Công tác quy hoạch và quản lý không gian mặt nước đô thị

Thứ năm, 31/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mỗi đô thị lớn trên thế giới thường nổi tiếng nhờ dòng sông chảy qua, và thước đo cho sự phát triển của đô thị là khả năng thỏa mãn nhu cầu cảnh quan, phục vụ nghỉ ngơi giải trí và tạo những không gian mở cho cư dân đô thị. Paris nổi tiếng với Nhà thờ Đức Bà bên sông Seine, sông Thames và tháp BigBen gắn liền với lịch sử của London, Leningrad có sông Nheva với bức tượng Piotr Đại đế, còn Tp. Hồ Chí Minh có sông Sài Gòn chảy qua.
Thành phố Hồ Chí Minh có một mạng lưới sông ngòi kênh rạch khá đặc sắc và phong phú, trong đó nổi bật là sông Sài Gòn và tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Quy hoạch thiếu hiệu quả, khai thác chưa hợp lý và quản lý chưa tốt khiến các không gian mặt nước này mất dần vẻ đẹp vốn có.
Vậy dựa trên cơ sở nào để đánh giá chất lượng của một không gian mặt nước đô thị ? Phải làm sao để cải thiện cảnh quan mặt nước Tp. Hồ Chí Minh, sao cho mọi cư dân đều có điều kiện hưởng dụng an toàn, tiện nghi và thỏa mãn? Trong nội dung bài viết, tác giả xin tạm đặt ra bảy tiêu chí sau để đánh giá công tác quy hoạch và quản lý không gian mặt nước đô thị:

1. Xác định được rõ ràng chức năng của từng mặt nước đối với đô thị

Sự hình thành và phát triển tự phát các khu dân cư tại quận Bình Thạnh, quận 4 và quận 8 trước đây cũng như tại quận Gò Vấp, quận Tân Bình, quận 12 và quận 7 hiện nay đang làm lấp dần những mặt nước vốn rất quan trọng trong việc điều tiết vi khí hậu, đóng vai trò tiêu thoát, tích trữ nước mặt cho khu vực. Một trong những nguyên nhân chính là sự xác định vai trò chức năng của các mặt nước này trong bản quy hoạch chi tiết chưa rõ ràng và thấu đáo.
Ở mức độ cao hơn, tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè cũng gặp vấn đề tương tự. Việc xây dựng những cây cầu bê tông với mật độ quá dầy ven kênh Nhiêu Lộc như hiện nay thực chất đang biến không gian dọc hai bên kênh trở thành một tuyến giao thông đường bộ tấp nập. Đã đến lúc Thành phố phải lựa chọn: hoặc sử dụng không gian ven kênh như một đường giao thông thuận tiện đương nhiên đây là một giải pháp đơn giản cho bài toán giao thông đô thị, nhưng liệu như vậy có hợp lý không trong khi áp lực của phương tiện giao thông cá nhân vẫn gia tăng hàng ngày, hoặc giữ gìn được cảnh quan vô giá này cho các thế hệ sau. Vậy mà hiện tại người ta đang xem xét tới dự án xây dựng phía trên đoạn kênh này một tuyến đường nổi để giải quyết vấn đề giao thông cho đô thị. Nếu việc này được thực hiện, kênh Nhiêu Lộc chỉ còn là một cống hộp khổng lồ, không hơn không kém.
Sông Sài Gòn hiển nhiên được xem như một biểu tượng công cộng của Thành phố. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh luận về việc di chuyển Cảng Sài Gòn, về các cây cầu bắc qua sông Sài Gòn và vai trò của Thủ Thiêm đối với Thành phố. Hệ quả là, vẫn chưa có một quy hoạch hợp lí nhất để nối kết chặt chẽ cộng đồng cư dân với mặt nước dòng sông.

2. Quy hoạch thực hiện thông suốt - có tham khảo ý kiến cộng đồng

Để khai thác hiệu quả không gian mặt nước đô thị, trước hết cần có được quy hoạch chung hợp lý. Các kế hoạch thường được định ra có thời hạn hiệu lực là 5 năm và, trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, đô thị đã có biết bao thay đổi. Kết quả là hầu hết các quy hoạch như vậy được thực hiện khi đã lạc hậu không còn phù hợp thực tế. Tác giả xin tạm đưa ra dưới đây những nội dung cần thiết cho một bản quy hoạch chung không gian mặt nước:
- Bản liệt kê những tiềm năng thiên nhiên, giải trí, lịch sử và văn hóa của không gian mặt nước.
- Bản phân tích đánh giá các nhu cầu sử dụng.
- Bản phân tích đánh giá các mối liên hệ và các nhược điểm cần khắc phục.
- Bản đánh giá khả năng đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng đô thị đặt ra.
- Những quy định, chỉ dẫn thiết kế.
- Chiến lược thực hiện có ghi rõ thời hạn và lộ trình thực hiện.
- Dự toán ngân sách thực hiện.
- Cơ cấu thực hiện.
Vấn đề tham khảo ý kiến cộng đồng chỉ vừa xuất hiện gần đây, đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong các quy hoạch chi tiết. Vậy nhưng, phần nhiều chúng mang tính thủ tục và mức độ ảnh hưởng cũng như hiệu quả tác động của nó ra sao, hiện vẫn chưa được xác định cụ thể.

3. Bảo tồn được quỹ đất dự trữ, quản lý và bố trí trang thiết bị đáp ứng được nhu cầu cộng đồng

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.5347.893' />
Kênh Nhiêu Lộc
Trong khi mật độ mảng xanh bình quân của Thành phố chỉ đạt chưa tới 3m2/người, việc đầu tư cho không gian mặt nước sẽ là giải pháp hợp lý hữu hiệu để giải quyết vấn đề thiếu không gian trống đô thị. Trong thực tế, các nhà quản lý nắm rõ giới hạn các nguồn tự nhiên như quỹ đất, hiện trạng mặt nước, mảng xanh, nhưng không có biện pháp đúng mức để ưu tiên cho nhu cầu hưởng dụng chung của cộng đồng. Và cuộc chiến diễn ra giữa cộng đồng cư dân với các nhà đầu tư kinh doanh để giành giật không gian trống đô thị, với chính quyền quản lý đóng vai trò bảo vệ người quyền lợi chung, hiển nhiên đã nghiêng phần lợi thế về phía nhà đầu tư.
Không gian mặt nước phải đủ thoáng để tổ chức được các hoạt động văn hóa giải trí nghỉ ngơi, bố trí các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu cộng đồng. Điều này hầu như không được lưu tâm đúng mức trong quy hoạch dải xanh ven kênh Nhiêu Lộc. Điều dễ thấy nhất là thiếu hẳn chỗ ngồi nghỉ và các thảm cỏ trong thực tế cũng đã lấn hết diện tích có thể lắp đặt băng ghế. Do đó, rất phổ biến cảnh người dân ngồi chơi trên hai dải xích sắt lan can bờ kè, dễ gây tai nạn đáng tiếc. Ngoài ra, hai dải cây xanh ven kênh không có chỗ cho trẻ em vui chơi và sân bãi để tập thể dục khiến người sử dụng phải dẫm lên thảm cỏ, tạo thành thói quen thiếu ý thức tôn trọng không gian công cộng, dễ dàng dẫn tới sự phá hoại. Tất cả những vấn đề trên có nguyên nhân chung là thiếu dự trù trong quy hoạch ban đầu, không có quỹ đất dự trữ dành cho các hoạt động nghỉ ngơi giải trí, lễ hội.
Ở các đô thị Bắc Mỹ và Châu Âu, một phần trong cương lĩnh tranh cử chức thị trưởng là đầu tư cho các tiện ích công cộng như công viên, không gian mặt nước, vườn bách thảo bách thú v.v. Nhờ thế mà nhu cầu hưởng dụng của cộng đồng và nhu cầu thương mại của nhà đầu tư có được diễn đàn để đấu tranh, thỏa hiệp và tìm ra tiếng nói chung.

4. Không gian mặt nước dễ dàng tiếp cận và nối kết với các khu lân cận

Không gian mặt nước phải đảm bảo khả năng tiếp cận dễ dàng cho mọi người, không bị chi phối bởi khoảng cách tới nơi ở, điều kiện sức khỏe hay mức độ thu nhập. Giải pháp tiếp cận không chỉ là làm cầu vượt hay đường ngầm qua những tuyến đường lưu thông mật độ cao ví dụ như trục đường Tôn Đức Thắng hiện lưu thông xe tải container, cắt đứt sự tiếp cận nối kết với khu công viên cây xanh Bến Bạch Đằng mà việc tiếp cận còn phải được thực hiện dễ dàng đối với người già, người khuyết tật, trẻ em, bà mẹ với xe đẩy… tức cần có vật liệu ốp lát mặt nền, ramp dốc, biển chỉ dẫn và chỗ đậu xe lăn hợp lý thỏa đáng. Không gian mặt nước phải tiếp cận được từ nhiều hướng với nhiều hình thức và phương tiện giao thông đi bộ, xe hai bánh, ôtô, bus, du thuyền v.v., có tầm nhìn đẹp và thoáng, dễ dàng nhận biết và định hướng. Khách hưởng dụng phải dễ dàng tiếp cận với các hoạt động giải trí, thoải mái và yên tâm đi dạo dọc bờ sông, tiếp cận với cảnh quan mặt nước một cách an toàn, nối kết dễ dàng với các phương tiện giao thông công cộng và các phương tiện cá nhân, dễ dàng tiếp nhận thông tin về không gian mặt nước nhờ hệ thống bảng biển thông tin hợp lý.

5. Phải đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu sử dụng

Như đã nói, sự liên hệ giữa dòng sông với đô thị là một phần của văn minh đô thị và là thước đo trình độ phát triển của đô thị. Đô thị càng phát triển, nhu cầu hưởng dụng càng đa dạng và phức tạp, đòi hỏi kết hợp nhiều yếu tố và đầu tư chất xám đúng mức. Yếu tố này khiến dòng sông trở nên hấp dẫn người dân đến sử dụng, góp phần tạo nên hồn đô thị. Để nắm được nhu cầu hưởng dụng cần có sự khảo sát nghiên cứu cẩn thận khoa học, không chỉ là ước lượng tổng thể, mà còn nắm rõ người hưởng dụng từ điểm xuất phát và đến, theo thời điểm thời lượng trong ngày, theo hình thái hoạt động v.v.
Ngoài các nhu cầu nghỉ ngơi giải trí thông thường, không gian mặt nước còn là nơi diễn ra các hoạt động và lễ hội. Ta có thể chia các hoạt động và sự kiện trên sông và ven sông thành 4 nhóm:
- Các hoạt động giải trí, các hội chợ và lễ hội đường phố, các sự kiện đặc biệt, những ngày lễ, ngày nghỉ trong năm, những buổi biểu diễn các buổi biểu diễn có tổ chức, các buổi biểu diễn lớn ngoài trời, những cuộc diễu hành, những cuộc tụ tập công cộng, các hoạt động sinh hoạt tổng hợp v.v.
- Các hoạt động phục vụ khách du lịch và cư dân thành phố như du thuyền dọc sông, ngắm cảnh tham quan v.v.
- Các hoạt động tiếp xúc với mặt nước như bơi thuyền, đài phun nước, vòi phun, đài phun bên trong công trình, các bức màn nước, hồ nước, các mương nước trang trí…
- Các hoạt động thương mại và phi thương mại, quảng cáo tiếp thị, tuyên truyền công cộng, hoạt động giáo dục, trưng bày và triển lãm, hội chợ khu vực, triển lãm quốc tế v.v.
Việc xác định mức độ thỏa mãn phải thực hiện qua khảo sát khoa học với đối tượng không chỉ là người hưởng dụng, mà cả với những người không hưởng dụng không chỉ dựa theo những ý kiến phản hồi hay than phiền đơn thuần thông qua các phương pháp quan sát khoa học, tập hợp số liệu và điều tra ngoại suy, thậm chí cả với không ảnh hoặc máy đếm tự động. Khảo sát cần tập trung vào nhu cầu, mức độ thỏa mãn cũng như thứ tự các nhu cầu ưu tiên. Nắm rõ nhu cầu hưởng dụng cũng góp phần thuận lợi cho việc kêu gọi và thu hút đầu tư, giúp đầu tư chính xác và đúng mức.

6. An toàn và an ninh

' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.5347.894' />
Các dòng kênh và mặt nước nhỏ trong khu dân cư, vốn là nơi điều hòa lượng nước mặt, hiện đang bị lấp dần
Để thu hút người hưởng dụng, mặt nước phải an toàn, không có tệ nạn tội phạm cũng như những yếu tố nguy hiểm như lan can, bờ kè an toàn, lối đi bậc thềm không bị vấp ngã hay cây xanh không khô gãy trên đầu v.v.. Cơ quan quản lý ngoài nội dung bảo đảm an toàn - an ninh, còn có cơ cấu thuận tiện cho việc báo cáo phản hồi và phối hợp với người hưởng dụng.
Tội phạm tất nhiên tùy thuộc vào nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm sóat của nhà quản lý - nghèo đói, ma túy, nghiện rượu, dân cư quá đông đúc, cơ cấu đô thị không cân bằng v.v. Tuy nhiên có những yếu tố khác như vị trí khai thác cảnh quan dòng sông, thiết kế không gian, đội ngũ bảo vệ, các trang bị tiện ích công cộng v.v. Thuộc khả năng kiểm soát của nhà quản lý. Một yếu tố rất quan trọng khác là sự tham gia của người dân. Vẻ ngoài sạch sẽ và an ninh trật tự sẽ khuyến khích, thu hút thêm nhiều người tới hưởng dụng không gian mặt nước. Ngược lại, chính sự tích cực của người dân sẽ giữ gìn bảo vệ cảnh quan dòng sông. Kinh nghiệm từ việc tổ chức không gian công cộng trên thế giới cho thấy, việc người dân tích cực tham gia nghỉ ngơi vui chơi chính là điều kiện quyết định để chặn đứng sự quay trở lại của các tệ nạn xã hội. Người dân sẽ là những người bảo vệ tích cực nhất, ngăn chặn hành vi phá hoại các tiện nghi công cộng như băng ghế, thảm cỏ, bảng chỉ dẫn, dù che, thùng rác v.v. nếu họ cảm thấy gắn bó và có mối quan hệ thân thiết với chúng. Do đó, không gian mặt nước cần được tổ chức sao cho người dân thấy rằng chúng thực sự là của họ, phục vụ chu đáo và chia sẻ cảm xúc với họ.

7. Những lợi ích khác cho đô thị nằm ngoài ranh giới con sông

Có thể liệt kê ra đây rất nhiều lợi ích mà con sông đem lại cho đô thị.
- Cung cấp cảnh quan tự nhiên, nước sạch.
- Cung cấp không khí trong lành, nhờ mảng xanh ven mặt nước lọc chất bẩn, chất thải.
- Tạo không gian nghỉ ngơi thư giãn, đường đi bộ, tập chạy, sân bãi thể dục thể thao, và các tiện ích phục vụ sức khỏe cộng đồng.
- Tạo không gian nghỉ ngơi giải trí, tổ chức hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa xã hội.
- Tạo cơ hội để tổ chức cho trẻ em tiếp xúc với thiên nhiên và hệ thực vật, động vật trong tự nhiên.
- Tiềm năng khai thác du lịch của thành phố.
- Khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế đô thị, tạo việc làm liên quan tới công tác quản lý bảo trì duy tu không gian mặt nước.
Một thiết kế thành công phải có tác dụng khuyến khích các giao tiếp xã hội giữa các nhóm người hưởng dụng. Các cơ quan quản lý và nhà đầu tư nên đứng ra phát động những cuộc thi sáng tác, thiết kế các biểu trưng cho công viên ven sông - ven kênh, thiết kế những mẫu thùng rác, thiết bị chiếu sáng công cộng, biển chỉ dẫn - thông tin, dù che - mái che, quầy thông tin - kiosk, băng ghế, các điêu khắc trang trí v.v. Trong toàn thể cộng đồng Thành phố, nhằm mục đích giúp gắn bó chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa người dân với không gian mặt nước.
Nhìn ra thế giới, ta thấy vấn đề cùng phát triển hài hòa bền vững với thiên nhiên là xu thế chung trong thế kỷ 21 của các đô thị hiện đại. Mối quan hệ tương hỗ giữa dòng sông và cộng đồng cư dân đô thị, thể hiện qua cách thức ứng xử của cộng đồng với môi trường tự nhiên, là một phần của văn minh đô thị và là một tiêu chuẩn để đánh giá trình độ phát triển của đô thị. Thật đáng tiếc, trong mắt khách du lịch, có vẻ như các đô thị tiên tiến đã đi trước Tp. Hồ Chí Minh khá xa về mặt này.

+ Đảm bảo vệ sinh môi trường cho mặt nước, cải tạo các tuyến kênh và xử lý rác thải ra sông
Những tuyến kênh rạch Sài Gòn trước 1993 thường để lại cho người dân những ấn tượng xấu về nguồn nước nhiễm bẩn do rác thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra lòng kênh. Các tuyến kênh Nhiêu Lộc, Tàu Hủ, Lò Gốm, v.v... bị mệnh danh là những dòng kênh đen.
Năm 1993, Khu Đường Sông TP.HCM dưới sự chỉ đạo của Sở Giao Thông Công Chánh trực thuộc UBND TP.HCM đã thực hiện chương trình nạo vét lòng kênh, tôn tạo bờ kè, giải tỏa nhà ổ chuột ven sông. Chương trình này kéo dài đến khoảng năm 1998 thì đạt đến một hiệu quả nhất định. Chất lượng môi trường dòng nước kênh rạch và sông Sài Gòn được cải thiện rất đáng kể.
Đáng tiếc là gần đây, ở một số đoạn kênh Nhiêu Lộc, dư luận lại bắt đầu phàn nàn về vệ sinh dòng nước. Một số nơi rác thải vẫn bị đổ ra kênh dẫn đến việc ô nhiễm nguồn nước. Tôi không rõ là nguyên nhân cụ thể thế nào? Để tìm hiễu việc này chúng ta cần có sơ đồ bố trí thu gom xử lý rác thải cũng như hệ thống cống ngầm.

+ Cải tạo hệ thống giao thông cơ giới bờ kênh, thiết kế hệ thống đường bộ hành và xe đạp kết hợp một cách thông suốt với các dịch vụ và phương tiện công cộng
Về tiêu chí này anh cũng đã có nói ở trên, nhưng tôi muốn nhấn mạnh hơn nữa đến vai trò của việc cải tạo và phát triển hệ thống giao thông trên các tuyến kênh và sông Sài Gòn.
Công tác này đòi hỏi sự phân tích đánh giá kỹ lưỡng của bộ phận quy hoạch, thiết kế đô thị cũng như Sở Giao Thông Công Chánh. Theo tôi, để đạt được mục tiêu cải tạo cảnh quan mặt nước TP.HCM, hệ thống giao thông cơ giới cần phải được cải tạo triệt để.
Các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, taxi du thuyền cần được phát triển dọc theo bờ kênh, từng bước thay thế dần các phương tiện giao thông cá nhân như xe máy, xe hơi. Các trạm dừng xe bus cần kết hợp với bến du thuyền cùng với các điểm tập kết người đi bộ. Các trạm dừng được đặt ở những khoảng cách hợp lý để người đi bộ có thể dễ dàng tiếp cận, áp dụng theo nguyên lý 500m - 800m có một trạm xe bus, bằng khoảng 5 - 10 phút đi bộ. Điều này vừa phát triển đuợc một hệ thống giao thông công cộng hợp lý, vừa khuyến khích người dân sử dụng các đường bộ hành kết hợp với các khu công viên cảnh quan dọc theo waterfront..
Các cầu bắc qua tuyến kênh Nhiêu Lộc hiện nay có thể được cải tạo thành các cầu đi bộ, nhưng phải đảm bảo giao thông của tàu bè, du thuyền, taxi nước trên dòng kênh. Các cầu giao thông cơ giới có khoảng cách hợp lý để đổi chiều giao thông của đường xe bus.

Nguồn tin: T/C Quy hoạch Xây dựng, số 19/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)