Hoành tráng thủy điện Sơn La

Thứ năm, 10/11/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đó là cảm nhận của những người làm báo chúng tôi khi có mặt tại nơi thi công công trình vào những ngày cả công trường đang ra sức thực hiện các hạng mục, chuẩn bị cho lễ ngăn sông Đà và khởi công xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La vào dịp đầu tháng 12 sắp tới.

Toàn cảnh khu vực thi công xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La

Dọc theo con đường tỉnh lộ 106 từ thị xã Sơn La đến công trường thủy điện, những trạm trộn bê tông, xưởng cơ khí, trạm khai thác cát, bến cảng kho tàng... đâu đâu cũng bề bề nguyên vật liệu. Trên diện tích mặt bằng và vùng hồ gần 245 km2, hàng nghìn công nhân với hàng trăm ô tô, máy móc các loại đang hối hả làm việc. Trên hai quả đồi phía bên bờ phải- nơi thi công đào đường móng đập tràn thuỷ điện, hàng chục chiếc máy xúc đang ngoạm những khoang đất đổ lên những chiếc xe tải nối đuôi nhau chở đi.. Các hố móng, kênh và cống dẫn dòng… cơ bản hoàn thành, đã lộ ra sự hoành tráng của công trình Thuỷ điện Sơn La. Đứng ở khu vực bờ trái sông Đà, ông Nguyễn Kim Tới, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Đà là đơn vị Tổng thầu giới thiệu với chúng tôi về tầm vóc của công trình được xếp vào loại lớn nhất Đông Nam Á này: Công trình Thuỷ điện Sơn La được Chính phủ quyết định xây dựng tại tuyến Pá Vinh II xã Ít ong huyện Mường La. Dòng sông Đà được chảy giữa những dãy núi đá cao, có nhiều thác ghềnh và độ dốc lớn tạo nên ưu thế lý tưởng cho việc xây dựng nhà máy thuỷ điện. Công trình thuỷ điện Sơn La là công trình thuỷ điện thứ 2 sau Công trình Thuỷ điện Sông Đà trong tiến trình chinh phục con sông Đà và sắp tới một công trình thuỷ điện ở tỉnh Lai Châu cũng khởi động, tạo nên một hệ thống thuỷ lợi-thuỷ điện lớn của đất nước. Công trình thuỷ điện Sơn La được Chính phủ quyết định phê duyệt đầu tư từ 15-1-2004 và đang được 13 nhà thầu trực tiếp thi công, trong đó Tổng Công ty Sông Đà giữ vai trò Tổng thầu. Mục tiêu đầu tư của Dự án thuỷ điện Sơn La là cung cấp nguồn điện năng để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho cả vùng Tây Bắc, góp phần chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc bộ. Với tổng mức đầu tư gần 37 nghìn tỷ đồng, công trình Thuỷ điện Sơn La được chia làm 3 dự án: Dự án xây dựng công trình chính với số vốn hơn 25,6 nghìn tỷ đồng; dự án các công trình giao thông tránh ngập với số vốn 1.013 tỷ đồng và dự án tái định canh, định cư với số vốn gần 10.295 tỷ đồng Đưa chúng tôi đến chân công trình, ông Tới cho biết: Thủy điện Sơn La có mức nước dâng ở cao trình 215 m, diện tích lưu vực rộng tới 43.760 km2, dung tích hữu ích gần 6 tỷ m3. Ngày giúp Việt Nam xây dựng công trình Thủy điện Sông Đà, các chuyên gia Liên Xô đã tính toán 10 năm sau nước ta phải có công trình thủy điện phía trên sông Đà để đảm bảo an toàn cho đập Hòa Bình. Bình thường, đập Hòa Bình chỉ chịu được mức xả lũ 37.800 m3/s, nhưng trong những năm gần đây có lũ liên tục xảy ra công suất lớn, lũ cực hạn có khả năng lên tới 60.000 m3/s. Do vậy, dung tích chống lũ cho hạ lưu 7 tỷ m3 có tác dụng giải tỏa lũ cho đập Hòa Bình. Công suất lắp máy của công trình cũng lớn tới 2.400 MW, khi Nhà máy hoàn thành sẽ cho sản lượng điện trung bình hàng năm 9,429 tỷ KWh, góp phần quan trọng trong việc cung cấp điện thực hiện CNH, HĐH đất nước. Kết cấu và bố trí công trình thủy điện Sơn La là kiểu nhà máy thủy điện lòng sông. Khác với Thủy điện YaLy là Thủy điện đường dẫn, Thủy điện Hòa Bình là hệ thống đường dẫn nước và nhà máy ở dưới hầm ngầm. Kết cấu đập chính Thủy điện Sơn La là đập bê tông đầm lăn, cho phép thi công với cường độ cao hàng triệu m3 bê tông/năm. Dự án xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Gồm: Công trình đầu mối có đập chính, đập tràn tại tuyến Pá Vinh II kết cấu bê tông trọng lực, nhà máy thuỷ điện sau đập với 6 đến 8 tổ máy, trạm biến áp, trạm phân phối điện ngoài trời, đường dây tải điện 220-500 KV đầu mối nhà máy với hệ thống điện quốc gia. Để thực hiện dự án này, đến năm 2010 các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu sẽ phải thực hiện di chuyển gần 19 nghìn hộ dân, trong đó riêng tỉnh Sơn La phải thực hiện di chuyển hơn 12 nghìn hộ. Giai đoạn 1, để có mặt bằng cho công trường thuỷ điện hoạt động và chuẩn bị cho việc ngăn sông, làm lễ khởi công, Sơn La đã thực hiện di chuyển 483 hộ và hơn 300 hộ nằm trong cao trình dưới 140 m. Năm 2004-2005 là giai đoạn chuẩn bị cho công tác xây dựng bao gồm các hạng mục: Xây dựng và nâng cấp đường QL6 đoạn từ Hoà Bình đến trung tâm thị xã Sơn La và các tuyến đường vào công trình như tỉnh lộ, đường chở thiết bị từ cảng Tà Hộc, sân bay Nà Sản đến công trường. Các tuyến đường này đã cơ bản thi công xong phục vụ cho công tác vận chuyển các thiết bị siêu trọng, siêu trường. Ngoài ra, trên tuyến đường sông đã được tính toán phá những bãi đá ngầm phục vụ cho công tác vận chuyển nguyên vật liệu và thiết bị lên công trường. Để thực hiện thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng cao, các nhà thầu đã vận chuyển lên công trường một khối lượng máy móc, thiết bị thi công, trong đó phần lớn được đầu tư mua mới hiện đại nhất của Nhật Bản, Thuỵ Điển và của Mỹ. Ở vào thời điểm hiện tại, các đơn vị thi công đã tập kết 56 máy xúc các loại, 39 máy ủi, 10 máy khoan thuỷ lực, 177 ô tô vận tải lớn, 5 máy san tự hành, 14 máy dầm rung, 2 trạm nghiền bê tông… Ngoài lực lượng chính của Tổng công ty Sông Đà, các thành viên tổ hợp nhà thầu cũng đã huy động một lực lượng lớn các thiết bị thi công hiện đại nhất đến tham gia xây dựng công trường. Nhờ vậy, sau 2 năm thi công, hệ thống kênh dẫn dòng và các công trình phụ trợ khác như nhà làm việc, điều hành cho cán bộ công nhân, các xưởng cơ khí, trạm trộn bê tông, bến cảng và 3 chiếc cầu cứng bắc qua sông Đà trong khu vực công trường đến nay đã hoàn tất, chuẩn bị sẵn sàng cho việc ngăn sông và làm lễ khởi công xây dựng Nhà máy dự kiến thực hiện vào đầu tháng 12 sắp tới. Sau lễ khởi công, công trình Thuỷ điện Sơn La sẽ bước sang giai đoạn 2. Theo kế hoạch, đến năm 2012, tổ máy thứ nhất sẽ được phát điện và đến năm 2015 công trình sẽ hoàn thành. Ban Quản lý dự án và Ban điều hành và Quản lý Nhà máy Thuỷ điện Sơn La đang đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu phát điện hoà lên mạng lưới điện quốc gia sớm hơn dự định 2 năm. Theo tính toán của các nhà kinh tế, sau khi hoàn thành, mỗi ngày Thuỷ điện Sơn La sẽ làm lợi cho nền kinh tế của đất nước 2 triệu USD. Không những thế, khi công trình hoàn thành sẽ tạo ra một hồ chứa nước cực lớn, tạo tiềm năng về du lịch sinh thái, ngăn lũ cho đồng bằng sông Hồng và tạo cơ hội lớn cho nhân dân các tỉnh Tây Bắc phát triển kinh tế./.

Nguồn tin: Báo Hà Tây, ngày 07/11/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)