Những thay đổi trong quan điểm quy hoạch thành phố bên sông

Thứ năm, 21/09/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trải qua mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, dòng sông cũng có những đóng góp khác nhau cho đô thị. Dù được tôn trọng như cội nguồn sự sống hoặc có những lúc bị quay lưng trở mặt, sông vẫn lặng lẽ chảy xuôi bên thành phố, mang phù sa cho đất và nhẫn nại nhấn chìm những gì mà con người phũ phàng vứt xuống dòng sông.
Thời kỳ sơ khai của văn minh nhân loại, những điểm dân cư đầu tiên, những khu dân cư trù mật và đông đúc của thế giới Cổ đại đều được hình thành bên những dòng sông lớn: sông Nil Bắc Phi, sông tiger, sông Euphurate Trung Á, sông Hằng, sông Ấn Ấn Độ, sông Hoàng Hà Trung Quốc. Với nguồn nước và phù sa dồi dào, đồng bằng các con sông là nơi sinh sống lý tưởng cho các cộng đồng dân cư nông nghiệp.
Sông trong thời kỳ sơ khai của văn minh nhân loại đã đóng vai trò là nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, là tuyến giao thông đường dài của các đô thị thời kỳ Cổ đại.
Trong thời kỳ Trung đại, chiến tranh chinh phạt để tranh giành địa vị thống trị diễn ra liên miên là đặc điểm của xã hội thời kỳ này. Các đô thị ngoài chức năng bình thường, còn phải đặc biệt chú trọng đến yếu tố phòng vệ và sông suối được tận dụng như thành luỹ để bảo vệ đô thị. Sông nhiều khi còn trở thành chiến trận với các chiến công lừng lẫy còn ghi lại trong lịch sử. Về giao thông, vai trò của sông trong thời gian này đặc biệt quan trọng, mặc dù xe súc vật kéo được sử dụng rộng rãi. Lợi dụng sức nước giảm để giảm sức người và vận chuyển một khối lượng hàng lớn, chi phí vận chuyển thấp.
Do kỹ thuật xây cầu còn hạn chế nên phần lớn các đô thị chỉ phát triển về một phía của các con sông, nhất là những sông lớn. Với những dòng sông nhỏ, các đô thị có thể phát triển đều cả hai bên bờ sông.
Thời kỳ Cận đại hay còn được gọi là thời kỳ cách mạng công nghiệp - thời kỳ bùng nổ của các đô thị. Các khu công nghiệp đã thu hút một lực lượng lớn dân cư từ nông thôn lên thành thị, thúc đẩy các thành phố tăng nhanh về diện tích và quy mô dân số. Các thành phố phát triển ồ ạt ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt tại các vùng ngoại ô.
Dòng sông trong thời kỳ công nghiệp hoá bị ô nhiễm nặng: tàu thuỷ, ca nô, sà lan vận chuyển hành khách và hàng hoá chạy suốt ngày đêm, bánh lái và chân vịt khuấy đảo nước sông đục ngầu, váng dầu loang kín mặt sông. Những khu công nghiệp và kho tàng dựa vào giao thông đường thuỷ bố trí dọc theo sông, những khu ổ chuột của dân nghèo ở ngoại ô cũng bám vào sông. Tuy khác nhau về chức năng, nhưng những khu vực này giống nhau ở chỗ cùng lấy nước sông và cùng đổ nước thải ra sông. Chỉ trừ một phần sông chảy qua khu trung tâm đô thị còn được chăm chút về cảnh quan, còn lại dòng sông như lag khu phụ của đô thị. Những gì bẩn thỉu và nhếch nhác, cần sử dụng nước thì được quay ra sông. Dòng sông nhẫn nại và cam chịu ôm vào lòng tất cả phế thải rắn cũng như lỏng của con người. Có những dòng sông nước quá tù đọng và bẩn thỉu đã trở thành dòng sông chết, bị lấp đi khi đô thị cần đất mở rộng. Đấy là tình trạng chung của các nước Tây Âu và Bắc Mỹ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Sau gần một thế kỷ khủng hoảng về vệ sinh môi trường đô thị, nửa đầu thế kỷ XX, sau thế chiến làn thứ hai, các nước tiên tiến châu Âu đã thay đổi nhận thức về vai trò của dòng sông với đô thị. Dàn dần xu hướng này đã lan nhanh sang các nước khác trên thế giới. Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người đã cải tạo và kiểm soát được chế độ thuỷ văn và chất lượng nước của dòng sông. Trong nhận thức của các nhà chuyên môn cũng như đông đảo cư dân, vai trò của dòng sông với đô thị cũng thay đổi, dòng sông được xác định như một trục cảnh quan của không gian đô thị. Sự biến đổi này có thể thấy rất rõ trong bản đồ quy hoạch xây dựng các thành phố giai đoạn thế kỷ XX: Bộ mặt của các thành phố được hướng ra sông, dọc theo sông, các khu sinh hoạt công cộng như công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí, dần thay thế cho các kho bãi công nghiệp, các khu ổ chuột tồi tàn trước đây. Cảnh quan hai bên bờ sông được nghiên cứu, thiết kế kỹ lưỡng, có những quy định nghiêm ngặt về xây dựng và khai thác sử dụng không gian hai bên bờ sông.
Giao thông đường bộ, đường sắt thuận tiện, giá thành rẻ đã dần dần thay thế giao thông đường thuỷ, làm giảm áp lực của đô thị lên dòng sông. Giao thông đường sông không giữ vai trò quan trọng như trong các thời kỳ trước, hầu như không dùng để vận tải hành khách và hàng hoá nữa, mà chỉ phục vụ cho du lịch để tránh ô nhiễm dòng nước. Ngày nay, trên các dòng sông trong đô thị, người ta hay thấy bóng dáng của những du thuyền sang trọng, chậm rãi đưa du khách đi tham quan cảnh đẹp hai bên bờ sông.
Sang nửa cuối thế kỷ XIX, trong phương án quy hoạch xây dựng các thành phố, dòng sông được trân trọng như một dải lụa xanh, một đại lộ xanh, truyền tải không gian xanh vào trong lòng đô thị. Các đại lộ chính của thành phố cũng dần dần mở ra phía dòng sông, kết nối với bờ bên kia bằng những cây cầu. Khi đô thị càng phát triển thì số lượng cầu ngày càng nhiều, ở các nước tiên tiến, đôi khi những cây cầu hình thành không chỉ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và nhu cầu sử dụng, mà còn để trang hoàng cho dòng sông thêm đẹp và ấn tượng. Đoạn sông qua trung tâm thành phố thường được kè bờ và mở đường ven sông. Sát mép nước là đường dạo dành cho người đi bộ, cao hơn, lùi vào bờ là đường cho xe cơ giới.
Các thành phố hai bên bờ sông đã khai thác tối đa yếu tố cảnh quan mặt nước của sông để phục vụ những nhu cầu của con người trong thời kỳ mới. Có thể thấy nếu như trước đây, đô thị đòi hỏi dòng sông đáp ứng hai nhu cầu chủ yếu là cấp - thoát nước và giao thông vận tải, thì ngày nay con người lại mong muốn được đáp ứng những nhu cầu nghiêng về mỹ quan đô thị, về văn hoá - xã hội - du lịch và vệ sinh môi trường... Nhiều thành phố đã tạo dựng thành công bản sắc của mình nhờ thiết kế và quản lý tốt cảnh quan hai bên bờ sông. Những ai đã có dịp một lần đến Paris Pháp, Budapest Hungary, Praha Cộng hoà Séc, Seoul Hàn Quốc, Thượng Hải Trung Quốc chắc sẽ không bỏ qua dịp đi du thuyền trên sông, không thể nào quên được hình ảnh thành phố soi bóng bên dòng sông ban ngày và lung linh huyền ảo trong đêm.
Ở Việt Nam, hầu hết các thành phố lớn đều gắn liền với dòng sông: Thủ đô Hà Nội với sông Hồng, thành phố Hải Phòng với sông Cấm, sông Lạch Tray, thành phố Thanh Hoá với sông Mã, thành phố Huế với sông Hương, Đà Nẵng với sông Hàn, TP. Hồ Chí Minh với sông Sài Gòn... Cũng giống như các nước trên thế giới, các đô thị Việt Nam đã trải qua các thời kỳ lịch sử phát triển khác nhau, có những cách ứng xử khác nhau đối với dòng sông.
Do sông ngòi Việt Nam có chế độ thuỷ văn tương đối phức tạp, mực nước chênh lệch theo mùa lớn, thường gây lũ lụt vào mùa mưa, vì vậy, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông ở các thành phố Việt Nam tương đối khó khăn. Tuy đã ý thức được tầm quan trọng của dòng sông với thành phố từ lâu, nhưng phải đến những năm cuối thế kỷ XX, các đô thị Việt Nam mới thực sự chú trọng vai trò của dòng sông trong tạo dựng cảnh quan đô thị. Các thành phố xác định hướng phát triển sang hai bên sông, lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết cảnh quan hai bên bờ sông.
Có thể thấy rõ sự chuyển biến trong ý tưởng quy hoạch xây dựng đối với dòng sông qua trường hợp thành phố Hà Nội. Trong suốt một thời gian dài từ năm 1964 đến năm 1991, thành phố Hà Nội qua nhiều lần lập và điều chỉnh quy hoạch nhưng vẫn xác định diện tích xây dựng thành phố chủ yếu bên phía bờ Nam sông Hồng, lấy khu vực Hồ Gươm và sau này là hồ Tây làm trọng tâm bố cục không gian đô thị.
Năm 1998 đánh dấu một bước thay đổi lớn trong quy hoạch xây dựng của thành phố: Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Chính phủ phê duyệt Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg, ngày 20/6/1998 đã định hướng phát triển thành phố sang cả bờ Bắc sông Hồng, lấy sông Hồng làm trục cảnh quan chính. Hiện nay thành phố đang cùng với các cơ quan tư vấn trong nước và chuyên gia nước ngoài thiết kế không gian kiến trúc - cảnh quan hai bên bờ sông Hồng... Các chuyên gia trong ngành quy hoạch và đông đảo cư dân Hà Nội mong muốn thành phố của mình sẽ tìm được một lối đi riêng, nhằm khai thác tối ưu lợi thế của thành phố bên sông.
Dòng sông đã gắn bó với các đô thị từ thủa khai thiên lập địa, trải qua mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, dòng sông cũng có những đóng góp khác nhau cho đô thị. Dù được tôn trọng như cội nguồn sự sống hoặc có những lúc bị quay lưng trở mặt, sông vẫn lặng lẽ chảy xuôi bên thành phố, mang phù sa cho đất và nhẫn nại nhấn chìm những gì mà con người phũ phàng vứt xuống dòng sông. Ngày nay, dòng sông đã tìm được chỗ đứng xứng đáng của mình trong quy hoạch xây dựng đô thị, hình ảnh dòng sông được nâng lên thành biểu tượng của nhiều thành phố. Xu thế chung của các nước là phát triển đô thị sang hai bên sông, ưu tiên bố trí các khu vực sinh hoạt công cộng, các khu cây xanh, công viên ra phía bờ sông. Dòng sông ngày càng tham gia và đóng góp nhiều hơn vào những giá trị thẩm mỹ, tinh thần của thành phố.

Lương Tú Quyên
Nguồn tin: T/C Quy hoạch xây dựng, số 21/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)