Đổi mới quản lý kinh tế trong đầu tư xây dựng khi hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ ba, 15/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kể từ Đại hội Đảng VI, Đảng luôn đề cập đến vấn đề phải chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch tập trung sang cơ chế quản lý theo thị trường. Trong xây dựng, hệ thống thị trường mới được hình thành ở một số lĩnh vực, trong đó lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng là lĩnh vực được thị trường hoá sớm nhất. Tính thị trường trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng thì cao nhưng lại vận động trong một cơ chế quản lý kinh tế xây dựng chưa chuyển đổi kịp, còn mang nhiều tính hành chính, thủ tục của thời kỳ trước.
Vì vậy, đổi mới hơn nữa cơ chế quản lý nói chung, quản lý kinh tế trong đầu tư xây dựng nói riêng gỡ những vướng mắc hiện nay trong quá trình vận hành của cơ chế thị trường, hội nhập với thông lệ quốc tế, tạo ra một môi trường thúc đẩy sự phát triển sản xuất xây dựng đang trở thành vấn đề cấp bách.
Nhìn lại quá trình vận hành của cơ chế quản lý kinh tế xây dựng từ nhiều năm nay Nhà nước vấn đang nắm giữ quyền quản lý trực tiếp: Nhà nước ban hành định mức; Ban hành và hướng dẫn phương pháp điều chỉnh chi phí giá xây dựng mỗi khi có yếu tố biến động như tiền lương, giá vật liệu, nhiên liệu máy thi công hay các chế độ Nhà nước thay đổi. Mỗi khi xuất hiện một công nghệ mới, một loại vật liệu mới lại phải tổ chức xây dựng định mức mới để trình Nhà nước xem xét ban hành. Về phần Nhà nước: các chỉ tiêu, định mức như suất vốn đầu tư, giá tổng hợp, giá chuẩn hay định mức kinh tế - kỹ thuật dùng để xác định chi phí giá xây dựng từ tổng mức đầu tư đến tổng dự toán, dự toán xây dựng công trình vừa thiếu lại vừa chậm được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự phát triển công nghệ, biện pháp thi công và sử dụng vật liệu mới. Nhà nước đang quản lý chặt các yếu tố cấu thành chi phí và giá xây dựng bằng việc ban hành cứng như giá vật liệu theo thông báo liên Sở Tài chính - Xây dựng ở từng khu vực phạm vi tỉnh thành phố, tiền lương theo quy định chung của Nhà nước, chi phí máy theo phương pháp hướng dẫn áp dụng chung, các chi phí chung, tỷ lệ chịu thuế tính trước được do Nhà nước ấn định, khống chế...
Về lĩnh vực tư vấn đầu tư xây dựng, trong vòng 10 năm lại đây, thị trường xây dựng có thêm hoạt động của một lực lượng tư vấn làm cho thị trường xây dựng sôi động hơn, tuy nhiên hoạt động trong một cơ chế thị trường chưa đầy đủ như ở Việt Nam là một hạn chế đối với đội ngũ tư vấn này. Giá tư vấn vẫn do Nhà nước quy định trên cơ sở thang, bảng lương của Nhà nước và mang tính bình quân cho nhiều công việc thuộc lĩnh vực này. Cách quản lý như vậy không phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường, cũng như tính đa dạng với nhiều cấp độ phức tạp khác nhau của hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng công trình. Tuy không phải tất cả nhưng ở một số công việc, tư vấn Việt Nam có trình độ năng lực thực hiện tương đương với tư vấn nước ngoài, nhưng chi phí tư vấn trong nước lại được trả ở mức thấp hơn so với tư vấn nước ngoài. Vì thế, đây có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến chảy máu chất xám.
Từ đánh giá trên cho thấy khi chuyển đổi sang cơ chế thị trường, phương thức quản lý kinh tế trong đầu tư xây dựng, mặc dù bước đầu đã được đổi mới như hiện nay nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đang đặt ra. Trong cơ chế thị trường thì giá cả nói chung và giá cả xây dựng nói riêng vận hành theo quy luật giá trị và chịu sự tác động của quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh. Giá xây dựng chịu sự ảnh hưởng của tính đặc thù của quá trình sản xuất sản phẩm xây dựng, quá trình sản xuất xây dựng kéo dài nhiều năm chịu sự biến động của giá cả thị trường có nhiều rủi ro... nên giá xây dựng phải được xác định mềm dẻo theo sự biến động của thị trường. Theo cơ chế thị trường thì giá xây dựng mang thuộc tính trao đổi thuận mua vừa bán của một bên là người mua Chủ đầu tư và một bên là người bán Nhà thầu xây dựng. Vì vậy, một khi giá cả xây dựng bị định đoạt cứng như cách quy định hiện nay đã làm mất tính linh hoạt vốn có của giá cả trong cơ chế thị trường.
Để nâng cao cạnh tranh, thúc đẩy thị trường xây dựng phát triển trong phạm vi lĩnh vực kinh tế xây dựng, theo tôi cần tập trung vào một số nội dung đổi mới sau:

Thiết lập một hệ thống các chỉ tiêu, định mức phù hợp với phương thức quản lý thị trường xây dựng

Hệ thống chỉ tiêu định mức luôn được sử dụng để xác định chi phí xây dựng là cơ sở tính dự toán trong đầu tư xây dựng công trình. Từ rất nhiều năm nay Nhà nước luôn quản lý rất chặt công tác xây dựng, ban hành các định mức dự toán để xây dựng các bộ đơn giá địa phương của 64 tỉnh, thành phố. Tình hình đó làm cho giá cả xây dựng của các tỉnh, thành phố mang dáng dấp giống nhau cả về hình thức và trị số và không phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Theo hướng đổi mới, hệ thống định mức được xác định phù hợp điều kiện thực tế sản xuất, biện pháp thi công thực tế của mỗi nhà sản xuất ở mỗi một công trình và do chính các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng tự xây dựng để làm cơ sở xác định giá sản phẩm của họ. Đã đến lúc Nhà nước không nên quản lý ban hành các định mức quá chi tiết như hiện nay, bởi nó không thể đúng cho mọi trường hợp, phù hợp cho mọi điều kiện và đủ cho mọi công việc trong hoạt động xây dựng Định mức và đơn giá chi tiết là của nhà thầu và do nhà thầu tự xác định. Nhà nước cần thiết lập và quản lý hệ thống các chỉ tiêu định mức tổng hợp như suất đầu tư, giá chuẩn, định mức tổng hợp theo công việc hay bộ phận kết cấu... để làm cơ sở quản lý Tổng mức đầu tư ở giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng công trình phù hợp với quy định của Luật xây dựng. Như vậy, Nhà nước không phải đi sa đà vào những cái chi tiết, cụ thể sự vụ mà vẫn quản lý được vốn đầu tư của Nhà nước thông qua tính hiệu quả của dự án.

Đổi mới phương thức thiết lập các yếu tố hình thành giá xây dựng

Chuyển đổi phương thức thiết lập các yếu tố hình thành giá xây dựng thực chất là thay đổi tiến tới xoá bỏ cơ chế ban hành tính toán thống nhất các yếu tố cấu thành giá dự toán xây dựng công trình như: vật liệu, nhân công, máy thi công, chi phí chung, lợi nhuận... như các quy định hiện hành:

Yếu tố chi phí vật liệu xây dựng: thực hiện theo cơ chế do thị trường định đoạt. Giá vật liệu đưa vào công trình phụ thuộc vào chất lượng, quy cách, chủng loại và mang tính cạnh tranh ở từng khu vực, từng thời điểm nơi xây dựng công trình. Cần sớm xoá bỏ việc công bố giá vật liệu do các cơ quan tài chính - vật giá - xây dựng công bố như hiện nay ở các địa phương. Loại vật liệu đưa vào công trình do Chủ đầu tư tự lựa chọn, giá vật liệu do Chủ đầu tư và Nhà thầu tự xác định thoả thuận.

Yếu tố chi phí nhân công: chi phí nhân công trong chi phí giá xây dựng phải phản ánh được tính đặc thù của sản xuất xây dựng, đủ chi phí để bù đắp tái tạo sức lao động, chi phí cho gia đình và có tích luỹ. Theo đó, ngoài các yếu tố tiền lương và phụ cấp lương theo quy định, còn phải kể đến các yếu tố chi phí mang tính chất lương như: đào tạo, chỗ ở, chi phí bù đắp do phải gián đoạn công việc mang tính chất đặc thù nghề nghiệp, thưởng theo lương, bảo hiểm... Tiền lương trong chi phí giá xây dựng phải mang tính mềm dẻo, phụ thuộc vào công việc, mặt bằng sinh hoạt của xã hội theo vùng miền... Theo đó Nhà nước chỉ nên định hướng khung chuẩn theo tính chất công việc, ngành nghề để áp dụng cho các công trình sử dụng vốn Nhà nước.

Yếu tố chi phí máy: Nhà nước quy định xác định chi phí máy bằng cách hướng dẫn một phương pháp hoàn chỉnh thay vì ban hành bảng giá ca máy, trong đó hướng dẫn xác định các chỉ tiêu tính toán về khấu hao, sửa chữa, nhiên liệu, thành phần cấp bậc thợ điều khiển, các khoản chi phí quản lý máy... Căn cứ hướng dẫn, các Chủ đầu tư, Nhà thầu tham khảo để tính toán cho phù hợp với loại máy và điều kiện sử dụng máy của mình.
Các yếu tố chi phí quản lý, trực tiếp phí khác cấu thành trong giá xây dựng... do nhà thầu tự xác định và đề xuất để mang tình cạnh tranh. Nhà nước chỉ đưa ra mức mang tính khống chế và hướng dẫn thị trường.

Chuyển đổi phương pháp xác định chi phí tư vấn đầu tư xây dựng công trình theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế

Theo quy định hiện hành, định mức chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác lập cho gần 20 công việc khác nhau, điều này phù hợp với thực tế về trình độ chuyên môn có hạn của các tổ chức tư vấn ở nước ta hiện nay, song đó lại là nguyên nhân dẫn đến Chủ đầu tư phải quản lý phức tạp và mất nhiều thời gian để làm các thủ tục như lựa chọn nhà thầu tư vấn, quản lý, hợp đồng, thanh quyết toán việc thực hiện các công tác tư vấn này. Theo thông lệ quốc tế, nhà thầu tư vấn thường thực hiện đồng thời nhiều công việc nên định mức chi phí tư vấn thường đơn giản hơn so với quy định của Việt nam. Tuy nhiên để làm được như vậy cần có thời gian cho sự trưởng thành về trình độ chuyên mon cho các tổ chức tư vấn trong nước.
Định hướng đổi mới của vấn đề này là thực hiện việc lập và quản lý chi phí tư vấn theo thông lệ quốc tế. Theo đó chi phí tư vấn kể cả công tác thiết kế được xác định theo dự toán Month - man thay vì quy định định mức như hiện nay, trong đó mức lương tháng của chuyên gia tư vấn được tính toán cho phù hợp với tính chất lao động chất xám của nghề tư vấn. Nhà nước sẽ tiến tới không trực tiếp ban hành hệ thống định mức chi phí tư vấn nữa, tư vấn thực hiện hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhà nước thực hiện quản lý theo chức năng thông quá việc ban hành các quy định cơ chế cho hoạt động này.

Xã hội hoá công tác khống chế và kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng công trình thông qua các tổ chức tư vấn và kỹ sư định giá

Khi thị trường xây dựng phát triển, chức năng kiểm soát chi phí từ Nhà nước được thay thế bằng chức năng quản lý của xã hội thông qua các tổ chức tư vấn nghề nghiệp, các kỹ sư định giá. Đây là loại hình nghề nghiệp rất phổ biến ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Trung Quốc, Singapo, Thái Lan...Đây là hoạt động tư vấn rất được tôn trọng, trong khi đó ở nước ta lại chưa có. Họ làm tư vấn cho mọi thành viên trong xã hội kể cả các dự án của Chính phủ. Nội dung về kiểm soát khống chế chi phí bao gồm: Kiểm soát chi phí của dự án trong suốt các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng công trình từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn kết thúc đưa dự án vào khai thác sử dụng, kiểm soát chi phí thông qua thẩm tra dự toán thiết kế, kiểm soát chi phí thông qua đấu thầu, xử lý biến động giá...
Các tổ chức tư vấn khống chế quản lý chi phí; Các kỹ sư định giá khi hoạt động phải có điều kiện năng lực, điều kiện hành nghề phù hợp theo quy định của pháp luật. Để thực hiện các nội dung đổi mới trên cần phải thiết lập một lộ trình phù hợp. Nóng vội muốn thay đổi ngay sẽ làm xáo trộn và có thể gây hậu quả chưa lường hết được. Hiện, chúng ta vẫn còn khoảng 40 - 50% vốn đầu tư của Nhà nước trong tổng số vốn đầu tư của toàn xã hội, nên vẫn cần thiết phải có cơ chế quản lý thích hợp để không bị lãng phí thất thoát, tiêu cực tiền của Nhà nước.

TS. Dương Văn Cận
Nguồn tin: T/C Sài Gòn đầu tư & Xây dựng, số 7/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)