích hợp giữa sản lượng cá nuôi, diện tích mặt nước và chất lượng nước hồ.
Trong thời gian qua, việc tận dụng khai thác yếu tổ mặt nước không mấy khả quan. Đó là do:
- Chưa có ý thức và biện pháp hữu hiện để bảo vệ mặt nước trong đô thị
- Chưa khai thác sử dụng các bề mặt nước có trong đô thị, nhất là trong việc cải thiện vi khí hậu đô thị, tạo môi trường cảnh quan sinh thái theo đúng nghĩa của nó
- Chưa có biện pháp khắc phục và bù đắp tình trạng giảm diện tích mặt nước ngày càng thấy rõ trong đô thị do quá trình đô thị hoá mạnh mẽ.
- Chưa xác định được đầy đủ và chưa có sự kết hợp hài hoà, đan xen các tác dụng của mặt nước đã nêu ở phần trên.
Vấn đề quản lý khai thác sông hồ tại Thủ đô Hà Nội là một ví dụ cụ thể về hiện trạng quản lý mặt nước tại Việt Nam. Hầu hết các hồ tự nhiên và nhân tạo đều khai thác tương đối tuỳ tiện. Do vậy, dẫn đến sự không thống nhất trong quản lý khai thác, nhiều khi gây mâu thuẫn giữa các mục đích khác nhau trong sử dụng hồ. Các hồ đã không làm được vai trò điều hoà vi khí hậu mà cũng không thể hiện được vai trò của nơi vui chơi giải trí, danh lam thắng cảnh. Tình trạng ngập lụt ở một số tuyến phố khi có mưa to là kết quả của việc không xác định diện tích mặt nước cần thiết cho nhu cầu điều hoà nước mưa cho cả khu vực đô thị.
Để thiết thực cải thiện điều kiện vệ sinh vi khí hậu trong đô thị, thời gian tới cần có kế hoạch phát triển không gian mặt nước đô thị. Phân rõ loại đô thị xây dựng mới hoặc cải tạo để có biện pháp thích hợp. Ví dụ: đối với các đô thị xây dựng mới, phải tính toán đầy đủ hết các nhu cầu về mặt nước cần đáp ứng, còn đối với đô thị cải tạo mở rộng thì cần xác định diện tcíh mặt nước còn thiếu theo chỉ tiêu để bổ sung, bên cạnh đó phải chính xác hoá chức năng chính của từng hồ. Đặc biệt đối với các hồ có chức năng vui chơi giải trí, không để nước thải sinh hoạt chảy vào, có thể thiết kế hệ thống cống bao, thu nước bẩn chung quanh hồ. Đây cũng là cách giải quyết tình thế, còn trong tương lai, phải thiết kế xây dựng các hệ thống thoát nước bẩn riêng và tách khỏi hệ thống nước mưa. Để chống ô nhiễm nước hồ, thiết kế hệ thống kè và đường dạo xung quanh hồ là điều nên phát huy. Tại Thủ đô Hà Nội, một số hồ nội thành như Giảng Võ, Ngọc Khánh... đã làm được điều này.
Xin nhắc lại rằng, nhu cầu không gian mặt nước cũng cao như đối với cây xanh trong việc cải tạo cảnh quan đô thị và cải thiện vi khí hậu nơi đây. Chúng ta không thế chỉ quan tâm đến cây xanh mà không chú ý đến không gian mặt nước. Cả hai yếu tố này đều có những tác dụng đáng kể trong việc làm giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm, cấp ô xy và chống ồn đô thị. Và rõ ràng là tại công viên, nơi vui chơi giải trí , hai yếu tố này sẽ tạo điều kiện hình thành cảnh quan đô thị tươi đẹp. Vấn đề là chỗ quỹ đất và quỹ mặt nước đô thị có đến đâu.


Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, tháng 4/2006

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)