Phương án phát triển các khu kinh tế Việt Nam cần được nghiên cứu, tích hợp trong quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ hai, 13/12/2021 14:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Được hình thành năm 1986. Tới nay cả nước có khoảng 47 Khu kinh tế (KKT) (19 KKT ven biển và 28 KKT cửa khẩu). Mô hình KKT giúp tạo ra đột phá về kinh tế, xã hội, là động lực cải cách thể chế ở Việt Nam. Theo các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, có 07 yếu tố chính ảnh hưởng đến quá trình phát triển KKT gồm: Quyết tâm chính trị, Vị trí địa kinh tế, Thể chế kinh tế, Cơ cấu ngành nghề, Chính sách ưu đãi, Hỗ trợ ban đầu của Chính phủ, Quy mô lộ trình phát triển.

Tác giả đề xuất trọng tâm cần được nghiên cứu, đề xuất, tích hợp trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Gồm 2 phần chính:

- Rà soát, đánh giá hiện trạng phát triển các KKT (5 nhóm đánh giá): Các yếu tố then chốt; kinh tế, xã hội, môi trường; thể chế và chính sách.

- Nghiên cứu, đánh giá bối cảnh mới, đề xuất cách tiếp cận mới trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050:

+ Bối cảnh mới: Xác định các yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển KKT như môi trường đầu tư, xu hướng toàn cầu hóa & sự quay trở lại của chủ nghĩa dân túy, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ảnh hưởng đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu & ô nhiễm môi trường.

+ Cách tiếp cận mới: Tái cơ cấu, KKT được xây dựng, quản lý, phát triển theo hướng đô thị, thể hiện ở tính kết nối về kết cấu hạ tầng và xã hội kèm theo là các chính sách mới… đánh giá các yếu tố ảnh hưởng như thị trường, nguồn vốn đầu tư, chia sẻ chức năng đối với các cặp KKT.

Bài viết đưa ra một số ý kiến đề xuất tích hợp Phương án phát triển các khu kinh tế Việt Nam vào trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu các KKT tiếp tục phát triển một cách hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.

1. Thực trạng phát triển các Khu kinh tế của Việt Nam

Năm 1986, để hướng tới xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó, tăng trưởng thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng thế mạnh trong nước, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế đã được hình thành, phát triển đa dạng và đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Khu kinh tế là khu vực có ranh giới xác định, gồm nhiều khu chức năng, mục đích chủ yếu là để hình thành khu vực kinh tế động lực, trên cơ sở phát triển đa ngành thúc đẩy sự phát triển chung, nhất là thúc đẩy sự phát triển của các vùng nghèo trên những vùng biên giới, ven biển của Việt Nam, tạo tiền đề thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 47 khu kinh tế.

Các KKT ven biển (KKTVB) được hình thành ở khu vực ven biển và địa bàn lân cận khu vực ven biển; là mô hình phát triển có tính đột phá cho phát triển kinh tế vùng, lãnh thổ có điều kiện thuận lợi khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế và chính trị để phát triển kinh tế , hội nhập kinh tế quốc tế huy động tối đa nguồn nội lực, tìm kiếm và áp dụng những thể chế và chính sách kinh tế mới để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng. Hiện tại, cả nước có 19 KKTVB trong đó khu vực Bắc Bộ có 5 khu, ven biển miền Trung có 11 khu, khu vực Tây Nam Bộ có 3 khu với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 853 nghìn ha.

Các KKT cửa khẩu (KKTCK) được hình thành ở khu vực biên giới đất liền và địa bàn lân cận khu vực biên giới đất liền có cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính để phát huy lợi thế về quan hệ kinh tế - thương mại cửa khẩu biên giới, thu hút các kênh hàng hóa, đầu tư, thương mại, dịch vụ và du lịch từ các nơi trong cả nước từ nước ngoài vào nội địa thông qua cơ chế chính sách ưu đãi tại các khu kinh tế cửa khẩu. Đã có 21 tỉnh trên tổng số 25 tỉnh có biên giới đất liền được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập KKT cửa khẩu (KKTCK) (trừ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Đăk Lăk và Đăk Nông). Tính theo số lượng, cả nước có 28 KKTCK với tổng diện tích hơn 600 nghìn ha. Trong đó, giáp biên giới với Trung Quốc có 11 khu (thuộc 6 tỉnh); giáp biên giới với Lào có 10 khu (thuộc 8 tỉnh); giáp biên giới với Campuchia có 7 khu (thuộc 7 tỉnh). KKTCK quốc tế Bờ Y tỉnh Kon Tum vừa giáp Lào, vừa giáp Campuchia.

Trong những năm qua, thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội tại các KKTCK đã mang lại những tác động tích cực và làm tăng vị thế của các tỉnh có KKTCK. Các địa phương biên giới có KKTCK trước đây là vùng sâu, vùng xa, kinh tế chậm phát triển thì đến nay đã trở thành những trung tâm kinh tế thương mại phát triển năng động, đồng thời là trung tâm thương mại lớn của tỉnh, làm động lực cho các khu vực lân cận phát triển. Quá trình phát triển các KKTCK đã tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương có KKTCK theo hướng phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp.

Các KKTVB đóng vai trò lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra những chuyển biến, sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Một số khu du lịch, nghỉ dưỡng tại các KKTVB đã hình thành một mặt thu hút phát triển ngành du lịch, mặt khác là nơi sinh sống của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đến làm việc trong các KKTVB.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình phát triển các khu kinh tế còn có một số vấn đề bất cập, chậm được khắc phục. Số lượng các KKT được thành lập nhiều dẫn đến phân tán và manh mún trong đầu tư; cơ chế, chính sách cho các KKT chưa đủ mức vượt trội so với các nơi khác ngoài KKT.

Các KKT chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Do nguồn ngân sách hạn chế, nên nhiều KKT gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, đạt chất lượng nhằm thu hút đầu tư. Ngoài ra, việc tìm kiếm, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Trung ương; phương thức huy động các nguồn lực chưa gắn với cơ chế ưu đãi thỏa đáng, quyền lợi rõ ràng nên chưa mang lại những đột phá. Các KKT đều có chung định hướng đầu tư vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch… do đó, chưa phát huy được lợi thế so sánh, phát triển dàn trải.

2. Phương hướng phát triển các KKT cần được tích hợp trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Từ kinh nghiệm quốc tế và những trường hợp thành công ở Việt Nam cho thấy mô hình KKT vẫn là niềm hy vọng cho việc tạo ra các đột phá phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cải cách thể chế ở Việt Nam hiện nay. Với ý nghĩa to lớn, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng miền và của cả quốc gia, hệ thống các KKT của Việt Nam cần được xem xét, rà soát, đánh giá & xác định phương hướng phát triển trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ mới.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có 07 yếu tố quan trọng nhất, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của khu kinh tế bao gồm: Quyết tâm chính trị, vị trí địa kinh tế, Thể chế kinh tế, Cơ cấu ngành nghề, Chính sách ưu đãi, Hỗ trợ ban đầu của Chính phủ, Quy mô lộ trình phát triển.

Tùy tình hình kinh tế - chính trị của các nước khác nhau mà tầm quan trọng và vị trí ưu tiên của các yếu tố này cũng không giống nhau. Tuy nhiên, mô hình KKT nào càng hội tụ đầy đủ các yếu tố này thì khả năng thành công càng cao. Việc xây dựng các KKT cần một quyết tâm chính trị rất cao, một tư duy sáng tạo và đổi mới phát triển hướng ra toàn cầu để có thể thành công, mở ra một bước đột phá mới cho quá trình cải cách, hội nhập và phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

3. Một số trọng tâm cần được nghiên cứu, đề xuất, tích hợp trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm  nhìn đến năm 2050.

3.1. Rà soát, đánh giá phát triển các KKT

Xây dựng bộ tiêu chí khách quan, khoa học để đánh giá lựa chọn tất cả các KKT đã được thành lập, tìm ra một số khu có tiềm năng, thuận lợi nhất, từ đó đề xuất các giải pháp và biện pháp tổ chức thực hiện để tập trung nguồn lực, cũng như cơ chế chính sách phát triển các khu còn lại phát triển trong giai đoạn sau. Việc rà soát, đánh giá tập trung xem xét ở một số yếu tố chính sau:

a) Các yếu tố then chốt

- Cần xem xét và nhận định khách quan hơn về vị trí, vai trò hạt nhân kinh tế của các KKT đối với tỉnh và vùng, tránh áp đặt chủ quan.

- Nguồn nhân lực, chính sách thu hút nguồn nhân lực

- Doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, đội ngũ doanh nhân

b) Các yếu tố kinh tế

- Giá trị sản xuất (công nghiệp - xây dựng; dịch vụ; nông nghiệp); giá trị gia tăng; tốc độ tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ đóng góp trong GDRP toàn tỉnh.

- Kim ngạch xuất khẩu và gia tăng giá trị, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KKT; tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, vùng, tỉnh; tỷ trọng xuất khẩu hàng cơ bản, hàng tài nguyên, công nghệ thấp, trung bình và cao; sự đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu; tỷ trọng xuất khẩu hàng cơ bản, hàng tài nguyên, công nghệ thấp, trung bình và cao; sự đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu; tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ cao; số lượng bằng phát minh sáng chế của các doanh nghiệp trong KKT.

- Đóng góp vào ngân sách nhà nước; chi phí đầu tư xây dựng và quản lý.

- Tỷ lệ lấp đầy diện tích.

- Số vốn thu hút FDI và tỷ trọng trong tổng FDI của quốc gia.

- Mức áp dụng các công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp.

- Mức độ liên kết và phát triển vùng.

c) Các yếu tố xã hội

- Số lượng lao động mới tạo ra; tỷ trọng lao động tạo ra trong tổng lượng lao động quốc gia, vùng, tỉnh; thu nhập của lao động so với mức trung bình của các doanh nghiệp ngoài KKT; tỷ trọng lao động trình độ cao và có kỹ năng; tỷ trọng lao động phổ thông

- Tỷ lệ đô thị hóa

- Các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội

d) Các yếu tố môi trường

- Chất lượng môi trường sống

- Các hậu quả từ phát triển KKT (tái định cư, ô nhiễm môi trường, tội phạm…)

- Các vấn đề về môi trường KKT.

e) Thể chế, chính sách

- Mức độ áp dụng các chính sách mới

- Mức độ hỗ trợ cho các cải cách chính sách quốc gia

- Khuyến khích thuế, hệ thống nghiệp vụ thuế linh hoạt

- Chính sách đất đai & cổ phần

- Lưu thông tiền tệ

- Chính sách tiêu thụ tại chỗ sản phẩm

- Nội địa hóa sản phẩm

- Tổ chức bộ máy

- Hệ hống luật pháp

3.2. Bên cạnh đó cần tập trung nghiên cứu, đánh giá bối cảnh mới, cách tiếp cận mới trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

a) Bối cảnh mới

Các yếu tố phát triển KKT phụ thuộc nhiều vào các tác động bên ngoài, ảnh hưởng rất lớn từ bối cảnh chung của thế giới & khu vực. Đầu thế kỷ XXI, bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội trên bình diện quốc tế đã có nhiều thay đổi, biến động nhanh. Cần nghiên cứu các xu hướng lớn nổi lên trên thế giới sẽ có những ảnh hưởng & thách thức đối với mô hình phát triển các KKT truyền thống, ví dụ như:

- Môi trưởng đầu tư

- Xu hướng toàn cầu hóa & sự quay trở lại của chủ nghĩa dân túy

- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

- Ảnh hưởng đại dịch Covid-19

- Biến đổi khí hậu & ô nhiễm môi trường

b) Cách tiếp cận mới

- Cơ cấu lại hệ thống KKT trên toàn quốc, sử dụng nguồn lực có chọn lọc. Thu gon và tập trung nguồn vốn Trung ương đầu tư phát triển các KKT mũi nhọn kích thích phát triển KT-XH cả vùng liên tỉnh

- Các KKT được xây dựng, quản lý, phát triển theo hướng đô thị, thể hiện ở tính rộng khắp, tính kết nối giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người lao động và cư dân, giữa khu kinh tế với địa phương, vùng, quốc gia và nước láng giềng. Các kết cấu hạ tầng thiết yếu cho sinh hoạt như trường học, bệnh viện, trung tâm mua sắm và giải trí…được đầu tư để cư dân và người lao động có được sự cân bằng trong cuộc sống, thu hút nguồn nhân lực. Quản lý hành chính trên một lãnh thổ thống nhất, thuận lợi cho phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền đô thị, thử nghiệm các chính sách mới để tạo ra sự khác biệt cho các KKT.

- Các KKT sẽ phải dựa vào thị trường và do thị trường thúc đẩy. Yếu tố vượt trội của các KKT nhằm thu hút nguồn lực từ thị trường trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đồng thời, các KKT sẽ phải lấy đổi mới sáng tạo, văn minh, sinh thái làm động lực phát triển trong giai đoạn mới

- Phối hợp và chia sẻ chức năng các cặp KKT. Hạn chế đầu tư trùng lặp giữa các KKT gần nhau và tăng cường khả năng phát triển theo thế mạnh đặc thù, xây dựng chuỗi giá trị, tăng tính kết nối, giao thương

- Xem xét vai trò huy động nguồn lực của khu vực tư nhân và các nhà đầu tư chiến lược (giao cho nhà đầu tư có uy tín, tiềm lực để đầu tư và quản lý, khai thác hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển) trong sự hình thành và phát triển KKT.

4. Kết luận

Nghiên cứu, tìm hiểu những cách làm, những nhân tố mới có thể phát triển hay nhân rộng, tạo ra những tác động tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc phân tích những bất cập, hạn chế, khó khăn của các KKT để tìm ra những cách thức cải thiện để các KKT tiếp tục phát triển một cách hiệu quả và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững an ninh, quốc phòng; gắn với định hướng phân bố không gian phát triển cách ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển thời kỳ quy hoạch trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc làm vô cùng cần thiết, cần được các cơ quan xem xét, tích hợp vào hệ thống quy hoạch quốc gia.

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 112+113/2021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)