Kiến trúc nhỏ đô thị.

Thứ năm, 22/12/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kiến trúc nhỏ là một trong bốn yếu tố làm nên mặt kiến trúc - dẫn dắt cảm thụ thẩm mỹ. Khối hình không lớn, không là nơi lui tới của nhiều người, nhiều hình, nhiều vẻ, nhưng kiến trúc góp phần làm mềm đi cái khô cứng của những tháp cao tầng, của bê tông, thép, kính...Hãy thử tưởng tượng thành phố bất tiện và thô ráp biết nhường nào nếu thiếu đi những kiến trúc nhỏ. Ít bị ràng buộc bởi những xô bồ nào khác, kiến trúc nhỏ như sự bổ sung, một điểm xuyết cho không gian kiến trúc đô thị, mạch nối ghép các thành phần kiến trúc.
Trên đường phố ta thường gặp một vọng gác, vòi phun nước, cột đèn chiếu sáng, bảng tin, mái chờ xe buýt, tấm biển quảng cáo, hàng lan can vườn hoa hồ nước...biết bao nhiêu là kiến trúc nhỏ, sao có thể kể ra hết?
Chùa Một Cột là kiến trúc nhỏ truyền thống tuyệt vời đã thành biểu tượng quốc gia, 950 năm qua không ngừng toả sáng, xứng với tên gọi Diên Hựu. Lĩnh viễn chinh Pháp khi rút chạy đã phá đổ hẳn, chùa vẫn được phục chế lại nguyên hình xưa, luôn giữ một kiến trúc nhỏ đáng tự hào của Thủ đô.
Tản mạn bàn về mảng kiến trúc nhỏ Thủ đô, cũng còn nhiều điều đáng lưu tâm. Những năm gần đây, các cột đèn chiếu sáng đã được chau chuốt ở những vườn hoa, lối đi dạo, dải cây ngăn hai chiều đường, nhưng quá nhiều quả bóng tròn và những thân cột lặp lại, đơn điệu, nhàm chán!
Ven Hồ Gươm, nơi giao nhau giữa đường Lê Thái Tổ và Hàng Khay, trên cột đèn người ta lại treo lên phủ kín ánh sáng dịu dàng ấy những panô xanh - sạch - đẹp, thật là một nghịch cảnh. Đã có những căn nhà ở những không gian thuận lợi, xong chẳng hề chú ý đến mặt chính nhà, có lẽ vì cho thuê để treo biển quảng cáo lợi nhuận còn cao hơn cho thuê nhà!
Ở dải cây giữa một số đường lớn, thành phố cho dựng những hộp quảng cáo đẹp và hiệu quả. Nhưng gần đây, xuất hiện những màn hình lớn quảng cáo ở những quảng trường giao thông đường bộ, trộm nghĩ có nên không, nhìn từ góc độ an toàn?
Các băng dải giăng ngang, dọc đường phố, buộc vào cành cây, vào cột đèn...cũng đôi khi chồng chéo, cái trên cái dưới, anh nào biết anh ấy thật tuỳ tiện. Lại có cả những băng vải mang nội dung đã quá thời gian mà vẫn không chịu tháo bỏ.
Ngành công chính đã có ý thức làm đẹp thành phố bằng các dải cây xanh, các thảm cỏ, thảm hoa ở các dải phân cách, các đảo hoa ở giữa quảng trường giao thông. Một chút rào nhỏ quanh các thảm cỏ như đã làm là cần thiết nhưng cứ mấy thanh nhô cứng ấy đại diện cho một vườn thảm hoa cỏ thì e có điều thô thiển quá. Cũng nên giảm những lô cốt hoa, nghĩa là đã quá lạm dụng bồn hoa. Ven hồ Ngọc Khánh, trên đường Thanh Niên, đường dạo rất nhỏ, rất đẹp, chềnh ềnh cái lô cốt hoa, chỉ làm vướng chân khách dạo chơi, nhất là khi trong bồn chỉ có mấy cành khô, rác thải thì thật nên xoá bỏ. Góp phần làm hỏng kiến trúc nhỏ phải kể đến ngành điện lực với các đồng hồ đo điện treo ngổn ngang khắp phố phường, thường gây khó hiểu cho nhiều khách nước ngoài. Xin tìm một giải pháp tốt hơn, văn hoá hơn.
Vòi phun nước là kiến trúc nhỏ làm đẹp không gian, thêm phần dịu mát cho các xứ nóng, kiến trúc cổ đại La Mã, Hy Lạp được sử dụng nhiều. Thú vị biết bao những dòng nước được khúc xạ ánh sáng, ánh điện, vờn bay lấp lánh nhiều màu nhưng cứ dang dở như ở vườn hoa Con Cóc gần khách sạn Sofitel Metropole hơn 50 năm nay, từ khi phá bỏ tượng ông Tây bà đầm nào ở phía trên. Hay thô kệch 3 tầng nấm với các rào sát quanh bờ như ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục – Lê Thái Tổ thì là điều chẳng nên.
Nhớ hồi Hội nghị Cấp cao các nước nói tiếng Pháp năm 1997, ra đời một số biển chỉ dẫn trên đường phố, đẹp và cần thiết. Thành phố còn cần bao nhiêu là biển, bảng như vậy. Nên chăng có những bảng chỉ dẫn Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền ngã tư Bạch Mai- Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Ô Quan Chưởng, Ô Cầu Giấy, Ô Đông Mác Lò Đúc – Minh Khai. Mười ba cửa ô xưa đã rơi vào dĩ vãng quá nửa, chả lẽ còn 5 cửa ô từng vang trong khúc hát Văn Cao, Nguyễn Đình Thi cũng lại chìm dần vào quá khứ.Cái trụ bê tông cửa ngõ vào thành phố từ đường huyết mạch số 5 ra đã được tháo dỡ. Những bức hoành tráng che kín cả một dãy nhà nên chăng nhường chỗ cho những giải pháp hợp lòng người hơn. Nghe nói có nước Nam Mỹ nổi tiếng tranh hoành tráng trên đường phố, nhưng khó tìm thấy cái hoành tráng bắt người dân phải luồn cúi dưới chân mình để tìm nối vào nhà.
Quanh Hồ Gươm, những bồn hoa, lối đi được Công ty Công viên cây xanh chăm sóc nâng niu thế nhưng mấy quán nhỏ bán đồ uống, văn hoá phẩm lại được mọc lên rất thiếu sự hài hoà. Cái nhà vệ sinh công cộng ngang nhiên trước UBND thành phố. Vâng, thể loại công trình dịch vụ này rất cần thiết, nhưng phải đúng chỗ, với công nghệ cao hơn, đưa ngầm xuống đất đâu phải là quá khó! Nhiều nhà vệ sinh bằng thép không rỉ mới lắp đặt, cái việc kín đáo ấy chẳng được che khuất bằng các chậu cây, lại phủ bức tranh Thái Lan to cả chục mét vuông để lôi cuốn cặp mắt ngắm nhiều khách qua đường! Các nhà cầm quyền Pháp thời thực dân đã xoá bỏ chùa Ông Thượng để xây nhà Bưu điện và làm quanh hồ, còn để lại cây tháp Hoà Phong lẻ loi màu nâu Bát Tràng. Cũng phải tìm một giải pháp nào đó để khách du lịch đỡ phần ngỡ ngàng và kiến trúc nhỏ mà độc đáo này góp phần nâng cao huyền thoại Hồ Gươm. Bên góc đường Hàng Khay, trước có một quán bán hoa với một vòi phun nước rất La Mã đã bị dỡ bỏ. Cạnh đền Bà Kiệu, nhà bia kỷ niệm đức cha Alexandre de Rhode là giáo sĩ, cũng là nhà văn hoá, nhà ngôn ngữ mà lịch sử văn hiến Việt Nam mãi mãi ghi công, nhớ ơn người sáng tạo chữ quốc ngữ, cũng không còn nữa. Nhưng kiến trúc nhỏ một thời đóng góp xứng đáng cho cảnh quan Hồ Gươm này được dựng lại ở đâu đó bên hồ chắc chắn sẽ là mong muốn của nhiều người.
Vườn thú Thủ Lệ một trung tâm giải trí tham quan, dù rằng còn nhiều rối loạn hàng quán và xe đạp, xe máy vòng vèo trong công viên song phải ghi nhận có những kiến trúc nhỏ thật thú vị. Cổng vào chính rất có hồn, chuồng voi gồ lên một dãy lưng voi, chiếc cầu vắt ngang dòng nước. Chỉ tiếc lan can uốn dẻo dùng quá nhiều con tiện gốm, đã không đậm đà bản sắc lại còn dễ vỡ hỏng.
Kiến trúc có thứ vĩnh cửu, có thứ bền vững vừa phải, có thứ chỉ một thời gian ngắn, rất ngắn nhưng tất cả đều phải tử tế, đều phải thuận mắt, không phải cứ ỷ vào tạm vào nhỏ để bôi bác. Hãy thử dạo một vài đường phố thôi – bao nhiêu thứ nhỏ, thứ tạm ấy làm khổ mọi người. Những mái vẩy xô bồ, những cột treo đồng hồ đo điện chằng chịt cái ra cái vào. Chúng ta đang sống trong thành phố và đang thực hiện quy hoạch, đâu phải chỉ chờ khi nào cần đến, sẽ thu dọn!
Còn có thể kể ra biết bao kiến trúc nhỏ trong thành phố. Nó nhỏ về hình khối nhưng không nhỏ về cảm thụ thẩm mỹ đô thị, dù rằng giá trị tiền của không nhiều nhưng công sức sáng tạo thật lớn, kiến trúc nhỏ là một chuyên ngành trong kiến trúc phong cảnh.

Nguồn tin: Tạp chí Bất động sản Việt Nam 12/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)