Tên chuyên đề: Chiến lược phát triển đô thị - Đối mặt với những thách thức về đô thị hoá nhanh chóng và chuyển đổi sang kinh tế thị trường

Thứ hai, 14/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tác giả: Alan Coulthart, Nguyễn Quang và Henry Sharpe. Nhà xuất bản: Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Năm 2006. Số trang: 62. Ngôn ngữ: Việt Nam. Địa chỉ tài liệu: TTCĐ.000721 - Thư viện KHCN-BXD.
Tóm tắt nội dung:
Nền kinh tế Việt Nam đang trải qua hai quá trình chuyển đổi lớn - dịch chuyển từ nền tảng nông thôn sang nền tảng đô thị và chuyển hoá từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường. Sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào khả năng phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ vận hành theo cơ chế thị trường và có năng lực cạnh tranh. Đó là các hoạt động chủ yếu diễn ra ở đô thị.
Hiện tại, các thành phố lớn và nhỏ của Việt Nam chiếm khoảng 70% tổng sản lượng kinh tế. Đầu tư nước ngoài hầu hết đều đổ vào đô thị. Những cơ hội kinh tế ở thành phố thúc đẩy tăng nhanh dân số đô thị, trong đó có một lượng đáng kể dân di cư. Ngược lại, quá trình đô thị hoá kích thích hơn nữa tăng trưởng kinh tế.
Xét theo tiêu chuẩn châu Á, mức độ đô thị hoá ở Việt Nam vẫn tương đối thấp. Năm 2001 dân số thành thị mới chiếm 25% so với 37% ở Trung Quốc và 42% ở Inđônexia. Tới năm 2003, dân số thành thị gồm cả những người chưa được đăng ký cư trú không được tính trong dữ liệu Tổng điều tra dân số chính thức là khoảng 23 triệu người. Mặc dù các số liệu dự kiến tốc độ gia tăng hàng năm rất khác nhau, nhưng Chính phủ cũng thừa nhận tốc độ đô thị hoá sẽ trở nên rất cao. Mỗi năm có thêm khoảng một triệu cư dân đô thị. Điều đó có nghĩa là dân số thành thị sẽ tăng gấp đôi tính đến năm 2020.
Tỷ lệ đói nghèo ở thành thị thấp hơn ở nông thôn. Tuy nhiên, mật độ đói nghèo ở đô thị lại cao hơn. Điều này đúng với những thành phố lớn nằm sâu trong nội địa, nơi có tốc độ đô thị hoá nhanh chóng và với cả các vùng trồng trọt lâu đời như Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Quy mô và mức độ tập trung kinh tế là cơ sở tồn tại và phát triển của đô thị. Khả năng khu vực đô thị sẽ thu hút một tỷ lệ dân cư lớn hơn đòi hỏi phải có nhiều đầu tư hơn vào cơ sở hạ tầng của khu vực này.
Báo cáo Chiến lược phát triển đô thị - Đối mặt với những thách thức về đô thị hoá nhanh chóng và chuyển đổi sang kinh tế thị trường là một trong những báo cáo về Những thách thức đối với cơ sở hạ tầng Việt Nam của Ngân hàng Thế giới.
Bản báo cáo này gồm 7 chương sau:
• Chương 1: Bối cảnh - Trình bày đánh giá về hiện trạng phát triển đô thị ở Việt nam.
• Chương 2: Những chính sách chỉ đạo - Trình bày các chính sách cơ bản ảnh hưởng tới các khu vực đô thị.
• Chương 3: Các mục đích, nhu cầu và tiếp cận hạ tầng - Đề cập đến mức độ tiếp cận với những dịch vụ hạ tầng cơ bản của người dân đô thị, và cũng cho biết chi phí ước tính cần thiết cung cấp dịch vụ hạ tầng cho tất cả người dân đô thị hiện tại và tương lai tính đến năm 2010 và 2020.
• Chương 4: Quy hoạch và quản lý đô thị - Nêu những thách thức về quy hoạch và quản lý đô thị.
• Chương 5: Tài chính đô thị - Xác định các nguồn tài chính khác nhau mà thành phố có thể huy động để đầu tư vào hạ tầng.
• Chương 6: Những khuyến nghị cải thiện phát triển đô thị - Đưa ra những khuyến nghị nhằm ứng phó với những thách thức được xác định ở các chương.
• Chương 7: Các phụ lục.
- Phụ lục 1A: Phân loại đô thị và phân cấp trách nhiệm.
- Phụ lục 1B: Phân loại thành phố hiện nay.
- Phụ lục 2: Số liệu dự báo dân số đô thị chính thức của Bộ Xây dựng.
- Phụ lục 3: Trách nhiệm của Chính phủ đối với các vấn đề đô thị.

Thư viện Bộ Xây dựng
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)