Tên đề tài: Công nghệ xây dựng nhà ở cho đồng bào miền núi phía Bắc sử dụng vật liệu địa phương

Thứ sáu, 10/11/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mã số đề tài: RD - 22 Chủ nhiệm đề tài: TS. Cao Duy Tiến. Cơ quan chủ trì thực hiện: Viện KHCN Xây dựng. Địa chỉ tài liệu: KQNC.000839. Thư viện KHCN - Bộ Xây dựng.
Mục tiêu đề tài:
Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới đất nước ta đã đạt được những bước tiến bộ quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Cuộc sống của nhân dân ta đã giữ vững được ổn định, từng bước được cải thiện và nâng cao rõ rệt.
Đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc là thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Do sống trong điều kiện địa hình núi cao, đường sá xa xôi nên nhìn chung đến nay cuộc sống vẫn còn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chính sách nhằm chăm lo phát triển cuộc sống cho đồng bào các dân tộc miền núi một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực, một trong số đó là vấn đề nhà ở.
Hiện nay do sự phát triển của dân số, do điều kiện kinh tế còn eo hẹp, địa hình vùng cao đi lại chuyên chở vật liệu xây dựng còn khó khăn, nên đa số đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi đang cong phải sống trong những ngôi nhà chật hẹp, rẻ tiền, thiếu tiện nghi. Những ngôi nhà này chủ yếu do bà con tự làm bằng công nghệ đơn xơ và vật liệu tại chỗ.
Để cải thiện điều kiện về chỗ ở, Chính phủ đã chỉ thị các tỉnh miền núi thực hiện công tác quy hoạch các cụm dân cư, cấp kinh phí xây dựng trường học, công sở, trạm xá, cung cấp các vật liệu xây dựng cần thiết như tấm lợp, bể nước để hỗ trợ và giúp đỡ đồng bào dân tộc xây dựng nhà ở của mình.
Trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, các dân tộc ít người ở miền núi phía Bắc cũng có những nét đặc thù riêng. Từ những vật liệu địa phương thông dụng như gỗ, tranh tre, nứa lá, đất... các dân tộc ít người ở các tỉnh phía Bắc như dân tộc Tày, Nùng, Dao, HMông, Thái... đã xây dựng nhà theo kiểu riêng của mình. Những dân tộc sống ở vùng núi cao giá lạnh thường xây nhà nhỏ, thấp, kín, ít cửa, tường dày để chống rét. Những dân tộc sống ở vùng đồi núi thấp gần các con sông, suối thường xây dựng nhà to cao hơn... Việc xây dựng nhà ở của đồng bào cũng có một số khó khăn, hạn chế. Khoa khăn nhất là nhà ở dùng quá nhiều gỗ ngôi nhà sàn của dân tộc Thái dùng tới 20 - 25 m3 gỗ, trong lúc rừng cạn kiệt dần. Hạn chế lớn nhất là phương pháp xây dựng còn đơn xơ đã làm cho nhiều ngôi nhà kém bền vững.
Vì vậy, mục tiêu của đề tài là kế thừa phương pháp và tập quán xây dựng nhà truyền thống của đồng bào dân tộc, nghiên cứu, đề xuất giải pháp công nghệ xây dựng nhằm khai thác và sử dụng được nguồn vật liệu, nhân lực lao động của địa phương, đồng thời tạo ra những ngôi nhà bền vững, có chất lượng ở tốt hơn.

Nội dung đề tài:
Trong số nhiều vấn đề cần giải quyết, để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào áp dụng, đề tài chọn hai nội dung là: Công nghệ làm gạch và xây tường đất cho đồng bào dân tộc HMông thay cho phương pháp trình tường và công nghệ xây dựng nhà sàn cho đồng bào dân tộc Thái sử dụng vật liệu hiện đại, tiết kiệm gỗ nhằm góp phần giải quyết vấn đề thành lập các khu tái định cư tập trung, phục vụ cho dự án xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La. Địa bàn được chọn tập trung áp dụng thí điểm là tỉnh Lào Cai có số đông đồng bào HMông và tỉnh Lai Châu có số đông đồng bào Thái phải di dời định cư tới nơi ở mới.
Chương 1: Hiện trạng nhà ở của đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Chương 2: Nghiên cứu cải tiến công nghệ làm tường đất.
Chương 3: Nghiên cứu công nghệ xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc vùng núi phía Bắc tại các khu tái định cư theo hướng sử dụng vật liệu công nghiệp.
Chương 4: Ứng dụng kết quả của đề tài.
Chương 5: Kết luận chung và kiến nghị.
Phụ lục 1: Hồ sơ thiết kế thi công nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái tại khu tái định cư huyện Mường Lay tỉnh Lai Châu.
Phụ lục 2: Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và lắp dựng nhà sàn theo công nghệ lắp ghép.

Kết quả đề tài:
Đề tài đã nghiên cứu và đề xuất công nghệ xây dựng tường đất và đất xi măng để giải quyết vấn đề nhà ở cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là đồng bào HMông sống ở vùng núi cao. Công nghệ này phù hợp với truyền thống xây dựng của đồng bào dân tộc vùng núi và thích hợp trong điều kiện hiện nay tại vùng núi các tỉnh địa phương phía Bắc. Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, tường nhà xây dựng theo công nghệ cải tiến này có độ bền cao hơn, chịu nước tốt hơn, xây dựng nhanh và đơn giản, giảm được một số lượng gỗ đáng kể, giá thành tương tự như tường trình do sử dụng vật liệu và nhân công tại chỗ. Thiết bị sử dụng để sản xuất gạch đất và công nghệ xây dựng tường đất được ứng dụng để xây dựng nhà ở cho đồng bào tại bản Phú Cú, xã Simaci, huyện Simacai, tỉnh Lào Cai bước đầu đã được đồng bào dân tộc địa phương quan tâm và hưởng ứng.
Đề tài đã phối hợp cùng Sở Xây dựng tỉnh Lai Châu nghiên cứu công nghệ xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc Thái tại khu tái định cư huyện Mường Lay theo công nghệ thi công lắp ghép. Sản phẩm của đề tài là bộ hồ sơ thiết kế thi công cùng quy trình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và lắp dựng nhà sàn với bộ phận các kết cấu chịu lực có thể lắp ráp thành nhà ở với các kích thước khác nhau. Kết quả ứng dụng của đề tài là 3 nhà sàn mẫu của khu tái định cư huyện Mường Lay tỉnh Lai Châu được thi công theo công nghệ lắp ghép. Các công trình này được thực hiện trong thời gian ngắn, đạt chất lượng tốt với kinh phí thấp hơn so với phương pháp thi công tại chỗ.

Thư viện Bộ Xây dựng
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)