Tiềm năng và thách thức trong quá trình đô thị hoá vùng ven biển Việt Nam

Thứ năm, 31/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đánh giá vị trí tiềm năng phát triển của mỗi quốc gia, vị trí địa lý ven biển có ưu thế đặc biệt quan trọng. Nó không những có ý nghĩa thuận lợi cho nhiều ngành kinh tế phát triển mà còn có lợi thế về môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng. Từ xa xưa con người đã biết khai thác điều kiện thuận lợi cho việc trồng trọt, đánh bắt thuỷ hải sản ở các khu vực ven sông ven biển, đã hình thành nhiều quần cư sinh sống, phát triển dần dần thành các điểm dân cư tập trung, giao lưu đường thuỷ cũng là lợi thế cho việc phát triển kinh tế và xã hội, là những yếu tố thúc đẩy quá trình đô thị hoá.
Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh quốc tế, trong đó lợi thế về vị trí lãnh thổ và các điều kiện tự nhiên nổi trội, là vùng đặc quyền kinh tế biển rộng khoảng 1 triệu km2, với gần 3.260 km dải bờ biển, trong đó khoảng hơn 100.000 ha đầm phá và vịnh kín, 290.000 ha bãi triều, rừng ngập mặn. Và hơn 100 cửa sông. Hệ thống biển, cửa sông kết nối với hệ thống sông ngòi kênh rạch tạo ra những hệ thống giao thông thuỷ liên hoàn và các hệ sinh thái chuyển tiếp phong phú.
Thực hiện chiến lược công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước đồng thời với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đòi hỏi việc nghiên cứu khai thác các thế mạnh tiềm năng để xây dựng phát triển đô thị nhưng không phá vỡ sự cân bằng sinh thái là những bài toán thách thức rất khó, cần phải thảo luận trên nhiều phương diện với các phương pháp định tính và định lượng phức tạp. Trong bài viết này chủ yếu đề cập hai mặt của vẫn đề, tiềm năng chính của vùng ven biển và trong quá trình khai thác phát triển đô thị, có những khó khăn thách thức gì, cũng như tác động của việc đô thị hoá đe doạ đến cân bằng sinh thái tự nhiên như thế nào? Từ đó có thể có nhiều biện pháp cân đối trong quá trình nghiên cứu quy hoạch hợp lý hơn, hướng tới sự phát triển bền vững.

Tiềm năng

Phân tích về tiềm năng phát triển vùng ven biển có thể rất đa dạng, từ sinh thái biển, mặt nước, đồng muối, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản, cảng biển, du lịch, thương mại... Để giới hạn mục tiêu trong khuôn khổ tham luận này, tập trung phân tích các tiềm năng chính có liên quan đến quá trình đô thị hoá.

- Phát triển cảng biển: cảng biển là đầu mối giao lưu vô cùng quan trọng trong kinh tế xuất nhập khẩu hàng hoá thông qua đường thuỷ, đồng thời phục vụ cho các hoạt động an ninh quốc phòng khi cần thiết. Các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Singapore đều chú trọng phát triển hệ thống cảng biển lớn và cực lớn. Kinh tế cảng biển phụ thuộc vào nhiều điều kiện, vấn đề thị trường đòi hỏi đòi hỏi có vận tải biển và khả năng đầu tư xây dựng cảng biển tối ưu nhất dựa vào điều kiện thuận lợi của thiên nhiên như vùng có mớm nước sâu để tàu lớn có thể cập bến, có vịnh kín gió để neo đậu tàu, gần các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác như quốc lộ, đường sắt, sân bay, nguồn điện, nguồn nước để hỗ trợ phát triển. Với dài bờ biển hơn 300 km dọc đất nước Việt Nam, có hàng chục vị trí thuận lợi đã và đang được khai thácnhư cảng Cái Lân, cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Quy Nhơn, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải... đã hoà nhập vào mạng lưới giao lưu hàng hải quốc tế. thực tế nếu nói về điều kiện tự nhiên của vùng ven biển của chúng ta còn rất nhiều vùng vịnh có tiềm năng tiếp tục phát triển cảng biển lớn dịch vụ hàng hoá, contener quốc tế như vùng vịnh Cam Ranh, vịnh Văn Phong, các cảng nước sâu như cảng Dung Quất, cảng Nghi Sơn, cảng Vũng Áng, Chân Mây... Theo chiến lược phát triển cảng biển của Việt Nam đến năm 2010 dự kiến nâng cấp và xây dựng mới 46 cảng biển với khả năng thông thương cảng phương án cao. Ngoài ra hệ thống cảng biển có thể coi như những không gian cửa mở ra thế giới, bên cạnh cảng biển xuất nhập hàng hoá, còn có hệ thống cảng biển phục vụ du lịch. Trong chiến lược phát triển du lịch, tương lai lượng khách du lịch thông qua hệ thống cảng biển sẽ tăng với hàng triệu lượt khách du lịch.

- Hoạt động thương mại: các đô thị hình thành gần các khu vực ven sông ven biển hầu hết từ các thị tức là chợ, là nơi tập trung trao đổi mua bán hàng hoá. Những làng chài tập trung với chợ dần dần có điều kiện xây dựng bến thuyền, bến cảng cho tàu thuyền qua lại mua bán và trở thành các đô thị lớn như hiện nay. Với điều kiện thực tế của Việt Nam hệ thống cảng biển đã và đang hình thành kết nối với các hệ thống hạ tầng khác đặc biệt là hệ thống đường quốc lộ 1 dọc xuyên suốt hầu hết các đô thị ven biển và các trục đường quốc lộ đông tây là điều kiện tiềm năng phát triển hoạt động dịch vụ thương mại cho vùng ven biển. Thương mại hàng hoá thông qua hệ thống cảng biển và các sản phẩm vùng biển được cung cấp cho xuất khẩu ra thị trường thế giới và thị trường trong nước như các sản phẩm nuôi trồng thủy hải sản....

- Phát triển du lịch: Vùng ven biển Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam với biết bao hình dnạg kỳ thú. Đặc biệt có những kỳ quan thiên nhiên như vùng Hạ Long đã được công nhận là di sản thế giới, với những quần thể đá vôi muôn hình vạn dạng hấp dẫn khách du lịch gần xa. Mỗi vùng mỗi miền đều có những đặc thù khác nhau, vùng biển miền trung lại có nhiều bãi biển nước trong xanh, cát trắng mịn màng, miền Nam Trung bộ có khí hậu ôn hoà, bờ biển , bán đảo kết với quần thể đảo tạo ra những cảnh quan tuyệt đẹp, với các hệ sinh thái biển và các hệ thống di tích lịch sử cách mạng, những dãy núi phái tây lan ra biển, sơn thủy thật hữu tình, thuận lợi để phát triển các khu nghỉ phong phú. Hầu hết các bãi biển đẹp tập trung nhiều ở miền Trung và Nam Trung bộ như Sầm Sơn, Cửa Lò, Đá nhảy , Nhật lệ, Thuận An, Lăng Cô, Non Nước, Sa Huỳnh, Quy Nhơn, Long Thuỷ, Đại Lãnh, Văn Phong, Dốc Lết, Nha Trang, Cà Ná, Mũi Né... Vùng biển miền Nam kết nối với hệ thống cửa sông và kênh rạch là những vùng rừng ngập mặn, những khu sinh thái đặc chủng hấp dẫn. Hiện nay xu thế của thế giới đang hấp dẫn các loại hình du lịch sinh thái, được nghỉ ngơi tham quan hoà mình với thiên nhiên là nỗi khát khao của nhiều khách du lịch. Do đó, việc khai thác thế mạnh các vùng ven biển xây dựng thành các khu du lịch lớn nhỏ liên kết thành hệ thống là những định hướng cần được chú trọng, phát triển không gian đô thị và du lịch hấp dẫn khách trong nước và quốc tế. Trong chiến lược phát triển du lịch hiện nay các vùng vịnh Hạ Long, Văn phong, Đại Lãnh, Nha Trang, Vũng Tàu đã và đang được đầu tư xây dựng thành những trung tâm du lịch biển lớn. Bên cạnh đó Chính phủ cũng đang quan tâm cho đầu tư các hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Khả năng trong những năm tới khách du lịch vào Việt Nam sẽ tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng đòi hỏi chúng ta phải phát huy thế mạnh thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng ven biển hấp dẫn của chúng ta. Theo đánh giá chung với điều kiện tự nhiên kết hợp với các yếu tố phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất... chúng ta có thể phát triển hàng trăm khu nghỉ mát, vui chơi hấp dẫn lớn nhỏ vùng ven biển.

- Đánh bắt nuôi trồng thuỷ hải sản và làm muối: nói đến biển là phải nói đến nguồn thủy hải sản và khả năng đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản. Với vùng đặc quyển phong phú về số lượng và chất lượng, biển nước ta có nguồn tài nguyên tự nhiên đa dạng, rất phong phú về các loài sinh vật, trong đó có 100 loài sinh vật biển có giá trị kinh tế cao. cá biển cung cấp 30% protein động vật cho nhân dân. Hàng năm lượng hải sản đánh bắt được khoảng 80 - 100 vạn tấn. Bên cạnh nguồn thuỷ sản tự nhiên, việc nuôi trồng thuỷ sản như nuôi tôm hùm, tôm sú, nuôi ngọc trai... đang phát triển mạnh mẽ ở các vùng ven biển như vùng Quảng Ninh, Hải Thịnh, đặc biệt là khu vực miền Trung, Nam Trung bộ có mật độ dày đặc. Với nhiều công nghệ mới như làm đìa tôm trên cát, đắp đập làm hồ, hồ xây công nghiệp nuôi tôm giống đang tự phát rất có hiệu quả về góc độ kinh tế, nhưng cũng đang là nguy cơ phá vỡ cân bằng sinh thái tự nhiên. Kinh tế diêm nghiệp cũng là một trong những tiềm năng của biển Việt nam, vùng biển có dòng nước mặn ở khu vực Nam Trung bộ, do đó vùng muối tập trung nhiều ở khu vực Khánh Hoà, Ninh Thuận.

- Khai thác dầu khí: Vùng biển của chúng ta có nguồn dầu khí tương đối lớn, hiện đang nghiên cứu và khai thác với các mỏ như Bạch Hổ, Đại Hùng, Rạng Đông... Theo định hướng của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đến năm 2010 có khả năng khai thác khoảng 28 triệu dầu khí quy đổi/năm. Đây là nguồn tài nguyên quý báu, sinh lợi mạnh cho nền kinh tế Việt Nam.

- Phát triển công nghiệp: phát triển các khu công nghiệp gần các khu vực cảng biển và hệ thống quốc lộ là nguyên lý để khai thác tổng hợp các điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu vào và đầu ra của sản xuất công nghiệp. Do đó vùng ven biển cũng thường có các khu công nghiệp lớn, đặc biệt là công nghiệp lọc hoá dầu như khu công nghiệp Dung Quất, khu công nghiệp Hoà Hiệp, khu công nghiệp Vũng Áng, khu công nghiệp Liên Chiểu, khu công nghiệp Đình Vũ... Ngoài ra điều kiện tự nhiên vùng ven biển một số vùng là mỏ cát thiên nhiên quý báu cho công nghiệp thuỷ tinh như vùng Cam Ranh, Khánh Hoà.

- Vị trí địa quốc phòng: biển có nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng và an ninh của đất nước. Các khu vực đảo và bán đảo như quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, vùng bán đảo Cam Ranh, bán đảo Sơn Trà... là những khu vực tiền tiêu của đất nước. Vị trí địa lý của Việt Nam có ý nghĩa địa quốc phòng rất lớn, một nửa đất nước gắn với phần lục địa, một nửa hướng biển Thái Bình Dương, hàng nghìn năm đã là đối tượng của các nước lớn muốn thôn tính nước ta. Do đó vấn đề khai thác xây dựng phát triển đô thị vùng ven biển luôn luôn phải quan tâm chặt chẽ đến vấn đề an ninh quốc phòng.

Những thách thức trong quá trình đô thị hoá

- Điều kiện tự nhiên: Vùng ven biển thường là vùng đất thấp, có nhiều cửa sông thoát lũ, là khu vực rất hấp dẫn các hoạt động kinh tế đa dạng,tập trung đông dân cư, là vùng có tốc độ đô thị hoá cao, việc xây dựng thiếu quy hoạch hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng ngăn cản dòng thoát gây úng ngập khu vực thượng nguồn. Những năm gần đây do nạ phá rừng nghiêm trọng, rừng thiếu độ che phủ giữ nước, mùa mưa nước lũ đổ xuống vùng thấp gây lụt lội, thêm những ảnh hưởng của bão lũ gây sạt lở ven bờ biển nghiêm trọng, như vùng thuận An tỉnh Thừa Thiên- Huế, sông Cầu Phú Yên... Việc làm kè ven biển một số khu vực trọng yếu là cần thiết, tuy nhiên đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn.

- Tác động sinh thái biển và cửa sông: việc đánh bắt quá mức và sử dụng các phương tiện đánh bắt có tính huỷ diệt, nhất là ở vùng biển nông ven bờ, đã làm suy thoái nguồn sinh vật biển, năng suất đánh bắt đã giảm trong 5 năm gần đây, 70 loài bị de doạ và có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có nhưng loài có giá trị kinh tế cao.
Việc thu hút tập trung quá nhiều khách du lịch trong khi chưa có quy hoạch hợp lý cũng như đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng chưa thich hợp cũng là nguy cơ gây ô nhiễm bờ biển nhất là các khu nghỉ mát tập trung như Sầm Sơn, Thanh Hoá, rác thải, nước thải và xây dựng thiếu thẩm mỹ sẽ làm giảm mất giá trị của khu nghỉ mát ven biển mà thiên nhiên đã ưu đãi.
Các chất thải từ những đô thị lớn và khu công nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp được các dòng sông chuyển tải ra biển, cùng với dầu mỏ và các chất thải từ các tàu biển, các dàn khoan dầu khí là nguồn gây ô nhiễm ngày càng tăng đối với môi trường và hệ sinh thí biển
Trên biển Đông, gần vùng biển Việt Nam có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng trên đó hàng năm có hàng trăm tàu dầu đi qua, chuyển khoảng 300 triệu tấn dầu cũng là nguy cơ gây ô nhiễm khi có sự cố tràn dầu hoặc sự cố tàu dầu.

Những khuyến nghị

Hiện nay Liên Hợp Quốc đã có công ước về Luật Biển nhưng những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ vùng ven biển hiện nay chưa thực sự đồng bộ hoặc thậm chí là chưa có. Để giữ gìn bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng, Việt Nam cần chú trọng chiến lược bảo vệ và khai thác đa dạng nguồn tài nguyên biển
Cần có quy hoạch và quy định của Nhà nước đối với các hoạt động ven biển và trên biển, phải tính tới các tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái biển và có biện pháp phòng ngừa:
- Cần có sự phối hợp của các ngành để xác định chung những chương trình hành động trong một lãnh thổ, tránh tình trạng chồng chéo gây ảnh hưởng tiêu cực lẫn nhau.
- Cần có các nghiên cứu có tính định lượng hoá các giá trị kinh tế khai thác với hiệu ứng ảnh hưởng đến các giá trị thiên nhiên và xã hội
Việc đánh giá hải sản tại vùng biển nông ven bờ không được vượt quá ngưỡng năng suất lâu bền và không được dùng các phương pháp và phương tiện có tính huỷ diệt
- Trong những năm tới cần phát triển năng lực và khuyến khcíh việc đánh bắt ngoài khơi
- Cần phải có những quy định chặt chẽ về chất lượng các tàu thuyền đánh bắt và tàu du lịch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và không làm ảnh hưởng môi trường do hở dầu và mỡ tàu
- Khôi phục bảo vệ và sử dụng hợp lý các rừng ngập mặn, đầm phá, ngăn ngừa sự khai thác phá hoại các rạn san hô làm vật liệu xây dựng hoặc sản phẩm thương mại.
- Ban hành và thực hiện kế hoạch quốc gia về ứng phó sự cố dầu tràn
- Các khu vực cảng biển, các khu du lịch tập trung đông người cần có quy hoạch và quản lsy hệ thống vệ sinh, rác thải hợp lý và mỹ quan. Cần xây dựng kế hoạch bảo vệ các vùng ven biển về phương diện địa mạo và sinh thái, có xét tới các hoạt động như khai thác vùng đất ngập mặn ven biển, khai thác cát, xây dựng các công trình phòng hộ...
- Tăng cường năng lực trong công tác quản lý xây dựng và bảo vệ môi trường cảnh quan ở các cấp các ngành trong việc kiểm soát ô nhiễm từ các vùng thượng nguồn.

ThS. KTS Đỗ Tú Lan
Nguồn tin: Hội thảo khoa học Viện Quy hoạch đô thị nông thôn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)