Một đô thị phát triển theo chiều sâu, chú trọng những lợi thế tự nhiên hiếm có
Thay vì chỉ phát triển theo chiều rộng, dàn trải và lãng phí với xu hướng phát triển tuyến tính dọc theo các trục giao thông chính, đô thị Đà Nẵng trong giai đoạn mới sẽ tập trung phát triển theo chiều sâu, tạo lập các không gian kiến trúc phong phú, đa dạng, tận dụng và phát huy tối đa địa hình tự nhiên, đặt vấn đề cảnh quan, sinh thái, môi trường ở vị trí trọng tâm trong việc tính toán quy hoạch cho đô thị Đà Nẵng trong tương lai.
Việc phát triển theo chiều sâu được thể hiện ở các nội dung như, mật độ cao và đa dạng công năng tạo nên đô thị sầm uất, sống động, nhiều lựa chọn dịch vụ; giải phóng các khu dân cư thấp tầng, kiệt hẻm thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu, không đảm bảo an toàn; thay thế bằng các cụm chung cư cao tầng cùng với việc bổ sung tiện ích đô thị như khuôn viên cây xanh, bãi đỗ xe... Tập trung tái thiết đô thị, tái cấu trúc khu vực đô thị trung tâm lâu đời (bao gồm quận Hải Châu, Thanh Khê) theo hướng đô thị nén để tối đa hiệu quả sử dụng đất đai, hạ tầng, xen kẽ với các khoảng không gian công cộng đặc sắc trong đô thị. Đây đồng thời cũng là giải pháp cho mô hình đô thị phát thải thấp, bền vững.
Nếu như trước đây Đà Nẵng phát triển đô thị đơn cực - một trung tâm, thì hiện nay Đà Nẵng đang định hướng xây dựng một đô thị đa cực, đa trung tâm với các đô thị vệ tinh được kết nối bằng giao thông công cộng để tạo động lực phát triển cho các khu vực khác nhau trong đô thị, và phát triển tối đa các nét đặc sắc riêng của các đô thị sườn đồi, đô thị ven sông, ven biển.
Định hướng thiết kế cho đô thị ven biển
TP Đà Nẵng xác định duy trì những không gian, tầm nhìn đến những khu vực cảnh quan tự nhiên tại Đà Nẵng, bao gồm biển, núi, sông, hồ và cây xanh. Theo đó, bảo vệ giá trị lợi thế của điều kiện địa hình tự nhiên độc đáo, bờ biển dài và mạng lưới sông hồ đa dạng bản sắc nhằm đảm bảo rằng Đà Nẵng phát triển bền vững.
Khuyến khích phát triển cao tầng tại các khu vực giao cắt các trục đường chính đô thị, hướng biển theo các điểm, cụm, tuyến để tạo nhịp điệu và tạo hình ảnh chung cho từng khu vực đô thị, bảo đảm hành lang tầm nhìn các khu vực hướng sông và mặt biển được thông thoáng… Điều này nhằm tạo ra sự tương phản, hình thành đường chân trời sắc nét, và tạo ra một hành lang tầm nhìn đến mặt biển thoáng và không bị cản trở.
Xây dựng các chỉ tiêu để kiểm soát sự phát triển đô thị trong tương lai, phù hợp với từng phân khu và tầm nhìn của thành phố, nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo các điểm nhấn kiến trúc. Chính quyền Đà Nẵng khuyến khích các loại hình kiến trúc, mật độ xây dựng và hình thái phù hợp nhằm phản ánh bản sắc và đặc trưng của mỗi phân khu trong thành phố. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xem trọng việc giữ gìn và tôn vinh các giá trị văn hóa, di sản truyền thống của thành phố nhằm củng cố hình ảnh và bản sắc của Đà Nẵng.
Đô thị đáng sống - người dân chính là trái tim của sự phát triển
Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất mà Đà Nẵng muốn hướng tới khi xây dựng một thành phố đáng sống chính là một thành phố, một đô thị nơi mà tất cả người dân, bao gồm cả những du khách, cảm thấy thoải mái, dễ chịu, hạnh phúc và được truyền cảm hứng mỗi ngày để sống, làm việc, vui chơi. Hay nói một cách khác, hình mẫu tốt nhất của đô thị Đà Nẵng chính là đô thị phục vụ tốt nhất cho người dân, lấy con người làm trung tâm trong mọi định hướng, mọi quyết sách.
Một số định hướng chính mà đô thị Đà Nẵng hướng đến trong tương lai để phục vụ tốt nhất cho người dân:
Thứ nhất, trở thành một đô thị thông minh hơn. Thành phố thông minh là công cụ để giúp giải quyết một số thách thức trong quá trình phát triển đô thị. Thách thức mỗi nơi mỗi khác. Khái niệm đô thị thông minh rất rộng, mỗi thành phố có những mục tiêu, cách tiếp cận và cách làm khác nhau. Ví dụ như TP Rio de Janeiro ở Brazil chỉ tập trung vào theo dõi các hoạt động trong thành phố thông qua 900 camera và thông tin thời tiết để phản ứng kịp thời trước các rủi ro về giao thông, môi trường, ngập lụt. Tại Singapore là ô nhiễm không khí và sự già đi của dân số khiến cho hệ thống y tế phải chuyển đổi để phù hợp. Còn tại TP Đà Nẵng, có thể nói vấn đề then chốt được xác định là để “cải thiện chất lượng các dịch vụ phục vụ người dân và cải thiện môi trường”.
Để giải quyết vấn đề then chốt này, thời gian qua, TP Đà Nẵng đã tập trung phát triển đô thị thông minh gắn với chính quyền điện tử để tăng hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp; ứng dụng cung cấp các thông tin ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân như giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường; và cuối cùng là xây dựng các hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung để cho phép các doanh nghiệp công nghệ tham gia cùng thành phố trong việc phục vụ người dân và khuyến khích phong trào khởi nghiệp.
Những việc làm nêu trên không nằm ngoài mục tiêu chính quyền trong sạch và hiệu quả hơn, cuộc sống của người dân an toàn và thuận lợi hơn, các doanh nghiệp có sức sáng tạo tốt hơn và dễ dàng tiếp cận thị trường hơn.
Thứ hai, tạo nên một thành phố độc đáo, sống động và đóng góp vào sinh hoạt cộng đồng với một hệ thống các không gian công cộng - nơi mỗi người dân đều cảm thấy tự hào và gắn kết với cộng đồng địa phương. Thành phố đang nỗ lực tạo nên một hệ thống các không gian mở, bằng việc nâng cấp, cải tạo các quảng trường hiện có; phát triển các quảng trường mới gắn với các công viên, hồ nước, trung tâm hành chính, trung tâm thương mại. Đặc biệt, quảng trường trung tâm được đề xuất mở rộng thành một khu vực có diện tích 9 ha nằm giữa sông Hàn, liên kết với bảo tàng, trung tâm hành chính, di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải...
Đà Nẵng cũng khuyến khích khả năng sáng tạo kiến trúc với các công trình theo phong cách kiến trúc xanh, bền vững để tạo không gian đa dạng, hấp dẫn và phù hợp với các loại hình sử dụng; tạo nên không gian có mật độ tập trung cao độ các loại hình dịch vụ, tạo điều kiện thu hút các thương hiệu tầm cỡ quốc tế với các khu trung tâm thương mại quy mô lớn.
Đô thị bền vững - đô thị có bản sắc riêng
Đà Nẵng có tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú cần được tối ưu hóa để tạo ra một bản sắc riêng cho thành phố với cảnh quan sông - biển - núi - rừng. Đà Nẵng đang chú trọng vào việc quy hoạch phát triển đô thị tạo ra được sự liên kết thành công, hài hòa và tôn vinh đầy đủ các yếu tố trên để giúp xây dựng thương hiệu thành phố và định vị bản sắc Đà Nẵng. Ví dụ, song song với phát triển một đô thị ven biển đa dạng, đầy sôi động, các khu vực ven sườn đồi, núi có tầm nhìn hướng về thành phố sẽ được tập trung phát triển với các chỉ tiêu quy hoạch theo nguyên tắc hài hòa với môi trường sinh thái, hạn chế tác động đến cảnh quan và địa hình. Thành phố cũng đã và đang triển khai một chiến lược rõ ràng cho không gian cây xanh và mặt nước với một mạng lưới được quy hoạch cụ thể, tích hợp với quy hoạch phát triển đô thị (hồ điều hòa gắn với công viên cây xanh; đô thị ven sông với các vùng đệm sinh thái, thoát lũ...; không gian mở ven sông...) nhằm củng cố bản sắc đô thị riêng của thành phố, tạo ra một môi trường xanh, đáng sống; phát triển hệ thống giao thông tích hợp với mạng lưới giao thông công cộng toàn diện kết nối toàn bộ khu vực, và thiết kế đô thị gắn với tạo ra các không gian khuyến khích người đi bộ và người đi xe đạp.
Và quan trọng nhất, chính quyền luôn đặt trọng tâm vào việc “đảm bảo khả năng phục hồi trong tương lai”, hay nói cách khác cần phải đảm bảo rằng sự phát triển trong hiện tại được tính toán cẩn trọng để giải quyết các vấn đề trong tương lai về lũ lụt, cấp nước, cấp điện, xử lý chất thải và biến đổi khí hậu.
Thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á
Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Xây dựng Đà Nẵng đang triển khai điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021 - 2030, trên cơ sở bám sát Quy hoạch chung thành phố và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia được duyệt, với một số định hướng chủ yếu như sau:
- Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khó khăn về nhà ở; ưu tiên phát triển nhà ở xã hội tại khu vực tập trung nhiều đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội như các khu công nghiệp, các trường đại học…
- Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư gắn với cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị. Ưu tiên cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư thuộc diện phải phá dỡ theo quy định, hướng tới phát triển đô thị văn minh, hiện đại, bền vững.
- Đồng thời, nhằm tạo ra những không gian sống có chất lượng cao cho đội ngũ các chuyên gia, tri thức có kỹ năng và tiềm lực tài chính đến sống và làm việc tại thành phố. Chương trình phát triển nhà ở của Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030 còn tập trung định hướng việc phát triển nhà ở thương mại gắn với khuyến khích phát triển các khu đô thị xanh, đô thị thông minh và phát triển nhà ở chung cư cao tầng hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao chất lượng nhà ở, đảm bảo kết nối và đồng bộ hệ thống hạ tầng, cung cấp đầy đủ các tiện ích, các không gian sống, nghỉ ngơi với chất lượng cao.
Đà Nẵng có lợi thế là môi trường tự nhiên hấp dẫn với cảnh quan phong phú; Những nét văn hóa - ẩm thực độc đáo, đa dạng của một khu vực trung tâm Duyên hải Nam Trung bộ; Vị trí địa lý kết nối thuận lợi với các trung tâm hai đầu đất nước và khu vực Đông Nam Á với hệ thống hạ tầng giao thông tốt; Chính quyền năng động với một quyết tâm cao trong việc xây dựng và định vị thương hiệu thành phố đáng sống...
Tuy nhiên, để trở thành một thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á, vẫn cần nhiều nỗ lực để tạo nên các không gian sống tiêu chuẩn chất lượng quốc tế… Lãnh đạo TP Đà Nẵng luôn khẳng định và triển khai hàng loạt chính sách đồng bộ để hoàn thành mục tiêu tổng quát đến năm 2030, phát triển Đà Nẵng thành một thành phố đáng sống để thu hút những tầng lớp ưu tú có tri thức, kỹ năng và tiềm lực tài chính đến định cư, đầu tư kinh doanh tại TP Đà Nẵng.
Sở Xây dựng Đà Nẵng