Tiếp cận nhân văn nhằm khắc phục những bất cập trong xây dựng các khu tái định cư ven biển Việt Nam

Thứ sáu, 29/10/2021 11:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Đặt vấn đề
Với hơn 3000 đảo lớn nhỏ và 125 bãi biển có bờ cát mịn, đẹp, Việt Nam là nơi có điều kiện lý tưởng và có giá trị đặc biệt về phát triển du lịch biển. Nhiều dự án nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng tại các khu vực biển đảo với các khu nghỉ dưỡng sang trọng, hiện đại đã và đang được thực hiện, đặc biệt là tại các địa phương có cảnh quan đẹp nổi tiếng như Hạ Long, Cát Bà, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Khánh Hòa…Du lịch biển góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt kinh tế/xã hội của các địa phương ven biển, tuy nhiên sự phát triển thiếu định hướng và thiếu kiểm soát cũng gây ra nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của những ngư dân quanh năm bám biển.

Với đường bờ biển dài 3260km, Việt Nam cũng là quốc gia chịu tác động rất nặng nề của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (2007) về tác động của biến đổi khí hậu đến các nước đang phát triển căn cứ vào kịch bản nước biển dâng cho thấy Việt Nam là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất trong các quốc gia Đông Nam Á. Đối với vùng ven biển, bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, thoái hóa đất diễn ra mạnh mẽ hơn. Xâm nhập mặn cũng tác động đến nuôi trồng thủy sản, đa dạng sinh học, các hệ sinh thái đất ngập nước. Trước mắt, bờ biển bị xâm thực, thiên tai/lũ lụt với tần suất ngày càng cao và mức độ ngày càng dữ dội đang gây tổn thất lớn về kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Nhằm giảm thiểu hậu quả từ rủi ro thiên tai cho người dân ven biển, đồng thời tạo quỹ đất để phát triển các dự án du lịch/nghỉ dưỡng, nhiều địa phương ven biển đã chủ động đầu tư xây dựng các khu tái định cư (TĐC) và cấp đất cho ngư dân chuyển đến sinh sống. Đây là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên do còn nhiều vấn đề bất cập trong Quy hoạch - xây dựng nên cuộc sống tại nơi ở mới của người dân vẫn chưa được đảm bảo, các khu TĐC chưa phát huy được hiệu quả và vai trò tích cực như kỳ vọng.

2.Thực trạng các khu tái định cư ven biển Việt Nam

Những năm gần đây, tình trạng xâm thực bờ biển tại một số tỉnh miền trung xảy ra ngày càng nghiêm trọng, nhiều khu TĐC đã được đầu tư xây dựng để đưa bà con vùng sạt lở đến nơi an toàn, tuy nhiên người dân vẫn không mặn mà với các khu TĐC này.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 10 điểm sạt lở bờ biển với chiều dài 30km, chủ yếu ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Trong đó ~10km bờ biển cần xử lý khẩn cấp vì uy hiếp trực tiếp gần 1.000 hộ dân " nguyện vọng của người dân được chuyển vào các khu ở mới, an toàn và ổn định hơn là rất cấp thiết. Năm 2010, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương xây dựng ba khu TĐC ở xã Quảng Công, gồm: Hải Thành - Cương Giáng; An Lộc – Tân Thành và Tân An, tổng diện tích 40ha, vốn đầu tư ~ 70 tỷ đồng, phân lô và cấp cho các hộ dân nằm trong diện di dời do sạt lở. Ngoài 200m2 đất ở, mỗi hộ được hỗ trợ 20 triệu đồng tiền xây nhà. Tuy nhiên do điều kiện hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, một số nơi còn thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, nên đếnnăm 2015 chỉ có 70 hộ dân chuyển đến các khu TĐC này.

Tại Quảng Nam, dự án “Quy hoạch tổng thể sắp xếp dân cư ven biển Quảng Nam” triển khai từ 2008, đến nay đã được 13 năm. Tổng vốn đầu tư dự kiến ~ 3.700 tỷ đồng. Có > 18.000 hộ dân với ~ 73.000 nhân khẩu của 15 xã chịu ảnh hưởng thuộc 3 huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ. Phần lớn diện tích đất dự án nằm ven biển (từ Duy Xuyên đến Núi Thành) được sử dụng để xây dựng các khu đô thị/khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Tuy nhiên, nhiều dự án liên tục chậm trễ hoặc “treo” " đất bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên. Tình trạng thi công dở dang, đường sá/hạ tầng chưa hoàn thiện, người dân thiếu đất sản xuất " cuộc sống vốn đã khó lại càng khó khăn hơn. Năm 2016-2017, một số dự án mới bắt đầu triển khai; khu TĐC Tây Sơn Đông (Duy Hải, Duy Xuyên) được xây dựng. Đa phần người dân làm nghề biển, nhưng đã phải bỏ nghề vì khu TĐC nằm quá xa biển; nhiều người tìm đến các làng chài khác xin “đi bạn” cho các chủ tàu, còn lại chỉ biết ở nhà hoặc lo tìm sinh kế mới.

Tình trạng tương tự cũng thấy ở Bình Định. Trước năm 2010, nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư phát triển du lich biển, UBND tỉnh đã xây dựng các khu TĐC để di dân, giải phóng mặt bằng. Tại xã Cát Tiến (Phù Cát) người dân đã phải nhường đất nông nghiệp để xây dựng hai khu TĐC phục vụ một dự án du lịch, song do dự án chậm trễ, thậm chí không thể triển khai, nên người dân cũng không chịu di dời " các khu TĐC đã xây dựng xong hạ tầng, vốn đầu tư cũng không nhỏ nhưng vẫn không thu hút được người dân đến ở.

3. Những bất cập trong xây dựng các khu tái định cư ven biển

Nhìn nhận một cách toàn diện thực trạng cuộc sống của người dân tại các khu TĐC ven biển, có thể thấy một số vấn đề bất cập cơ bản như sau:

- Nguồn vốn đầu tư xây dựng các khu TĐC để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng bởi xâm thực bờ biển hoặc nằm trong khu vực ảnh hưởng của các dự án du lịch/ dịch vụ chủ yếu lấy từ ngân sách địa phương " tạo gánh nặng về tài chính - đặc biệt là với các địa phương miền trung thuộc diện nghèo. Kể cả lấy từ nguồn đền bù giải phóng mặt bằng của các dự án du lịch/dịch vụ thì cũng không đủ, do nhu cầu rất lớn (rất nhiều khu dân cư bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cả phát triển du lịch và biến đổi khí hậu) " việc thực hiện đầu tư xây dựng dàn trải, không đồng bộ, nhiều nơi, các hệ thống giao thông, điện, nước, rác thải… còn chưa hoàn chỉnh. Tại khu TĐC Tân An, An Lộc (Thừa Thiên Huế) , mỗi hộ dân chuyển đến được hỗ trợ 20 triệu đồng - số tiền không nhỏ nhưng cũng không thể đủ để người dân (đa số là các hộ nghèo) làm được ngôi nhà tươm tất cho gia đình mình.

- Các khu TĐC mới chỉ được đầu tư trên phương diện xây dựng thuần túy mà chưa quan tâm đầy đủ đến sinh kế của người dân sau khi chuyển đến nơi ở mới. Đa phần các khu TĐC được quy hoạch - xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp cách xa biển " cuộc sống đa số người dân trước đây quanh năm bám biển nay bị tách ra khỏi biển. Trước đây, đàn ông lo đánh bắt thủy hải sản, phụ nữ lo trồng trọt, chăn nuôi; khi chuyển sang khu TĐC (được QH-XD theo kiểu khu đô thị), diện tích đất nông nghiệp không còn, cùng với việc không tiếp cận được biển " sinh kế của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng không có công ăn việc làm trở nên phổ biến dẫn đến nhiều hệ lụy về văn hóa - xã hội và an ninh trật tự. Chuyển đến các khu TĐC, mặc dù có nhà mới nhưng khi được hỏi nguyện vọng thì hầu hết người dân đều muốn quay trở lại cuộc sống ban đầu. Không ít hộ sau khi chuyển vào khu TĐC một thời gian thì lại quay về nơi ở cũ hoặc bỏ đi nơi khác.

- Phát triển du lịch biển với lợi thế về địa lý, khí hậu, trên nền tảng văn hóa truyền thống để quảng bá hình ảnh tươi đẹp về đất nước và con người Việt Nam đồng thời mang lại nguồn thu cho ngân sách - là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, tuy nhiên việc triển khai còn rất nhiều bất cập. Các khu du lịch/dịch vụ phát triển ồ ạt làm gai tăng áp lực lên môi trường ven biển tăng nguy cơ xói mòn bờ biển. Nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển chưa có hệ thống xử lý chất thải chuyên nghiệp, nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra biển làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo " ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên - môi trường biển cũng như đời sống của người dân. Mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như việc tuyển dụng lao động thường xuyên xảy ra. Chủ đầu tư cam kết ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ nhưng không kết hợp được với chính quyền địa phương để phát triển các cơ sở đào tạo kỹ năng phù hợp, nên chỉ một bộ phận nhỏ người dân có cơ hội làm việc trong dự án " khả năng chuyển đổi nghề và cơ cấu lao động xã hội tại các địa phương ven biển là rất khó thực hiện.

- Tại các khu TĐC, để tiết kiệm đất và giảm thiểu đầu tư hạ tầng, diện tích đất cho các hộ gia đình thường nhỏ, không đủ để canh tác nông nghiệp; thậm chí một số khu TĐC còn sử dụng mô hình chung cư thấp tầng để tăng hiệu quả sử dụng đất. Các công trình công cộng hạ tầng xã hội còn thưa thớt, thiếu các cơ sở đào tạo nghề có định hướng phù hợp để đón bắt xu thế phát triển du lịch tại các địa phương ven biển. Sức ấp dẫn du lịch của một địa phương không chỉ đến từ điều kiện tự nhiên thuận lợi mà còn đến từ sự đặc sắc và đa dạng của văn hóa bản địa (văn hóa sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng truyền thống…). Nếu môi trường sống tại các khu TĐC không tạo điều kiện cho người dân duy trì thực hành và phát triển các yếu tố văn hóa đó, lại thêm môi trường tự nhiên bị suy thoái thì sức hấp dẫn của du lịch cũng giảm sút đáng kể.

4. Tiếp cận nhân văn để khắc phục các tồn tại hướng tới một tương lai bền vững cho các khu tái định cư ven biển Việt Nam

Về bản chất, “Kiến trúc là nghệ thuật tổ chức không gian nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của con người”. Mục tiêu của kiến trúc là đáp ứng nhu cầu, bao gồm cả về văn hóa - tinh thần của con người. Kiến trúc đích thực phải có người tạo ra và vì con người mà phục vụ. Yếu tố con người giữ vai trò chủ thể của văn hóa, nhưng với sự phát triển của xã hội đã trở nên bị phân hóa trong lĩnh vực kinh tế - xây dựng chuyên nghiệp ("nhà đầu tư, nhà tư vấn, nhà thầu, nhà quản lý, người sử dụng…). Như vậy, theo quan điểm nhân văn, một sản phẩm kiến trúc tốt phải cân bằng / hài hòa được lợi ích của các yếu tố con người tham gia vào quá trình tạo dựng kiến trúc, định hướng tới việc kiến tạo một môi trường nhân văn nơi mà cuộc sống của cộng đồng dân cư (người sử dụng) được đáp ứng cả về khía cạnh vật chất và tinh thần, đảm bảo một tương lai phát triển thịnh vượng và bền vững.

Với các khu TĐC ven biển Việt Nam, nếu tiếp cận theo quan điểm nhân văn, đồng thời đối chiếu với bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, chúng ta có thể khắc phục các tồn tại bất cập đã nêu ở trên bằng cách thiết lập một môi trường tương tác, hài hòa lợi ích của các nhóm yếu tố “con người” tham gia và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ kiến trúc, dựa trên một số nguyên tắc cơ bản như sau:

- Đảm bảo sinh kế cho người dân khi chuyển đến các khu TĐC

+ Ngư nghiệp là một trong những nghề truyền thống lâu đời, Việt Nam có đường bờ biển dài, nguồn lợi thủy/hải sản hàng năm rất lớn " Ngư dân phải bám biển và phải sống được nhờ biển, qua đó góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy phải lựa chọn địa điểm phù và có các phương án quy hoạch hợp lý cho các khu TĐC ven biển, đảm bảo không tách rời cuộc sống của cộng đồng ngư dân ra khỏi môi trường hoạt động lâu dài và ổn định của họ.

+ Những người không đi biển (phụ nữ, người già, trẻ em) cần được tạo điều kiện phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ phụ trợ trên đất liền hoặc trên các vùng biển gần bờ: làm nông nghiệp, nuôi trồng/chế biến/kinh doanh thủy hải sản, các dịch vụ ăn uống/vui chơi giải trí…" Thiết kế quy hoạch các khu TĐC phải tính đến quy mô và diện tích các lô đất, đảm bảo khả năng triển khai được các hoạt động nông nghiệp hoặc dịch vụ phụ trợ, tiến tới chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp của cộng đồng dân cư tại nơi ở mới.

- Đa dạng hóa nguồn vốn và cơ chế đầu tư xây dựng các khu TĐC ven biển.

Bằng cách tiếp cận nhân văn, thông qua việc nghiên cứu kỹ lưỡng bối cảnh KT-XH nhằm tìm giải pháp không chỉ để giải quyết các vấn đề bức xúc trước mắt mà còn tạo cơ hội cho người dân tái thiết và phát triển cuộc sống một cách bền vững, lâu dài. Nếu việc quy hoạch - xây dựng các khu TĐC được tính toán kỹ ngay từ khâu lựa chọn địa điểm và hoạch định chiến lược phát triển - để cộng đồng dân cư mới không chỉ có nơi ở ổn định và an toàn, mà còn có thể phát triển đa dạng các ngành nghề truyền thống, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng, phát triển du lịch/dịch vụ, tạo thu nhập ổn định " việc thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội hóa sẽ dễ dàng hơn. Với cơ chế phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, các dự án xây dựng khu TĐC ven biển sẽ trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn, các nhà đầu tư sẽ chung tay cùng với chính quyền và cộng đồng để thực hiện và thúc đẩy sự phát triển ổn định của mô hình khu TĐC mới bền vững.

- Đào tạo kỹ năng và nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề môi trường

Du lịch biển là định hướng lớn cho sự phát triển ổn định và bền vững của các địa phương ven biển song song với ngư nghiệp và các hoạt động khai thác truyền thống. Các khu dịch vụ/nghỉ dưỡng luôn có nhu cầu tuyển dụng đội ngũ nhân viên thạo việc, có kiến thức tốt về văn hóa bản địa và các giá trị lịch sử/truyền thống của địa phương. Du khách coi trọng trải nghiệm vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên, những đặc sắc về văn hóa/lịch sử/nghệ thuật/ẩm thực… Một môi trường biển trong lành với cảnh quan tươi đẹp cùng một nền văn hóa truyền thống đặc sắc và đa dạng luôn tạo ra sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách từ mọi nơi trên thế giới. Thiên thời - Địa lợi đều đã có, yếu tố Nhân hòa thì phải thông qua giáo dục/đào tạo. Giáo dục để nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi về vấn đề môi trường tự nhiên cũng như môi trường văn hóa, đồng thời đào tạo các kỹ năng nghề cần thiết để cộng đồng dân cư trên bờ không chỉ sinh sống bằng trồng trọt chăn nuôi, mà còn thích ứng với đời sống mới có sự pha trộn của các yếu tố thương mại, dịch vụ và du lịch. Với góc nhìn như vậy, các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề là những hạng mục không thể thiếu trong tổng thể quy hoạch của một khu TĐC ven biển.

- Duy trì và phát huy văn hóa bản địa làm nền tảng cho phát triển bền vững

Từ bao thời nay, biển không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống, mà còn là không gian để cộng đồng người Việt tạo lập nên một nền văn hóa biển đảo, với những di sản văn hóa đặc sắc: hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội dân gian liên quan đến biển; văn hóa sinh hoạt, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa… Đây chính là nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch biển đảo bền vững. Du lịch biển phát triển góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường biển. Hơn ai hết, cộng đồng dân cư ven biển là những người hiểu rõ nhất những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của quê hương mình " có vai trò rất quan trọng trong công cuộc gìn giữ và quảng bá các giá trị đó.

Làng xóm của người Việt vốn hình thành từ các gia đình của một/nhiều dòng họ, là đơn vị cơ sở bền vững và hoàn chỉnh của xã hội truyền thống, là thiết chế thực hành và truyền bá các giá trị văn hóa dân gian. Kiến trúc quần cư là di sản tổng thể biểu hiện những giá trị văn hóa phi vật thể mà không cần những yếu tố vật thể nổi bật. Giá trị tổng thể không nằm ở sự nổi trội của các phần tử đơn lẻ, mà ở tính thống nhất trong sự đa dạng tự nhiên, không gượng ép, không cứng nhắc mà hòa hợp với thiên nhiên, khí hậu và cuộc sống/sinh hoạt của con người. Chính những đặc tính văn hóa giàu bản sắc đó là nền tảng cho cộng đồng làng xã và dân tộc trường tồn và phát triển trong suốt hàng ngàn năm lịch sử. Từ những kinh nghiệm của cha ông trong quá khứ có thể rút ra những bài học có tính thời sự sâu sắc - một cộng đồng mới được hình thành không chỉ dựa trên các yếu tố vật chất như nhà cửa, đường xá, hạ tầng kỹ thuật hay cảnh quan đô thị mà còn phải đáp ứng cả những nhu cầu văn hóa tinh thần phong phú của con người, lấy đó làm nền tảng để duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của toàn xã hội.

5. Kết luận

Năm 2012, Hội KTS Việt Nam đã công bố Tiêu chí Kiến trúc xanh Việt Nam gồm: Địa điểm bền vững; Sử dụng hiệu quả tài nguyên - năng lượng; Chất lượng môi trường; Kiến trúc tiên tiến - bản sắc; Tính xã hội nhân văn bền vững. Hệ thống này cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của các yếu tố nhân văn (3/5 tiêu chí) trong môi trường kiến trúc. Kiến trúc khu TĐC là sản phẩm của con người, do con người xây dựng lên và vì con người mà phục vụ - nên từ khởi điểm và trong bản chất đã phải mang tính nhân văn, gắn với con người và cuộc sống của con người. Tiếp cận nhân văn là đề cao yếu tố tinh thần trong kiến trúc, lấy yếu tố “con người” làm trọng tâm để kết nối liền mạch nhân văn từ con người chủ thể sáng tạo đến con người chủ thể thụ hưởng, thông qua trung gian là môi trường kiến trúc, cân bằng/hài hòa các nhóm lợi ích, hóa giải các mâu thuẫn giữa con người với con người và giữa con người với tự nhiên.

Khắc phục triệt để những tồn tại ở các khu TĐC ven biển hiện nay là việc không đơn giản và cũng không thể gặt hái thành tựu trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, cùng với sự chung tay, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp các ngành, các nhà đầu tư / phát triển du lịch, dịch vụ và sự chủ động, tự giác, có trách nhiệm của người dân, tình hình sẽ sớm được cải thiện, góp phần ổn định cuộc sống cho các cộng đồng dân cư, hướng đến một tương lai phát triển thịnh vượng bền vững cho các khu TĐC ven biển.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Kiến trúc & Xây dựng, Số 40/2021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)