Ngành Xây dựng cần thúc đẩy chuyển đổi hợp tác trong và ngoài ngành

Thứ ba, 23/03/2021 16:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Sự đồng thuận trong toàn ngành về các tiêu chuẩn
Các tiêu chuẩn được kỳ vọng bởi nhiều lý do khác nhau. Tuân thủ các tiêu chuẩn giúp đảm bảo rằng các sản phẩm an toàn, tương thích và tốt cho môi trường. Sự đồng bộ về các tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm và dịch vụ sẽ giúp các ngành công nghiệp đạt hiệu quả cao hơn và có thể vượt qua được các rào cản thương mại. Ví dụ, Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Hoa Kỳ được đề xuất nhằm thúc đẩy kinh tế đa phương thông qua việc đồng bộ hóa các tiêu chuẩn và cách thức quản lý khác nhau.

Ngành Xây dựng thiếu các thỏa thuận toàn cầu về các tiêu chuẩn. Điều đó ảnh hưởng đến sự tăng năng suất cũng như hiện đại hóa của ngành xây dựng. Trong tương lai, ngành xây dựng còn có thể đánh mất tiềm năng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số: Nếu ngành Xây dựng vẫn có mức độ phân tán cao, thiếu sự thống nhất về tiêu chuẩn của ngành, thì khó xây dựng được các tiêu chuẩn liên ngành. Toàn bộ ngành Xây dựng cần phối hợp hành động:

Liên kết và tổ chức: Đây chắc chắn là nỗ lực lớn của các công ty xây dựng trong việc thiết lập các tiêu chuẩn của nội bộ công ty khi thực hiện các dự án khác nhau với một khách hàng và thậm chí phải nỗ lực hơn khi thực hiện các dự án khác nhau với các khách hàng và trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Các công ty xây dựng cần thành lập các tổ chức làm đại diện cho tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị, ở cấp quốc gia, quốc tế hoặc toàn cầu, đồng thời đảm bảo chắc chắn rằng, các chuyên gia được đề xuất là phù hợp (ví dụ chuyên gia của các Viện nghiên cứu) và các tổ chức đó phải đủ lớn, đủ chuyên ngành để thực sự bảo vệ và đại diện cho lợi ích của toàn ngành.

Xác định các chủ đề tiêu chuẩn hóa chủ yếu và xây dựng một quan điểm chung: Với tiềm năng lớn để cải thiện sự hợp tác giữa các bên liên quan trong các dự án xây dựng, điều quan trọng, các công ty cần phải có phối hợp nhịp nhàng và có tiếng nói chung. Toàn bộ ngành cần xác định những lĩnh vực chủ yếu để hành động và cần thống nhất về quan điểm chung:

+ Các tiêu chuẩn về phần mềm, giao diện và giao thức truyền thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc số hóa trong toàn ngành. Đặc biệt, doanh nghiệp cần thiết lập các tiêu chuẩn về ngôn ngữ máy (mã máy) cho robot và thiết bị xây dựng tự động trong các giao diện giữa các hệ thống khác nhau như BIM và Hệ thống thông tin địa lí (GIS).

+ Giao diện tiêu chuẩn giữa các cấu kiện và modul đúc sẵn sẽ giúp tăng cường sự tương thích hệ thống, đem lại hiệu quả kinh tế trên quy mô cho nhà cung cấp, cũng như là động lực tăng năng suất. Nhờ đó sẽ thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa ngành Xây dựng.

+ Định nghĩa chuẩn hóa về chi phí, phân loại và đo lường trong toàn bộ vòng đời công trình sẽ giúp tăng cường tính so sánh và tương thích của các dự án.

+ Tiêu chuẩn về hợp đồng, ví dụ hợp đồng liên ngành và hợp đồng IPD, sẽ giúp giảm chi phí ban đầu và tránh những tranh chấp về pháp lý cho các công tư tư nhân.

DGNB 90 (Hội đồng xây dựng bền vững của Đức), một số tổ chức tập trung vào xây dựng bền vững, với các thành viên theo chuỗi giá trị, đã phát triển các chương trình chứng nhận nhằm cung cấp cơ sở thống nhất để đánh giá quy hoạch, xây dựng và vận hành các công trình bền vững.

Úc đang tiên phong trong việc tiêu chuẩn hóa các hợp đồng liên doanh để giảm chi phí ban đầu liên quan đến việc xây dựng các hợp đồng này.

- Định hướng chính sách: Việc xác định và thiết lập các tiêu chuẩn liên ngành là nỗ lực phức tạp, đa chiều và liên quan đến lợi ích của các bên khác nhau. Có nhiều tổ chức tiêu chuẩn hóa được thành lập cho các ngành, hoặc cho các chủ đề cụ thể có tính quốc gia, khu vực hoặc toàn cầu. Ngành Xây dựng phải đảm bảo có đại diện của mình trong các tổ chức tiêu chuẩn hóa và các tập đoàn công nghiệp liên quan, để có tiếng nói và định hướng các chính sách.

Công ty Atkins đã cử người đại diện tham gia Nhóm chỉ đạo ISO (có các thành viên đến từ các công ty xây dựng tư nhân, chính phủ và các viện nghiên cứu) để tư vấn về các tiêu chuẩn ngành về quản lý thông tin, đặc biệt về việc ứng dụng BIM trong giai đoạn xây dựng của các dự án.

Trong nhiều trường hợp, các tiêu chuẩn ngành trực tiếp hoặc gián tiếp được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, hoặc được tích hợp trong các quy chuẩn xây dựng quốc gia. Do đó, ngành Xây dựng cần nỗ lực thiết lập các tiêu chuẩn tối ưu trước các quy định về quản lý, nhờ đó có thể định hướng chính sách.

2. Tăng cường trao đổi dữ liệu, chia sẻ các kinh nghiệm

Trước đây, tri thức độc quyền là điểm khác biệt chính giữa những công ty trong các ngành. Hiện nay, sức ép ngày càng tăng khiến cho các công ty phải hợp tác, liên kết với nhau, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới để đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Điều này đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp thuộc ngành phân tán, ví dụ như các công ty xây dựng - đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong thực tế, sự hợp tác, liên kết đó hoàn toàn không dễ dàng.

Để thúc đẩy sự hợp tác, thậm chí chia sẻ kinh nghiệm giữa các công ty, cần có một nỗ lực lớn, thậm chí là nỗ lực toàn cầu. Tăng cường chia sẻ tri thức giữa các công ty hoạt động trong cùng một lĩnh vực sẽ giúp cho việc thu hẹp khoảng cách giữa phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ. Với mục đích này, ngành Xây dựng nên thiết lập một tổ chức nền tảng - ví dụ một hiệp hội được công nhận - bao gồm các công ty xây dựng hàng đầu ở tất cả các lĩnh vực. Tổ chức này, nhờ tính chất trung lập và chính thức, có thể khuyến khích việc chia sẻ các bài học kinh nghiệm của các công ty cùng lĩnh vực, cũng như có thể phát huy tối đa lợi ích của hệ thống cơ sở dữ liệu do tổ chức này thu thập, xử lý và lưu trữ.

Viện Công nghệ Xây dựng tại Hoa Kỳ thu thập những kinh nghiệm thực tiến tốt nhất và cung cấp chúng cho các thành viên của mình; các chủ đề rất đa dạng, từ các mô hình hợp tác cho đến việc lập kế hoạch dự án và khả năng xây dựng.

Các lợi ích của nhiều tiến bộ công nghệ, ví dụ như BIM, sẽ thành hiện thực chỉ khi toàn ngành áp dụng, tất nhiên việc đầu tư là của từng công ty. Thông thường, các công ty đi đầu áp dụng thường đối mặt những rủi ro, tuy nhiên, nếu không công ty nào dám chuyển đổi, thì toàn ngành sẽ thất bại. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn này và tránh sự trì trệ, toàn ngành cần thống nhất mục tiêu chung. Một nỗ lực chung dựa trên các cam kết chung - ví dụ như triển khai các công nghệ mới - có thể giúp giảm rủi ro cho các công ty và tạo cơ hội cho một sự thúc đẩy toàn ngành.

Cần lưu ý, mọi hình thức hợp tác giữa các công ty phải có biện pháp phòng ngừa thích hợp để tránh vi phạm Luật chống độc quyền hoặc Luật cạnh tranh. Đây là trách nhiệm của các công ty để đảm bảo các cơ quan quản lý hay tòa án không coi việc hợp tác đó như là một sự thông đồng.

3. Hợp tác liên ngành theo chuỗi giá trị

Hợp tác chặt chẽ hơn là cần thiết, không chỉ giữa các công ty cùng ngành, mà còn giữa các công ty thuộc các ngành khác nhau cùng tham gia vào chuỗi giá trị. Xu hướng hiện nay là phân bổ rủi ro theo chuỗi giá trị thay vì tìm cách tránh rủi ro khi áp dụng các công nghệ mới. Một giải pháp tốt để khuyến khích sự hợp tác liên ngành giữa các công ty trong chuỗi giá trị là thông qua các sáng kiến toàn ngành, chẳng hạn như các nỗ lực R&D chung và các dự án tạo lập dữ liệu. Tổ chức nền tảng được thiết lập là cần thiết để tạo điều kiện cho sự trao đổi tri thức trong các lĩnh vực thiết kế, xây dựng và vận hành. Cần xây dựng các tiêu chí đánh giá để cho phép chứng nhận độc lập và đảm bảo chất lượng, nhờ đó thúc đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ mới.

Cuối năm 2014, Hiệp hội Công nghiệp Xây dựng Đức đã đưa ra Sáng kiến “Planen und Bauen 4.0”, có sự tham gia của nhiều Hiệp hội chuyên ngành khác nhau, như Hiệp hội Kiến trúc sư, Hiệp hội Cung ứng máy xây dựng, Hiệp hội Bất động sản…nhằm mục đích tạo lập một trung tâm đào tạo công nghệ quốc gia và một đối tác truyền thông, để nghiên cứu, tư vấn về chính sách và phát triển thị trường. Sáng kiến này, với cách tiếp cận đa ngành sẽ đóng vai trò to lớn trong việc áp dụng BIM và các thành tựu lỹ thuật số khác trong ngành Xây dựng Đức.

Cụ thể hơn, có thể thu được nhiều lợi ích từ việc thành lập các đơn vị hoặc một tổ chức của toàn ngành mà có sự tham gia của tất cả các bên trong chuỗi giá trị. Các tổ chức đó sẽ kích thích sự hợp tác và thúc đẩy các mối liên kết ngành ngang, liên kết ngành dọc, thiết lập quy tắc và khuôn khổ chung không thiên vị bên nào, đồng thời cũng có thể thu nạp các Hiệp hội thương mại, các nhóm lợi ích, các học giả, các Hiệp hội và doanh nghiệp thương mại địa phương.

Hiệp hội Xây dựng Canada, đại diện cho ngành Xây dựng ở Canada, gồm 20.000 công ty thành viên thuộc 70 Hiệp hội Xây dựng địa phương. Viện Xây dựng tinh gọn (Lean Construction Institute) thuộc Hiệp hội Xây dựng Canada được thành lập vào năm 2015, cung cấp một nền tảng cho tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng – chủ sở hữu, nhà thiết kế, nhà thầu, các doanh nghiệp và nhà cung ứng dịch vụ - để hợp tác phát triển và ứng dụng các công cụ và ky xthuaatj tinh gọn cho toàn bộ vòng đời của công trình.

4. Tiếp thị liên ngành

4.1. Hợp tác giữa các ngành thu hút nhân lực

Ngành Xây dựng có tỷ lệ lao động nữ chỉ chiếm 9% và số lượng lao động rời khỏi ngành Xây dựng được dự báo vào khoảng 33% trong vòng 10 năm tới - là các con số thấp nhất và cao nhất trong sự so sánh với các ngành khác - do đó, nỗ lực tiếp thị chung của các nhà tuyển dụng là cần thiết. Mục tiêu nhằm thuyết phục những người trẻ tuổi theo đuổi nghề xây dựng, xóa bỏ những định kiến về việc làm trong ngành Xây dựng, tuyên truyền về các cơ hội lựa chọn nghề nghiệp đa dạng trong ngành Xây dựng.

Việc thành lập các tổ chức chuyên về tuyển dụng nhân lực xây dựng là cần thiết, để tập hợp các thế mạnh của mỗi công ty xây dựng và thống nhất các nỗ lực tiếp thị của toàn ngành. Các tổ chức này sẽ giúp các công ty thành viên có chung quan điểm và cùng tham gia để tạo ra hình ảnh nhất quán của ngành xây dựng. Nỗ lực truyền thông chủ động và trên phạm vi rộng sẽ truyền tải hình ảnh nhất quán đó đến các nhóm mục tiêu, thông qua các chiến dịch tiếp thị với nhiều hình thức phong phú.

Trung tâm đào tạo nghề xây dựng, một tổ chức chung đại diện cho lợi ích của ngành Xây dựng Vương Quốc Anh, đã khởi xướng một chiến dịch tiếp thị toàn diện có tên “goconstruct.org”. Trang web này cung cấp thông tin chi tiết về yêu cầu năng lực, cơ hội việc làm và tiền lương; đăng tải video mô tả các nghề và công việc xây dựng; và một chiến dịch quảng cáo lớn, quảng bá hình ảnh ngành Xây dựng trên thành xe buýt, các biển quảng cáo và buồng điện thoại công cộng.

4.2. Lồng ghép truyền thông trong hoạt động xã hội

Các công ty xây dựng cần đóng góp tích cực cho các cộng đồng dân cư. Từng công ty phải áp dụng các biện pháp tốt nhất tại công trường xây dựng để bảo vệ cộng đồng và môi trường xung quanh, bảo đảm an toàn cho mọi người.

Hội Các nhà thầu chu đáo (The Constructors Scheme) - một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi ngành Xây dựng Vương Quốc Anh để cải thiện hình ảnh của ngành này - giải quyết các mối quan tâm của cộng đồng, lực lượng lao động và môi trường. Tổ chức này đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử để hướng dẫn hành vi ứng xử của các nhà thầu thành viên.

Ảnh hưởng chủ yếu đến nhận thức của người dân về ngành xây dựng này thông qua sự trải nghiệm của mỗi người về các dự án hoặc các công trình xây dựng. Mở rộng sự tham gia của cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng của dự án xây dựng vào các quá trình lập quy hoạch, thiết kế, thi công và vận hành công trình sẽ giúp các công ty nâng cao được hình ảnh của mình một cách bền vững và giảm được sự can thiệp chính trị, đặc biệt là đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Thông thường, các dự án cơ sở hạ tầng sẽ mang lại lợi ích cho một khu vực, một cộng đồng lớn, tất cả các bên liên quan đều lợi ích chung nếu như thông điệp đó được truyền tải hiệu quả.

Các dự án cơ sở hạ tầng có thể gây ra sự phản đối trong cộng đồng theo nhiều cách khác nhau. Nhiều dự án gây ra tác động lớn cho người dân địa phương mặc dù những lợi ích chúng mang lại cho xã hội lớn hơn. Người dân có xu hướng phản đối khi các dự án vượt quá ngân sách hoặc chậm trễ so với tiến độ đề ra, đặc biệt khi tỷ lệ nợ công và các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” đang gia tăng.

Vì vậy, các công ty thiết kế và xây dựng cần hợp tác với người dân sớm hơn và tiếp tục hợp tác trong suốt quá trình thi công xây dựng. Trong quá trình lập kế hoạch, cần tổ chức các cuộc tham vấn chính thức cộng đồng về đánh giá tác động môi trường và tác động xã hội của các dự án. Việc tham vấn này sẽ giúp cho người dân địa phương giảm bớt sự lo ngại và nhằm điều chỉnh thiết kế của dự án, cũng như giảm gây phiền toái cho cộng đồng trong thời gian thi công. Ví dụ, quản lý tuyến đường được lên kế hoạch tốt sẽ khiến giao thông chuyển hướng trở nên dễ chịu hơn đối với người dân địa phương. Nhìn chung, các công ty cần duy trì một chiến lược truyền thông mạnh mẽ. Giai đoạn lập kế hoạch và trong suốt giai đoạn xây dựng, các nhà phát triển dự án nên thông báo đầy đủ cho cộng đồng địa phương về tiến độ và tác động của dự án - để thỏa mãn sự tò mò, lo ngại và thậm chí là củng cố sự hỗ trợ của người dân đối với dự án.

Sự tham gia của cộng đồng không phải đã kết thúc sau khi xây dựng xong công trình. Sự hỗ trợ thường xuyên của cộng đồng đối với các công trình hạ tầng là rất cần thiết. Trong giai đoạn vận hành, có thể triển khai nhiều hoạt động quan hệ công chúng và các biện pháp tuyên truyền khác nhau, ví dụ như tổ chức các tour tham quan các cảng biển, sân bay.

4. 3.Tương tác hiệu quả với cơ quan quản lý Nhà nước

Các công ty cần triển khai những giải pháp chủ động tham gia với các cơ quan quản lý nhà nước để tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau, cùng thảo luận về tác động của các biện pháp quản lý và đảm bảo mối quan hệ tốt.

Các chiến lược vận động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như là một đối trọng đối với cơ chế quản lý luôn luôn thay đổi ở cấp quốc gia hoặc thậm chí quốc tế. Ngành Xây dựng cần tham gia và phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong hoạt động xây dựng chính sách, vì mục tiêu chung là phát triển ngành Xây dựng.

Chiến lược xây dựng 2025 của Chính phủ Vương Quốc Anh có sự phối hợp giữa ngành Xây dựng và Chính phủ để chuyển đổi ngành Xây dựng, thông qua việc tối ưu hóa mối quan hệ giữa các công ty tư nhân và cơ quan nhà nước. Ngành Xây dựng được đánh giá là có tác động lớn đến cải thiện hiệu suất của nền kinh tế. Nó đã đặt ra một tầm nhìn và một kế hoạch cho chiến lược hành động dài hạn của Chính phủ và ngành: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là về công nghệ thông minh, xây dựng xanh và thương mại ở nước ngoài.

Một lần nữa nhấn mạnh, giao tiếp hiệu quả giữa các công ty xây dựng và cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng. Ngành Xây dựng cần một sáng kiến truyền thông được thiết kế tốt cho từng giai đoạn trong vòng đời của một dự án cơ sở hạ tầng. Trong quá trình đấu thầu và đàm phán hợp đồng, các công ty không nên cung cấp các thông tin sai, kể cả khi các cơ quan nhà nước yêu cầu. Trong giai đoạn xây dựng các công ty đã ký hợp đồng cần cởi mở và chủ động báo cáo tiến độ hoặc các vấn đề cho cơ quan quản lý nhà nước. Lý tưởng nhất, các công ty nên giao cho một nhân sự cấp cao làm đầu mối liên hệ, để xây dựng các mối quan hệ tin cậy và giải quyết các vấn đề kịp thời.

Nguồn: Tạp chí Xây dựng & Đô thị, Số 72/2020

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)