Tìm lời giải cho quy hoạch đô thị?

Thứ hai, 13/11/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cập nhật, Thứ bảy, 04/11/2006, 07:00 GMT+7 Dự báo đến năm 2020, tỷ lệ dân số đô thị ở Việt Nam lên tới 45% khoảng 40 triệu người của 103 triệu dân. Điều đó có nghĩa, trong 15 năm tới, dân số đô thị sẽ tăng thêm khoảng 20 triệu người - một con số cực lớn...

Việt Nam đang phải đứng trước một áp lực rất nặng nề về phát triển dân số nói chung và dân số đô thị nói riêng. Nhằm đưa ra phương hướng giải quyết những vấn đề về quy hoạch đô thị ở Việt Nam, ngày 21/10, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã phối hợp với Sở Xây dựng Hải Dương, tổ chức hội thảo khoa học Những vấn đề về nội dung và phương pháp quy hoạch đô thị. Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của các nhà chuyên môn.

NGND-GS-TSKH. Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Hiện nay, Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị do nhiều nguyên nhân khác nhau. Những bất cập trong đô thị và quy hoạch, những thiếu sót trong các dự báo phát triển, trong thiết kế các loại đồ án quy hoạch xây dựng là những vấn đề phải làm kỹ từ hôm nay.

Khách nước ngoài khi đến Việt Nam, họ đều rất ngạc nhiên về thành tựu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, họ lại rất khó hiểu về sự phát triển đô thị ở nước ta. Họ cho rằng: Bí hiểm và khó hiểu, không chắc chắn và hay thay đổi, đầy mâu thuẫn, vừa ngẫu hứng, vừa hình thức, vừa trật tự vừa vô kỷ luật…. Đó là một số từ họ thường dùng để khắc hoạ bối cảnh phát triển đô thị Việt Nam hiện nay. Tôi cho rằng, đây là những nhận xét rất khách quan và chuẩn xác. Nó đòi hỏi giới quy hoạch phải nghiêm túc suy nghĩ, có lời giải để trả lời đầy đủ những nguyên nhân và hậu quả của nó.

PGS-TS-KTS. Huỳnh Đăng Hy, Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Công tác quy hoạch xây dựng đô thị Việt Nam đã trải qua 50 năm. Ngay từ những năm đầu, chúng ta đã áp dụng nội dung và phương pháp lập quy hoạch xây dựng đô thị của các nước phát triển. Nhưng trước thập niên 90 của thế kỷ XX, chúng ta chỉ có những chỉ dẫn tạm thời về quy trình thiết kế quy hoạch đô thị do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn ban hành.

Nội dung và phương pháp quy hoạch đô thị của chúng ta tuy ngày càng cải tiến, đổi mới, nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Luật Xây dựng và Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng chỉ đề cập 2 loại quy hoạch: Quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch xây dựng đô thị nông thôn, do ngành xây dựng giúp Chính phủ quản lý, chỉ đạo. Còn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, chỉ đạo. Chưa coi quy hoạch ngành cũng là một loại quy hoạch xây dựng.

Trong khi đó, nội dung các quy hoạch đều có liên quan mật thiết với nhau. Có những ngành là động lực phát triển của ngành kia, động lực phát triển của vùng lãnh thổ hay của từng đô thị. Nhưng thực tế hiện nay, cách tổ chức triển khai lập quy hoạch rời rạc, tự phát theo từng ngành, từng vùng lãnh thổ, không khớp nối được với nhau thành một thể thống nhất. Chính vì thế, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa bền vững. Có quy hoạch ngành còn chồng chéo lẫn nhau, gây tốn kém kinh phí, lập quy hoạch mà không có tác dụng trong quản lý thực tiễn , ví như quy hoạch sử dụng đất đai của ngành tài nguyên và môi trường. Ngành này đã quy hoạch sử dụng đất đai quá sâu vào lãnh địa của các ngành khác quản lý: đất sản xuất nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, quy hoạch đất đai xây dựng đô thị và nông thôn của ngành xây dựng…

Đã đến lúc cần nghiên cứu tổ chức lại công tác quy hoạch phát triển, không để tình trạng lập quy hoạch rời rạc như hiện nay, gây lãng phí và không hiệu quả. Phải lồng ghép, hợp nhất các loại quy hoạch theo từng vùng lãnh thổ; vùng liên tỉnh, vùng tỉnh, từng đô thị và nông thôn. Trong đó, nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội phải xác định rõ nét động lực phát triển từng vùng. Thời hạn quy hoạch phải theo lộ trình phát triển: 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm… Tổ chức được giao nhiệm vụ chủ trì lập quy hoạch một vùng lãnh thổ nào đó phải mời được các tổ chức quy hoạch khác cộng tác nghiên cứu thành một thể thống nhất để lập quy hoạch hợp nhất, lồng ghép đa ngành phát triển.

Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới, nâng cao chất lượng thực sự cho đồ án quy hoạch chung phát triển đô thị. Việc lập các đồ án này hiện nay của Việt Nam là theo phương pháp thiết lập cấu trúc đô thị cho thời hạn tượng lai 20-25 năm, có phân chia từng giai đoạn thực hiện. Đây là phương pháp phổ biến trên thế giới từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo quy định lập quy hoạch số 322/BXD-ĐT của Bộ Xây dựng năm 1993, nội dung quy hoạch cấu trúc này đã bị đơn giản hoá, đặt trọng tâm vào thể hiện quy hoạch sử dụng đất đai, rất coi nhẹ việc thể hiện ý tưởng tổ chức không gian kiến trúc – quy hoạch - tạo bản sắc của đô thị. Luật Xây dựng, Nghị định 08 đã đề ra các quy định nhằm khắc phục tình trạng trên, nhưng việc thể hiện ý tưởng vẫn chưa đúng mức, chưa rõ ràng.

TS. Trần Hồng Quang, Phó trưởng Ban Quy hoạch vùng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Theo tôi, trong quan hệ giữa quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội và quy hoạch chung xây dựng đô thị, hiện đang tồn tại một số vấn đề sau:

Luật Xây dựng đã quy định là quy hoạch xây dựng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, về mặt quy trình, cần tiến hành lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trước và quy hoạch xây dựng chung sau. Tuy nhiên, hiện nay, một số đô thị loại II, loại III đã tiến hành lập quy hoạch chung xây dựng trước do nhu cầu bức thiết của địa phương. Do vậy, khi tiến hành lập quy hoạch chung xây dựng, nhiều khi phải làm cả công việc dự báo phát triển kinh tế - xã hội.

Về thời gian lập quy hoạch, hiện cũng chưa có sự thống nhất. Một số quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội có thời gian quy hoạch là 10-15 năm trong khi các quy hoạch xây dựng lại có thời gian dài hơn: 15 – 20 năm hoặc hơn nữa.

Chưa có sự thống nhất về đối tượng lập quy hoạch. Trong giai đoạn 1995-2000, cả nước được phân thành 8 vùng kinh tế - xã hội và tiến hành lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho 8 vùng này. Kể từ Đại hội Đảng lần thứ IX 2001, cả nước lại phân thành 6 vùng kinh tế - xã hội. Trong khi đó, định hướng quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới đô thị lại phân chia cả nước thành 10 vùng đô thị hoá và tiến hành lập quy hoạch xây dựng vùng cho các vùng này.

Việc thực hiện hai loại quy hoạch trên còn mang tính độc lập, thiếu sự phối hợp trong thực hiện nghiên cứu, triển khai và quản lý việc thực hiện quy hoạch. Phương pháp quy hoạch kinh tế- xã hội và quy hoạch chung chưa có sự thống nhất, chưa có sự kế thừa kết quả nghiên cứu. Và vì thế, nhiều khi, đầu ra của quy hoạch kinh tế- xã hội chưa đáp ứng yêu cầu đầu vào của quy hoạch xây dựng.

TS. Phạm Sỹ Liên, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển. Khi thị trường này phồn vinh, sẽ có nhiều dự án phát triển bất động sản được đầu tư và khi đó, quy hoạch đô thị được thực hiện sớm và đô thị càng phát triển. Vì thế, cách phối hợp tốt nhất quy hoạch đô thị với thị trường bất động sản là phát triển tổng hợp bất động sản, tức là xuất phát từ quy hoạch đô thị và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội mà lựa chọn khu vực đô thị đủ lớn để phát triển dự án đô thị tổng hợp, cân đối hài hoà các nhu cầu sử dụng đất tại thời điểm và địa điểm đó, rồi thực hiện dự án theo nguyên tắc 6 thống nhất: thống nhất quy hoạch chi tiết; thống nhất thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư; thống nhất thi công; thống nhất thiết kế đô thị; thống nhất hệ thống hạ tầng và cuối cùng là thống nhất quản lý. Nguyên tắc 6 thống nhất có ý nghĩa rất to lớn, từng được Trung Quốc xem là một đột phá trong phát triển đô thị. Nó cho phép huy động vốn phát triển từ đất đai, đô thị, xây dựng đồng bộ một khu vực đô thị hiện đại, có môi trường sống tốt, có động lực phát triển và cạnh tranh cao…/.

www.vov.org.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)