Áp dụng ISO trong xây dựng

Thứ hai, 09/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Do sự phát triển mạnh mẽ của công cuộc đô thị hóa và công nghiệp hóa, do phải cạnh tranh trong đấu thầu với các công ty sản xuất vật liệu xây dựng cũng như đấu thầu cung cấp vật liệu cho các công ty xây dựng nước ngoài, hoạt động áp dụng và chứng nhận ISO 9000, ISO 14000 trong ngành sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng diễn ra khá sớm và chiếm một tỷ lệ khá cao so với các ngành hàng, sản phẩm khác.
I. ISO 9000 và ISO 14000
Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 và ISO 14000 do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO - International Organisation for Standardisation ban hành nhằm đưa ra các yêu cầu quản lý chất lượng, môi trường để có thể áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Mô hình ISO 9000 và ISO 14000 là tập hợp một cách hệ thống những kinh nghiệm quản lý chất lượng, môi trường tốt nhất đã được trải nghiệm ở các nước công nghiệp phát triển thuộc khu vực châu Âu, châu Mỹ và đã được chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia của nhiều nước trên thế giới.
Phiên bản đầu tiên của Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 ra đời năm 1987, phiên bản thứ hai được ban hành năm 1994 và phiên bản thứ ba đã có hiệu lực từ tháng 12 - 2000. Theo ước tính, cho đến nay, trên thế giới có khoảng trên 300.000 doanh nghiệp đã áp dụng và được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 9000. Tại Việt Nam, việc áp dụng và chứng nhận ISO 9000 bắt đầu vào năm 1996 và đến nay có khoảng 2500 doanh nghiệp được chứng nhận, rất nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình xây dựng và áp dụng.
Phiên bản đầu tiên của Bộ tiêu chuẩn ISO 14000 ra đời năm 1996, phiên bản này sẽ hết hiệu lực trên phạm vi toàn cầu vào tháng 5 - 2006 trong khi phiên bản thứ hai bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12 - 2004. Do ra đời muộn hơn, áp lực về môi trường ở hầu hết các nước đang phát triển chưa cao như vấn đề chất lượng, do nhận thức không đầy đủ về lợi ích và yêu cầu của tiêu chuẩn nên số tổ chức áp dụng và được chứng nhận theo ISO 14000 ở hầu hết các nước trên thế giới đều thấp hơn rất nhiều so với ISO 9000. Chẳng hạn, theo thống kê không chính thức, số đơn vị đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 14001 ở các nước trong khu vực.
Đông Nam Á chỉ chiếm khoảng 5 đến 15% so với số đơn vị đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 9000. Tại Việt Nam, doanh nghiệp được chứng nhận ISO 14000 là vào đầu năm 1999 và đến nay, theo ước tính, số doanh nghiệp được chứng nhận trong cả nước chưa vượt quá con số 100.

II. Lợi ích của việc áp dụng và chứng nhận ISO 9000 và ISO 14000
Xây dựng và áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng, môi trường theo ISO 9000, ISO 14000, doanh nghiệp có thể:
1. Giảm giá thành sản phẩm do sử dụng hợp lý nguồn lực, giảm tỷ lệ tiêu hao nguyên liệu, giảm chi phí xử lý sản phẩm hỏng và xử lý chất thải, hạn chế sự cố thiết bị, tai nạn nghề nghiệp và sự cố môi trường.
2. Đáp ứng yêu cầu của luật định, thực hiện trách nhiệm pháp lý của Giám đốc có liên quan đến chất lượng, môi trường, an toàn và vệ sinh.
3. Thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đạo đức kinh doanh, ý thức bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
4. Gia tăng cơ hội cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua việc khẳng định khách quan và uy tín của tổ chức chứng nhận cũng như tổ chức công nhận.
5. Tạo niềm tin, sự gắn bó và tự hào trong cán bộ, nhân viên, góp phần nâng cao năng suất lao động và phát huy sáng kiến cải tiến.
6. Đem lại lòng tin và dễ dàng nhận được sự ủng hộ từ các nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính, bảo hiểm và cộng đồng dân cư.
7. Dễ dàng thâm nhập thị trường quốc tế, trở thành đối tác của các các công ty hàng đầu thế giới nhờ cơ chế thừa nhận song phương, đa phương của các tổ chức chứng nhận và công nhận.
8. Đem lại nhiều thời gian và trí tuệ cho Người đứng đầu trong việc định hướng chiến lược và phát triển nhờ giảm thời gian dùng cho việc chỉ đạo các công việc sự vụ hàng ngày.
9. Thay đổi nếp nghĩ, nếp làm, nếp giao tiếp và truyền đạt thông tin của tất cả mọi người trong doanh nghiệp, từ người lãnh đạo cao nhất đến người lao động thấp nhất, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
10. Làm nền tảng cho việc chứng nhận chất lượng sản phẩm cho các sản phẩm cụ thể phục vụ cho công tác đấu thầu, kêu gọi đầu tư qua thị trường chứng khoán,...

III. Việc áp dụng ISO 9000 và ISO14000 trong ngành sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng ở Việt Nam
Tại Việt Nam, do sự phát triển mạnh mẽ của công cuộc đô thị hóa và công nghiệp hóa, do phải cạnh tranh trong đấu thầu với các công ty sản xuất vật liệu xây dựng cũng như đấu thầu cung cấp vật liệu cho các công ty xây dựng nước ngoài, hoạt động áp dụng và chứng nhận ISO 9000, ISO 14000 trong ngành sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng diễn ra khá sớm và chiếm một tỷ lệ khá cao so với các ngành hàng, sản phẩm khác. Ngoài ra, các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng còn là những đơn vị rất chú trọng đến chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN, nước ngoài ASTM, JIS, BS, GOST... và ISO.
Với ISO 14000, các đơn vị được chứng nhận trong ngành sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng chủ yếu là các công ty Xi măng, chiếm khoảng 21% trong tổng số các doanh nghiệp được QUACERT chứng nhận cho tiêu chuẩn này.
Với ISO 9000, số doanh nghiệp được chứng nhận trong ngành sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng chiếm khoảng 23% trong tổng số gần 1000 doanh nghiệp đã được QUACERT chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn này, tập trung chủ yếu vào các công ty sản xuất xi măng, thép, gạch ngói, bê tông,...
Trong số những doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất vật liệu xây dựng được chứng nhận, không ít doanh nghiệp đã áp dụng tích hợp và được chứng nhận nhiều hệ thống quản lý đồng thời với chứng nhận các sản phẩm mang nhãn hiệu thương mại khác nhau. Chẳng hạn, Công ty TNHH LUSK Xi măng Thừa Thiên Huế đã được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000, ISO 18000 tiêu chuẩn Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và 7 tiêu chuẩn sản phẩm TCVN và ASTM. Khá nhiều công ty khác như Công ty Xi măng Hoàng Thạch, Công ty Xi măng CHINFON Hải Phòng, Công ty Xi măng Hà Tiên 2 - Cần Thơ, Công ty Xi măng Hoàng Mai, Công ty Xi măng Sài Sơn,... đã được chứng nhận cho cả ISO 9000, ISO 14000 và sản phẩm.

IV. Kết luận
Tiêu chuẩn hệ thống quản lý nói chung, tiêu chuẩn ISO 9000 và ISO 14000 nói riêng đã trở thành những công cụ quản lý hữu hiệu và không thể thiếu trong quá trình phát triển và hội nhập của hầu hết những doanh nghiệp có tên tuổi ở Việt Nam. Vì thế việc xây dựng, áp dụng, chứng nhận, duy trì, cải tiến và chứng nhận lại theo các tiêu chuẩn sau mỗi chu kỳ 3 năm đã trở thành thường lệ với khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Cùng với áp dụng và chứng nhận theo các tiêu chuẩn quản lý hệ thống, việc chứng nhận chất lượng sản phẩm cũng đang trở nên phổ biến hơn trong các ngành, kể cả ngành vật liệu xây dựng, bởi lẽ, các doanh nghiệp đã dần hiểu ra rằng cái đích cuối cùng của các nhà sản xuất vẫn là khẳng định đẳng cấp của chất lượng sản phẩm, còn hệ thống quản lý chỉ là công cụ hỗ trợ mà thôi.

Nguồn tin: Thông tin KHCN Vật liệu Xây dựng, số 3 năm 2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)