Các toà nhà xanh và tương lai của thế giới

Thứ ba, 19/09/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
VNN, 25/5/2004 Máy cảm biến quang làm đèn mờ đi khi có đủ ánh sáng mặt trời để đọc sách. Ghế của phòng hội nghị làm bằng dây an toàn tái chế. Nước từ mái nhà được sử dụng để xối nhà vệ sinh... Đó là đặc trưng của toà nhà văn phòng xanh nhất tại Mỹ - trụ sở Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên NRDC tại Santa Monica, California.

Toà nhà xanh nhất tại Mỹ.

Nằm trong một khu vực thương mại sầm uất, toà nhà ván che ba tầng này trông giống như một phiên bản lớn hơn của những ngôi nhà một tầng dọc bãi biển California gần kề. Tuy nhiên, khi bước vào trong, bạn sẽ mau chóng hiểu tại sao Hội đồng Đánh giá Nhà Xanh của Mỹ xếp nó vào hạng xanh nhất.

Ba giếng trời nhiều tầng, kiểu hải đăng, cùng với máy cảm biến môi trường phân bố ánh sáng mặt trời và không khí trong lành khắp toà nhà rộng 1.400m2 này, nơi làm việc của 36 luật sư và nhà khoa học. Không có hệ thống điều hoà không khí tổng thể. Mỗi văn phòng có hệ thống sưởi ấm và làm mát hiện đại, riêng biệt có thể tự ngừng hoạt động khi cửa sổ mở.

Toà nhà này sử dụng ít năng lượng hơn 60-70% so với một toà nhà văn phòng điển hình.

Toà nhà của NRDC đã thu hút được sự quan tâm cũng như ngưỡng mộ của nhiều du khách. Geraldine Anderson, 88 tuổi và là một thành viên của NRDC, rất thích sàn gỗ cứng làm bằng tre. Tre mọc nhanh tới mức có thể sử dụng nó làm vật liệu xây dựng mà không làm cạn kiệt các khu rừng. Anderson nói: ''Tôi vừa trở về từ Canada, nơi tôi nhìn thấy nhiều cây đang bị đốn. Chúng ta đang lãng phí môi trường. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ không còn nơi nào để sống''. Các toà nhà thông thường có tác động lớn về mặt môi trường. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết chúng tiêu thụ 40% tổng năng lượng của thế giới, 25% sản lượng gỗ và 16% nước.

Toà nhà xanh của NRDC, một tổ chức môi trường với hơn một triệu thành viên, không phải là duy nhất. Các toà xanh mọc lên ngày càng nhiều. Theo ước tính, hiện đã có hơn 30 tỷ USD được chi cho việc xây dựng hàng trăm toà nhà xanh trên toàn thế giới. Drew Wesling, một giám đốc dự án tại Công ty Xây dựng Matt Construction ở California, cho biết: ''Có sự chuyển biến lớn trong thị trường xây dựng. Toà nhà xanh là một xu hướng''.

Theo Hernando Miranda, một nhà tư vấn xanh, đồng thời là giám đốc Công ty Soltierra tại Dana Point California, quan điểm đã thay đổi theo các thế hệ. Ông nói: ''Trước kia, không có nhu cầu nhà xanh bởi các nhà quản lý trung và thượng lưu không quan tâm. Hiện những người trẻ lên nắm quyền và đang quyết định rằng họ muốn các toà nhà xanh!''.

Hội đồng Nhà Xanh của Mỹ là một tổ chức phi lợi nhuận của các kiến trúc sư, nhà thiết kế và kỹ sư nằm tại Washington, D.C. Họ định nghĩa toà nhà xanh là ''những nơi sống và làm việc khoẻ mạnh, có trách nhiệm với môi trường, và sinh lợi''. Hội đồng xếp loại các toà nhà theo một nấc thang 69 điểm được gọi là Leed. Các toà nhà giành được điểm theo các tiêu chí sử dụng nước hiệu quả, vật liệu xây dựng tái chế, tối đa hoá ánh sáng tự nhiên, tế bào quang điện và khuyến khích nhân viên đi làm bằng xe đạp.

Trong bốn năm qua, diện tích các toà nhà chung cư cao tầng và thương mại được chứng nhận theo các tiêu chuẩn nhà xanh quốc gia Mỹ đã tăng từ 740.000m2 vào năm 2000 tới 13,8 triệu m2 hiện nay.
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.5480.917' />
Toà nhà xanh nhất thế giới tại Ấn Độ. Nó được khởi công vào năm 2000 và khánh thành tháng 1/2004, là nơi trưng bày các kỹ thuật thiết kế bền vững và trung tâm cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp Ấn Độ. Các tấm tế bào quang điện cung cấp 10% tổng điện năng hàng năm cho toà nhà.

Ba trong bốn toà nhà xanh có điểm cao nhất tại Mỹ nằm ở California: Văn phòng NRDC ở Santa Monica, Trung tâm Audubon ở Los Angeles và Văn phòng Cơ quan Điện lực Inland Empire ở Chino. Văn phòng NRDC có số điểm cao hơn hai toà nhà còn lại. Tuy nhiên, toà nhà xanh nhất trên thế giới lại là Trung tâm Thương mại Xanh CII-Sohrabji Godrej ở Hyderabad tại Ấn Độ, mặc dù vị trí này có thể thay đổi. Các nhân viên NRDC đang vận động để có thêm một điểm nữa nhờ giảm lượng thủy ngân trong đèn thắp sáng, đo đó ngang bằng điểm với toà nhà ở Ấn Độ.

Trung bình chi phí xây dựng một toà nhà xanh được chứng nhận theo tiêu chuẩn Leed cao hơn 2% so với một toà nhà truyền thống cùng kích cỡ. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy chi phí tăng thêm này mang lại một khoản tiền tiết kiệm lớn gấp mười lần trong 20 năm, nhờ sử dụng ít năng lượng và nước, giảm chi phí đổ chất thải, tăng năng suất lao động cũng như sức khoẻ của nhân viên. California từ lâu đã được coi là bang đi đầu về các toà nhà xanh, một phần là do Luật Năng lượng của bang này khắt khe hơn 10% so với luật của các bang khác. Nhiều hội đồng thành phố đã biểu quyết yêu cầu mọi toà nhà mới của chính phủ phải được xây dựng theo các tiêu chuẩn của Hội đồng Nhà Xanh Mỹ.

Các chuyên gia cho rằng không nên coi kiến trúc xanh khác với kiến trúc thông thường. Rob Watson, chủ tịch Hệ thống Xếp loại Nhà xanh Leed, cho biết: ''Chỉ có kiến trúc tốt và kiến trúc tồi. Nếu không xanh, đó không phải là kiến trúc tốt''. Watson đã tham gia xây dựng toà nhà NRDC và nói rằng ông muốn giúp xây dựng một nơi tuyệt đẹp, có tiêu chuẩn cao về môi trường nhằm đánh bật quan điểm rằng các toà nhà xanh thường xấu xí.

Minh Sơn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)