Giám định tư pháp trong xây dựng

Thứ sáu, 06/10/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Luật pháp về giám định tư pháp hiện nay là Pháp lệnh tư pháp - pháp lệnh số 24/2004/PL - UBTVQH 11 ngày 29/9/2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2005. Pháp lệnh này có quy định về tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp; trình tự thủ tục trưng cầu giám định, thực hiện giám định, phí giám định tư pháp và quản lý Nhà nước về giám định tư pháp. Giám định không do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu và không nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án thi không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh này.
Giám định tư pháp là việc sử dụng kiến thức, phương thức, phương pháp khoa học, kỹ thuật nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án hành chính, hình sự, vụ việc dân sự gọi chung là vụ án do người giám định tư pháp thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án. Cùng với sự phát triển của lĩnh vực xây dựng, các trang chấp cũng như các vi phạm trong lĩnh vực này ngày càng nhiều, càng phức tạp, phát sinh nhu cầu về giám định xây dựng của hoạt động tố tụng, nhất là tố tụng dân sự ngày càng lớn và phổ biến. Đặc thù của hoạt động xây dựng đa ngành, nhiều đối tượng tham gia, sử dụng nhiều trang thiết bị phương tiện kỹ thuật, phạm vi sản xuất trải rộng, thời gian dài, vốn lớn... làm cho hoạt động giám định xây dựng khi có trưng cầu giám định trở nên phức tạp khó khăn. Bản thân cơ quan hay người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định không thể hiểu rõ tổ chức, đơn vị nào có năng lực giám định. Còn về phía tổ chức đơn vị xây dựng được trưng cầu thì không muốn thực hiện giám định, bởi nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc ngại liên quan đến tư pháp và việc chi trả cho việc giám định của cơ quan tiến hành tố tụng khó khăn. Nhiều vi phạm luật pháp trong xây dựng gây ra lãng phí thất thoát, tham nhũng nhưng chưa được xử lý kịp thời, hoặc phải kéo dài thời gian xem xét, hoặc chìm xuồng, hoặc xử lý hành chính nội bộ... vì không thể thực hiện giám định tư pháp. Làm cho chế tài thực thi luật pháp không nghiêm, kém hiệu lực và hiệu quả.
Theo quy định của luật pháp, không thành lập tổ giám định tư pháp trong ngành xây dựng mà chỉ thực hiện trưng cầu giám định đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức chuyên môn có điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc thực hiện giám định
Giám định viên tư pháp là người có đủ tiêu chuẩn quy định được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp. Bộ Tư pháp cấp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp theo đề nghị của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh thành phố trực thuộc TW.
Người giám định theo vụ việc không phải là giám định viên tư pháp, nhưng có kiến thức chuyên sâu, có uy tín về lĩnh vực cần giám định có thể trưng cầu thực hiện giám định theo vụ việc. Bộ tư pháp lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc theo đề nghị của bộ ngành TW và UBND tỉnh thành phố. Việc giám định do một người thực hiện gọi là giám định cá nhân. nếu do hai người trở lên thực hiện gọi là giám định tập thể. Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp là tuân thủ luật pháp, tuân theo quy chuẩn chuyên môn; trung thực, chính xác, khách quan; chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến vụ án trong phạm vi yêu cầu; chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận giám định.
Người giám định tư pháp có quyền yêu cầu người trưng cầu giám định cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến đối tượng giám định; có quyền sử dụng kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn do tổ chức cá nhân khác thực hiện nhằm phục vụ cho giám định; độc lập đưa ra kết luận giám định; có quyền từ chối giám định khi các tài liệu liên quan không cấp đầy đủ, không đủ thời gian thực hiện giám định, hoặc khi tham gia tố tụng với tư cách là người giám định tư pháp; có quyền hưởng phụ cấp và các khoản bồi dưỡng khác theo quy định nếu là người hưởng từ ngân sách, hoặc được hưởng thù lao giám định tư pháp nếu không hưởng lương ngân sách.
Nghĩa vụ của người giám định tư pháp là tuân thủ các nguyên tắc thực hiện giám định, thực hiện giám định theo đúng nội dung, thời gian của trưng cầu giám định; lập hồ sơ giám định; bảo quản hồ sơ mẫu vật giám định; giữ bí mật kết quả giám định, thông tin tài liệu giám định; từ chối giám định đối với một số đối tượng theo quy định; bồi thường thiệt hại khi cố ý đưa ra kết luận giám đínhai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân tổ chức có liên quan.
Những hành vi bị nghiêm cấm đối với người giám định tư pháp: từ chối kết luận giám định mà không có lý do chính đáng; cố ý đưa ra giám định sai sự thật; lợi dụng việc giám định để trục lợi; tiết lộ điều tra mà mình biết được khi tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người giám định tư pháp; tiết lộ thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định đối với các vụ án khác.
Phí giám định tư pháp: tổ chức cá nhân thực hiện giám định tư pháp được thu phí giám đinh tư pháp. Phí giám định tư pháp là khoản tiền chi trả thù lao giám định tư pháp và các khoản chi phí cần thiết khác cho việc thực hiện giám định theo quy định của Bộ Tài chính. Đối với các vụ án hình sự, phí giám định tư pháp do cơ quan tiến hành tố tụng trả và được cấp từ ngân sách Nhà nước theo dự toán hàng năm của cơ quan đó. Đối với vụ việc dân sự, vụ án hành chính thì phí giám định tư pháp do đương sự chịu theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Trường hợp miễn, giảm, theo quy định của Chính phủ.

Giám định tư pháp xây dựng

Hiện nay là yêu cầu mang tính khách quan phù hợp sự phát triển và hội nhập. Kết luận của giám định tư pháp xây dựng là yếu tố quan trọng trong việc xử lý các hành vi vi phạm luật pháp khách quan, công bằng và nghiêm minh. Tuy nhiên việc hình thành và hoạt động giám định tư pháp chưa được coi trọng, ngoài nguyên nhân nhận thức chưa đầy đủ về vai trò của giám định tư pháp trong xây dựng, còn có sự trì trệ của tư duy áp đặt trong công tác tư pháp, chưa coi trọng việc thực thi luật pháp của nhà nước pháp quyền và xã hội công dân. Mặt khác với tổ chức và cơ chế chính sách hoạt động tư pháp hiện có nhiều điều chưa phù hợp ngành xây dựng do tính đặc thù của hoạt động sản xuất đa dạng, phức tạp, cần được nghiên cứu bổ sung. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, vào thời điểm tháng 10/2004 toàn Ngành Xây dựng chỉ có 10 tổ chức và 33 giám định viên, tất cả đều hoạt động kiêm nhiệm, chiếm tỷ lệ 1,5% so với số lượng về giám định trên toàn quốc. Điều này cho thấy thực trạng giám định tư pháp trong xây dựng chưa tương xứng với yêu cầu .
Những vấn đề cần xem xét có liên quan đến quản lý Nhà nước về giám định trong thời gian tới liên quan đến giám định tư pháp xây dựng như tính chuyên trách hay kiêm nhiệm; có hình thành tổ chức giám định hay chỉ thực hiện giám định viên, giám định theo sự việc; các yếu tố để hình thành chi phí giám định; giám định theo bộ, ngành địa phương như hiện nay hay hình thành theo khu vực, vùng miền để kịp thời giám định các vui phạm luật pháp. Tăng cường chất lượng giám định tư pháp xây dựng, góp phần bổ trợ cho việc thực thi luật pháp trong xây dựng nghiêm minh và hiệu quả.
Hoạt động xây dựng mang tính đặc thù đa dạng, đa ngành, nên có nhiều luật pháp chi phối như: luật pháp về hành chính, luật pháp về kỹ thuật, luật pháp về kinh tế, luật pháp về hình sự... Vì thế, công tác giám định tư pháp xây dựng diễn ra trên nhiều lĩnh vực, đòi hỏi có sự tham gia của nhiều loại chuyên gia chuyên gia kinh tế, kỹ thuật, chuyên gai tư pháp, luật sư.. nhiều tổ chức chuyên môn thực hiện khi có trưng cầu giám định phòng thí ngjhiệm, viện nghiên cứu.... Với trách nhiệm quản lý Nhà nước về xây dựng, việc kết luận đúng sai trong thi hành luật pháp cần thiết phải thông qua giám định tư pháp sẽ có ý nghĩa đề cao sự tôn nghiêm thực thi luật pháp trong thực tế. Nghiên cứu chấn chỉnh tổ chức giám định tư pháp sẽ là một giải pháp góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, hạn chế và xử lý lãng phí thất thoát trong xây dựng.
Vừa thiếu lực lượng giám định tư pháp xây dựng , nhưng lại hình thành phân tán theo bộ, ngành TW và địa phương riêng biệt dẫn đến tình trạng khép kín trong xử lý sai phạm thiếu khách quan, không công bằng, hoặc phải kéo dài, hoặc cho qua. Thực tế có nhiều tổ chức, cá nhân là đối tượng bị xử lý chưa đồng thuận về tính chất mức độ vi phạm trong xây dựng, chỉ với kết luận của cơ quan quản lý chức năng hành chính đơn thuần, mà không có trưng cầu giám định tư pháp.
Tăng cường năng lực giám định tư pháp trong xây dựng về cơ chế, tổ chức thực hiện đang là một đòi hỏi cần thiết trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.

Lê Anh Ba
Nguồn tin: T/C Người Xây dựng, số 9/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)