Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện khu vực trung tâm, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái trong chùm đô thị Hà Nội

Thứ ba, 08/03/2022 16:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

1. Tổng quan về Quy hoạch chung Hà Nội 1259

Năm 2008, Hà Nội mở rộng có diện tích khoảng 3.344km2, dân số khoảng 6,5 triệu người, được coi là vùng đô thị lớn. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung Hà Nội dự báo dân số đến năm 2050 khoảng 10 triệu dân và Hà Nội khẳng định vị thế của thành phố Thủ đô, là “trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế - văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học công  nghệ quan trọng của cả nước; một trong những trung tâm kinh tế - giáo dục – du lịch và thương mại của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”, có tầm nhìn là thủ đô “Xanh, Văn minh, Văn hiến, Hiện đại”.

Đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh (ĐTVT) và thị trấn là thành phần quan trọng trong cấu trúc không gian thủ đô Hà Nội. Cấu trúc mô hình chùm đô thị được học từ kinh nghiệm quốc tế. Mô hình chùm đô thị Hà Nội nhằm cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; giải quyết bất bình đẳng giữa đô thị với nông thôn, giữa trung tâm với ngoại ô; cân bằng giữa đất xanh và đất xám, đảm bảo cho cư dân đô thị được tiếp cận với thiên nhiên nhiều hơn…

Đến nay sau 10 năm thực hiện quy hoạch thủ đô Hà Nội (QHC 1259), vẫn còn nhiều mục tiêu và định hướng lớn mà Hà Nội chưa thực hiện được. Theo Luật Quy hoạch đô thị, Hà Nội đã đến thời kỳ điều chỉnh QHC 1259. Nhằm góp phần chuẩn bị công tác Điều chỉnh quy hoạch, bài viết bàn về nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện khu vực trung tâm, ĐTVT, thị trấn trong chùm đô thị Hà Nội (hay vùng đô thị Hà Nội).

2. Cơ sở lý luận

2.1. Vùng đô thị lớn

- Hình thành vùng đô thị lớn

Ngày nay, xu hướng hình thành vùng đô thị lớn mang tính toàn cầu. Theo dự báo đô thị hóa của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050 có 75% tổng dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố và có khoảng 40 vùng đô thị lớn nhất chứa đựng 18% tổng dân số thế giới, 66% hoạt động kinh tế toàn cầu và khoảng 85% hoạt động đổi mới công nghệ nhưng chiếm diện tích đất rất nhỏ.

Châu Âu và Bắc Mỹ là vùng có tỷ lệ đô thị hóa cao và ổn định. Năm 1950 New York đã vượt ngưỡng trên 10 triệu người, từ đó đến nay nhiều thành phố trên thế giới đạt ngưỡng dân số đó. Châu Á đang có tốc độ tăng trưởng đô thị nhanh nhất thế giới. Số lượng các đô thị có quy mô dân số > 10 triệu người hay 5-10 triệu gia tăng trong khoảng 30 năm qua và tiếp xúc gia tăng trong 30 năm qua và tiếp tục gia tăng trong 30 năm tiếp theo, tạo làn sóng dịch cư từ nông thôn ra đô thị lớn. Đô thị có dân số trên 20 vạn người bắt đầu gặp nhiều khó khăn trong quản trị không gian lãnh thổ và lúng túng trước các áp lực mở rộng đô thị. Các quốc gia Châu Âu có không gian đô thị tương đối ổn định, nên cách thức quản lý có hai xu hướng chính là: chuyển sang mô hình xã hội tri thức cao và châu Âu hợp nhất thể. Còn các quốc gia châu Á, đang bước sang thời kỳ tăng trưởng nên vẫn phải đi tìm con đường đô thị hóa của mình, Việt Nam không nằm trong ngoại lệ đó. Quản trị vùng đô thị lớn thông qua chính sách phát triển không gian, phân bố cân bằng lực lượng sản xuất và tăng cường mối quan hệ cộng sinh trong vùng đô thị.

Quá trình mở rộng và hình thành vùng đô thị lớn không diễn ra đồng đều trên toàn cầu. Theo UNHABITAT mỗi quốc gia có quan niệm khác nhau về phương pháp và tiêu chí xác định đô thị hay đô thị lớn (siêu đô thị). Các vùng đô thị có dân số từ 5 triệu người trở lên đòi hỏi các hình thức mới về quy hoạch và quản lý đô thị, bởi chúng ta đã trở thành “tập hợp khu vực đô thị”. Liên Hợp Quốc từ năm 2002 đã gọi các đô thị có ngưỡng từ 10 triệu dân là siêu đô thị. Như vậy, ở Việt Nam có Hà Nội và TP.HCM được xếp vào thứ hạng siêu đô thị về tiêu chí dân số. Vùng đô thị lớn được phân thành 3 khu vực chính (IMV) là: (1) đô thị lõi có mật độ cư trú cao; (2) vùng ven đô thị lõi có mật độ cư trú trung bình; (3) vành đai nông thôn có mật độ cư trú thấp.

- Tầm quan trọng và tính phức tạp của vùng đô thị lớn

Các vùng đô thị lớn trên thế giới ngày càng đóng vai trò quan trọng, phản ánh một thế giới đa cực và khẳng định vị thế kinh tế của quốc gia. Ngày càng có nhiều vùng đô thị lớn được hình thành thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa, được gọi là “thành phố toàn cầu”. Vùng đô thị lớn tập trung tối đa các chức năng điều hành cần thiết cho diện mạo mới của nền kinh tế thế giới. Có thể phân thành 3 nhóm: Nhóm hàng đầu, nhóm cạnh tranh và nhóm cấp khu vực, được đánh giá theo 4 nhóm tiêu chí: (1) dân số; (2) các nhân tố tạo sức hút (các hội nghị, sự kiện quốc tế quy mô lớn, di sản…); (3) các yếu tố hạ tầng (mạng lưới tàu điện ngầm, đầu mối vận tải hàng không); (4) kinh tế (vị thế trọng điểm về các phát minh công nghệ và thị trường chứng khoán).

Quản trị đô thị lớn luôn là vấn đề mang tính thời sự ở tất cả quốc gia bởi tính phức tạp của nó. Các quốc gia phát triển đã phải đối mặt với tình trạng mở rộng đô thị không có giới hạn, hậu quả của thời kỳ cách mạng công nghiệp vào đầu thế kỷ 20. Tính phức tạp của vùng đô thị lớn đó là sự gia tăng gấp bội lần khi dân số liên tục tăng trưởng, hoạt động kinh tế và chức năng mới liên tục xuất hiện, vượt quá giới hạn quản trị của chính quyền, tạo nên hàng loạt những thách thức, đòi hỏi các vùng đô thị lớn phải có những chiến lược thực hiện mang tính toàn cầu hóa, như: đi lại và kết nối giao thông, việc làm và kinh tế, tiếp cận đất đai và nhà ở, dịch vụ nhu cầu xã hội, yêu cầu về sự cân bằng môi trường, đối mặt với các rủi ro nguy cơ xuất hiện đột xuất trong vùng đô thị (dịch bệnh, thảm họa tự nhiên, khủng bố…). Vai trò quan trọng của người đứng đầu được ví như nhạc trưởng và công cụ quản lý được cho hữu hiệu nhất là chính sách quy hoạch không gian vùng đô thị lớn.

Chính sách quy hoạch không gian vùng đô thị lớn với mô hình chùm đô thị (đa trung tâm) dựa trên các yếu tố chi phối chính là kinh tế đô thị, giao thông, chức năng… mang tính phổ biến. Mô hình chùm đô thị rất đa dạng, như: mô hình tuyến/chuỗi, đô thị gắn với giao thông TOD, mô hình hỗn hợp (vùng đô thị hóa)…thực hiện ở mỗi quốc gia, mỗi vùng đô thị sự hình thành và phát triển của chúng rất khác nhau.

Quy hoạch không gian vùng đô thị lớn được tranh luận ở cấp độ quốc tế, đó là một hành trình  xuyên suốt mang tính lịch sử có nhiều nước tham gia như: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Brazil, Liên Xô cũ và nhiều quốc gia khác. Một xu hướng quy hoạch tiến bộ với lập luận chính là làm thế nào để vùng đô thị lớn không phải là mảng đặc vô tận, đưa thiên nhiên từ vành đai nông thôn đến tận lõi đô thị. Từ đó đưa ra quy hoạch vùng đô thị lớn có các khái niệm mới: như vành đai xanh, nêm xanh, đô thị trung tâm, ĐTVT và thị trấn. Thời kỳ tái thiết sau chiến tranh thế giới thứ 2 đã tạo cho các vùng đô thị lớn có cơ hội hoạch định một tương lai mới, thịnh vượng và lành mạnh hơn. Vành đai xanh, nêm xanh, đô thị trung tâm, ĐTVT, thị trấn ngoại ô đã trở thành chiến lược chính được sử dụng để thúc đẩy vùng đô thị lớn cạnh tranh trên thế giới.

Cấu trúc vùng đô thị lớn được kế thừa bởi quá trình lịch sử, trong đó đô thị trung tâm có lõi nội đô thường có nét đặc trưng khác biệt so với vùng ven đô. Còn vùng ven đô và vành đai nông thôn, mỗi quốc gia vận dụng mô hình vùng đô thị hóa một cách đa dạng. Nhìn chung, chính sách quy hoạch vùng đô thị lớn thay đổi theo thời gian. Cần phải nắm bắt được thách thức của mỗi khu vực để có những chiến lược phù hợp giải quyết nó. Sau đây là những ví dụ quốc tế giải quyết các thách thức đối với đô thị trung tâm, ĐTVT và thị trấn ngoại ô.

2.2. Chiến lược phát triển đô thị trung tâm

Khái niệm đô thị trung tâm (Central city): Đô thị trung tâm có vai trò chi phối sự phát triển của toàn bộ hệ thống đô thị của mỗi một thành phố hay một vùng đô thị, trong đó đô thị lõi trung tâm là nguồn gốc hình thành nên vùng đô thị lớn.

Đô thị trung tâm được phân làm 2 khu vực: khu nội đô lịch sử và khu vực ven đô, mỗi khu vực có thách thức khác nhau và cách giải quyết khác nhau.

- Khu nội đô lịch sử

Thách thức chính của khu nội đô lịch sử là làm thế nào để duy trì và phát huy giá trị cốt lõi văn hóa, lịch sử, các kí ức tinh thần của đô thị lõi thích nghi với yêu cầu mới. Chính quyền đô thị thường đặt mục tiêu ưu tiên nâng cao tính hấp dẫn khu nội đô lịch sử. Nhưng việc tái cấu trúc không gian đô thị, cải tạo chỉnh trang đô thị cũ, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã xuống cấp gặp phải nhiều bất cập trong thực tiễn. Tái phát triển khu vực nội đô lịch sử ở các nước phát triển và đang phát triển có sự khác biệt bởi bối cảnh tác động.

Nhóm nước phát triển, từ cuối thế kỉ 19 các thành phố châu Âu đã mất kiểm soát bởi sự mở rộng đô thị lan rộng. Công cụ quy hoạch và thiết kế đô thị tích hợp ra đời, lấy mỹ học đô thị làm trọng tâm đã giải quyết sự lộn xộn của đô thị hóa tự phát, nâng cao hình ảnh thành phố, cải thiện hệ thống giao thông, cung cấp không gian xanh, dịch vụ giải trí thúc đẩy thương mại nội đô phát triển. Nền kinh tế phục hồi sau chiến tranh thế giới thứ 2 đã tạo điều kiện cho các nước phát triển có cơ hội tái thiết nâng cao đồng bộ, cải tạo nâng cao hình ảnh trung tâm thành phố. Đến nay nhiều đô thị vẫn tiếp tục cải thiện khu nội đô lịch sử, tăng cường giao thông công cộng và các tiện ích đô thị thân thiện và hiện đại hơn. Đô thị lõi lịch sử ở nhiều thành phố châu Âu đã có một không gian hấp dẫn và là điểm đến thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Nhìn chung, khi bước sang thời kỳ hậu đô thị hóa, các yêu cầu hiện đại hóa và quy hoạch lại không gian nội đô lịch sử không còn là yêu cầu cấp thiết.

Nhóm nước đang phát triển, nhất là những quốc gia Đông Nam Á đang ở thời kỳ tiền đô thị hóa thì tái thiết khu nội đô gặp khó khăn hơn nhiều. Nguồn vốn đầu tư hạn hẹp buộc chính quyền chỉ ưu tiên kinh phí xây dựng hạ tầng cơ bản nhằm mở rộng vùng ven đô hấp dẫn các nguồn lực FDI. Khu nội đô có một số tuyến đường chính nhưng đã quá tải bởi xe cộ và tiếp tục chất tải thêm các tòa nhà cao tầng, trung tâm mua sắm. Lượng dân số nhập cư gia tăng lấp đầy dần các làng đô thị hóa, tạo thành các mảng nhà mật độ đặc khó triển khai chương trình nâng cấp đô thị, mở đường và phát triển giao thông công cộng. Cảnh quan vùng ven nội đô lịch sử thường là “các vành đai nghèo khó”. Nội đô lịch sử ở nhiều đô thị là các mảng ghép không gian không đồng nhất của khu phố cũ, khu phố thuộc địa, làng xóm đô thị hóa mật độ dày đặc. Hy hữu có một vài đô thị cải tạo thành công, nhưng lại vội vã phá bỏ các ô phố cũ mang nhiều dấu ấn lịch sử (ví dụ Hongkong, Singapore). Giải pháp quy hoạch phù hợp đối với đô thị lõi lịch sử đối với các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính là bù lại các chỉ tiêu thiếu hụt về giao thông, cây xanh, công trình phục vụ công cộng cơ bản theo một số nguyên tắc sau:

(i) Kiểm soát mật độ cư trú, giảm thiểu chất tải lên mạng lưới hạ tầng;

(ii) Tái thiết các khu đất đã hết niên hạn sử dụng (khu sản xuất), biến chúng trở thành điểm đến hấp dẫn mới cho khu phố lịch sử, ở đó kết nối giữa quá khứ và tương lai.

(iii) Cải thiện yếu tố môi trường, tăng cường trồng thêm cây xanh đường phố hoặc thêm cây xanh trong khuôn viên công trình, biến các con mương hở thành không gian văn hóa và xanh kết nối khu phố lịch sử với mạng lưới xanh thành phố lớn.

(iv) Phát triển GTCC và giao thông chậm bằng cách quy định hành chính hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và giao thông cơ giới, phát triển các tuyến phố thương mại truyền thống và đi bộ.

- Khu nội đô mở rộng và cụm đô thị mới (khu vực ven đô)

Khu nội đô mở rộng và cụm đô thị mới (hay gọi là khu vực ven đô) cũng là một thách thức đặt ra với quy hoạch vùng đô thị lớn. Đối với các nước phát triển và bước sang thời kỳ hậu đô thị hóa, khu vực ven đô đã phát triển mạnh vào thời kỳ tái thiết sau chiến tranh. Đến nay, chủ yếu chúng được bổ sung thêm các công trình dịch vụ và hạ tầng đô thị tại một số địa điểm theo dạng “hồi sinh đô thị” hoặc “tái thiết đô thị”. Đối với các nước đang phát triển đang có xu hướng mở rộng đô thị theo kiểu “vết dầu loang”, vấn đề chính là dự báo và kiểm soát được quá trình tăng trưởng đó.

Thách thức của khu vực ven đô đó là hiện tượng phát triển nóng ở vùng ven đô còn gọi là “đô thị vùng ven”. Tại đây có sự chiếm dụng đất nông nghiệp, suy thoái môi trường, xóa bỏ văn hóa bản địa, xáo trộn xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến các khu định cư hiện hữu. Đặc điểm nổi bật của vùng ven đô là sự luôn biến đổi và bị chi phối bởi toàn cầu hóa. Do tính hấp dẫn thu hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư về vốn, tri thức, thông tin và lao động dịch cư nên vùng ven đô có mối quan hệ phức tạp bởi nhiều chủ thể lợi ích. Đồng thời, sự tăng trưởng của vùng ven đô đã làm biến động mạnh mẽ về đất đai, nhân khẩu, cơ cấu kinh tế ngành, hạ tầng và cảnh quan. Chính quyền vùng đô thị lớn phải luôn đối mặt giải quyết các xung đột, như các ranh giới quản lý chồng lấn, kiện tụng đất đai.

Một số quốc gia coi khu vực ven đô là cơ hội để vùng đô thị lớn “bắt kịp” với nền kinh tế toàn cầu. Khu vực ven đô là giao diện kết nối vùng đô thị với quốc tế. Chẳng hạn như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia tận dụng lợi thế vùng ven đô với đất đai giá rẻ, nhân lực dồi dào đã ban hành chính sách thu hút đầu tư nước ngoài rất hiệu quả. Chiến lược phát triển vùng ven đô là động lực quan trọng thúc đẩy vùng đô thị lớn cạnh tranh và nâng hạng thứ bậc “thành phố toàn cầu” lan tỏa kinh tế vùng. Ví dụ trường hợp: Phố Đông vùng đô thị Thượng Hải, InChon vùng đô thị Seoul, Hà Nội có đô thị Nhật Tân, Nội Bài và TP.HCM có khu đô thị Thủ Thiêm và thành phố Thủ Đức vận dụng theo chiến lược này. Các giải pháp quy hoạch khu vực ven đô là:

(i) Ưu tiên hình thành mới các trung tâm kinh tế lớn có khả năng tăng trưởng GDP và tạo ảnh hưởng lan tỏa;

(ii) Tạo điều kiện phát triển các chức năng mới, đô thị mới có hạ tầng đồng bộ;

(iii) Chuẩn bị công cụ kiểm soát hiệu quả các khu vực có sự biến động về dân số, như tăng hoặc giảm dân số đột biến;

(iv) Cung cấp thị trường lao động phù hợp với nhiều thành phần: lao động tại chỗ chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, lao động nhập cư..;

(v) Chấp thuận sự dịch chuyển các KCN, trường đại học, cơ sở y tế, hành chính từ nội đô ra bên ngoài;

(vi) Hình thành các tuyến hạ tầng giao thông lớn tạo thành các hành lang đô thị quy mô lớn cấp quốc gia và quy mô nhỏ cấp địa phương;

(vii) Đề xuất các giải pháp kết nối mạng lưới đô thị - nông thôn hài hòa không bị chia cắt bởi các hành hàng có lưu lượng đi lại mật độ cao bằng xe ô tô cơ giới từ nội đô ra;

(viii) Cân bằng cấu trúc khung thiên nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, không để các yếu tố sinh thái và đa dạng sinh học bị biến dạng mạnh.

2.3. Chiến lược phát triển ĐTVT, thị trấn ngoại ô trong vành đai nông thôn

- Khái niệm

ĐTVT và thị trấn ngoại ô trong mô hình chùm đô thị đều là các đô thị phụ thuộc vào đô thị trung tâm và nằm trong vành đai nông thôn.

Một số khái niệm về ĐTVT trong mô hình chùm đô thị: ĐTVT là những đô thị có quy mô nhỏ hoặc vừa, có sự phụ thuộc về chức năng và được kết nối với một đô thị trung tâm thông qua hệ thống giao thông nhanh. ĐTVT có sự liên hệ mật thiết với đô thị trung tâm về kinh tế - xã hội; tuy nhiên ĐTVT được tổ chức quản lý một cách độc lập với đô thị trung tâm. Các thị trấn ngoại ô có quy mô nhỏ, phát triển các chức năng thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp hỗ trợ vùng nông thôn được tổ chức quản lý một cách độc lập với đô thị trung tâm. Một số thị trấn ngoại ô có sự liên hệ mật thiết với đô thị trung tâm về xã hội (đô thị ngủ).

Các nghiên cứu về mô hình lý thuyết quy hoạch ĐTVT đóng vai trò tiền đề cho sự ra đời của các ĐTVT đầu tiên tại London, sau đó lan rộng ra một số quốc gia ở Châu Âu, Á, Mỹ với nhiều biến thể, trong đó có mô hình “Thành phố mới” được quy hoạch xây dựng xung quanh thành phố Paris (Pháp), Thượng Hải, Bắc Kinh (Trung Quốc) và một số đô thị lớn khác.

- Kiểm soát vành đai nông thôn

Vành đai nông thôn là mối lo lắng đối với các nhà quản trị vùng đô thị lớn. Các nước phát triển đã chứng kiến tình cảnh mở rộng đô thị thiếu kiểm soát, ranh giới khu vực nội đô tiến dần và thôn tính vành đai nông thôn, làm phân hóa tổ chức không gian vùng đô thị. Thách thức chính là quản lý vùng rìa giáp ranh giữa đô thị trung tâm với vành đai nông thôn, kiểm soát tình trạng phát triển manh mún và các dự án nhảy cóc. Ở đó thường gia tăng nhanh dân số trẻ, tỷ lệ thất nghiệp cao trong môi trường sống thiếu thốn việc làm và cơ sở hạ tầng thấp kém hơn nhiều. Chính quyền phải trang trải những khoản chi phí khổng lồ để xây dựng và bảo dưỡng hệ thống hạ tầng hoặc các phát sinh giải quyết hậu quả tàn phá môi trường.

Chiến lược kiểm soát vành đai nông thôn tùy theo đặc điểm địa lý, kinh tế, chính trị của mỗi đô thị, có hai xu hướng tiêu biểu. Ở Mỹ, vành đai nông thôn không ngừng được thôn tính và trở thành các thành phố ngoại ô có diện tích lớn hơn nhiều lần so với khu vực nội đô. Ở Châu Âu đại diện là nước Anh, ranh giới đô thị trung tâm được xác định rõ ràng, vành đai nông thôn được kiểm soát trở thành các vành đai xanh và ĐTVT.

Các thành phố ngoại ô Mỹ chủ yếu dành để ở bởi sự chi phối của các tập đoàn bất động sản tư nhân. Vùng đại đô thị rộng lớn này có đặc trưng khác biệt, ở đó “ô tô” là biểu tượng văn hóa đô thị, tầng lớp trung lưu ở trong các dinh thự rộng lớn và tiện nghi. Đến nay, người Mỹ đang phải đối mặt với sự suy thoái về nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề môi trường, xã hội do việc phát triển tràn lan ra ngoại ô này.

- Phát triển ĐTVT London

Ở Anh, mô hình “thành phố vườn” ảnh hưởng lớn đến Quy hoạch năm 1944 với “Sơ đồ chiến lược phát triển London” của Abercrombie và Forshaw. Bởi các đô thị của Anh chịu hậu quả nặng nề của thời kỳ cách mạng công nghiệp, làm cho suy thoái môi trường nghiêm trọng, tác động đến sức khỏe người dân. Quy hoạch London năm 1944 đã hình thành ranh giới vành đai nông thôn. Ở đó tổ chức vành đai xanh phân tách đô thị trung tâm với các thị trấn, ĐTVT có quy mô nhỏ gọn.

Chính sách phát triển vành đai xanh và các ĐTVT đã giảm áp lực đến khu vực nội đô và được tôn trọng trong các lần điều chỉnh quy hoạch sau này. Đó cũng là những giải pháp quy hoạch mang tính quốc tế được nhiều quốc gia vận dụng như Paris, Seoul, Bắc Kinh, Hà Nội… Đến nay, chúng vẫn còn giá trị, nhưng đã mở rộng về khái niệm và các giải pháp quy hoạch, phù hợp đặc thù riêng của mỗi vùng đô thị. Tuy nhiên tính khả thi của ĐTVT và thị trấn ngoại ô đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Nhà nước trong mỗi giai đoạn tăng trưởng và mở rộng đô thị.

Vành đai xanh: các nước Châu Âu đều có giải pháp hạn chế mở rộng đô thị và bảo vệ đất nông nghiệp. Vành đai xanh London là vành đai xanh “cứng” ngăn chặn sự tăng trưởng. Do đó đã làm giá nhà tăng cao và đẩy sự phát triển đô thị ra bên ngoài vành đai xanh, tăng khoảng cách giữa nơi ở và nơi làm việc. Nhiều thị trấn vệ tinh đã trở thành đô thị sôi động nhưng thiếu sự kết nối với đô thị trung tâm. Sau này nhiều quốc gia đã ứng dụng linh hoạt hơn, đó là vành đai sinh thái có sự tăng trưởng.

- ĐTVT vùng Ile-de-France - vai trò kiến tạo Nhà nước

Quy hoạch vùng Ile-de-France năm 1965 đề cập đến 5 thành phố vệ tinh (Marne la Vallée, Cergy-Pontoise; Saint Quentin en Yveline; Sesnar, Evry) xây dựng mới ở vành đai nông thôn. ĐTVT vùng Ile-de-France khác với London bởi chúng có khoảng cách gần sát với đô thị trung tâm. Các đô thị mới này có nhiệm vụ tạo ra các trung tâm đô thị mới thu hút việc làm và cư dân đến từ các khu vực ngoại thành xung quanh và có liên hệ khăng khít với thành phố Paris nhờ giao thông cơ giới: đường sắt đô thị và đường cao tốc.

Quy hoạch tổng thể vùng Ile-de-France đã làm thay đổi cấu trúc vùng đô thị. Sự phát triển kinh tế và tiện nghi đô thị không còn tập trung vào trung tâm Paris mà được chia sẻ cho năm ĐTVT. Mạng lưới đô thị trung tâm và các ĐTVT sẽ tạo thành mô hình đô thị “đa tâm”. Ban đầu, phát triển các đô thị trung tâm phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước. Sau đó chúng tự vận động được và đã tạo nên lực hấp dẫn riêng. Giai đoạn 1960, vành đai nông thôn vùng Ile-de-France đạt 2,1 triệu người; năm 1975 đạt 3,6 triệu người; năm 2000 đạt 4,8 triệu người Giai đoạn từ 1960-1975, đô thị hóa vùng Ile-de-France ưu tiên các chương trình xây dựng chung cư cao tầng. Vai trò của ĐTVT rất được coi trọng, thu hút dân cư và tạo động lực kinh tế mới ở vùng ngoại ô. Sự phát triển này đạt hiệu quả cao bởi chúng liên kết được với các trung tâm tri thức (trường đại học, viện nghiên cứu, trụ sở làm việc của các tập đoàn kinh tế).

- ĐTVT, thị trấn vùng đô thị Bắc Kinh - các mô hình chuyển đổi

Trung Quốc đã học hỏi và tiếp thu có chọn lọc các lý thuyết quy hoạch đô thị tiên tiến trên thế giới cho tiến trình đô thị hóa của mình. Quy hoạch thủ đô Bắc Kinh luôn được chính quyền trung ương và địa phương coi trọng. Có 06 phiên bản quy hoạch tổng thể được đề xuất và phê duyệt vào các năm 1957, 1973, 1982, 1993, 2005 và 2017. ĐTVT và thị trấn ngoại ô đều là chính sách quan trọng để giải quyết vấn đề đô thị hóa và công nghiệp hóa tăng trưởng nóng ở vùng đô thị Bắc Kinh nhằm không phân bố dồn nén nhiều chức năng mới ở thành phố trung tâm mà được tản ra cả vùng đô thị tránh hiện tượng đầu to khó kiểm soát. Vai trò và trọng trách của ĐTVT, thị trấn ngoại ô Bắc Kinh được thay đổi và trải qua nhiều giai đoạn phát triển.

Giai đoạn năm 1950-1970: là thời kỳ tiền đô thị hóa. Quy hoạch vùng thủ đô Bắc Kinh 1958 do Liên Xô theo cơ chế kinh tế kế hoạch từ trên xuống. Sau đó là Quy hoạch vùng thủ đô Bắc Kinh 1972. Dự kiến xây dựng khoảng 40 thị trấn vệ tinh ở vùng ven đô và vành đai nông thôn nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa vùng nông thôn, với nhiều ngành công nghiệp lớn được thiết lập. Tuy nhiên, Phong trào Đại nhảy vọt và Cách mạng văn hóa đã làm gián đoạn sự phát triển này. Nhà nước không đủ sức phát triển hạ tầng kết nối đô thị trung tâm với các thị trấn vệ tinh đã buộc các ngành công nghiệp quay trở về với đô thị trung tâm. Chính sách quy hoạch không gian phi tập trung trên thực tế không thực hiện được, đô thị mở rộng nhanh chóng theo “vết dầu loang” đến vùng ngoại ô, củng cố thêm mô hình đô thị đơn tâm.

Giai đoạn năm 1980-1990: Cách mạng Văn hóa kết thúc và bắt đầu thời kỳ Cải cách và Mở cửa. Quy hoạch vùng thủ đô Bắc Kinh 1982 ra đời trong bối cảnh đô thị trung tâm đã quá tải với nhiều khu công nghiệp lớn, dân số đông và giao thông tắc nghẽn. Xác định đô thị trung tâm Bắc Kinh là trung tâm chính trị và văn hóa quốc gia, các khu công nghiệp dịch chuyển đến các khu ngoại ô và thúc đẩy phát triển thị trấn vệ tinh. Thực tế là các dự án đô thị, công nghiệp đã rời khỏi thành phố trung tâm đến vùng ngoại ô để hưởng giá đất rẻ hơn. Sự phát triển nhanh chóng vùng ngoại ô đã sáp nhập vào không gian thành phố trung tâm, gây thêm áp lực cho quản trị vùng đô thị. Các kế hoạch xây dựng thị trấn vệ tinh đã được đặt ra nhưng hầu như không thực hiện được theo quy hoạch.

Giai đoạn 1990 đến 2000: Quy hoạch vùng thủ đô Bắc Kinh 1993 với chiến lược chuyển dịch dân số và công nghiệp từ khu vực trung tâm đến vùng nông thôn, xây dựng 10 khu vực ngoại ô và 14 ĐTVT. Khu vực rìa thành phố trung tâm có giá đất rẻ tiếp tục thúc đẩy các khu công nghiệp dịch chuyển từ trong ra và thu hút nhiều cơ sở nằm phân tán trong vùng nông thôn vào. Chính sách thị trường hóa nhà ở năm 1998 tiếp tục thúc đẩy khu vực ngoại ô rộng lớn phát triển công nghiệp và đô thị đã tạo điều kiện mở rộng vô hạn ranh giới đô thị trung tâm, làm cản trở sự hình thành của thị trấn vệ tinh. Việc xây dựng bất động sản với quy mô khổng lồ dần dần làm xói mòn vành đai xanh giữa trung tâm thành phố và thị trấn ngoại ô và cuối cùng sát nhập chúng lại với nhau. Các khu ngoại vi tăng dân số cơ học lớn nhưng trình độ phát triển vẫn kém xa khu vực nội đô lịch sử. Nên dòng dịch chuyển từ ngoại ô vào lõi đô thị nhằm sử dụng dịch vụ cao cấp ngày một lớn, đã làm tăng thêm tắc nghẽn giao thông. Chính quyền tiếp tục đối mặt với quản trị vùng đô thị lớn với thực trạng mô hình đô thị đơn tâm.

Giai đoạn năm 2000: Tỷ lệ đô thị hóa của Bắc kinh đạt 70%. Quy hoạch tổng thể đô thị đô thị Bắc Kinh 2004 thông qua với nhiều ý tưởng mới, trọng tâm phân cấp không gian theo hướng phi tập trung giảm áp lực đến đô thị trung tâm. Dự kiến phát triển 11 thị trấn mới độc lập và khép kín, có môi trường sống tốt, giao thông thuận tiện, cơ sở dịch vụ công cộng tiện nghi, tập hợp các ngành công nghiệp mới để thu hút dân cư từ thành phố trung tâm đến sinh sống và làm việc.

Giai đoạn những năm 2010 đến nay: Từ những năm 2010, Bắc Kinh đối mặt với nhiều căn bệnh đô thị khác nhau và ngày càng trở nên nghiêm trọng. 11 thị trấn mới trong kế hoạch trước vẫn chưa được hoàn thành và không đủ điều kiện để giải quyết các vấn đề hiện tại của vùng đô thị Bắc Kinh. Giao thông công cộng quá đông đúc, đường sá tắc nghẽn, không khí ô nhiễm và giá nhà đất bùng nổ, bằng chứng về sự thất bại khi thực hiện các quy hoạch tổng thể trước đó.

Nhìn lại vùng đô thị Bắc Kinh trong suốt thời kỳ từ tiền ĐTH, CNH sang thời kỳ hậu ĐTH và phi công nghiệp, phương thức phát triển ĐTVT vùng Bắc Kinh khác với các nước phát triển đi trước. Các quốc gia phát triển có nền tảng kinh tế - xã hội tương đối ổn định và xây dựng ĐTVT nhằm cải thiện điều kiện sống của cư dân. Còn ở Trung Quốc, Nhà nước nhiều lần chuyển đổi chính sách tương thích với đặc điểm kinh tế, chính trị, nền tảng xã hội làm thay đổi liên tục phương thức phát triển thị trấn và đến nay chưa thành công. Một trong những lý do không hình thành thị trấn vệ tinh theo quy hoạch là:

(i) Thiếu chính sách ưu tiên phát triển thị trấn vệ tinh và hành lang kết nối đô thị trung tâm

(ii) Lựa chọn phát triển công nghiệp và đô thị quá mức ở vùng rìa đô thị trung tâm

(iii) Không kiểm soát các vành đai xanh làm cho ranh giới đô thị trung tâm mở rộng vô hạn.

- Mối tương tác giữa đô thị trung tâm và ĐTVT

Các ví dụ quốc tế cho thấy tính khả thi của ĐTVT là sự lựa chọn hợp lý vị trí và chính sách ưu tiên đầu tư. Cơ sở khoa học cho vấn đề này được đề cập trong kết quả Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất giải pháp quy hoạch ĐTVT, quản lý phát triển ĐTVT (VIUP).

Đề tài đề cập đến Lý thuyết mô hình trọng lực đánh giá mối tương tác giữa các đô thị trong mô hình ĐTVT. Dựa trên Lý thuyết về lực hấp dẫn được Issac Newton đưa ra năm 1686, nhiều thập kỷ sau đó các nhà khoa học xã hội cũng đã sử dụng phiên bản sửa đổi để dự đoán chuyển đổi của con người, thông tin và hàng hóa giữa các thành phố và thậm chí các lục địa. Nhiều học giả đã áp dụng Mô hình trọng lực để phân tích mối tương tác giữa các điểm định cư hay tương tác giữa đô thị mẹ với ĐTVT có tính đến quy mô dân số của hai địa điểm và khoảng cách của chúng.

Đề tài đã áp dụng tính toán này và thấy rằng trong 5 ĐTVT Hà Nội có 2 ĐTVT là Hòa Lạc và Sóc Sơn có hệ số tương tác với đô thị trung tâm lớn hơn.

2.4. Kết luận về lý luận

Tổng hợp các nghiên cứu cơ sở khoa học và kinh nghiệm quốc tế, rút ra một số góp ý Điều chỉnh QH Hà Nội 1259, như sau:

(i) Vùng đô thị lớn phản chiếu trình độ phát triển KT-XH của mỗi quốc gia và là thương hiệu của quốc gia. Các tiêu chí cạnh tranh toàn cầu gồm: dân số; tính hiện đại của hệ thống hạ tầng (đầu mối cảng biển, cảng hàng không, đường sắt, GTCC); tính kết nối và lan tỏa của hệ thống trung tâm kinh tế và văn hóa. Vùng đô thị Hà Nội tiếp tục có vai trò thúc đẩy ĐTH và CNH cả nước. Vùng cần được quy hoạch và quản trị hiệu quả để tham gia quá trình toàn cầu hóa và cạnh tranh với các vùng đô thị lớn khác trên thế giới.

(ii) Quản trị vùng đô thị lớn rất phức tạp bởi tính biến động không ngừng. Chính sách quy hoạch không gian là công cụ quan trọng để quản lý vùng hiệu quả. Chính sách quy hoạch vùng đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị là sự lựa chọn phù hợp. Việc triển khai thực hiện mô hình chùm đô thị trong bối cảnh Việt Nam hiện nay cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch thực hiện gồm đô thị trung tâm, ĐTVT và thị trấn ngoại ô. Chính sách phát triển từng khu vực cần được linh hoạt phù hợp với thay đổi kinh tế - xã hội, nền tảng xã hội của quốc gia, của vùng đô thị; dựa trên các xem xét thách thức của từng khu vực để ban hành chính sách quản trị phù hợp.

(iii) Đối với nội đô lịch sử: là cội nguồn hình thành vùng đô thị lớn. Nên gìn giữ và tôn vinh giá trị lịch sử, phục hồi môi trường khu nội đô là hướng đi được nhiều quốc gia lựa chọn.

Vấn đề chính: Kiểm soát mật độ dân số. Hiện đại hóa hạ tầng. Tăng cường tính hấp dẫn của các địa điểm lịch sử. Hạn chế giao thông cơ giới. Thúc đẩy GTCC. Phục hồi các yếu tố thiên nhiên. Khuyến khích mô hình tái thiết nâng cao chất lượng môi trường sống. Thúc đẩy phương pháp quy hoạch và phát triển có sự tham gia của cộng đồng.

(iv) Đối với khu nội đô mở rộng và các cụm đô thị mới: là động lực để tăng trưởng kinh tế vùng đô thị lớn.

Vấn đề chính: Kiểm soát ranh giới đô thị trung tâm. Kiểm soát phát triển nóng của thị trường BĐS thông qua hệ số sử dụng đất. Ưu tiên các dự án tạo động lực kinh tế vùng (ủng hộ phát triển trục Nhật Tân - Nội Bài). Xây dựng hạ tầng đầu mối. Phát triển đô thị mới với cấu trúc nén tiết kiệm quỹ đất, bố trí dịch vụ đô thị phục vụ nhiều đối tượng, hạn chế không phát triển các khu đô thị ngủ.

(v) Đối với các đô thị vệ tinh, thị trấn: Vai trò kiến tạo và điều tiết của Nhà nước

Vấn đề chính: Xây dựng ĐTVT để điều tiết và cân bằng phân bố không gian kinh tế vùng, không làm quá tải đô thị trung tâm. Lựa chọn địa điểm ĐTVT càng xa đô thị trung tâm càng không khả thi bởi tính tương tác yếu. Do đó, vai trò của nhà nước thúc đẩy liên kết hạ tầng đô thị trung tâm với ĐTVT tự chủ. Chính sách ưu tiên dịch chuyển một phần các viện nghiên cứu, trường đại học ra khỏi nội đô. Điều tiết kết nối vùng, giữa đô thị trung tâm với các đô thị đối trọng vùng lân cận.

(vi) Đối với vành đai xanh: Chính sách quy hoạch đai xanh linh hoạt có sự tăng trưởng

Vấn đề chính: Vành đai nông thôn Hà Nội là có hàng trăm làng nghề đang vận hành, vừa tạo việc làm cho vùng nông thôn, đóng góp GDP cho vùng đô thị, vừa có ý nghĩa gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của vùng đô thị. Học tập kinh nghiệm quốc tế (vành đai xanh London) cần có sự chọn lọc để phù hợp với điều kiện nông thôn Hà Nội.

3. Cơ sở thực tiễn

3.1. Rà soát thực hiện QH 1259

- Dân số

Năm 2008 dân số Hà Nội là 6,350 triệu người, năm 2019 đạt 8,055 triệu người. Tốc độ tăng dân số trung bình là 2,4%. Thực tế Hà Nội đã tăng hơn so với dự báo dân số QHC 1259 năm 2020 ước khoảng 7,3-7,9 triệu người.

Khu vực nội đô lịch sử (4 quận cũ) theo QHC 1259 giảm từ 1,2 triệu người xuống 80 vạn người (giảm 40 vạn người). Sau 10 năm, 4 quận cũ đã giảm 11,71 vạn người, đồng thời có sự dịch chuyển dân số trong 4 quận từ điểm dân cư cũ đến các khu ở mới được tái thiết từ KNC cũ. Mức giảm dân số được thể hiện trong cả 4 quận, như: Quận Ba Đình giảm > 2 vạn người, quận Hoàn Kiếm giảm > 4,6 vạn người, quận Hai Bà Trưng giảm > 3 vạn người và quận Đống Đa giảm > 2 vạn người. Đây là tín hiệu khả quan để khu nội đô lịch sử cải thiện chất lượng sống, một số chỉ tiêu về cây xanh và hạ tầng sẽ tiếp tục được cải thiện.

Khu vực 8 quận mới có xu hướng tăng nhanh thêm >1,04 triệu người do cơ sở hạ tầng được cải thiện, điểm này phù hợp với xu thế chung. Các quận phía Tây và Nam khu nội đô lịch sử có mức tăng cao, như: quận Hoàng Mai tăng >22,23 vạn người, quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm tăng >29,16 vạn người, quận Hà Đông tăng 20,29 vạn người; phía Đông có quận Long Biên tăng >10,67 vạn người. Đây là vấn đề, quy hoạch Hà Nội giai đoạn tới sẽ tính toán để hình thành mới trung tâm cấp thành phố ở khu nội đô mở rộng và các cụm đô thị mới, hạn chế lưu thông đến khu vực nội đô sử dụng tiện ích chất lượng cao gây ách tắc giao thông.

Khu vực 16 huyện tăng 75,86 vạn người. Các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì (dự kiến lên quận) tăng cao hơn các huyện còn lại, mỗi huyện đạt từ >8,0-8,5 vạn người. Tiếp đến Sóc Sơn tăng  >6,1 vạn người và Mê Linh >5,3 vạn người là các huyện nằm trên hành lang xuyên Á, có đầu mối cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Huyện Gia Lâm tăng >5,89 vạn người do ảnh hưởng nằm trên quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Các huyện nằm trong vành đai xanh có  nhiều làng nghề, dân số tăng cao là Quốc Oai >3,35 vạn người, Thạch Thất >4,23 vạn người, Chương Mỹ >4,9 vạn người, Thanh Oai >3,9 vạn người, Thường Tín >4,1 vạn người. Tăng trưởng dân số khá cao ở 16 huyện trong điều kiện chưa hình thành ĐTVT cho thấy chuỗi đô thị trên vành đai 4 phát triển khá sôi động và vành đai nông thôn thu hút lao động làm việc trong các làng nghề.

Như vậy, 10 năm vừa qua, Hà Nội là vùng đô thị hấp dẫn, có dân số nhập cư khá cao. Khu vực nội đô lịch sử có xu hướng giảm dân số đồng đều ở 4 quận nội thành với tốc độ giảm trung bình 1,1%/năm. Khu vực quận mới có xu hướng tăng dân số nhanh với tốc độ tăng trung bình 5,3%/năm. Các huyện ngoại thành có tốc độ tăng trung bình 2,0%/năm. Khu vực phía Đông và phía Nam Hà Nội có mức độ tăng dân số cao hơn so với khu vực khác.

Tỷ lệ đô thị hóa (theo cách tính như hiện nay dân số thuộc quận là đô thị và huyện là nông thôn sẽ không phù hợp với thực tế Hà Nội). Năm 2008, Hà Nội có tỷ lệ đô thị hóa đạt <39,4%; năm 2019 đạt 46,6%; chỉ số này rất thấp trong nhóm các thành phố Trung ương, chưa tương xứng với thành phố Thủ đô và vùng đô thị lớn. Nguyên nhân chính là thành phố chưa lên kế hoạch nâng cấp loại đô thị và Nghị quyết 1210, 1211 về nâng cấp loại đô thị chưa phù hợp với thực trạng Hà Nội.

- Triển khai các ĐTVT

Mô hình quy hoạch ĐTVT được chính thức áp dụng trong QHC 1259. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đó đã đề xuất chuỗi đô thị phía Tây Hà Nội (Sơn Tây - Hòa Lạc - Miếu Môn - Xuân Mai) mang dáng dấp cấu trúc quy hoạch ĐTVT trong phạm vi vùng đô thị Hà Nội; hoặc Chương trình phát triển tổng thể đô thị Hà Nội (HAIDEP) hay trong QHC Hà Nội giai đoạn 1968-1974 với việc quy hoạch thành phố mới Vĩnh Yên phía Bắc sông Hồng…

Trong 5 ĐTVT vùng đô thị Hà Nội, có 4 đô thị được hình thành từ các thị xã, thị trấn đã có (Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai), riêng Hòa Lạc là thành phố mới dự kiến hình thành trên cơ sở khu CNC Hòa Lạc và khu ĐHQGHN. Sau 10 năm triển khai QHC 1259, vẫn chưa có ĐTVT nào được hình thành cả về mặt đầu tư xây dựng lẫn tổ chức đơn vị hành chính. Cả 05 ĐTVT vẫn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.

Thực trạng phát triển: Các dự án hạ tầng giao thông kết nối giữa trung tâm Hà Nội với các ĐTVT đã được ưu tiên đầu tư và thực hiện, một số dự án hạ tầng giao thông lớn và quan trọng đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng như Đại lộ Thăng Long, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Quốc lộ 32 mở rộng. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng hạ tầng giao thông kết nối tại các ĐTVT chưa được triển khai đồng bộ, một số các dự án khác vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ dẫn đến việc chưa thể hoàn thành dự án trên toàn tuyến.

Các vấn đề tồn tại: Quá trình triển khai các ĐTVT của Hà Nội cũng đã bộc lộ các bất cập:

(i) Việc phát triển ĐTVT (05 đô thị) nhưng không xác định thứ tự ưu tiên và lộ trình, kế hoạch đầu tư, dẫn đến không có đủ nguồn lực thực hiện trong khi phát triển các ĐTVT đòi hỏi chi phí đầu tư hạ tầng rất lớn, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối (phải đảm bảo tính chất công cộng và tốc độ nhanh).

(ii) Điều kiện cần để các ĐTVT phát triển là đô thị mẹ hay ĐTTT đã phát triển bão hòa. Tại trường hợp Hà Nội, việc định hướng phát triển mở rộng nội đô thành phố trung tâm (từ vành đai 3 đến vành đai 4) đồng thời với phát triển 05 ĐTVT khiến cho cơ hội phát triển của các ĐTVT bị ảnh hưởng. Các dự án phát triển đô thị, BĐS sẽ chỉ tập trung tại các khu vực ven đô để tận dụng ưu thế về vị trí trước khi cân nhắc di chuyển tới các ĐTVT vốn chưa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh. Thực tế phát triển sau gần 10 năm thực hiện QHC thủ đô đã chứng minh nhận định trên khi hiện nay các đại đô thị mới tại Hà Nội như Vinhomes Smart City, Vinhomes Ocean Park đang được xây dựng tại khu vực thuộc quy hoạch khu vực ven đô chứ không phải tại cá ĐTVT như kỳ vọng.

(iii) Vành đai xanh quy hoạch của thành phố Hà Nội trên thực tế là các khu vực ven đô, khu vực làng xóm nông thôn, dự án phát triển đô thị, không gian tự nhiên…đang trong quá trình đô thị hóa và chuyển đổi mạnh mẽ. Nếu không có các công cụ và cơ chế kiểm soát hiệu quả thì khó có thể duy trì được dưới sức ép của phát triển đô thị.

(iv) Về mặt cơ sở pháp lý, công tác tổ chức chính quyền ĐTVT đã có bước thay đổi quan trọng khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2015 đã bổ sung mô hình thành phố trực thuộc thành phố TƯ trong cấu trúc tổ chức chính quyền địa phương nước ta, từ đó tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các thành phố vệ tinh đầy đủ cả mặt quy hoạch và tổ chức hành chính để trở thành các thành phố trực thuộc thành phố Hà Nội và các thành phố trực thuộc TƯ khác. Tuy nhiên, quá trình hình thành các thành phố vệ tinh của Hà Nội với bộ máy hành chính đi cùng hiện nay đang gặp khó khăn do các chỉ tiêu quy hoạch (quy mô dân số, diện tích) không đáp ứng đủ các tiêu chí cấp đơn vị hành chính theo Nghị quyết 1211/NQ-TVQH 13.

3.2. Kết luận về thực tiễn

Đánh giá sơ bộ thực trạng thực hiện QH 1259 thông qua chỉ tiêu dân số, tình hình triển khai đô thị vệ tinh, phân tích bối cảnh phát triển Hà Nội trong giai đoạn mới, xin có một số nhận xét sau:

(i) Dân số: Phân bố dân số Hà Nội có xu hướng dịch chuyển mạnh đến vùng ven đô, nhất là khu vực phía Đông và Nam Hà Nội. Hiện tượng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở cửa ngõ phía Đông và Nam vùng đô thị, cho thấy các trung tâm việc làm vẫn nằm ở khu vực nội đô. Vấn đề này cần khắc phục trong kỳ quy hoạch tiếp theo. Tình trạng vùng ven tiếp tục gia tăng dân số và thiếu việc làm sẽ làm cho vùng đô thị có tăng trưởng dân số nhưng không tăng trưởng kinh tế do tắc nghẽn giao thông và suy giảm chất lượng môi trường.

(ii) Tỷ lệ đô thị hóa: Cách tính dân số đô thị trong vùng đô thị lớn như hiện nay không phù hợp, cần sớm thay đổi, ưu tiên tiêu chí mật độ dân số và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp để các huyện Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức, Thanh Trì… sớm lên quận và có chiến lược quản lý phù hợp.

(iii) Tình hình phát triển ĐTVT: Đô thị trung tâm còn nhiều dư địa phát triển, gây khó khăn thực hiện các ĐTVT. Trong 5 ĐTVT có 2 đô thị Hòa Lạc và Sóc Sơn có mối tương tác với đô thị trung tâm tốt hơn. Đô thị Sóc Sơn còn có thêm lợi thế vị trí địa lý, tiếp cận thuận lợi với hệ thống hạ tầng giao thông vùng (tuyến hành lang xuyên Á và sân bay Nội Bài). Do đó, kế hoạch phát triển vùng đô thị cần phải cân nhắc lựa chọn tiêu chí ưu tiên xây dựng ĐTVT.

(iv) Vùng đô thị Hà Nội trong bối cảnh mới: có nhiều cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, bước sang trạng thái phát triển với trình độ kinh tế - xã hội cao hơn, phi công nghiệp hơn. Để bước sang nền kinh tế tri thức mức độ cao hơn, Hà Nội cần phát huy tối đa lực lượng tri thức, mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu tham gia vào các ngành kinh tế dịch vụ mới như: dịch vụ đào tạo, dịch vụ KHCN, đổi mới sáng tạo…

(v) Liên kết vùng: Vùng đô thị Hà Nội thiếu cảng biển là yếu tố hạn chế trong cạnh tranh toàn cầu. Liên kết Hà Nội - Hải Phòng, liên kết với tất cả các tỉnh của ĐBBB hướng về phía biển sẽ tạo cho vùng đô thị Hà Nội thêm sức mạnh lan tỏa ảnh hưởng và cạnh tranh quốc tế.

4. Kết luận chung

(i) Đến nay sau 10 năm thực hiện quy hoạch thủ đô Hà Nội, vẫn có nhiều mục tiêu và định hướng lớn mà Hà Nội chưa thực hiện được như: chưa tổ chức sắp xếp lại trung tâm nội đô lịch sử với kế hoạch giảm dân số, chống ách tắc giao thông, dịch chuyển các cơ quan hành chính, trường đại học ra khỏi nội đô lịch sử; chưa hình thành các trung tâm kinh tế mới mang tầm vóc quốc tế ở khu vực ven đô; chưa xây dựng được các ĐTVT hay thị trấn sinh thái nhằm tránh hình thành căn bệnh “đầu to”…

(ii) Các vùng đô thị lớn có quá trình chuyển hóa không gian từ lõi hạt nhân trung tâm đến vùng ven đô, vành đai nông thôn luôn thay đổi linh hoạt và năng động, tùy thuộc vào yếu tố toàn cầu hóa và địa kinh tế - chính trị trong điều kiện mới. Do vậy, chiến lược phát triển vùng đô thij lớn luôn được các quốc gia điều chỉnh để tương tác được với chuyển đổi của thế giới. Điều này làm cho các cấu thành vùng đô thị lớn, trong đó vai trò và chức năng của đô thị trung tâm, ĐTVT, thị trấn ven đô được xem xét điều chỉnh theo.

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 112+113/2021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)