Sản phẩm của Lilama là một nhà máy trọn gói

Thứ hai, 19/12/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Điện thoại nhiều lần mới gặp được anh. Qua điện thoại, giộng anh ấm áp: Mình đang ở nhiệt điện Uông Bí, đến 7.11 này, mình đến dự buổi gặp các bạn học Trường Năng lượng Matxcơva nhân kỷ niệm 88 năm ngày Cách mạng tháng Mười Nga, rồi tranh thủ ở lại làm việc luôn có được không? Tôi nhận lời và chờ đến ngày đó.
Đúng hẹn, tôi có mặt tại một nhà hàng Nga bên Hồ Tây, các bạn của anh có mặt đông đủ, chờ mãi phải gần 1 giờ chiều anh mới đến. Với dáng nhanh nhẹn, tất bật anh bảo: Mình vừa vào Hà Tĩnh cùng các anh lãnh đạo tỉnh tìm địa điểm xây dựng Nhà máy điện đốt than Vũng Áng, công suất 2 giai đoạn 1.200 MW vừa được Chính phủ giao cho Lilama làm chủ đầu tư. Công việc quá nhiều, song một năm mới có một ngày gặp lại bạn cũ nên dù bận mấy mình cũng phải có mặt. Với rượu Vodka, bánh mỳ đen, trứng cá hồi và những giai điệu thiết tha, nồng cháy của các bài hát dân ca Nga, chúng tôi cùng hồi tưởng về những kỷ niệm ở nước Nga tươi đẹp, về một thuở sinh viên đầy sôi nổi, lãng mạn.
Anh mở đầu câu chuyện với tôi bằng những tháng năm trai trẻ trở về từ nước Nga và xung phong về xây dựng Nhà máy nhiệt điện Uông Bí. Lúc ấy chúng tôi làm việc với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nga. Còn bây giờ với việc đảm nhận vị trí tổng thầu EPC
từ tư vấn thiết kế, cung cấp thiết bị đến xây lắp, chuyên gia Nga và nhiều nước khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc lại đang làm thuê cho chúng tôi ở Dự án điện Uông Bí mở rộng, công suất 300 MW. Phải mất gần 30 năm, một khoảng thời gian quá dài, chúng ta mới thay đổi được vị trí của mình. Chúng tôi đang tập trung mọi nguồn lực để đưa nhà máy vận hành vào tháng 4 năm 2006, đúng như cam kết với Chính phủ. Đây là niềm tự hào không chỉ của các doanh nghiệp mà còn là của người Việt Nam.
Dù đã nghe anh nói không ít lần trong các buổi họp hay trên công trường với công nhân về chiến lược phát triển ngành cơ khí và tương lai của ngành lắp máy, vậy mà hôm nay ngồi đối diện với anh, tôi như bị hớp hồn bởi lối nói khúc triết, cuốn hút và niềm tin sắt đá của anh vào những gì anh đang làm, đang nghĩ và cả những dự định sắp tới. Không chỉ làm tổng thầu ở dự án điện Uông Bí, Lilama còn đảm đương vai trò này ở Dự án điện Cà Mau, công suất 720 MW, gói thầu 2 và 3 Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Chúng ta không thể cam chịu cảnh làm thuê mãi. Trong khi công nhân, kỹ sư ta ra trường không có việc làm hoặc thu nhập vài trăm ngàn đồng một tháng, thì nhà thầu nước ngoài đưa chuyên gia và công nhân vào Việt Nam với năng lực và trình độ không hơn ta lại bỏ túi cả ngàn đô la. Chúng ta phải có các tập đoàn công nghiệp mạnh, những người khổng lồ như Huyndai của Hàn Quốc, Mitsubitsi, Sumitomo của Nhật Bản, Siemens của Đức, General Motor của Mỹ...Đất nước mạnh nhìn vào doanh nghiệp. Vì thế rất cần tinh thần dân tộc và ý chí quốc gia.
Ở trên anh có nói sẽ đưa các dự án điện Uông Bí vào vận hành đúng như cam kết. Điều này có khả thi không khi dự án nhiệt điện Phả Lại 2 do 4 nhà thầu có tên tuổi trên thế giới thi công, song vẫn chậm tiến độ và đến nay vẫn chưa bàn giao xong?
Uông Bí là dự án có công nghệ đốt than rất phức tạp lại do Lilama lần đầu tiên đảm nhận vai trò tổng thầu EPC nên lúc đầu chúng tôi không khỏi có những khó khăn, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án đang đi vào đúng quỹ đạo. Cuối tháng 12 này nhà máy sẽ đốt lò và sẽ chạy thử vào đầu năm 2006. Nhờ mạnh dạn đảm đương vai trò tổng thầu nên chỉ tính riêng về mặt kinh tế, tỷ trọng của Lilama ở dự án này là 180 triệu USD, trong khi đó nếu để nước ngoài làm tổng thầu, phần của Lilama chỉ còn 30 triệu USD. Ngoài ra, chúng tôi, còn đào tạo được hàng trăm kỹ sư ở tất cả các khâu tư vấn, thiết kế kỹ thuật, đến quản lý, điều hành dự án và mua sắm nhiều thiết bị chuyên dùng, hiện đại trong đó có cần cẩu có sức nâng 600 tấn, trị giá 7,2 triệu USD. Đây là bước tập dượt để Lilama đảm đương tất cả các công đoạn kể cả khâu tư vấn, thiết kế ở các dự án tiếp theo mà không phải thuê nước ngoài. Như vậy, tiền của chúng ta không mất cho nước ngoài mà để lại cho đất nước, không chỉ có Lilama được mà Nhà nước này được.
Tin tưởng vào thành công bước đầu của Lilama, mới đây Chính phủ đã tiếp tục giao cho Lilama làm tổng thầu EPC hai dự án là Uông Bí mở rộng 2, công suất 300 MW, Cà Mau 2, công suất 720 MW và làm chủ đầu tư xây dựng Dự án điện Vũng Áng tại Trung tâm nhiệt điện Vũng Áng Hà Tĩnh. Đây không gọi là sự ưu ái mà là một cách đầu tư cho nội lực.
Như vậy, công việc của Lilama trong những năm tới sẽ rất nhiều. Liệu có quá sức không khi mà tiềm lực về con người, khả năng tài chính của Lilama có hạn?
Đúng là công việc rất nhiều. Tổng cộng các dự án mà Lilama thực hiện trong hai năm tới gần bằng 2 tỷ USD, trong khi năm 2005, giá trị tổng sản lượng của chúng tôi mới là 450 triệu USD tương đương với 6000 tỷ đồng. Vì vậy, bằng này sang năm, chúng tôi phải nhân sức mạnh lên gấp 3 hiện nay mới có thể đảm đương được các dự án. Song song với việc thực hiện 2 dự án theo hình thức tổng thầu EPC là Uông Bí mở rộng 1 và 2, Cà Mau giai đoạn 1, đầu năm 2006, Lilama sẽ trình báo cáo khả thi Dự án nhiệt điện Vũng Áng giai đoạn 1, công suất 600 MW và sẽ khởi công vào tháng 7 năm 2006. Theo kế hoạch, năm 2010 sẽ phát điện cả hai tổ máy và sau năm 2010 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của dự án. Đây sẽ là nhà máy nhiệt điện đầu tiên mang thương hiệu Lilama ở Việt Nam. Như vậy, sản phẩm của Lilama là một nhà máy trọn gói, trong đó tỷ lệ nội địa hoá là 70%. Có thể nói, lao động của Lilama là lao động dự án, xây dựng dự án, sau đó cổ phần hoá và bán. Trong quá trình xây dựng các dự án, chúng tôi sẽ tích luỹ về tài chính, trang thiết bị máy móc và sẽ trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp và Tập đoàn công nghiệp xây dựng mạnh. Điều này rất đúng với Chiến lược phát triển của ngành lắp máy mà chúng tôi đã đề ra cách đây 10 năm.
Nhiều người cho rằng, đầu tư vào lĩnh vực cơ khí đòi hỏi vốn rất lớn, thu hồi vốn lại lâu và sản phẩm cơ khí của ta chưa thể cạnh tranh với các nước. Vậy anh lấy cơ sở nào để nói rằng, các nhà máy do Lilama đầu tư sẽ có tỷ lệ nội địa hoá là 70%.
Những năm gần đây, Lilama đã chế tạo 50% -60% thiết bị cho nhiều dự án công nghiệp lớn như xi măng Nghi Sơn, Tam Điệp, Hoàng Mai, Sông Gianh, các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện Phú Mỹ và gần đây nhất là nhiệt điện Uông Bí. Trong tương lai, chúng ta sẽ xây dựng 20 nhà máy xi măng, 30 nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện, các nhà máy lọc dầu, hoá chất. Mỗi năm nước ta phải bỏ ra 4 đến 5 tỷ đô la để mua thiết bị máy móc trong ngành cơ khí nước ta lại manh mún, kém phát triển, công nhân không có việc làm. Nước ta nghèo mà bỏ một khoản tiền lớn nhập thiết bị thì xót xa lắm chứ. Vì thế, cách đây 10 năm, khi mới lên làm Tổng giám đốc Lilama, tôi đã cùng anh em xây dựng Đề án phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2000 và 2010 và trình Chính phủ. Sau đó, các doanh nghiệp cơ khí đã nhận được sự ủng hộ và khích lệ rất lớn của Chính phủ. Chính phủ cũng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm, chú trọng đầu tư vào phát triển 8 nhóm sản phẩm, trong đó có nhóm cơ khí chế tạo thiết bị đồng bộ cho các dự án thuỷ điện, nhiệt điện, xi măng và giao cho Lilama làm Trưởng nhóm. Để làm được điều này, Lilama đã lập đề án: Chương trình nội địa hoá thiết kế, chế tạo thiết bị đồng bộ cho ngành xi măng và sẽ đảm nhận toàn bộ công tác thiết kế, chế tạo thử nghiệm các nhóm thiết bị chính trong dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500 tấn clinker/ngày nhằm thay thế thiết bị nhập ngoại. Về năng lượng, Lilama cũng đã ký hợp đồng với Tổng Công ty điện khí Thượng Hải SEC và một số tập đoàn khác của Trung Quốc để hợp tác chế tạo tua bin thuỷ điện, công suất dưới 100 MW. Đây sẽ là địa chỉ đầu tiên ở Việt Nam sản xuất tuabin- trái tim của các nhà máy thuỷ điện. Cho đến nay, đã có hơn 40.000 tấn thiết bị do Lilama chế tạo được xuất khẩu sang các nước với trị giá gần 50 triệu USD như thiết bị điện gió xuất khẩu sang New Zealand, tháp sóng phát sang Đài Loan, bộ sấy không khí lò điện sang Trung Quốc, thiết bị lọc bụi và thiết bị đóng mới sang Nhật Bản...Ngoài 6 nhà máy cơ khí hiện có nằm 3 miền với tổng công suất 80.000 tấn sản phẩm/năm, Lilama đã lập dự án xây dựng Trung tâm cơ khí tại KCN Đình Vũ Hải Phòng, công suất 50.000 tấn/năm nhằm phục vụ cho các dự án do Lilama làm tổng thầu hoặc làm chủ đầu tư.
Theo anh, những phẩm chất cần có của người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo một doanh nghiệp lớn như Lilama là gì?
Đầu tiên là phải có cái tâm, nghĩa là phải hết mình vì công việc chung, coi công việc chung như công việc của chính nhà mình. Trong vị trí làm giám đốc doanh nghiệp mà không có tâm thì tai hại vô cùng bởi Nhà nước giao cho giám đốc nhiều của cải, quyền lực nhưng còn quá nhiều cơ hội, nhiều kẽ hở để một anh giám đốc có thể biến của chung thành của riêng. Nhiều người bị ngã ngựa bởi không biết dừng lại trước ranh giới. Tiếp đến là phải có tấm nhìn chiến lược, trong đó cần xác định rõ mục tiêu của từng giai đoạn cụ thể và phải lãnh đạo doanh nghiệp đạt bằng các mục tiêu ấy. Năm 1995, khi mới về nhận chức Tổng giám đốc, mặc dù bề bộn khó khăn, song chúng tôi cũng đã đề ra chiến lược phát triển ngành lắp máy đến năm 2010. Đến bây giờ nhìn lại, hầu như chiến lược phát triển chúng tôi cũng đã đề ra đều thực hiện được. Điểm thứ ba cần có của người lãnh đạo là kỹ năng quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện và dám chịu trách nhiệm. Cuối cùng là kiến thức văn hoá, xã hội và khả năng ngoại giao.
Câu chuyện của chúng tôi còn xoay quanh những vấn đề về khó khăn, vất vả của những người thợ lắp máy và quan điểm của anh về người lao động, những bất cập trong cơ chế, quản lý hiện nay và quyết tâm của Lilama khi lần đầu tiên làm chủ đầu tư xây dựng nhà máy điện chạy than có công suất lớn...Sau 45 năm xây dựng và trưởng thành, gần 20.000 người thợ lắp máy đã để lại phía sau họ hơn 2.000 công trình lớn nhỏ trên khắp đất nước. Đây chính là tài sản quý nhất của chúng tôi. Chính điều đó đã giúp chúng tôi quy tụ được sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực để đưa Lilama từ chỗ làm thuê trở thành nhà tổng thầu và nhà đầu tư. Phạm Hùng kết luận.
Nghe anh nói, tôi bỗng nhỡ tới những người thợ đang làm việc cần mẫn 3 ca liên tục giữa bạt ngàn rừng núi ở thuỷ điện Yaly, Sêsan 3 Tuyên Quang, Sơn La...vì dòng điện sáng cho đất nước, rồi cả những đêm thức trắng, những buổi làm việc thông trưa, quên ăn của các công nhân, kỹ sư trên công trình nhiệt điện Uông Bí nhằm thực hiện thắng lợi dự án tổng thầu EPC đầu tiên của họ, những cuộc tranh cãi quyết liệt của Phạm Hùng và các cộng sự của anh trong các cuộc đấu thầu quốc tế, những lần sắn quần bì bõm lội đồng tìm địa điểm đầu tư dự án điện Vũng Áng. Những thành viên của ngôi nhà Lilama đã và đang phát huy cao độ sức mạnh và trí tụê để thực hiện bằng được chiến lược phát triển của họ. Đồng hành với những người thợ lắp máy gần 30 năm, tôi hiểu rằng: Thành công của Lilama, danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động mà Lilama có được hôm nay và cả khát vọng vươn lên làm chủ đầu tư, xây dựng Lilama trở thành tập đoàn công nghiệp mạnh đã và đang được khắc hoạ từ chính những công trường và những con người như Phạm Hùng và cả những kỹ sư, những người thợ yêu quý của anh.

Nguồn tin: Tạp chí Cơ khí Việt Nam số 11/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)