Cơ cấu khu nhà ở đô thị

Thứ hai, 28/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trước hết ta hãy thử xem lại các khu dân cư của Hà Nội ở nửa đầu thế kỷ XX được xây dựng theo quan điểm quy hoạch thực dân: Đầu thế ký XX, sau khi hoàn thành công cuộc bình định ở Việt Nam, người Pháp mong muốn chiếm cứ lâu dài và đặt Hà Nội thành đất thuộc địa. Họ ráo riết thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị với sự phân biệt rất rõ ràng: 1.Khu người Pháp và viên chức cao cấp tư sản người Việt. 2.Khu người bản xứ, các viên chức thường, thương nhân và các tầng lớp thị dân khác. 3.Khu thợ thuyền, dân nghèo thành thị, người lao động thường.
Bây giờ, những sự xây dựng mới đan xen vào các đường phố cũ, nên khoảng cách phân biệt có phần giảm, tuy nhiên vẫn nhận thấy:
Khu người Pháp cũ hầu hết là biệt thự thành phố vườn. Nhà chỉ có 2, 3 tầng, nhưng đất rộng từ vài ba trăm đến hàng ngàn mét vuông. Đường rất rộng, cây xanh to và đẹp nhất là thời gian ấy dân cư thưa thớt, xe đạp ít, ô tô thì gần như không có.
Khu người bản xứ chủ yếu là nhà chia lô, nhà vườn nhỏ, đường phố nhỏ hơn.
Khu thợ thuyền thì chật chội, kiểu ổ chuột, nhiều nhà chỉ đáng gọi là túp lều.
Hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng chia làm 3 loại: Loại 1: đầy đủ, thừa tiêu chuẩn; Loại 2: thiếu thốn, cống rãnh nổi, xí thùng, nước máy công cộng; Loại 3: gần như không có gì.
Các nhà kiến trúc từng phê phán quan điểm quy hoạch xây dựng này và đề xuất giải pháp xây dựng khu dân cư theo kiểu Liên Xô, phát triển từ một ý tưởng của cuộc thi thiết kế ở Mỹ. Tiêu chí cao nhất là ý tưởng nhân văn, mọi người sống bình đẳng, điều hoà trong một không gian êm ả tiếc rằng chúng ta chỉ thực hiện được nửa vời nên bị biến dạng thành khu tập thể.
Bây giờ, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các giải pháp thiết kế, các ý tưởng sáng tạo không thể tách rời tư duy cơ bản, đó là nền tảng của xã hội.
Trên thị trường xây dựng nhà ở hiện nay rất phổ biến các khu nhà ở lớn, nhỏ, thường mang danh là các khu đô thị mới. Ở đây, riêng về nhà ở thường gồm đủ các loại: nhà kiểu căn hộ cao tầng, nhà có vườn, nhà liền kề nhà ống, biệt thự. Bố cục cũng rất khác nhau: cao tầng bám các đường chính, biệt thự vào giữa, nhà ống thành dãy bám mặt đường thứ yếu.
UBND thành phố có quy định tỷ lệ 6/4, nghĩa là 60% đất ở xây nhà cao tầng, 40% còn lại xây nhà ở thấp tầng.
Ta thử đặt vấn đề: xã hội đang phân hoá ngày càng mạnh: giàu và nghèo. Mặc dù ta xoá đói, giảm nghèo, kết quả thế giới đánh giá cao, nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn ngày càng lớn. Những khu đất ở đang mọc lên ồ ạt đến nỗi nhiều nhà vẫn nguyên đất nền, xây dở rồi quây lưới, nhiều căn hộ đã có chủ nhưng quanh năm vẫn cửa đóng then cài. Hiện tượng không cân đối đang hình thành: sức mua của đất nước nghèo vào loại hàng đầu thế giới, đâu có nhiều người đủ tiền mua nhà đến thế, mặc dù mua nhà vẫn là ước mơ cháy bỏng. Trong khi đó, nhà 5, 6 tầng tiện nghi vừa phải, giá thành thấp thì chỉ thấp thoáng. Nhiều dự án xây nhà cho người thu nhập thấp cũng cao cả chục tầng. Tất nhiên có thang máy, có siêu thị và cũng bán?! Người đã thu nhập thấp thì lấy đâu ra tiền mà mua?! Cuộc thi Bông mai vàng do Tạp chí Kiến trúc phối hợp với một Công ty tổ chức thi thiết kế nhà thu nhập thấp trao giải cho nhà cao tầng nghĩ cũng lạ!

Về nhà ở cho người thu nhập thấp:
- Nên chọn những khu đất không lớn, có thể là ven đô, ven khu công nghiệp để xây nhà dành riêng cho người thu nhập thấp, gọi là khu nhà ở 5, 6 tầng, tất cả chỉ một loại nhà như trước đây đã làm. Mật độ xây dựng có thể tới 60% có đủ các hạ tầng kỹ thuật để không bị bùn lầy, nước đọng. Các nhà thiết kế văn hoá cho khu thương mại nên tuỳ điều kiện, nhưng chỉ ở mức rất thấp, cần có các chợ hơn là siêu thị.
- Nhà chỉ cho thuê hoặc chỉ bán cho người đã ở thuê nhiều năm. Nhiều nước công nghiệp phát triển, số người thuê nhà ở vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, chúng ta cũng cần xây dựng tập quán ở nhà thuê khi chưa có điều kiện mua nhà. Không nên nghĩ rằng cần tạo điều kiện để nâng cấp căn hộ. Cũng là nhà cho thuê nhưng có nhiều loại, tùy khả năng người ở chọn thuê nhà. Khi họ đã phát tài, có tích luỹ được vốn liếng, họ sẽ làm chủ căn nhà đó, hoặc di chuyển đến các khu ở có tiện nghi cao hơn. Trong tương lai xa khi giàu sang hơn, những nhà này sẽ được tháo dỡ và thay vào đó là những nhà cao tầng. Và nên coi đây cũng là một cách trữ đất.
Cách làm này không sợ mang màu sắc quy hoạch thực dân vì cơ sở hạ tầng đầy đủ, lại có điều kiện để thực hiện các chính sách xã hội giúp người nghèo có chỗ ở tử tế và phù hợp với Luật Nhà ở.

KTS. Ngô Huy Giao
Nguồn tin: T/C Quy hoạch xây dựng, số 15/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)