Bàn về nhà ống trong khu phố cổ Hà Nội

Thứ sáu, 06/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tại sao lại bàn về nhà ống? Khi nói tới khu phố cổ Hà Nội khu 36 phố phường, nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc đều nói tới thuật ngữ nhà ống và tất cả đều thừa nhận đó là nét đặc trưng của khu phố cổ, nhưng mới dừng ở mức độ mô tả những ngôi nhà này có chiều rộng, chiều sâu và cách bố trí mặt bằng như thế nào. Ví dụ: Trong cuốn Kiến trúc Hà Nội thế kỷ XIX - XX NXB Hà Nội - 1985 của KTS. Đặng Thái Hoàng có viết: loại nhà ống chung tường là loại nhà chủ yếu, có chiều ngang chỉ khoảng 2, 3, 4m và sâu từ 20m đến 50m, 60m, bề ngang nhà bằng một gian và phát triển dần theo chiều sâu và ở giữa có một đến hai sân trong.
Theo khảo sát mới nhất của nhóm nghiên cứu trong chương trình HAIDEP của tổ chức Jica Nhật bản đối với Hà Nội, những ngôi nhà ống xây dựng theo kiểu truyền thống còn lại rất ít đa phần đã bị biến đổi. Có cái biến đổi hoàn toàn, có cái chỉ còn giữ được một nhà phía ngoài, còn những lớp nhà phía trong đã được xây thành ba đến năm tầng, thậm chí có cái lên đến bảy tầng. Như vậy, nguy cơ mất đi những ngôi nhà ống truyền thống là hiện hữu.
Mặt khác, trong quá trình nghiên cứu, tôi đã đọc tài liệu và khảo sát nhiều lần, một ngôi nhà trong khu phố cổ và dự nhiều buổi bảo vệ đề cương cũng như luận văn cao học trong nhiều năm nên đã được nghe khá nhiều đề tài về khu 36 phố phường của Hà Nội và phân vân về sự hiểu biết những ngôi nhà ống có phần chưa chính xác của một số bạn trẻ. Ví dụ, một đề cương nghiên cứu lấy mô hình nhà ống để phát triển cho nhà ở tại Hà Nội, trong đó có đề xuất một mô hình nhà có chiều rộng 4m và chiều sâu 20m, với kích thước như thế không thể gọi nhà ống được, mà chỉ là loại nhà chia lô thông thường. Như vậy đã có sự nhầm lẫn giữa nhà chia lô và nhà ống. Đồng thời tôi cũng phân vân về một giả thiết đưa ra cho sự hình thành nhà ống trong khu phố cổ xuất phát từ việc chia và kéo dài các gian của loại nhà 3 gian hoặc 5 gian truyền thống. Giả thiết này theo tôi chưa đủ thuyết phục và đã có sự nhầm lẫn, là lấy phương thức chia lô đất của hôm nay áp đặt cho quá khứ.
Do vậy, tôi viết bài này để trình bày quan điểm của mình về sự hình thành các ngôi nhà ống trong khu 36 phố phường.
Để có thể hiểu rõ cần phân tích các yếu tố tác động để tạo ra các ngôi nhà, ở đây đưa ra 2 yếu tố chính. Đó là sự hình thành cấu trúc của ô phố và sự biến đổi của các ngôi nhà.

Sự hình thành cấu trúc của các ô phố

Các ô phố hình thành do hệ thống đường. Phân tích trên các bản đồ của khu vực 36 phố phường qua các thời kỳ cho thấy các con đường được hình thành trên cơ sở của các đường nối các thôn các xóm với nhau, nên hai bên đường không thể có các ngôi nhà 3 hoặc 5 gian truyền thống. Điều này thấy rõ vì khu 36 phố phường xuất phát cũng từ những thôn, những xóm của các làng vùng châu thổ sông Hồng. Ví dụ phố Hàng Bạc đát thôn Nỗ Hạ phương Đông Các và thôn Dũ Thọ, phố Hàng Bè đất thôn Gia Ngư hay phố Hàng Chiếu đất thôn Thanh Hà. Nên cấu trúc làng và việc đặt hướng các ngôi nhà ở đây cũng nằm trong quy luật chung của các làng vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đó là các ngôi nhà không bám theo đường dù là đường chính của thôn hay xóm. Hướng của nhà thường theo hướng Nam hay Đông Nam, như câu của các cụ thường nói Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng Nam hay được xác định theo tuổi của chủ nhà.
Sau nay theo quy luật phát triển của đô thị các ngôi nhà được xây dựng bám theo hai bên đường. Các ngôi nhà này được xây để phục vụ bán hàng nên cách tổ chức không gian khác với nhà ở truyền thống. Theo hình thái các ô phố cho thấy, mặt nào có đường trước thì mặt đó nhà được làm trước nên nhà có chiều sâu hơn. Những ô phố cùng xây dựng trong một thời gian thì góc phố có các nhà giáp nhau tạo nên một đường chéo.
Việc chia các lô đất trong đô thị có tác động rất lớn trong việc hình thành nên các kiểu nhà. Xưa kia ở các làng, việc chia nhà cho các con trai khi thành lập gia đình không chia theo gian, mà chia đất cho các con để làm nhà nằm trong khu đất của mình hay đất của làng chưa có người sử dụng được làng cho phép. Do vậy, có thể thấy ngay từ ban đầu các ngôi nhà truyền thống đã không có mặt ở hai bên đường.
Sự phân chia rộng, hẹp của các lô đất đến hiện nay chưa tìm thấy tài liệu nào nói rõ về vấn đề này, nhưng theo nghiên cứu thực tế có thể giải thích như sau:
Khu phía Đông của Hoàng thành là khu thương mại sầm uất nên khá đông người cư trú, vì vậy đất đai cũng là một vấn đề. Người có đất bán theo khả năng của người mua, không có sự tính toán trước nên đã tạo ra những mảnh đất rộng hẹp khác nhau, những mảnh thừa là những mảnh rất hẹp.
Khu vực phía Đông của khu phố cổ hình thành trước và mang tính tự phát nên tại đây có nhiều nhà hẹp và dài. Khu phía Tây phố Phùng Hưng, Hàng Gà, Bát Sứ hình thành sau và đã có sự chú ý tới các lô đất nên chúng đều nhau hơn và ngắn hơn, nên khu vực này ít thấy sự hiện diện của dạng nhà ống.
Đầu thế kỷ XIX đã xuất hiện những nhà kinh doanh bất động sản, họ mua những mảnh đất trong khu 36 phố phường và chia các lô nhỏ để xây dựng những ngôi nhà giống nhau, sau đó bán lại hoặc cho thuê. Điều này thấy rõ ở các nhà số 72 đến 76 trên phố Phùng Hưng...

Sự biến đổi của các ngôi nhà trên mặt phố

Theo truyền thống, người Kinh chỉ quen với việc làm nhà theo chiều ngang nhà chữ nhất nên khi chuyển sang làm nhà theo chiều dọc họ lấy ngay hệ khung nhà nông thôn truyền thống với một gian thường từ 2,1m đến 2,5m xếp dọc và để ở giữa một khoảng sân hở sau này gọi là giếng trời, do vậy những ngôi nhà hiện nay ta xếp là nhà cổ thường có chiều ngang hẹp. Điều này ta còn có thể nhận biết được qua các ngôi nhà số 42 phố Hàng Cân, 12 Hàng Buồm, 70 Mã Mây... Sau này do lâu ngày các cột gỗ bị hỏng, người dân thay bằng hệ tường chịu lực nhưng vẫn giữ hệ mái truyền thống.
Các ngôi nhà ống cũng được thay đổi theo quá trình tiến bộ của xã hội, của kỹ thuật và vật liệu xây dựng. Sau loạt nhà có cột gỗ đến loại nhà không có cột, các dầm gỗ được gối lên hai tường dọc, sàn và mái vẫn bằng gỗ lợp ngói, tiếp đến thời kỳ có các dầm thép được dùng làm kết cấu sàn kết hợp với vòm cuốn bằng gạch, tiếp đến thời kỳ có bê tông loại nhà tường dọc chịu lực sàn và mái bằng bê tông cốt thép xuất hiện và đến nay loại nhà khung bê tông cốt thép được dùng phổ biến. Mặt đứng của nhà cũng biến đổi theo từng các giai đoạn này. Đầu tiên, người dân chưa có kinh nghiệm xử lý mặt nhà với cái đầu hồi nên họ xử lý rất đơn giản, tầng một là cửa gỗ lùa để tiện cho việc mở cửa hàng, tầng hai có một hoặc hai cửa sổ nhỏ. Sau này ảnh hưởng của người phương Tây bắt đầu có ban công và các hoạ tiết trang trí...
Khoảng thời gian đầu của thế kỷ XIX xuất hiện một số nhà kinh doanh bất động sản, họ bỏ tiền mua đất làm một loạt nhà giống nhau với chiều rộng từ 3,2m tới 4,5m, có chiều sâu từ 15m tới 25m, với khu vệ sinh và bếp nằm ở phía sau. Loại nhà này có thể bán cho những ai cần, đồng thời cũng có thể cho nhiều gia đình thuê.
Một số gia đình có tiền mua đất làm nhà theo phong cách của châu Âu nhưng vẫn giữ cách bố cục theo dạng hình ống có các lớp sân trong, tuy nhiên loại nhà này có chiều rộng từ 4m đến 6m.
Sau năm 1955 có sự thay đổi về nhà đất, một số nhà có diện tích lớn được Nhà nước phân thêm người tới ở, nên trong một nhà không phải một hoặc hai gia đình theo một huyết thống, mà có nhiều gia đình khác nhau, điều này cùng với việc các con cái trong các gia đình đều trưởng thành gây nên sự quá tải trong sử dụng, dẫn tới việc phân chia không gian tuỳ tiện làm cho cấu trúc ban đầu của ngôi nhà bị thay đổi không còn tác dụng thông gió hoặc lấy ánh sáng của các giếng trời.
Nên mô hình nhà ống chỉ sử dụng thuận lợi khi nó là sở hữu của một chủ và với cơ cấu gia đình 7 đến 8 nhân khẩu, nếu nhiều gia đình khác nhau cùng chung sống nó sẽ trở nên bất tiện. Do vậy, những khu vực xây dựng sau này có ý đồ quy hoạch trước như khu Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương hay Ngô Thì Nhậm, Thi Sách... các lô đất thường khá đều nhau và có chiều sâu trung bình thường chỉ tới 25m.
Qua các sự biến đổi không gian đó không giống như giả thiết của việc phân chia theo các gian. Hình thức phân chia này chúng ta gặp phổ biến trong giai đoạn sau này từ năm 1986 ở các khu tập thể với dạng nhà ở cấp IV.

Vậy định nghĩa nhà ống thế nào cho hợp lý?

Những ngôi nhà hàng phố ngôi nhà có cửa hàng với chiều rộng từ 3m đến 6m, với chiều sâu 20m đến 30m rất phổ biến ở các đô thị vùng Đông Nam Á và ở Trung Quốc nhưng người ta không gọi nó là nhà ống.
Những ngôi nhà chia lô sau này chúng ta cũng chia oo với chiều rộng từ 3m tới 4,5m và chiều sâu từ 15m tới 20m cũng không thể gọi là nhà ống.
Một điều rất rõ, nếu chúng ta chia các lô đất để làm nhà ở bây giờ không có ai chia có chiều sâu tới 40m hay 60m. Vì chúng ta thấy ngay như vậy rất bất hợp lý trong tổ chức không gian và giao thông.
Trong khu 36 phố phường của Hà Nội, không phải tất cả các ngôi nhà đều có chiều sâu như nhau. Khoảng 30% sâu từ 15m đến 30m, 40% sâu từ 30m đến 45m, 20% sâu trên 50m và 10% là các kích thước khác.
Qua những phân tích trên, định nghĩa nhà ống truyền thống theo cả định lượng, định tính là:
- Nhà ống là một sản phẩm của việc xây dựng đô thị mang tính tự phát là chính và nó chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển đô thị ở Việt Nam.
- Nhà ống là một sản phẩm của sự thông minh và khéo léo của người thợ xây dựng trong việc chuyển đổi từ xây dựng truyền thống của làng xã sang xây dựng các đô thị của Việt Nam.
- Nhà ống truyền thống là loại nhà hàng phố có chiều rộng từ 2,5m đến 4,5m, chiều sâu gấp 9 đến 10 lần chiều rộng, chiều cao từ 1 đến 3 tầng và không gian được tổ hợp bằng 2 đến 3 lớp sân.
Như vậy nhà ống chỉ nên bảo tồn nó trong không gian cụ thể của khu phổ cổ Hà Nội và chỉ có ở đó nó mới thể hiện được những nét riêng biệt đáng trân trọng.

PGS.TS.KTS. Phạm Đình Việt
Nguồn tin: T/C Kiên trúc Việt Nam, số 8/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)