Tổ chức không gian cây xanh trong nhà ở cao tầng tại Hà Nội

Thứ tư, 27/10/2021 15:42
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Mở đầu

Ngày nay với xu hướng phát triển đô thị hóa, lượng dân cư tập trung về địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng tăng. Điều này khiến cho nhu cầu về nhà ở đặc biệt là nhà ở cao tầng ngày càng tăng cao. Đặc biệt trong những năm gần đây tốc độ xây dựng nhà ở cao tầng tại Hà Nội ngày càng tăng cao về mật độ xây dựng. Việc xây dựng nhà ở cao tầng cùng lúc này khiến cho mức độ ô nhiễm bụi không khí tại Thủ đô ngày càng tăng cao, nhà ở cao tầng là một trong những đối tượng chịu nhiều tác động của việc ô nhiễm này. Ngoài ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường các công trình nhà ở cao tầng còn chịu nhiều tác động của bức xạ mặt trời nhất là trong những tháng mùa hè khi nhiệt độ trung bình tại Thủ đô có lúc lên cao từ 40-45 độ C. Cùng với đó việc phát triển cây xanh trong các công trình công cộng và nhà ở thấp tầng tại Việt Nam đang đón nhận được những dấu hiệu tích cực từ việc giảm bức xạ mặt trời, ô nhiễm, khói bụi và tiết kiệm nguồn năng lượng. Tại một số nước trên thế giới hiện nay, họ cũng đã và đang áp dụng phát triển đưa không gian cây xanh lên các công trình nhà ở cao tầng nhằm góp phần tăng lượng cây xanh đô thị, đáp ứng được mật độ cây xanh trong công trình và góp phần cải thiện tâm lý con người tại các khu vực trung tâm đô thị là nơi có mật độ xây dựng cao. Với định hướng nhà ở cao tầng là một trong những loại hình nhà ở phổ biến ở nước ta nói chung và tại Hà Nội nói riêng.

Bài viết này trao đổi vài nét những thế mạnh của cây xanh và hướng khắc phục những điểm yếu trong việc tổ chức để hình thành một số giải pháp hữu ích, góp phần cải thiện môi trường, giảm bức xạ mặt trời và tiết kiệm năng lượng.

1. Thực trạng tổ chức không gian cây xanh trong nhà ở cao tầng tại Hà Nội

1.1. Khái quát về nhà ở cao tầng tại Hà Nội

a. Định nghĩa nhà ở cao tầng tại Việt Nam

Nhà ở cao tầng nói chung là loại nhà phổ biến ở các thành phố hiện đại ngày nay, nhất là ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển. Loại nhà này có số tầng là từ 9 tầng trở lên hoặc có độ cao trên 27m so với mặt đất (nếu tầng cao trung bình là 3m), với phương tiện đi lại chủ yếu bằng thang máy, được hình thành từ các căn hộ hiện đại kiểu hộ khép kín, có sử dụng chung các phương tiện giao thông trong nhà như: cầu thang bộ, hành lang, thang máy, và một số dịch vụ công cộng khác.

b. Những ưu điểm của việc xây dựng nhà cao tầng

Nhà cao tầng ra đời và phát triển ngày càng mạnh mẽ trên thế giới cũng như trong nước ta bởi lẽ thực tiễn đã chứng minh được những ưu điểm của nó.

- Tiết kiệm đất xây dựng: Tiết kiệm đất xây dựng là động lực chủ yếu thúc đẩy việc phát triển nhà cao tầng trong đô thị. Kinh tế đô thị phát triển và sự tập trung dân số đã đặt ra yêu cầu đối với nhà ở nói riêng và kiến trúc đô thị nói chung.

- Thuận lợi cho sinh hoạt, làm việc và sử dụng: Nhà cao tầng làm cho môi trường làm việc và sinh hoạt của con người được không gian hóa cao hơn, các mối liên hệ theo phương nằm ngang và theo phương thẳng đứng có thể kết hợp lại, rút ngắn khoảng cách các điểm, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu suất thuận lợi cho sử dụng.

- Làm phong phú diện mạo của đô thị: Nhà cao tầng cho phép ta dành được nhiều diện tích đất cho những khoảng không gian thoáng đãng để làm xanh hóa thành phố, cho những công trình vui chơi giải trí, còn đóng góp vào việc làm đẹp cảnh quan môi trường đô thị. Trên đỉnh một số công trình nhà ở có thể bố trí Sky Garden tạo cảnh quan cây xanh tầng mái cho công trình. Một số công trình nhà ở cao tầng được coi là Landmark điểm nhấn cho tuyến đô thị và là biểu tượng của thành phố như các tòa nhà như Keangnam, Lotte, Discovery.

1.2. Thực trạng tổ chức không gian cây xanh trong nhà ở cao tầng tại Hà Nội

a. Thực trạng tổ chức không gian cây xanh trong nhà ở cao tầng tại Hà Nội

Trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay, với phương châm “Tấc đất tấc vàng” chúng ta có thể nói ngày nay cây xanh đã và đang trở thành những thứ “xa xỉ” đối với cuộc sống của con người trong nhà ở cao tầng hiện nay. Thực trạng nhà ở cao tầng tại Hà Nội hiện nay cũng cho thấy rõ phần nào hiện tượng này. Tại đường Minh Khai ta có thể thấy màu xanh của không gian cây xanh trong nhà ở cao tầng rất thưa thớt, những mảng màu chủ yếu chúng ta có thể nhìn thấy là màu xám của bê tông, hàng rào thép, màu đỏ của mái tôn, màu đen của đường phố… Hay tại khu đô thị Nam Trung Yên (Quận Cầu Giấy), mặc dù đã có hàng nghìn người dân đến sinh sống tại các tòa nhà, song hiện cây xanh tại đây đa phần là cây nhỏ và phần lớn chúng đều mới được trồng theo mục tiêu 1 triệu cây xanh đến năm 2020 của Thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó là việc đại đa số các chủ đầu tư của các dự án nhà ở cao tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đặt nặng bài toán kinh tế trong đầu tư xây dựng công trình. Để làm sao người đầu tư có thể thu được lợi nhuận tối đa nhất từ trong việc kinh doanh dịch vụ, không gian ở trong nhà ở cao tầng được xây dựng trên một khu đất nhất định. Và mục tiêu đó của họ được thực hiện bằng các giải kỹ thuật xây dựng như giảm chiều dày tường ngăn chia không gian trong khu ở, thay thế cột chịu lực bằng vách chịu lực, giảm chiều cao sàn, tăng số tầng nhà… hay một số giải pháp kiến trúc như giảm diện tích hành lang, diện tích lưu thông, sảnh… và cắt giảm các khoản mục đầu tư cây xanh trong công trình. Diện tích sử dụng tăng cùng với những giải pháp về cắt giảm diện tích dịch vụ, công cộng và các khoản đầu tư cây xanh giúp cho những chủ đầu tư này thu được lợi nhuận kinh tế càng lớn. Vì những lợi ích kinh tế này mà lâu nay các vấn đề về tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tổ chức không gian cây xanh trong nhà ở cao tầng trở thành những vấn đề bị xem nhẹ.

Cùng với đó, việc thiết kế đô thị chưa được quan tâm đúng mức cho các tuyến phố, các lô phố trong đô thị nói chung và những khu vực có nhà cao tầng nói riêng. Việc thiết kế nhà cao tầng hầu như chỉ tập trung vào từng công trình cụ thể, chưa quan tâm nhiều đến tổng thể không gian đô thị về tính hài hòa, tỷ lệ tương thích giữa nhà cao tầng với không gian xung quanh. Nhiều công trình không có khoảng lùi hoặc khoảng lùi không đáng kể làm cho không gian xung quanh thêm chật chội, thiếu tầm nhìn cho người quan sát. Cây xanh trồng trong nhà ở cao tầng chưa được quan tâm đúng mức, chưa có sự kết hợp hài hòa giữa các cây xanh với nhau và cây xanh với công trình. Hiện nay, cây xanh trong nhà ở cao tầng chủ yếu được trồng ở mặt tiền của công trình, bao gồm cây xanh trong diện tích sử dụng các công trình kết hợp phần hành lang vỉa hè đô thị. Tuy nhiên, tại một số công trình việc quan tâm đến chăm sóc, bảo vệ cây xanh còn ít nên dẫn đến nhiều cây xanh bị hỏng, thui chột và không phát triển được một cách toàn diện làm ảnh hưởng đến định hướng sử dụng cây xanh trong công trình và mỹ quan trong công trình cũng như mỹ quan đô thị.

b. Thực trạng tổ chức không gian cây xanh trong căn hộ chung cư cao tầng tại Hà Nội

Do hình thức tổ chức mặt bằng của các căn hộ chung cư đa phần chỉ có 1 hoặc 2 mặt giáp với môi trường và ánh sáng tự nhiên bên ngoài căn hộ, nên khả năng sử dụng ánh sáng tự nhiên và thông gió trong căn hộ bị hạn chế. Việc này kéo theo hệ lụy trong việc tổ chức cây xanh trong căn hộ cũng bị hạn chế theo. Dựa vào đặc tính phát triển của cây xanh và hiện trạng không gian căn hộ nên đa phần không gian cây xanh trong nhà ở cao tầng được bố trí tập trung ở khu vực lô gia. Do đặc điểm của không gian căn hộ nằm tách biệt so với tầng mặt đất nên cây xanh trong căn hộ chủ yếu được trồng trong chậu để thuận tiện cho việc di chuyển chậu cây đến các vị trí ánh sáng tốt nhất trong căn hộ, thuận tiện cho việc chăm sóc cây xanh cũng như hạn chế những ảnh hưởng từ tầng sinh môn của cây xanh đến các vật liệu hoàn thiện trong căn hộ như trần, tường, sàn. Tuy không gian lô gia được coi là không gian lý tưởng trong bố trí cây xanh trong căn hộ nhưng dưới đây là một số lý do khiến cho người dân trong căn hộ không thể sử dụng không gian này làm không gian cây xanh trong căn hộ và đây cũng là thực trạng trong việc tổ chức cây xanh trong căn hộ chung cư cao tầng tại Hà Nội.

Một số lô gia không trồng được cây xanh do diện đứng quay về hướng Tây và Tây Nam chịu nhiều tác động của mặt trời cùng với sự bức xạ nhiệt của bê tông khiến cho cây xanh tại các không gian này không phát triển tốt.

Một số lô gia sử dụng lan can bằng kính khiến cho việc lưu thông không khí tại khu vực phía dưới của lô gia (khu vực bố trí cây xanh) kém. Dẫn đến việc trao đổi chất của cây bị gián đoạn nên cây xanh không phát triển tốt tại các dạng lan can này.

Những lí do trên chính là những rào cản trong việc tổ chức không gian cây xanh trong căn hộ chung cư cao tầng. Cũng chính những lí do này khiến cho việc bố trí, tổ chức cây xanh trong lô gia căn hộ trong mặt đứng tổng thể diễn ra không đồng đều, nhất quán làm ảnh hưởng đến kiến trúc mặt đứng công trình và mỹ quan đô thị.

2. Những tồn tại về tổ chức không gian cây xanh trong nhà ở cao tầng tại Hà Nội

a. Thiếu diện tích cây xanh cảnh quan

Vì một số lí do mặt bằng, kinh tế, điều kiện dịch vụ chăm sóc mà hiện nay việc bố trí cây xanh trong tổng mặt bằng công trình chưa được đầu tư phát triển một cách tốt nhất. Tại một số công trình có diện tích xây dựng lớn, diện tích cây xanh tại đây chỉ vỏn vẹn một vài bồn cây ở phía trước công trình. Do để hạn chế làm ảnh hưởng đến tầm nhìn và tổng thể công trình nên các bồn cây này chủ yếu chú trọng các loại cây thấp hoặc một số cây lá bẹ như cau, dừa cảnh, cọ cảnh… Hay tại một số công trình như nhà ở cao tầng ven tuyến đường Nguyễn Chánh dù có diện tích mặt bằng nhưng diện tích cây xanh lại không được trồng và phát triển để bù đắp cho các diện tích đó. Thay cho việc tổ chức cây xanh tốn kém về chi phí và bảo dưỡng thì sân vườn tại đây đa phần đều bỏ trống và được phân chia bởi đường giao thông xunh quanh công trình và các mảng bê tông mặt bằng xám xịt. Dù có hay không có diện tích đất phụ trợ xung quanh trong công trình nhà ở cao tầng đang là một thực trạng hiện hữu và đáng báo động trong việc thích ứng và đảm bảo môi trường sống của người dân trong các tòa nhà cao tầng này.

b. Thiếu ánh sáng tự nhiên cho cây xanh do mật độ xây dựng nhà ở quá dày

Việc mật độ xây dựng nhà ở cao tầng tại Hà Nội đang ở mức cao cùng với đó là tốc độ xây dựng nhà ở cao tầng một cách chóng mặt trong những năm gần đây. Việc xây dựng các nhà ở cao tầng sát nhau không đáp ứng đủ các yêu cầu về khoảng cách, khoảng lùi đã khiến cho khả năng chiếu sáng và thông gió trong các căn hộ nhà ở cao tầng bị hạn chế và giảm thiểu khá nhiều. Điều này không chỉ tác động đến con người trong công trình mà còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển tự nhiên của cây xanh trong không gian nhà ở cao tầng.

c. Chưa có giải pháp tổ chức cây xanh tại không gian các căn hộ diện đứng hướng Tây

Cây xanh trong căn hộ luôn dành được sự quan tâm của nhiều người dân trong nhà ở cao tầng. Nhưng tại một số căn hộ có diện đứng mặt ngoài hướng tây thì sự quan tâm này gần như bị hạn chế. Sự hạn chế ở đây không phải là do việc người dân không muốn sử dụng cây xanh trong căn hộ của mình. Mà sự hạn chế ở đây là người dân không biết duy trì sự phát triển cây xanh ở các không gian lô gia hướng Tây như nào là tốt nhất. Bởi vì đơn thuần họ sử dụng trong các không gian lô gia ấy chính là lớp màng ngăn nhiệt, bức xạ mặt trời, bụi bẩn tác động đến cuộc sống phía trong căn hộ của họ.

d. Chưa tận dụng được không gian mái trong tổ chức không gian cây xanh

Ngay từ thửa sơ khai khi phát triển các không gian ở luôn đi kèm với việc bố trí cây xanh. Khi hình thức nhà ở phát triển sang các dạng nhà ở biệt thự, liền kề, song lập với diện tích đất bị thu hẹp, việc phát triển cây xanh được đưa lên trên mái của các công trình này. Cây xanh được trồng tại đây một phần là các cây xanh cung cấp thực phẩm cho cuộc sống con người, một phần còn lại của chúng là những cây xanh đem lại giá trị tâm sinh lý, giải khát nỗi nhớ thiên nhiên của con người. Đây cũng được coi là một trong những vật liệu chống nóng cho tầng mái của công trình. Tại các nhà ở thấp tầng việc sử dụng cây xanh tại các không gian mái đang làm rất tốt nhưng tại các nhà ở cao tầng hiện nay thì sự phát triển ấy chưa được ứng dụng một cách rộng rãi. Đa phần các không gian mái trong nhà ở cao tầng đều là không gian chung lên đều không nhận được nhiều sự quan tâm về tổ chức không gian cây xanh tại các khu vực này.

3. Một số kiến nghị và giải pháp tổ chức không gian cây xanh trong nhà ở cao tầng tại Hà Nội

Như đã đề cập ở trên, với nhiều tình hình phát triển kinh tế xã hội như hiện nay thì việc xuất hiện của các tòa chung cư cao tầng là điều tất yếu và rất quan trọng trong việc giải quyết không gian ở cho người dân.

Dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng cũng như căn cứ theo điều kiện thực tiễn của nhà cao tầng tại Việt Nam nói chung và tại Hà Nội nói riêng, tác giả xin kiến nghị một số giải pháp cho việc tổ chức không gian cây xanh trong nhà ở cao tầng tại Hà Nội như sau:

- Đề xuất tổ chức không gian cây xanh tại mặt ngoài khối đế công trình.

Đối với hình thức này việc tổ chức không gian cây xanh phải đảm bảo việc lưu thông gió tự nhiên tại khối đế của công trình. Tận dụng hướng gió chủ đạo là hướng Nam và Đông Nam. Tránh việc tổ chức cây xanh tán rộng và thấp tại các khu vực này. Tại các hướng Tây và Tây Nam cần bố trí các cây xanh có chiều cao lớn và tán rộng để có thể che chắn nắng chiều chứa nhiều tia cực tím với nhiệt độ cao tác dụng lên công trình. Đồng thời cũng phải lưu ý việc tổ chức không gian cây xanh che chắn tại các vị trí hướng gió bất lợi như hướng Bắc thổi không khí lạnh.

Đối với hình thức này cây xanh tập trung chủ yếu nằm tại một bên của công trình, đa số không gian cây xanh nằm ở phía trước công trình. Vì vậy, khi tổ chức cây xanh mặt nước công trình cần lưu ý tránh làm cản trở tầm nhìn từ các hướng giao thông đến công trình. Chủ yếu cây xanh sử dụng trong các không gian này là các cây xanh lá phát triển theo buồng lá: Cọ, dừa cảnh, cau cảnh… đan xen với các không gian cây bụi ở phía dưới.

- Đề xuất giải pháp trồng cây xanh che phủ đường giao thông xunh quanh công trình.

Đường giao thông xung quanh công trình luôn luôn chiếm một tỷ lệ nhất định trong diện tích đất sử dụng của công trình nhà ở cao tầng. Nếu như kết hợp không gian cây xanh trên mái bao phủ lên các đường giao thông xung quanh công trình thì sẽ đảm bảo mô hình áp dụng được nhiều hơn trong các công trình nhà ở cao tầng. Tuy nhiên, việc tạo dựng không gian cây xanh trên mái cũng sẽ gây ra nhiều tốn kém về chi phí kinh tế, cùng với đó việc tổ chức không gian mái này cũng không thể tổ chức một cách liên tục vì phải đảm bảo sự thông thoáng và chiếu sáng cho các không gian phía dưới công trình.

- Đề xuất giải pháp tổ chức cây xanh tại mặt đứng công trình

Việc tổ chức cây xanh tại mặt đứng công trình cũng tạo hiệu ứng phủ xanh công trình, tạo cảm giác dễ chịu cho người dân khi tiếp cận công trình thay vì phải thường xuyên nhìn thấy các mảng bê tông thô cứng. Việc tổ chức không gian cây xanh tại mặt đứng công trình thường được tổ chức theo hai giải pháp sau:

+ Giải pháp cây leo bao phủ mặt đứng: Cây leo là một trong những giải pháp tổ chức cây xanh mặt đứng công trình. Một số cây thân leo nhờ rễ bám được trồng tại lô gia và cho thân thả xuống phần dưới thành lan can lô gia tạo thành một lớp rèm xanh bao che và chắn nắng cho công trình. Một số cây thân leo dạng thân quấn hoặc tua quấn thường được trồng kết hợp với hệ lam chắn nắng trục đứng công trình. Hệ lam này vừa có tác dụng chắn nắng vừa làm hệ dưỡng cho cây leo phát triển bao phủ bề mặt công trình. Một số cây thân leo thường được sử dụng trong công trình như cúc tần Ấn Độ, cây thường xuân, cây cát đằng…

+ Giải pháp trồng cây xanh tường đứng: Tường cây là tường được bao phủ một phần hoặc hoàn toàn bởi thực vật bao gồm cả chất để nuôi sống cây. Đa số các tường cây đều tích hợp hệ thống tưới cây tự động, tường cây còn được biết đến như là vườn thẳng đứng. Cấu tạo của vườn đứng với cấu tạo 3 lớp là lớp vách ngăn chống thấm, lớp khung sắt mạ kẽm hoặc inox được gắn chặt với tường và lớp cuối cùng là các chậu cây treo được thiết kế sẵn dạng modul để trồng cây, chứa đất cung cấp dưỡng chất cho cây.

+ Giải pháp tổ chức cây xanh tại lô gia: Đối với từng hướng nhà chúng ta sẽ có những giải pháp áp dụng riêng cho việc trồng cây xanh.

+ Đối với lô gia ở hướng Nam, Đông Nam nên sử dụng cây tán thưa và chiều cao thấp để đảm bảo lấy sáng và thông gió tự nhiên.

+ Đối với lô gia chịu bức xạ trực tiếp từ mặt trời nên sử dụng những cây tán rộng, đủ chiều cao che chắn hoặc sử dụng chậu cây treo để hạn chế phạm vi chiếu sáng trực tiếp của mặt trời.

+ Đối với các lô gia hướng Bắc nên sử dụng các cây thân dày để cản gió và sử dụng những cây lá xung quanh tăng độ sáng cảnh sắc không gian này về mùa đông.

4. Kết luận

Hệ quả của quá trình đô thị hóa - hiện đại hóa đang diễn ra trên khắp cả nước và Hà Nội là một trong những trung tâm kinh tế chính của cả nước cũng không nằm ngoài vòng xoáy phát triển ấy. Việc phát triển đô thị tại Hà Nội kéo theo sự tập trung dân cư tại các địa phương khác tập trung sinh sống và làm việc tại đây. Việc tập trung dân cư này khiến cho tổng dân số tại Hà Nội càng ngày càng tăng cao. Việc ra tăng dân số này đòi hỏi các hình thức nhà ở cao tầng được coi là một giải pháp thích hợp nhất lúc này. Vì thế việc phát triển nhà ở cao tầng cần có những định hướng phát triển theo giai đoạn, thích ứng với sự biến đổi khí hậu, nhu cầu của người dân để làm sao có thể phát triển nhà ở cao tầng theo hướng đi bền vững nhất. Nên mô hình hướng tổ chức cây xanh trong nhà ở cao tầng được cho là một trong những giải pháp tích cực trong việc đáp ứng tiêu chí co việc phát triển nhà ở cao tầng trong tương lại tại Hà Nội.

Trước mắt, để giải quyết không gian xanh cho nhà ở cao tầng ở Hà Nội, bài viết này kiến nghị một số giải pháp cơ bản về việc tổ chức các không gian cây xanh cũng như các hướng đưa không gian xanh vào trong nhà cao tầng nhằm đem lại hiệu quả cao cũng như mỹ quan cho công. Hy vọng thời gian tới, trong quá trình đô thị hóa vẫn mạnh mẽ như vậy giải pháp này có thể giúp ích cho các chủ đầu tư trong việc xây dựng các căn hộ chung cư cao cấp và đáng sống.

Nguồn: Tạp chí Vật liệu Xây dựng, Số 6/2021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)