Vùng siêu đô thị & khả năng xuất hiện loại hình này ở Việt Nam

Thứ năm, 31/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Khoảng giữa thế kỷ trước, ở những vùng có mật độ các điểm dân cư đô thị tương đối dày, thuộc một số nước có mức độ công nghiệp hoá cao, đã xuất hiện hiện tượng: có một đô thị lớn và nhiều đô thị khác phát triển độc lập ở xung quanh. Sau một thời gian, các đô thị này đã nối liền với nhau, do tác động của công nghiệp hoá và đô thị hoá mạnh. Chúng chiếm một phạm vi không gian địa lý rất lớn, thường vượt khỏi ranh giới hành chính của một đô thị trung tâm và hình thành một khu vực đô thị hoá rộng lớn, bao gồm đô thị trung tâm và các đô thị xung quanh đó. Các nhà nghiên cứu phương Tây gọi khu vực này là metropolitan area, tạm dịch là Vùng siêu đô thị.
Mặc dù vùng siêu đô thị thường bao gồm ít nhất một đô thị rất lớn, nhưng nó không phải là một đô thị cực lớn, nó cũng không phải là một đơn vị hành chính trong xã hội.
Sự hình thành các vùng siêu đô thị nêu trên được mô tả như một sự phát triển gắn kết của các đô thị liền kề, trong một khu vực có mật độ dân cư cao và sự phát triển đặc biệt của những vùng công nghiệp hoá cao độ. Để tìm hiểu quá trình hình thành các vùng siêu đô thị, chúng ta phân tích để thấy được tình hình phát triển của các đô thị này tại thời điểm trước đó.
Như chúng ta đều biết, giao thông là một yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển đô thị nói riêng. Các đô thị dù lớn hay nhỏ, dù tính chất khác nhau, nhưng quá trình phát triển của chúng luôn gắn liền với yếu tố giao thông. Vì vậy, mỗi đô thị trong quá trình phát triển đều có xu hướng là mở rộng thêm diện tích dọc theo các tuyến giao thông đối ngoại, đặc biệt là giao thông đường bộ.
Đây có thể coi như một quy luật trong quá trình phát triển mở rộng đô thị. Đô thị càng lớn thì vai trò của yếu tố giao thông càng rõ nét. Nó góp phần quan trọng tạo nên một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển mở rộng của mỗi đô thị.
Trước giai đoạn công nghiệp hoá và khi nhịp độ đô thị hoá thấp, các đô thị đã phát triển và độc lập với nhau. Bước vào thời kỳ công nghiệp hoá cao, những khu vực có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển công nghiệp cũng là nơi thuận lợi về giao thông. Khu vực này cũng lại chính là nơi có mật độ đô thị dày đặc hơn. Các đô thị trong khu vực này tiếp tục phát triển theo quy luật nêu trên, với nhịp độ cao theo hướng của các tuyến giao thông đối ngoại trọng yếu. Kết quả là sau một thời gian nhất định, chúng nối liền với nhau và hình thành nên một vùng siêu đô thị. Khi đó, những phần đất nông thôn nếu còn xen kẽ tồn tại, cũng chỉ mang chức năng như những mảng cây xanh tập trung cho một khu vực của vùng siêu đô thị mà thôi.
Trong một số trường hợp, các vùng siêu đô thị có những tuyến giao thông quan trọng liên hệ với nhau, tiếp tục phát triển mở rộng và nối liền thành những dải và trở thành các vùng siêu đô thị kéo dài với một khoảng cách rất lớn. Ví dụ như: Tokyo - Nagoya - Osaka ở Nhật bản, Boston - Washington... ở Mỹ, từ những năm 50 của thế kỷ trước. Hình thái đô thị này được nhà địa lý học người Pháp Jean Gottmann 1915-1994 nghiên cứu, tại Mỹ trong những năm 50 của thế kỷ trước và gọi tên nó bằng thuật ngữ Megalopolis tạm dịch là Giải đô thị hoá.
Ở nước ta hiện nay, để tăng cường phát triển kinh tế - xã hội, làm cho nhịp độ đô thị hoá ở một số vùng tăng lên nhanh chóng. Do đó, ở các vùng xung quanh các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... đang có xu hướng xuất hiện hình thái của vùng siêu đô thị.
Có thể lấy Hà Nội và khu vực xung quanh làm ví dụ:
Hà Nội và vùng phụ cận là một khu vực có điều kiện giao thông khá thuận lợi. Khu vực này có đô thị trung tâm là Thủ đô Hà Nội, nối với các đô thị xung quanh như Hà Đông dọc theo đường số 6, Yên Viên - Từ sơn - Bắc Ninh dọc theo đường số 1, Trâu Quỳ - Như Quỳnh dọc theo đường số 5... bởi các tuyến giao thông đường bộ này rất thuận lợi.
Từ sau khi nền kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường, nhịp độ đô thị hoá đã tăng nhanh. Dọc theo đường Hà Nội - Hà Đông là đường phố liên tục, không còn cánh đồng ngăn cách. Tiếp đó là Gia Lâm - Yên Viên được nối liền và đang có xu hướng phát triển dọc theo đường số 1 về phía Bắc Ninh. Các khu vực xây dựng từ Gia Lâm vươn dài theo tuyến đường số 5 về phía Trâu Quỳ, Phố Nối... Với chiều hướng phát triển mạnh về giao thông trên tuyến đường số 5, rất có thể nhịp độ phát triển mở rộng sẽ vươn ra theo hướng này và sẽ còn lớn hơn. Đó là những dấu hiệu của sự hình thành một vùng siêu đô thị mà Hà Nội là đô thị Trung tâm.
Là người làm công tác quy hoạch đô thị, việc nhận biết xu thế này sẽ giúp chúng ta chủ động phối hợp trong nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng cũng như trong nghiên cứu dự báo. Việc dự báo cho những công việc có liên quan đến xây dựng và phát triển không gian đô thị trong cả khu vực, bao gồm một số đô thị hiện có, nhằm hạn chế tới mức tháp nhất tình trạng bị động, khi hiện tượng này đang từng bước trở thành hiện thực.
Nét đặc thù lớn nhất của hiện tượng này là sự hình thành một phạm vi lãnh thổ đô thị hoá liên tục, vượt ra ngoài địa giới hành chính của từng đô thị thành phần, để nối các đô thị này với nhau. Thế nhưng, việc điều hành mọi hoạt động xã hội thông thường, bao gồm cả công tác quy hoạch xây dựng đô thị lại được triển khai theo đơn vị hành chính của từng đô thị riêng lẻ. Chính vì vậy, nó sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập cho sự phát triển chung cho cả vùng.
Vì vậy, ở tầm vĩ mô, vấn đề cần được nêu lên như một dự báo, để những người làm công tác quy hoạch xây dựng đô thị có những quan tâm đúng mức, có sự phối hợp nghiên cứu giải quyết những vấn đề có liên quan. Mặt khác, cũng cần tư vấn cho các cơ quan quản lý, điều hành xã hội hữu quan, để có thể có những thể chế thích hợp, những biện pháp liên kết cần thiết, để hình thành một cơ chế phối hợp giữa các đơn vị hành chính có liên quan, nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị được triển khai thuận lợi.

PGS.TS.KTS. Đỗ Đức Viêm
Nguồn tin: T/C Quy hoạch xây dựng, số 18/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)