Một số đánh giá và đề xuất hoàn thiện chính sách liên quan đến tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch tỉnh

Thứ tư, 30/11/2022 10:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Luật Quy hoạch 2017 đã hệ thống hóa lại toàn bộ hệ thống quy hoạch quốc gia, đồng thời tác động sâu sắc đến hệ thống văn bản pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị. Ở cấp độ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quy hoạch tỉnh là bản quy hoạch tổng thể, tích hợp đa ngành, kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch nông thôn - đô thị.

Ở một khía cạnh khác, quy hoạch xây dựng đô thị nông thôn là quy hoạch ngành đặc thù trong hệ thống quy hoạch quốc gia, được điều chỉnh bởi các Luật chuyên ngành có liên quan. Do đó, yêu cầu về kết nối giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị - nông thôn là cấp thiết để đảm bảo tính liên tục và thống nhất giữa quy hoạch khác nhau và dữ liệu là yêu cầu đầu vào tiên quyết để đảm bảo sự tích hợp, tính kết nối và sự liên tục, thống nhất giữa các quy hoạch khác nhau này.

Trên cơ sở đó, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam” (dự án ISCB) do Tổng Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ - SECO tài trợ, ngày 23/6/2022, UN-Habitat phối hợp với Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tổ chức Đối thoại chính sách với chủ đề “Dữ liệu quy hoạch: giải pháp kết nối giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn”. Đối thoại diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp, gồm ba phiên thảo luận: Phiên 1 tập trung vào quan điểm và góc nhìn chính sách từ góc độ cơ quan trung ương cùng chia sẻ của các chuyên gia về việc tích hợp dữ liệu quy hoạch tỉnh và quy hoạch nông thôn; Phiên 2 trình bày góc nhìn liên quan tới thực trạng và đề xuất chính sách về dữ liệu quy hoạch từ phía địa phương; Phiên 3 tập trung thảo luận bàn tròn để lắng nghe các đề xuất trọng tâm liên quan tới các chính sách về dữ liệu quy hoạch (quy định điều chỉnh, quy chuẩn, quy trình, chuẩn bị năng lực kỹ thuật và hạ tầng, phương thức liên thông…)

I. Các căn cứ pháp lý về cơ sở dữ liệu quy hoạch

1. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch

a. Khái niệm về cơ sở dữ liệu quy hoạch (CSDLQH) theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14

- Theo quy định tại Khoản 13, Điều 3, Luật Quy hoạch thì “Cơ sở dữ liệu về quy hoạch là tập hợp thông tin thể hiện nội dung cơ bản về quy hoạch được xây dựng, cập nhật, duy trì để quản lý, khai thác và sử dụng thông qua các phương tiện điện tử”.

- Khoản 14, Điều 3, Luật Quy hoạch quy định “Sơ đồ, bản đồ quy hoạch là bản vẽ thể hiện nội dung quy hoạch”.

b. Tổ chức thực hiện

- Đối tượng và phạm vi hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch (TT&CSDLQG) được quy định tại Khoản 1, Điều 41, Luật Quy hoạch như sau:

- Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch được xây dựng, vận hành thống nhất trên phạm vi cả nước phục vụ cho hoạt động quy hoạch.

- Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch bao gồm hồ sơ quy hoạch, các dữ liệu về tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa và cập nhật thường xuyên.

- Trách nhiệm xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch được quy định tại Khoản 2, Điều 41, Luật Quy hoạch như sau:

+ Về tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

+ Cung cấp cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa và được cập nhật thường xuyên để tạo dữ liệu khung cho hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch thuộc trách nhiệm Bộ Tài nguyên & Môi trường.

+ Cung cấp dữ liệu có liên quan thuộc phạm vi quản lý ngành để cập nhật vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch thuộc trách nhiệm Bộ, cơ quan ngang Bộ.

+ Cung cấp dữ liệu có liên quan thuộc phạm vi quản lý của địa phương để cập nhật vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch thuộc trách nhiệm UBND cấp tỉnh.

c. Yêu cầu đối với hệ thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch

Thực hiện theo Điều 31, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch như sau:

- Hệ thống TT&CSDLQG về quy hoạch được xây dựng tập trung, thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

- Yêu cầu về thu thập, cập nhật, lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu trong hệ thống TT&CSDLQG:

+ Tính chính xác, đầy đủ, khoa học, khách quan và kế thừa;

+ Tính đồng bộ, có khả năng kết nối, trao đổi dữ liệu;

+ Cập nhật thường xuyên; lưu trữ, bảo quản, đáp ứng yêu cầu sử dụng lâu dài;

+ Tổ chức quản lý có hệ thống, thuận tiện trong khai thác sử dụng, phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu quy hoạch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân;

+ Công bố công khai và đảm bảo quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp cận và sử dụng thông tin đúng mục đích theo quy định pháp luật;

+ Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước sở hữu trí tuệ.

2. Một số yêu cầu đối với xây dựng hệ thống TT&CSDLQG đối với quy hoạch tỉnh

- Hệ thống TT&CSDLQG về quy hoạch được xây dựng theo kiến trúc một cổng thông tin điện tử kết nối giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh trên môi trường mạng, phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; phục vụ công tác lập quy hoạch, lấy ý kiến về quy hoạch, công bố, cung cấp thông tin về quy hoạch; giám sát quá trình thực hiện quy hoạch.

- Các thông tin, cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch là thông tin, cơ sở dữ liệu được số hóa, liên kết, tích hợp với nhau, gắn với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và được thẩm định theo quy định của pháp luật.

- Quy mô tổ chức triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia được xác định theo đơn vị hành chính cấp huyện; sử dụng hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000 cho tất cả các loại thông tin, cơ sở dữ liệu bản đồ.

3. Thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu để xây dựng hệ thống TT&CSDLQG đối với quy hoạch tỉnh

- Cơ sở dữ liệu do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý, bao gồm: Cơ sở dữ liệu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước; cơ sở dữ liệu về địa chất và khoáng sản; cơ sở dữ liệu về môi trường; cơ sở dữ liệu về khí tượng, thủy văn; cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường biển và hải đảo; cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê về đất đai; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thông tin và cơ sở dữ liệu liên quan đến điều tra cơ bản về đất đai; cơ sở dữ liệu về hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật; cơ sở dữ liệu về hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội; cơ sở dữ liệu về xây dựng; cơ sở dữ liệu về hệ thống đô thị và điểm dân cư; cơ sở dữ liệu về quốc phòng, an ninh; cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ có liên quan;

+ Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia được chuẩn hóa và cập nhật thường xuyên (Điểm b, Khoản 4, Điều 40 Luật Đo đạc bản đồ quy định “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia và thực hiện nhiệm vụ sau đây: Tích hợp cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ chuyên ngành của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh”.

+ Khoản 8, Điều 27, Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13/03/2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ được ban hành quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức xây dựng: a) Dữ liệu bản đồ quy định tại các điểm a, b và điểm g, khoản 3, Điều 45 của Luật Đo đạc và bản đồ; b) Dữ liệu bản đồ về cứu hộ, cứu nạn thuộc phạm vi quản lý quy định tại điểm k, khoản 3, Điều 45 của Luật Đo đạc và bản đồ; c) Dữ liệu bản đồ quy hoạch tỉnh, dữ liệu bản đồ quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý quy định tại điểm m, Khoản 3, Điều 45 Luật Đo đạc và Bản đồ.

4. Trách nhiệm cập nhật, vận hành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch tỉnh

- UBND cấp tỉnh cập nhật TT&CSDL về hồ sơ quy hoạch tỉnh trong thời hạn 10 ngày kể từ khi quy hoạch được phê duyệt.

- UBND cấp tỉnh cập nhật TT&CSDL dữ liệu chuyên ngành vào hệ thống TT&CSDLQG về quy hoạch trên môi trường mạng theo các kỳ thống kê, kiểm kê, hoặc sau khi kết quả điều tra, khảo sát, đo đạc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công bố.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức vận hành, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; xây dựng quy trình nghiệp vụ, kiểm soát để vận hành, duy trì hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, thực hiện các cơ chế, giải pháp đồng bộ, sao lưu, dự phòng, phục hồi dữ liệu, đảm bảo tính nguyên vẹn, an toàn của hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

5. Chi phí xây dựng, vận hành hệ thống TT&CSDLQG đối với quy hoạch tỉnh

- Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin và phần mềm phục vụ quản lý, vận hành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công và các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Chi phí quản lý, vận hành , thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch trên môi trường mạng được sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Hàng năm, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan lập dự toán kinh phí thường xuyên cho các hoạt động quản lý, vận hành, thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu…này gửi cơ quan tài chính cung cấp để tổng hợp, bố trí dự toán theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước.

6. Trách nhiệm xây dựng hệ thống TT&CSDLQG về quy hoạch

- Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

(i) Ban hành quy định về nội dung, cấu trúc, yêu cầu kỹ thuật, giải pháp công nghệ, phương pháp vận hành đối với hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch phù hợp với quy định của pháp luật về Chính phủ điện tử.

(ii) Hướng dẫn chi tiết việc thu thập, xử lý, lưu trữ, khai thác, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch để xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

(iii) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; tổng thể tình hình xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(iv) Hướng dẫn, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh về công tác thu thập, quản lý, cung cấp, khai thác và sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

(v) Xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp trong việc thu thập, quản lý, kết nối, chia sẻ và sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch trên môi trường mạng.

(vi) Xây dựng môi trường kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, cơ sở dữ liệu trong hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch trên phạm vi toàn quốc, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, vận hành khai thác; các chuẩn thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung trên cơ sở kết nối liên thông với hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; chính sách an toàn, bảo mật và chính sách bảo vệ bản quyền thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

(vii) Xây dựng kế hoạch và quản lý sử dụng nguồn vốn được bố trí để điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu; xây dựng, duy trì, nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, các phần mềm phục vụ quản lý, vận hành khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo các quy định hiện hành.

(viii) Hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ biên tập, cập nhật, phê duyệt kiểm tra thông tin, cơ sở dữ liệu.

- Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh Chỉ đạo cơ quan quản lý quy hoạch của địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

(i) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức thực hiện thu thập, cập nhật, đánh giá, quản lý, lưu trữ, công bố, khai thác và sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch theo đúng quy định.

(ii) Tổ chức quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông qua hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch trên môi trường mạng.

(iii) Ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức tích hợp thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng nhằm phục vụ các cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác hiệu quả, gia tăng giá trị của thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch.

(iv) Lưu trữ, bảo quản, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch.

II. Hiện trạng tổ chức thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu tỉnh

1. Hiện trạng công tác xây dựng CSDLQG quy hoạch tỉnh

Đến nay, đã có 26 quy hoạch tỉnh được lập xong, bao gồm 01 quy hoạch đã được phê duyệt (Bắc Giang); 05 quy hoạch đã được thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tuyên Quang, Lào Cai và Thanh Hóa) và 18 quy hoạch đã gửi xin ý kiến và chuẩn bị thẩm định.

2. Hiện trạng xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin và phần mềm phục vụ quản lý, vận hành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia

- Về phía UBND cấp tỉnh: 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan lập quy hoạch) bảo đảm về cơ sở hạ tầng phục vụ lấy ý kiến và công bố quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

- Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đã có xây dựng cổng thông tin chính thức để truy cập Hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch tại địa chỉ https://quyhoachquocgia.mpi.gov.vn; Hệ thống báo cáo điện tử về quy hoạch (https://baocaodientu.mpi.gov.vn). Đã giao quyền truy cập để các tỉnh chủ động cập nhật các nội dung có liên quan đến lập, thẩm định, lấy ý kiến đối với quy hoạch tỉnh.

- Việc phối hợp tổ chức xây dựng, vận hành hệ thống thông tin CSDLQG giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư cơ bản tuân thủ đúng quy định pháp luật.

- Tồn tại hạn chế:

(i) Chưa hoàn thiện được Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch được xây dựng theo kiến trúc một cổng thông tin điện tử kết nối giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh trên môi trường mạng.

(ii) Chưa hoàn thiện nội dung số hóa, liên kết, tích hợp cơ sở dữ liệu với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và được thẩm định theo quy định của pháp luật.

(iii) Chưa xây dựng được kế hoạch tài chính cho công tác cập nhật cơ sở dữ liệu.

(iv) Chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm xây dựng hệ thống thông tin và CSDLQG về quy hoạch trong quá trình tổ chức thực hiện.

III. Yêu cầu về kết nối quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn

1. Quy định của Luật Quy hoạch

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 5 Luật Quy hoạch “Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn”; Điều 28 Luật này quy định “Nội dung quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng”, như vậy, những nội dung liên quan đến xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn phải đảm bảo tuân thủ pháp luật về quy hoạch.

2. Quy định của pháp luật xây dựng

- Điều 9 Luật Quy hoạch đô thị quy định;

- Nội dung lưu trữ theo quy định tại Điều 20, Thông tư 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016;

- Nội dung lưu trữ theo quy định từ Điều 6 đến Điều 15, Thông tư 02/2017/TT-BXD.

3. Tổ chức thực hiện

- Bộ Xây dựng có trách nhiệm cung cấp dữ liệu có liên quan thuộc phạm vi quản lý về đô thị, nông thôn để cập nhật vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 41 Luật Quy hoạch.

- UBND cấp tỉnh cung cấp dữ liệu có liên quan thuộc phạm vi quản lý về đô thị, nông thôn của địa phương để cập nhật vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

4. Đánh giá tổ chức thực hiện

- Chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành thống nhất phục vụ cho công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và quản lý phát triển đô thị mà phân tán trong hệ thống dữ liệu của các bộ, ngành, cơ quan địa phương.

- Công văn số 1247/BXD-PTĐT ngày 14/4/2022 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh.

IV. Đề xuất một số nội dung hoàn thiện chính sách

1. Xây dựng, ban hành quy định pháp luật về cơ sở dữ liệu đối với quy hoạch tỉnh. Có chuẩn hóa để đảm bảo tính khớp nối, thống nhất giữa các tỉnh trên phạm vi cả nước.

2. Cổng thông tin điện tử về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về quy hoạch đang xây dựng và có sự kết nối với các tỉnh, thành phố (truy xuất thông tin/cập nhật tình hình thực hiện quy hoạch đô thị - nông thôn và các quy hoạch, dự án ngành khác để đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phù hợp với quy hoạch tỉnh.

3. Một số nội dung thông tin về quy hoạch đô thị - nông thôn (và cả chuyên ngành khác) phải được địa phương, Bộ, ngành liên quan cập nhật và công bố theo định kỳ, đảm bảo tính cập nhật, đánh giá tốt tình hình thực hiện quy hoạch tỉnh.

4. Việc hoàn thiện Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về quy hoạch đang xây dựng, vận hành cập nhật tốt tình hình thực hiện quy hoạch; Đây sẽ là công cụ quản lý thực hiện quy hoạch tốt.

5. Việc hiện nay một số nơi đang thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ GIS trong việc quản lý đô thị. Điều này khuyến khích. Các hệ thống xây dựng cần phù hợp với kiến trúc và kết nối với Cổng thông tin điện tử về quy hoạch quốc gia đang xây dựng. 

ThS.KTS.Vũ Thụy Anh (Vụ Quản lý Quy hoạch - Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 118+119/2022

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)