Đánh giá thực thi quy hoạch: Các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn trên thế giới

Thứ sáu, 26/02/2021 11:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

1. Sơ lược về tình hình đánh giá thực thi quy hoạch tại Việt Nam

Quy hoạch là một ngành khoa học dự báo có tính phức tạp vì nó phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố; do đó, không thể đảm bảo tính chính xác của kết quả thực thi quy hoạch so với nội dung dự báo. Do đó, theo Tian & Shen (2007), đánh giá thực thi quy hoạch (nhằm xác định rõ tình trạng thực thi quy hoạch và hiểu rõ các nguyên nhân của tình trạng này) có vai trò quan trọng. Trên cơ sở kết quả đánh giá thực thi quy hoạch, các nhà quy hoạch có thể rút kinh nghiệm để điều chỉnh hoặc ban hành mới các chính sách đẩy thực thi quy hoạch, đồng thời, kết quả này cũng là cơ sở khoa học để điều chỉnh quy hoạch hoặc lập quy hoạch mới trong tương lai.

Tại Việt Nam, đánh giá thực thi quy hoạch (đánh giá trong và sau quá trình thực thi quy hoạch) ít được chú trọng, cả khi so sánh với đánh giá dự báo (đánh giá trước quá trình thực thi quy hoạch) do các nguyên nhân sau đây:

- Khó xác định mức độ thực thi quy hoạch, cụ thể:

Nội dung dự báo của quy hoạch thường gồm các mục tiêu định tính và chỉ tiêu định lượng; trong đó, các mục tiêu định tính thường khó được đánh giá chính xác.

Các tác động của quy hoạch thường chỉ đến sau một thời gian dài, do đó, mức độ thực thi quy hoạch vào thời điểm trong và ngay sau thời hạn quy hoạch thường chưa thể hiện đầy đủ.

Trong thời hạn quy hoạch, nội dung dự báo của quy hoạch (gồm các mục tiêu quy hoạch và chỉ tiêu quy hoạch) thường được điều chỉnh để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội luôn thay đổi, do đó, việc đánh giá các mục tiêu quy hoạch và chỉ tiêu quy hoạch này được điều chỉnh sẽ trở nên phức tạp hơn.

- Phương pháp đánh giá thực thi khác nhau (đánh giá định lượng và đánh giá định tính tuân thủ và đánh giá tính hiệu quả, đánh giá tính hiệu quả và đánh giá tính hiệu năng…) thường dẫn đến kết quả đánh giá thực thi khác nhau.

- Đánh giá trước quá trình thực thi (đánh giá dự báo quy hoạch thường do tư vấn thực hiện khi lập quy hoạch cùng kỳ, gắn với quyền lợi và trách nhiệm cụ thể trong hợp đồng lập quy hoạch; trong khi đó, đánh giá thực thi quy hoạch thường do chính quyền các cấp thực hiện, kết quả đánh giá thực thi quy hoạch liên quan trực tiếp đến hiệu quả điều hành kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp nên có tính nhạy cảm cao.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu về đánh giá thực thi quy hoạch còn chưa nhiều và chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn.

Bài viết này tổng quan về thực tiễn đánh giá thực thi quy hoạch trên thế giới: (i) Quy hoạch mở rộng tổng thể Amsterdam (Hà Lan), (ii) Quy hoạch tổng thể Thượng Hải (Trung Quốc), (iii) Quy hoạch tổng thể đất Thành Đô (Trung Quốc), (iv) Quy hoạch chung Lyon (Pháp), (v) Quy hoạch, kế hoạch, chương trình mang tính chiến lược tại Anh và Nam Phi, (vi) Quy hoạch quản lý thoát nước mưa và chất lượng nguồn nước của khu vực Papakura (New Zealand); từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm cho đánh giá thực thi quy hoạch tại Việt Nam.

2. Đánh giá thực thi quy hoạch mở rộng tổng thể Amsterdam (Hà Lan)

Quy hoạch mở rộng tổng thể Amsterdam đến năm 2000 là quy hoạch đầu tiên tại Hà Lan, được lập vào năm 1935 và hết hiệu lực vào năm 1955. Postuma (1987) đã làm rõ vai trò của quy hoạch này trong việc ra quyết định xuyên suốt quá trình thực thi kéo dài 20 năm (1935-1955) được áp dụng phương pháp điều tra sâu.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng:

- Trước chiến tranh, lĩnh vực nhà ở tuân thủ rất tốt theo quy hoạch, tuy nhiên, theo Faludi (2000), do Cảng vụ (một cơ quan có vai trò quan trọng trong lĩnh vực vận chuyển cát – nguyên liệu thiết yếu phục vụ mục tiêu nâng nền lên cao hơn mực nước biển) không có lợi ích trong đồ án nên đã không quan tâm, hỗ trợ dẫn đến mức độ thực thi quy hoạch không cao.

- Sau chiến tranh, cát trở nên khan hiếm do số lượng phương tiện chuyên chở không đáp ứng đủ nhu cầu.Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với khu vực miền Tây của Hà Lan – nơi có nhu cầu cao về cát do nằm dưới mực nước biển. Từ đó, một yêu cầu bắt buộc là phải hạ thấp nhu cầu về cát/nhu cầu nâng nền, đồng thời, một loạt các khu vực rộng lớn được dành riêng cho mục đích lưu trữ nước mưa. Điều này có nghĩa mục tiêu ban đầu của quy hoạch đã bị chệch hướng. Tuy nhiên, theo Faludi (2000), do những người ra quyết định có thể sử dụng lại các phân tích của quy hoạch nhằm xác định viễn cảnh cũng như giải pháp ứng phó với tình trạng khan hiếm cát.

Từ đó, cho thấy mặc dù mục tiêu ban đầu đã bị chệch hướng (giảm cao độ nền và tăng các khu vực lưu trữ nước mưa) nhưng Quy hoạch chung mở rộng tổng thể Amsterdam vẫn thể hiện vai trò hữu dụng khi đã hỗ trợ đắc lực cho quá trình điều chỉnh.

3. Đánh giá thực thi Quy hoạch tổng thể Thượng Hải (Trung Quốc)

Nội dung của Quy hoạch tổng thể Thượng Hải đến năm 2020 (được phê duyệt năm 2001) đã đề cập đến các yếu tố trong phát triển đô thị: quy mô dân số, cấu trúc công nghiệp, phát triển nhà ở, sử dụng đất, kết cấu hạ tầng và cá dịch vụ xã hội của toàn đô thị. Quy hoạch này có tính bắt buộc về nguyên tắc; có nghĩa là bất cứ sự khác biệt giữa kết quả thực thi so với nội dung quy hoạch, nếu không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật, đều bị xem là vi phạm pháp luật.

He (2013) đã tiến hành phân tích và đánh giá việc thực thi Quy hoạch tổng thể Thượng Hải dựa trên từng nhóm chỉ số định lượng được chọn lựa (liên quan đến các yếu tố: sự phát triển dân số, sự phát triển đất đai, cơ cấu công nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng, mảng không gian. Kết quả đánh giá cho thấy, các chỉ số liên quan đến kết cấu hạ tầng và mảng xanh có mức độ thực thi cao hơn so với các chỉ số còn lại.

Nguyên nhân chính của tình hình trên được cho là sự quan tâm đầu tư và giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương. Trong khi đó, những chỉ số chịu tác động của thị trường nhiều hơn (ví dụ: khu dân cư, khu thương mại – dịch vụ, khu văn phòng…) có mức độ thực thi thấp hơn; nguyên nhân được cho là:

- Sự cạnh tranh giữa các khu đô thị được xem là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mức độ tuân thủ thấp hoặc thậm chí là không tuân thủ trong thực thi Quy hoạch tổng thể Thượng Hải.

- Việc chuyển đổi chức năng các khu đất (khu dân cư chuyển thành khu công nghiệp, khu văn phòng chuyển thành khu dân cư…) được xem hợp pháp sau khi thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết.

- Khoảng cách giữa mức độ mở rộng diện tích đất đô thị (93,9%) và mức độ gia tăng dân số đô thị (57,9%) đã cho thấy rằng, sự phát triển đô thị đã không diễn ra theo định hướng của Quy hoạch tổng thể Thượng Hải. Theo He (2012), các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi quy hoạch bao gồm: Sự không tương xứng giữa việc đạt được các mục tiêu mang tính định lượng và sự phân bố về mặt không gian của chúng; Tác động của thị trường; tình trạng dự báo chính xác; Sự thống nhất giữa các đồ án quy hoạch đô thị.

4. Đánh giá thực thi quy hoạch sử dụng đất Thành Đô (Trung Quốc)

Với phương pháp đánh giá tính hiệu quả, theo mô hình 4E1, Ge &Ning (2012) đã tiến hành đánh giá Quy hoạch sử dụng đất Thành Đô; theo đó:

- 5 nhóm chỉ số cơ bản được xác định: “chi phí” (cost); “nguồn lực” (input); “kết quả” (output); “hiệu quả” (results); “tính hợp lý” (fair).

- Trên cơ sở 5 nhóm chỉ số cơ bản trên, 4 chỉ số để đánh giá mức độ hiệu quả của quy hoạch sử dụng đất được xác định, bao gồm:

+ “Kinh tế” (economy): khả năng sử dụng đất ít nhất, đặc biệt là đất canh tác nông nghiệp, để đảm bảo các hoạt động sản xuất;

+ “Hiệu năng” (efficiency): khả năng thu được lợi ích tối đa về kinh tế, xã hội và môi trường với diện tích sử dụng đất tối thiểu;

+ “Hiệu lực” (effectiveness): mức độ đạt được các  mục tiêu của quy hoạch sử dụng đất;

+ “Bình đẳng” (equity): liên quan đến đánh giá thực thi quy hoạch sử dụng đất, tính bình đẳng có ý nghĩa: (i) Tính cởi mở và minh bạch của cơ chế cho phép các thành phần có liên quan tham gia vào quá trình thực thi quy hoạch; (ii) Tính công bằng trong sử dụng nguồn lực, dịch vụ và lợi ích khác nhau phát sinh từ quá trình thực thi quy hoạch.

- 4 nhóm chỉ số đánh giá tính hiệu quả (“kinh tế”, “hiệu năng”, “hiệu lực”, “bình đẳng”) được tính điểm (dựa trên số liệu thống kê, phương pháp định lượng, phương pháp so sánh) để xác định mức độ biểu hiện (Performance) của Quy hoạch sử dụng đất Thành Đô.

Kết quả đánh giá (tham khảo Bảng 1) cho thấy mức độ hiệu quả trong thực thi Quy hoạch sử dụng đất Thành Đô nhìn chung là tốt. Trong đó, ba thuộc tính đầu tiên đạt mức cao hơn so với thuộc tính thứ tư. Tính bình đẳng là thuộc tính cần được cải thiện do sự tham gia còn ít của các thành phần liên quan vào quá trình thực thi quy hoạch và mức độ công bằng còn thấp trong việc chia sẻ lợi ích phát sinh từ quá trình thực thi quy hoạch.

Nhóm chỉ số

Chỉ số

Rất tốt

Tốt

Trung bình

Kém

Đánh giá

Max

Kết quả

Tiết kiệm

Chỉ số đầu vào liên quan đến kinh tế đất của việc thực thi quy hoạch

0.0077

0.0626

0.0000

0.0000

0.0626

Tốt

Hiệu năng

Chỉ sô đầu ra liên quan đến kinh tế đất của việc thực thi quy hoạch

0.0818

0.0139

0.0129

0.0030

0.0818

Rất tốt

Hiệu quả

Việc thực thi các chỉ số kiểm soát của quy hoạch

0.0712

0.2606

0.0243

0.0206

0.2606

Tốt

Kinh tế

0.0484

0.1126

0.0282

0.0062

0.1126

Tốt

Xã hội

0.0494

0.0505

0.0213

0.0000

0.0671

Tốt

Sinh thái

0.0364

0.0117

0.0000

0.0000

0.0364

Rất tốt

Hiệu lực

0.0382

0.1353

0.0147

0.0000

0.1353

Tốt

Công bằng

Tính công bằng của quá trình ra quyết định về quy hoạch

0.0052

0.0116

0.0217

0.0035

0.0127

Trung bình

Sự phân bố của các lợi ích từ quy hoạch đến các thành phần trong xã hội

0.0080

0.0149

0.0154

0.0057

0.0154

Trung bình

Công bằng

0.0005

0.0010

0.0011

0.0004

0.0011

Trung bình

Đánh giá tính hiệu quả của thực thi quy hoạch sử dụng đất

0.0834

0.2140

0.0266

0.0149

0.2140

Tốt

(Bảng 1: Kết quả tổng hợp đánh giá tính hiệu quả của việc thực thi Quy hoạch sử dụng đất Thành Đô – nguồn: Ge H.&Ning Z. (2012:37))

5. Đánh giá thực thi quy hoạch chung Lyon (Pháp)

Quy hoạch chung Lyon được phê duyệt vào năm 2010, do Cơ quan Quy hoạch đô thị Lyon (SEPAL) lập và giám sát thực thi. Ngay từ giai đoạn lập đồ án, SEPAL đã xác định Quy hoạch chung Lyon phải có tính thực thi cao; do đó, SEPAL đã chuẩn bị hệ thống công cụ và nguồn lực nhằm giám sát và đánh giá việc thực thi quy hoạch, trong đó có bộ 51 chỉ số đánh giá, được chia thành các nhóm theo Bảng 2.

Các chỉ số đánh giá thực thi đồ án Quy hoạch chung Lyon

Nhóm chỉ số liên quan đến kinh tế

Phát triển các hoạt động kinh tế

1. Sự biến động của số việc làm theo chức năng (%): Tổng số việc làm trên toàn địa bàn; Số việc làm theo các chức năng chính: phục vụ thành phố, phục vụ người dân, sản xuất, liên ngành; Số việc làm trong ngành nông nghiệp trên toàn địa bàn

2. Sự thay đổi của các hoạt động kinh tế trong địa bàn (%)

Các cơ sở làm việc và việc làm trong: (i) Các địa điểm chỉ dành cho các hoạt động kinh tế; (ii) Các khu vực hỗn hợp chức năng; (iii) Phần còn lại của địa bàn đô thị.

3. Diện tích có sẵn trong tổng diện tích dành cho hoạt động kinh tế (m2): Diện tích chưa đô thị hóa trong các khu vực dành cho hoạt động đã được xác định trong Quy hoạch chung.

4. Diện tích (m2) và vị trí của tòa nhà logistics: (i) Tổng số m2 diện tích của tòa nhà dành cho hoạt động logistics trên toàn địa bàn; (ii) Tỷ lệ các tòa nhà nằm trong những khu vực có giao thông kết nối đa phương thức

5. Diện tích (m2) và vị trí của văn phòng: (i) Tổng số m2 diện tích các tòa nhà văn phòng trên địa bàn; (ii) Tỷ lệ diện tích văn phòng tại 9 khu vực trọng điểm, các khu trung tâm đô thị và các dự án lớn.

6. Vị trí khu vực dành cho thương mại trong Quy hoạch chung (bản đồ): Vị trí của các tòa nhà dành cho hoạt động thương mại có diện tích hơn 1.000m2 nằm trong các khu vực (đô thị và thương mại) được xác định trong Quy hoạch chung.

 

Phát triển đa trung tâm

7. Cân bằng giữa việc làm và số người lao động (biểu đồ): Tỷ lệ việc làm/lao động trong mỗi khu vực sống.

8. Tỷ lệ công trình công cộng và dịch vụ tiêu biểu tại các trung tâm đô thị: tỷ lệ công trình công cộng tại các trung tâm đô thị (trung tâm giới thiệu việc làm, siêu thị, trường THCS, trường THPT, cơ sở lưu trú ngắn ngày. Nhà dưỡng lão, hồ bơi, rạp chiếu phim) so với toàn địa bàn.

9. Cân bằng cung/chi phí cho thương mại đối với thực phẩm (biểu đồ): phần chi cho thực phẩm so với tổng chi mua hàng hóa của các hộ gia đình trong mỗi khu vực sống

Sức hút

10. Bảng xếp hạng sức hút của thành phần: Bảng xếp hạng Cushman & Wakefield.

Nhóm chỉ số liên quan đến nhà ở

Phát triển nhà ở

11. Số lượng nhà ở được xây dựng: (i) Số nhà ở; (ii) Số ký túc xá sinh viên; (iii) Số nhà dưỡng lão và chăm sóc người khuyết tật

12. Số lượng nhà ở xã hội được đầu tư: tổng số nhà ở được hỗ trợ trong các chương trình PLAI, PLUS, PLS và nhà ở xã hội trên toàn địa bàn và theo khu vực.

Phát triển đa trung tâm

13. Nhà ở được phép xây dựng tại các khu vực ưu tiên phát triển đô thị: (i) Tỷ lệ nhà ở trong các khu trung tâm đô thị; (ii) Tỷ lệ nhà ở xung quanh các nhà ga; (iii) Tỷ lệ nhà ở trong các hành lang phát triển đô thị; (iv) Tỷ lệ nhà ở trong các tất cả các khu vực ưu tiên.

14. Tỷ lệ nhà ở xã hội trong tổng quỹ nhà ở

Tiết kiệm không gian, tăng cường sự phát triển

15. Tỷ lệ nhà ở được xây dựng bằng cách cải tạo đô thị và bằng cách mở rộng đô thị

Tỷ lệ nhà ở được xây dựng: (i) Trong các phân khu U của Quy hoạch đô thị địa phương vào ngày 31/12/2010; (ii) Trong các phân khu AU của Quy hoạch đô thị địa phương vào ngày 31/12/2010.

Tỷ lệ nhà ở được xây dựng: (i) Trong khu vực đã đô thị hóa theo bản đồ Spot Therma 2010; (ii) Ngoài khu vực đã đô thị hóa theo bản đồ Spot Therma 2010.

16. Mật độ đô thị hóa xét về mặt nhà ở

Mật độ nhà ở được xây dựng, trong đó tính riêng phần nhà ở từ chỉnh trang đô thị và từ mở rộng đô thị: (i) Trên toàn thành phố; (ii) Trong các khu trung tâm đô thị; (iii) Xung quanh các nhà ga; (iv) Trong các hành lang phát triển đô thị.

Sức hấp dẫn về nhà ở

17.Dân số (người): (i) Tổng dân số; (ii) Dân số trong các trung tâm đô thị; (iii) Dân số tăng cơ học.

Nhóm chỉ số liên quan đến môi trường

Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

18. Thể tích nước được khai thác theo nhu cầu sử dụng (M3) và nguồn nước: (i) Thể tích nước được khai thác theo nguồn; (ii) Thể tích nước được khai thác theo lĩnh vực sử dụng (nông nghiệp, công nghiệp, thực phẩm); (iii) Tổng thể tích khai thác so với nguồn sẵn có.

19. Diện tích có can thiệp của con người trong phạm vi bảo vệ nguồn nước (km2)

20. Lượng vật liệu được khai thác so với nguồn sẵn có

21. Tỷ lệ vật liệu được sử dụng trong xây dựng (%): (i) Theo loại (đất bồi, đá tảng, tái chế); (ii) Theo nguồn gốc (trong phạm vi Quy hoạch chung, ngoài phạm vi Quy hoạch chung).

 

Chất lượng không khí và phát thải khí nhà kính

22. Tiêu thụ năng lượng trên địa bàn: (i) Tổng tiêu thụ năng lượng trên địa bàn; (ii) Tiêu thụ năng lượng cho nhà ở, giao thông, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp.

23. Sản xuất năng lượng tái tạo: (i) Công nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo trên địa bàn; (ii) Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ.

24. Mạng lưới sưởi ấm: Số hộ gia đình được kết nối vào mạng lưới sưởi ấm công cộng.

25. Phát thải khí nhà kính: Lượng khí nhà kính được phát thải theo lĩnh vực hoạt động (nhà ở, giao thông, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp).

26. Chất lượng không khí: Số ngày không đảm bảo mục tiêu về chất lượng không khí và ngưỡng đối với khí ozon, N2O, bụi.

Duy trì chất lượng cuộc sống

27. Số người dân nằm trong khu vực chịu rủi ro thiên tai hoặc kỹ thuật, là tỷ lệ dân số nằm trong: (i) Phạm vi phòng ngừa nguy cơ ngập lụt; (ii) Phạm vi phòng ngừa rủi ro kỹ thuật hoặc rủi ro địa chất.

28. Tỷ lệ dân số chịu ảnh hưởng của tiếng ồn (%): Tỷ lệ dân số chịu ảnh hưởng của tiếng ồn lớn hơn 68dB.

29. Khu vực yên tĩnh: Diện tích các khu vực yên tĩnh (dưới 50dB)

30. Phát thải rác: Lượng rác sinh hoạt đem chôn lấp hoặc đốt tính theo đầu người mỗi năm.

31. Phát huy giá trị của rác: Tỷ lệ rác được tái chế (thu hồi vật liệu và năng lượng)

Nhóm chỉ số liên quan đến mảng xanh

Bảo vệ mảng xanh

32. Tỷ lệ các khu vực tự nhiên trong Quy hoạch đô thị địa phương: Diện tích các khu vực N và A so với tổng diện tích địa bàn trong mỗi Quy hoạch đô thị địa phương.

33. Sử dụng đất

Tỷ lệ đất dành cho các mục đích khác nhau: (i) Không gian đô thị; (ii) Hoạt động kinh tế; (iii) Cơ sở hạ tầng, (iv) Nông nghiệp; (v) Tự nhiên.

34. Không gian tự nhiên: (i) Diện tích của lõi đa dạng sinh học đã được ghi nhận; (ii) Tỷ lệ diện tích này trong tổng diện tích mảng xanh; (iii) Chức năng của các không gian này trong quy hoạch sử dụng đất.

35. Lát cắt xanh giới hạn (hình ảnh): diễn biến của đô thị hóa ở 13 lát cắt xanh được xác định trong Quy hoạch chung.

Phát huy giá trị mảng xanh

36. Chức năng kinh tế của đất nông nghiệp: Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp trong tổng diện tích mảng xanh (bổ sung chỉ số 1 về việc làm trong nông nghiệp)

37. Chức năng giải trí: Các tuyến đi dạo giải trí và khám phá đã được bố trí.

Thiên nhiên trong đô thị

38. Xanh hóa các địa bàn đã đô thị hóa: Tỷ lệ diện tích dành cho không gian xanh trên địa bàn.

Nhóm chỉ số liên quan đến giao thông

Sự thay đổi các phương thức vận tải hành khách

39. Tỷ lệ các loại phương tiện đi lại của người dân (%), là tỷ lệ các loại phương tiện giao thông được sử dụng trong: (i) từng khu vực trên địa bàn Lyon / Villeurbanne; (ii) Phần còn lại của Cộng đồng đô thị Lyon, của phạm vi địa bàn Quy hoạch chung.

40. Số lượt hành khách sử dụng GTCC: (i) Số lượt đi loại bằng GTCC đô thị/người dân/năm; (ii) Số lượt đi lại bằng GTCC liên đô thị (đi học, không đi học).

41. Số lượt hành khách sử dụng Tàu nhanh nội vùng (TER): Số lượt hành khách tại các nhà ga/ngày.

42. Di chuyển bằng xe đạp: Chỉ số tổng hợp theo dõi từ 10 năm nay ở Cộng đồng đô thị Lyon, nhằm đếm lưu lượng giao thông tại 16 ngã tư chiến lược.

43. Di chuyển bằng xe ô tô: Chỉ số tổng hợp theo dõi đi lại bằng ô tô trên địa bàn, được tính bằng cách đếm lưu lượng xe tại 3 khu vực quan trọng: khu siêu trung tâm, khu trung tâm (Lyon – Villeurbanne), toàn đô thị.

Độ phủ của mạng lưới giao thông trong khu vực

44. Mạng lưới giao thông công cộng: số điểm dừng và số tuyến giao thông công cộng hiện hữu và dự kiến xây dựng ở cấp vùng đô thị và đô thị.

45. Người dân và nơi làm việc được kết nối bởi mạng lưới GTCC: Tỷ lệ người dân và việc làm nằm trong các hành lang đô thị (cách các điểm dừng của mạng lưới GTCC đô thị dưới 500m) và xung quanh các nhà ga của mạng lưới GTCC vùng đô thị (dưới 1km)

46. Bố trí dành cho xe đạp: các làn đường dành cho xe đạp và khu vực để xe đạp.

47. Chia sẻ không gian: các tuyến đường hạn chế tốc độ còn 30km/h và ở các khu vực ưu tiên cho người đi bộ.

48. Chỗ đậu xe ô tô: (i) trên đường (Lyon – Villeurbanne); (ii) ở bãi xe công cộng; (iii) ở bãi đậu xe chuyển tiếp.

Thay đổi phương thức vận tải hành khách

49. Logistics liên phương thức: Công suất của các trung tâm logistics đa phương thức trên địa bàn.

Phát triển đa trung tâm

50. Khoảng cách di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc: Khoảng cách trung bình khi di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc của người dân trên địa bàn (km)

Tích hợp phát triển cơ sở hạ tầng với phát triển đô thị

51. Tốc độ cho phép: các tuyến đường (quốc lộ, nội vùng, nội đô) bị hạn chế tốc độ.

(Bảng 2: Bộ chỉ số đánh giá thực thi Quy hoạch chung Lyon – nguồn: SEPAL (2010))

Trong 51 chỉ số nêu trên, phần lớn các chỉ số được sử dụng để đánh giá thực thi quy hoạch dựa vào tính tuân thủ, ví dụ: tổng diện tích và vị trí của các tòa nhà dành cho logistics; số lượng nhà ở được xây dựng; số lượng nhà ở xã hội; tỷ lệ các loại phương tiện đi lại của người dân; số lượt hành khách giao thông công cộng; mạng lưới giao thông công cộng; … Bên cạnh đó, các chỉ số được sử dụng để đánh giá thực thi quy hoạch dựa vào tính hiệu quả, ví dụ: Sự biến động của số lượng việc làm theo từng ngành trên toàn thành phố; sự thay đổi của các hoạt động kinh tế trên toàn địa bàn; cân bằng giữa việc làm và số người lao động; bảng xếp hạng sức hút của thành phố…

Vào kỳ đầu của Quy hoạch chung Lyon (2010), SEPAL đã xác định các nguồn dữ liệu phục vụ đánh giá thực thi và xác định giá trị hiện trạng đầu kỳ.

6. Đánh giá thực thi quy hoạch, kế hoạch, chương trình mang tính chiến lược tại Anh, và Nam Phi

Việc đánh giá thực thi quy hoạch, kế hoạch, chương trình mang tính chiến lược hàng năm của Anh và Nam Phi được xây dựng dựa trên các nhóm chỉ số: “nguồn nước”, “hoạt động triển khai”, “kết quả”, “tác động” (NTSA, 2010), được thể hiện trong Bảng 3 như sau:

Chỉ số

Giải thích

Nguồn lực/đầu vào

Những gì được sử dụng?

Nguồn lực được sử dụng cho các hoạt động triển khai nhằm đạt được các kết quả / đầu ra.

Lập kế hoạch - dự trù ngân sách - thực thi - giám sát

Hoạt động triển khai

Làm những việc gì?

Quá trình sử dụng nguồn lực để triển khai các hoạt động nhằm đạt được các kết quả/đầu ra và hiệu quả.

Kết quả/ Đầu ra

Những gì được tạo ra?

Các kết quả (hàng hóa/dịch vụ) đạt được từ các hoạt động sử dụng nguồn lực.

Hiệu quả

Những gì cần đạt được?

Các hệ quả trung hạn đối với các thành phần xã hội cụ thể, đạt được từ các kết quả/đầu ra.

Quản lý để đạt được các hệ quả

Tác động

Những gì cần được thay đổi?

Các hệ quả trung hạn và dài hạn đối với toàn xã hội, đạt được từ hiệu quả đối với các thành phần xã hội cụ thể.

(Bảng 3: Khung đánh giá thực thi quy hoạch, kế hoạch, chương trình mang tính chiến lược tạ Anh và Nam Phi – nguồn: tổng hợp từ NTSA (2010), UK-DCLG (2009) và UK-DID (2013))

Các chỉ số đánh giá thực thi quy hoạch của Anh và Nam Phi phục thuộc vào từng quy hoạch cụ thể. Là một minh họa về các chỉ số đánh giá thực thi Chương trình đặc biệt về giới trong an ninh và công lý ở Anh, tuy chỉ là một chương trình quốc gia, nhưng cũng giúp làm rõ về quan hệ giữa các nhóm chỉ số đánh giá thực thi.

(Bảng 4: Minh họa về các chỉ số đánh giá thực thi các quy hoạch, kế hoạch, chương trình mang tính chiến lược tại Anh – nguồn: tổng hợp từ UK-DCLG (2009))

 

Nhóm chỉ số

Các chỉ số

Chương trình đặc biệt về giới trong an ninh và công lý

Nguồn lực/Đầu vào

Tài chính, Kiến thức, Quan hệ giữa DFID và cảnh sát quốc gia.

Hoạt động triển khai

Tuyển dụng, huấn luyện nữ cảnh sát

Kết quả/Đầu ra

Cân bằng về giới trong lực lượng cảnh sát quốc gia

Hiệu quả

Sự hỗ trợ của cảnh sát cho phụ nữ, trẻ em gái tốt hơn

Tác động

Tăng cường an ninh, công lý cho phụ nữ và trẻ em gái.

7. Đánh giá thực thi quy hoạch thoát nước mưa và chất lượng nguồn nước của Khu vực Papakura (New Zealand)

Theo Ericksen et al (2009), phương pháp POE (đánh giá hiệu quả quy hoạch) được phát triển tại New Zealand trong bối cảnh chính quyền các thành phố cần giám sát và đánh giá hiệu quả của các chính sách, phương pháp, quy định của quy hoạch (Laurian L. et al, 2010). Phương pháp này không đánh giá tác động của quy hoạch, chiến lược tổng thể, mà đánh giá các kết quả cụ thể với mục tiêu và mục đích rõ ràng, để trả lời câu hỏi: các mục tiêu quy hoạch đề ra có được thực hiện không, các kết quả quan sát được có liên quan đến nội dung quy hoạch không (Laurian L. et al, 2010). Phương pháp này được xây dựng theo nguyên tắc:

- Phát triển và xây dựng dựa trên mô hình logic tổng thể về ý tưởng và nội dung của quy hoạch và kế hoạch triển khai thực hiện.

- Nghiên cứu và đánh giá mối liên hệ giữa mục tiêu và kết quả của quy hoạch

- Dựa trên những nhận định và đánh giá của các chuyên gia đầu ngành để xác định mối liên hệ giữa nội dung quy hoạch và kết quả thực hiện quy hoạch.

Các bước thực hiện phương pháp POE:

- Bước 1: “Rà soát về tính logic và tính gắn kết của các thành phần trong quy hoạch: vấn đề, mục đích, mục tiêu, phương pháp, quy định, kết quả dự kiến và điều khoản giám sát”: dựa vào việc xây dựng bản đồ logic (plan logic mapping) để xem xét tính liên kết và hợp lý của các kết quả của quy hoạch.

- Bước 2: “So sánh giữa các mục tiêu và kết quả đầu ra của quy hoạch”: Kết quả đầu ra của quy hoạch được xác định và đánh giá thông qua dữ liệu.

- Bước 3 “Lý giải về kết quả đầu ra của quy hoạch”, thông qua các hội thảo lấy ý kiến cuyên gia.

POE đã được áp dụng từ năm 2005, khi các quy hoạch cần đưa ra kết quả đầu ra dự kiến và quy trình giám sát việc thực thi quy hoạch. Các cơ quan chính phủ được yêu cầu giám sát và báo cáo kết quả thực thi quy hoạch theo từng giai đoạn 5 năm. Quy hoạch quản lý thoát nước mưa và chất lượng nguồn nước của Khu vực Papakura trong giai đoạn 2003-2006 là ví dụ tiêu biểu của việc đánh giá thực thi theo POE. Bản đồ logic mô tả giả định mục tiêu, đối tượng và cách thức triển khai. Trong đó, các yếu tố này được xem xét với trọng số như nhau, mặc dù vài mục tiêu và chính sách cho khu vực nông thôn không thể hiện cụ thể hóa. Mục tiêu của quy hoạch là duy trì và cải thiện các đặc tính và giá trị của môi trường. Tiêu chí chính đánh giá kết quả quy hoạch là chất lượng nước. Thông qua các buổi hội thảo, các chuyên gia đã lý giải nguyên nhân thành công và thất bại của quy hoạch. Nhìn chung, kết quả đánh giá cho thấy  chất lượng nước đang được cải thiện thông qua  dự án. Nguyên nhân là do việc cải thiện khả năng duy trì và giữ nước mưa tại các khu vực đô thị và giảm các hoạt động trồng trọt và làm vườn tại vùng nông thôn. Việc liên kết và thống nhất các định hướng, hoạt động từ quản lý cấp vùng đến quản lý cấp địa phương dự báo cho ra những kết quả tích cực từ dự án. Chất lượng nước được cải thiện tại khu vực thông qua việc thống nhất các biện pháp quản lý trầm tích, quản lý và xử lý nước mưa, các biện pháp kiểm soát chất gây ô nhiễm và nước thải trong khu vực… Những ảnh hưởng và tác động dự kiến của các biện pháp bảo vệ nguồn nước lên chất lượng nước tại khu nông thôn được dự báo ở các quy hoạch cấp khu vực, cấp vùng và các quy hoạch có sự kết hợp giữa cấp khu vực và cấp vùng. Các chuyên gia dự báo rằng với chỉ những quy định của quy hoạch cấp khu vực, chất lượng dòng chảy sẽ chỉ được cải thiện một phần nhỏ, hoặc không thay đổi hoặc có xu hướng giảm. Trong khi đó, kết quả về chất lượng nước của các quy hoạch với tầm nhìn kết hợp từ cấp địa phương đến cấp vùng được dự báo cải thiện tốt hơn.

8. Một số bài học kinh nghiệm cho đánh giá thực thi quy hoạch tại Việt Nam

Từ việc phân tích thực tiễn đánh giá thực thi quy hoạch trên thế giới, trên cơ sở xem xét bối cảnh pháp lý và thực tiễn tại Việt Nam, một số bài học kinh nghiệm cho đánh giá thực thi quy hoạch tại Việt Nam rút ra như sau:

- Thứ nhất, việc đánh giá thực thi quy hoạch cần dựa trên bộ chỉ số đánh giá định lượng để có nhận định rõ ràng và cụ thể tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đây là quan điểm từ các bài học kinh nghiệm trong đánh giá thực thi Quy hoạch tổng thể Thượng Hải (He, 2012), Quy hoạch sử dụng đất Thành Đô (Ge & Ning, 2012), Quy hoạch chung Lyon (SEPAL (2010).

-Thứ hai, việc đánh giá thực thi quy hoạch cần bao gồm đánh giá tính tuân thủ và đánh giá tính hiệu quả. Đây là quan điểm từ các bài học kinh nghiệm trong đánh giá thực thi Quy hoạch tổng thể Thượng Hải (He, 2012), Quy hoạch sử dụng đất Thành Đô (Ge & Ning, 2012), Quy hoạch mở rộng tổng thể Amsterdam (Faludi, 2000; Postuma, 1987), các quy hoạch, kế hoạch, chương trình mang tính chiến lược tại Anh và Nam Phi (NTSA, 2010, UK-DCLG, 2009 và UK-DID, 2013). Đặc biệt, thực tiễn đánh giá thực thi các quy hoạch, kế hoạch, chương trình mang tính chiến lược tại Anh và Nam Phi đã chỉ rõ cách thức xây dựng bộ chỉ số định lượng (gồm các nhóm “nguồn lực”, “hoạt động triển khai”, “kết quả”, “hiệu quả”, “tác động”) để đánh giá thực thi quy hoạch một cách toàn diện về tính tuân thủ và tính hiệu quả.

- Thứ ba, mối quan hệ “nguyên nhân – hệ quả” giữa các chỉ số và giữa các nhóm chỉ số trong bộ chỉ số đánh giá thực thi quy hoạch cần được thiết lập và phân tích, đây là cơ sở để xây dựng các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của các vấn đề trong thực thi quy hoạch. Đây là quan điểm từ bài học kinh nghiệm trong đánh giá thực thi quy hoạch quản lý thoát nước mưa và chất lượng nguồn nước của Khu vực Papakura (Laurian L. et al,2010).

Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, Số 1&2/2021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)