Bảo trì nhà chung cư và công trình công cộng cũ – Thực trạng và giải pháp

Thứ tư, 24/02/2021 15:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Đặt vấn đề

Thực tiễn tại Việt Nam cho thấy công tác “duy tu, sửa chữa” đã được thực hiện đối với các công trình lớn, quan trọng như thủy điện, cầu và một số công trình nhà công cộng khác do Liên Xô giúp đỡ xây dựng trong giai đoạn những năm 1970, 1980. Tuy nhiên, đối với các công trình có quy mô vừa và nhỏ khác xây dựng trước năm 2000 và các công trình kiến trúc xây dựng từ thời Pháp thuộc thì hầu hết không thực hiện công tác “bảo trì”. Đối với các chung cư, nhà ở và công sở cũ, tình trạng người sử dụng cơi nới, sửa chữa, làm thay đổi hệ thống kết cấu ban đầu, thay đổi công năng là khá phổ biến. Sự kiện sụp đổ Nhà biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo tháng 9/2015 là một ví dụ điển hình của việc thiếu vắng các công tác kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực công trình – một trong các nội dung phải thực hiện trong quy định về bảo trì công trình theo Luật Xây dựng hiện hành.

Bài viết này đề cập đến các nội dung sau đây: các quy định của pháp luật về công tác bảo trì công trình, thực trạng công tác bảo trì ở Việt Nam với nhấn mạnh về công tác kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực (ATCL), các khó khăn, tồn tại và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng và tính khả thi trong thực hiện công tác bảo trì đối với nhà chung cư, công trình công cộng cũ.

1. Quy định của pháp luật về công tác bảo trì

Quy định pháp luật về bảo trì công trình xây dựng ở Việt Nam được sơ lược theo 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Trước khi ban hành Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 (LXD2003)

Quy định đầu tiên của pháp luật yêu cầu Chủ đầu tư / Người chủ sở hữu công trình phải thực hiện công tác bảo trì trong quá trình khai thác, sử dụng công trình có thể xem Nghị định số 177-CP ngày 20/10/1994 của Chính phủ về việc ban hành điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng. Điều 41 Nghị định này quy định: “Sau khi nhận bàn giao công trình, Chủ đầu tư có trách nhiệm khai thác, sử dụng năng lực công trình, đồng bộ hóa tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hoàn thiện tổ chức và phương pháp quản lý, nhằm phát huy đầy đủ các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đề ra trong dự án”.

Sau đó, đến Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý đầu tư và xây dựng, lần đầu tiên thuật ngữ “bảo trì công trình” được nêu tại Khoản 2 Điều 53 của Nghị định này, cụ thể như sau: “Chủ đầu tư hoặc tổ chức được giao quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm thực hiện bảo trì công trình”.

Giai đoạn 2: Từ khi ban hành Luật Xây dựng 2003 đến hết năm  2014

Trong Luật XD2003, các quy định về nội dung công tác bảo trì và trách nhiệm thực hiện của các chủ thể được đưa ra; cụ thể, Điều 83 Luật này quy định: “(1) Chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm bảo trì công trình, máy móc, trang thiết bị công trình; (2) Việc bảo trì công trình, trang thiết bị công trình phải được thực hiện theo chỉ dẫn và quy định của nhà thiết kế, nhà sản xuất; (3) Việc bảo trì công trình được xác định theo loại và cấp công trình; (4) Chính phủ quy định cụ thể về bảo trì công trình.”

Để thực hiện các yêu cầu của LXD2003, Bộ Xây dựng soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 6/12/2010 về bảo trì công trình xây dựng; tiếp theo, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2012/TT-BXD ngày 12/6/2012 về việc hướng dẫn một số nội dung về bảo trì công trình dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Việc này cho thấy nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo trì. Trong Nghị định số 114/2010/NĐ-CP, các nội dung quan trọng, đáng chú ý liên quan đến: (1) Đối tượng có trách nhiệm thực hiện công tác bảo trì; (2) Các bộ phận/hạng mục công trình, công trình bắt buộc phải quan trắc trong quá trình khai thác, sử dụng; (3) Xem xét, quyết định việc tiếp tục sử dụng đối với công trình hết tuổi thọ thiết kế; (4) Xử lý đối với công trình, bộ phận công trình không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng và (5) Việc cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng kiểm tra việc thực hiện bảo trì công trình.

Giai đoạn 3: Từ ngày 01/01/2015 đến nay – Thời điểm Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 (LXD2014) có hiệu lực

Trong LXD2014, liên quan đến công tác bảo trì, ngoài các nội dung đã đề cập tại LXD2003, các quy định được bổ sung thêm các yêu cầu về: (1) Lập kế hoạch bảo trì cùng với thời hạn sử dụng công trình; (2) Các tài liệu cần thiết phải bàn giao phục vụ bảo trì khi bàn giao công trình; (3) Các yêu cầu khác để làm rõ việc thực hiện nội dung bảo trì; trách nhiệm của chủ thể liên quan đến công trình, chi phí bảo trì, xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng…đã được cụ thể, chi tiết hơn. Các  điều chỉnh này đã nâng tầm quan trọng của công tác bảo trì, cũng là kết quả của việc tổng kết kinh nghiệm qua khảo sát thực tiễn về tình hình thực hiện bảo trì và quản lý an toàn với các công trình hiện hữu. Lưu ý là, khác với LXD2003, trong LXD2014, công tác đánh giá an toàn công trình (an toàn chịu lực và an toàn vận hành) là một phần quan trọng trong công tác bảo trì công trình.

Trong Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng được quy định tại Chương V2, gồm các nội dung chính: Điều 37 - Trình tự thực hiện bảo trì công trình xây dựng; Điều 38 - Quy định bảo trì công trình xây dựng; Điều 39 - Kế hoạch bảo trì công trình xây dựng; Điều 40 - Thực hiện bảo trì công trình xây dựng; Điều 41 - Quản lý chất lượng công việc bảo trì; Điều 42 - Chi phí bảo trì công trình xây dựng; Điều 43 - Đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình trong quá trình khai thác, sử dụng; Điều 44 - Xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng; Điều 45 - Xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp.

Ngoài ra, cụ thể một số nội dung của Chương V của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, Bộ Xây dựng ban hành các Thông tư, Quy định kỹ thuật phục vụ công tác bảo trì như:

(1) Thông tư 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; các nội dung hướng dẫn liên quan đến công tác bảo trì gồm: quy định về hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành, bảo trì công trình; quy định về trách nhiệm bảo trì công trình; quy định về việc bắt buộc phải được quan trắc công trình, bộ phận công trình trong quá trình khai thác, sử dụng và quy định về việc tổ chức đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình trong quá trình khai thác, sử dụng;

(2) Thông tư số 03/2017/TT-BXD ngày 16/3/2017 hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng, trong đó hướng dẫn cụ thể nguyên tắc xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng, các loại chi phí bảo trì công trình xây dựng, phương pháp xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng và phương thức quản lý chi phí bảo trì công trình xây dựng;

(3) Các quy định kỹ thuật khác phục vụ công tác bảo trì công trình cũng được ban hành (và đang được tiếp tục cập nhật, bổ sung):

- Lĩnh vực kết cấu: Quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công trình công cộng kèm theo Quyết định số 681/QĐ-BXD ngày 12/7/2016, Quy trình kiểm định và quy trình bảo trì cho các kết cấu cột, tháp thu phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình theo Quyết định số 55/QĐ-BXD ngày 25/01/2017;

- Lĩnh vực hệ thống kỹ thuật công trình (hệ thống cung cấp điện, cấp và thoát nước, thang máy, phòng cháy chữa cháy…) các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12:2014/BXD về hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng, QCVN 06:2010/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình…

Các tác giả cho rằng, đến nay các văn bản pháp luật (Luật, Nghị định, Thông tư) đã hình thành hệ thống pháp lý cơ bản phục vụ công tác bảo trì công trình xây dựng. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện, đối với công tác ATCL công trình hiện hữu cho thấy một số hạn chế đến việc thực hiện chính sách sau đây: 1) Thiếu các quy định cụ thể về nội dung, tần suất và quy trình đánh giá ATCL; 2) Chưa quy định chi tiết về nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm của Cơ quan thẩm quyền, Chủ đầu tư, Chủ sở hữu hoặc Chủ quản lý sử dụng công trình, Tổ chức kiểm điểm trong việc thực hiện đánh giá ATCL, chế độ báo cáo và quy trình xử lý; 3) Không có chế tài (về xử phạt) để công tác đánh giá ATCL công trình trong quá trình khai thác, sử dụng nên công tác này hầu như không được thực hiện; 4) Đến nay, chưa có các Quy chuẩn kỹ thuật thống nhất hoặc văn bản pháp luật hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật đối với công tác bảo trì công trình cũng như công tác đánh giá ATCL công trình hiện hữu.

2. Thực trạng công tác đánh giá ATCL, bảo trì nhà chung cư và công trình công cộng cũ

2.1. Tình hình thực hiện đánh giá ATCL

Như đã trình bày tại Mục 1, LXD2014 quy định cụ thể về nội dung công tác bảo trì công trình, trong đó công tác kiểm tra, đánh giá ATCL các công trình là một trong những công tác quan trọng. Sau sự kiện sụp đổ Nhà biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo tháng 9/2015, theo kiến nghị của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 15/02/2016 (Chỉ thị 05) về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá ATCL nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị và giao cho Bộ Xây dựng chủ trì. Thực trạng công tác đánh giá ATCL nhà ở chung cư và công trình công cộng cũ đã được Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng, sau đây là một số nội dung tóm tắt:

2.1.1. Tình hình chung về kết quả thực hiện

Tính đến hết năm 2017, tại các đô thị trên cả nước hiện có khá nhiều nhà chung cư và công trình công cộng được xây dựng từ lâu, hết niên hạn sử dụng, chất lượng bị xuống cấp. Nhiều công trình đã bị hư hỏng, có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng gây mất an toàn nghiêm trọng cho người sử dụng và trên thực tế đã xảy ra những sự cố đáng tiếc như sập, đổ công trình, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Để đảm bảo tính khả thi về việc rà soát, đánh giá ATCL, việc thực hiện được chia thành 2 bước, Bước 1 là khảo sát, đánh giá sơ bộ để phân mức tình trạng kỹ thuật và xem xét đưa vào danh sách tiếp tục kiểm định chi tiết theo Bước 2

- Về phía Bộ Xây dựng:

(1) Đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, ban hành Quy trình đánh giá, kiểm dịnh an toàn chịu lực đối với nhà ở và các công trình công cộng tại Quyết định số 681/QĐ-BXD ngày 12/7/2016;

(2) Hướng dẫn tất cả các địa phương (63 tỉnh, thành phố) thực hiện thống nhất và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật bằng việc tổ chức 4 đợt tập huấn Quy trình kiểm định và hướng dẫn lập dự toán chi phí.

(3) Đôn đốc và hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, thống kê các công trình thuộc đối tượng của Chỉ thị. Trong năm 2016, Bộ Xây dựng đã có các văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện: Văn bản số 312/BXD-GĐ ngày 22/02/2016, số 960/BXD-GĐ ngày 25/5/2016 và số 2963/BXD-GĐ ngày 28/12/2016.

(4) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng về kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực cho công trình trong quá trình khai thác, sử dụng.

Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện của các địa phương không đạt được tiến độ của Chỉ thị (đặc biệt là TP HN và TP.HCM), ngày 21/6/2017 Bộ Xây dựng đã có Báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản số 1410/BXD-GĐ về việc xin phép kéo dài thời hạn thực hiện đánh giá sơ bộ đến ngày 31/12/2017 và hoàn thành việc kiểm định, đánh giá chi tiết các công trình có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn trước ngày 31/12/2018.

- Về phía các địa phương:

(1) Một số địa phương vẫn chưa hoàn tất, báo cáo của một số địa phương còn sơ sài, chưa phân loại cụ thể đối tượng cần đánh giá. Riêng TP.HN và TP.HCM tập trung khoảng 60% số lượng công trình trên cả nước thuộc đối tượng của Chỉ thị 05 nhưng công tác đánh giá chưa hoàn thành (như đã nêu trên).

(2) Tính đến hết ngày 31/12/2017, có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo về Bộ Xây dựng. Theo báo cáo của các địa phương, có 3.500 công trình đã được rà soát và đạt khoảng 50% tổng số công trình cần kiểm tra trên cả nước (trong đó có 1.000 công trình đã được kiểm định trước năm 2016)

2.1.2. Kết quả thực hiện công tác đánh giá ATCL

Về số lượng: Căn cứ báo cáo của các địa phương (đến hết 2017), trên cả nước có khoảng 7.000 công trình thuộc đối tượng của Chỉ thị 05, trong đó đã phân loại được 5.300 công trình, cụ thể trình bày trong Bảng 1.

Loại

Chung cư cũ xây dựng trước năm 1994

Biệt thự cũ và công trình công cộng có tuổi thọ trên 60 năm

Công trình khác có dấu hiệu nguy hiểm

Chưa được phân loại

Số công trình

2000

2100

1100

100

Tỷ lệ

38%

41%

19%

2%

(Bảng 1: Phân loại các công trình sau khảo sát Bước 1)

- Kết quả đánh giá cho thấy: trong số 3.500 công trình đã được rà soát, đánh giá chất lượng sơ bộ, kết quả có 1.400 công trình có thể tiếp tục sử dụng bình thường; 1.100 công trình cần thực hiện kiểm định chi tiết và 1.000 công trình có dấu hiệu nguy hiểm cần có biện pháp xử lý, gia cường. Như vậy, số lượng công trình thuộc đối tượng nguy hiểm: chiếm khoảng 14% tổng số công trình thuộc đối tượng của Chỉ thị 05 và là con số khá lớn.

- Đối với các địa phương đông dân cư, như TP.HN và TP.HCM, số lượng công trình nguy hiểm được trình bày trong Bảng 2 và Bảng 3.

Số lượng công trình

Chung cư cũ

Biệt thự cũ

Trụ sở làm việc, công trình công cộng

Công trình khác có dấu hiệu nguy hiểm

Tổng

1516

1253

123

 

Đã kiểm định (sơ bộ và chi tiết)

106

47

123

 

Số công trình nguy hiểm

02

(02*)

21

(02*)

06

128

Công trình ở mức D – mức nguy hiểm cao nhất phải di dời, cải tạo hoặc xây mới (theo TCVN 8391:2012)

(Bảng 2: Phân loại các công trình sau khảo sát tại TP.HN)

Số lượng công trình

Chung cư cũ

Biệt thự cũ

Trụ sở làm việc, công trình công cộng

Tổng

474

Chưa có số liệu

Chưa có số liệu

Đã kiểm định (sơ bộ và chi tiết)

395

Số công trình nguy hiểm

(14*)

Công trình ở mức D – mức nguy hiểm cao nhất phải di dời, cải tạo hoặc xây mới (theo TCVN 8391:2012)

(Bảng 3: Phân loại các công trình sau khảo sát tại TP.HCM (kết quả đến cuối 2017))

2.2. Tình hình thực hiện các nội dung bảo trì khác

Đối với các công trình cũ, các nội dung bảo trì khác như bảo trì các phần kiến trúc, hệ thống kỹ thuật công trình (điện, nước…hệ thống PCCC), đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng do đặc điểm đa sở hữu và giai đoạn hình thành các công trình này chưa có đủ các quy định về quản lý, bảo trì công trình nên công tác bảo trì chỉ mang tính chất duy trì để đảm bảo các vận hành tối thiểu như cung cấp nhu cầu cơ bản về điện, nước… Trong thực tế, ngay cả đến các chung cư xây dựng trước thời điểm Luật nhà ở 2005 ra đời thì việc hỏng thang máy cũng không được sửa chữa trong thời gian đã diễn ra tại nhiều chung cư (do khó khăn trong việc đóng góp và giai đoạn này cũng chưa có quy định về phí bảo trì)

Không chỉ với các chung cư cũ, trong 15 năm trở lại đây, nhiều công trình nhà chung cư cao tầng (nhất là nhà tái định cư) mới được đưa vào khai thác sử dụng trên cả nước đã xuất hiện tình trạng xuống cấp nhanh chóng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cư dân, các biểu hiện cụ thể là: vật liệu hoàn thiện (thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát, sơn tường/…) xuống cấp nhanh chóng, thấm dột khu vệ sinh hoặc tường ngoài nhà, thang máy hư hỏng, hệ thống PCCC không đảm bảo khả năng hoạt động thường xuyên, liên tục, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà chưa được đầu tư đồng bộ, chất lượng không đảm bảo…Điển hình là trường hợp khu tái định cư Đồng Tàu (xây dựng tại P.Phương Liệt,Q.Hoàng Mai, HN) là nơi tái định cư của hàng nghìn hộ dân sau khi bàn giao đất cho nhà nước xây dựng các công trình; đến nay, sau 15 năm xây dựng, nhiều tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng: toàn bộ chân tường của các tòa nhà đều xảy ra hiện tượng sụt lún (có chỗ khoảng cách giữa nền đất với móng nhà lên đến 10cm); nhiều chỗ bên trong nền các nhà bị vỡ, sụt thành hố lớn…

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nhà chung cư cao tầng xuống cấp nhanh chóng nêu trên là do: nhà tái định cư và hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà không được đầu tư đồng bộ, chất lượng hoàn thiện chưa đạt yêu cầu; công tác bảo trì, quản lý vận hành và khai thác, sử dụng chưa tuân thủ quy định về bảo trì công trình xây dựng và các văn bản hướng dẫn;… (Chính vì vậy, ngày 31/7/2017, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 1742/BXD-GĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng và bảo trì nhà ở tái định cư)

Ngoài ra, việc bảo trì không được chủ sở hữu công trình quan tâm thực hiện theo quy định, nhất là đối với các hệ thống PCCC đã dẫn đến những hậu quả đôi khi rất nghiêm trọng. Điển hình như sự cố cháy tại chung cư Carina Plaza trên đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP.HCM vào lúc 1h30 ngày 23/3/2018 làm 14 người chết, một trong những nguyên nhân cơ bản ban đầu được xác định là do hệ thống PCCC đã không hoạt động như thiết kế do không được bảo trì và kiểm tra thường xuyên theo đúng quy định.

3. Các khó khăn, bất cập tồn tại về thực hiện bảo trì công trình

Có rất nhiều khó khăn, tồn tại, xuất phát từ cơ chế đa sở hữu nhà chung cư; quy định của pháp luật cũng mới hình thành trong 10 năm trở lại đây và những lý do về kinh tế nên công tác bảo trì chưa được thực hiện xuyên suốt và đầy đủ với phần lớn các công trình ở Việt Nam, đặc biệt với các công trình chung cư, công sở cũ

Lấy đơn cử, việc thực hiện chương trình lớn về đánh giá ATCL (thiết yếu với việc bảo vệ an toàn sinh mạng con người) theo Chỉ thị 05 được huy động lực lượng và sử dụng nguồn lực chính quyền cũng đã cho thấy các khó khăn, bất cập như sau:

- Số lượng công trình thuộc đối tượng (của riêng Chỉ thị 05) đã rất lớn; các địa phương không chủ động thu xếp thiếu nguồn kinh phí thực hiện.

- Một số địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của Chỉ thị, dẫn đến việc chỉ đạo chưa sát sao và quyết liệt. Đồng thời dẫn đến việc chính sách cụ thể về việc xử lý, thay thế các công trình nguy hiểm, kế hoạch xây dựng nhà tái định cư cho người dân ở các công trình thuộc diện phải phá dỡ, gây nên bức xúc, bất hợp tác của người dân, ảnh hưởng đến quá trình khảo sát, kiểm định.

- Các tổ chức kiểm định gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra đánh giá (thiếu hồ sơ công trình, chủ quản lý sử dụng hoặc sở hữu công trình không hợp tác…) đặc biệt là các công trình thuộc sở hữu tư nhân đã được cải tạo, có phần diện tích cơi nới, thay đổi công năng sử dụng so với thiết kế ban đầu.

- Công tác quản lý nhà nước còn thiếu các chế tài đủ mạnh để kiểm soát về số lượng, chất lượng và tình trạng công trình xây dựng nói chung trong quá trình khai thác sử dụng và các công trình nguy hiểm, hết niên hạn sử dụng nói riêng (như đã nêu tại mục 1).

- Năng lực của các tổ chức kiểm định còn hạn chế dẫn đến một số kết quả kiểm định, đánh giá chất lượng còn gây tranh cãi, chưa có sự đồng thuận của người dân.

Đối với các nội dung bảo trì khác liên quan đến hệ thống kỹ thuật công trình, các hạng mục kiến trúc, cảnh quan, các khó khăn chính là chỉ huy động kinh phí đóng góp từ các hộ gia đình (đặc biệt là với các chung cư cũ) hoặc từ ngân sách (với các công trình công cộng, trụ sở). Trong nhiều trường hợp, nguồn thu chủ yếu này, cũng không đủ để thực hiện các nội dung cần thiết cho công tác bảo trì.

4. Đề xuất các giải pháp

Để công tác bảo trì công trình được thực hiện một cách hữu hiệu, các giải pháp sau đây cần được nghiên cứu thực hiện:

4.1. Về hệ thống văn bản pháp luật

Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quy phạm kỹ thuật, trong đó tập trung vào các nội dung sau:

- Quy định cụ thể việc thực hiện kiểm tra định kỳ của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với công tác bảo trì công trình xây dựng; có chế tài, xử phạt đối với hành vi không tuân thủ các quy định về bảo trì công trình xây dựng.

- Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ và quản lý tài chính của Chủ sở hữu (hoặc người quản lý sử dụng) với Đơn vị quản lý, vận hành công trình và với Đơn vị thực hiện bảo trì.

- Rà soát, bổ sung các quy định nghiêm ngặt hơn về công nhận đơn vị vận hành, quản lý và bảo trì công trình tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ cho người vận hành và bảo trì công trình.

- Đối với công tác đánh giá ATCL công trình: Bổ sung các điều khoản về kiểm soát an toàn các công trình hiện hữu trong Luật Xây dựng hoặc soạn thảo một Luật riêng về kiểm soát an toàn công trình hiện hữu: quy định cụ thể trách nhiệm cho các cơ quan trung ương và chính quyền địa phương.

4.2. Về quy trình và hệ thống kỹ thuật phục vụ công tác đánh giá

- Trong khi xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn; ngoài tuổi thọ công trình/tuổi thọ kết cấu công trình, cần lưu ý/quy định rõ các yêu cầu về tuổi thọ các thiết bị và vật liệu hoàn thiện, hệ thống kỹ thuật (vì tuổi thọ của các loại thiết bị, vật liệu này thường ngắn hơn so với tuổi thọ công trình/tuổi thọ kết cấu) để phục vụ lập và thực hiện công tác bảo trì cho phù hợp.

- Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng cho công trình hiện hữu cũng là việc thiết thực. Ví dụ, tại Mỹ tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế đã lập riêng một bộ quy chuẩn áp dụng cho công trình hiện hữu International Existing Building Code phục vụ cho công tác đánh giá công trình hiện hữu (các nội dung đánh giá tính năng của các hạng mục hệ thống kỹ thuật, kết cấu, kiến trúc…cần có tiêu chí riêng, khá so với yêu cầu của công trình thiết kế mới).

- Trong điều kiện Việt Nam, các quy chuẩn, tiêu chuẩn như trên cần được Nhà nước ban hành để làm cơ sở thống nhất cho thực hiện bảo trì công trình.

4.3. Về cơ chế chính sách

- Kinh phí chi trả cho việc bảo trì công trình, đánh giá định kỳ và đánh giá đột xuất về ATCL công trình hiện hữu thường do Chủ sở hữu, quản lý/sử dụng công trình chi trả và được quy định trong Luật của nhiều nước. Tuy nhiên, hiện tại một số quốc gia và phụ thuộc vào khả năng hỗ trợ của Chính phủ/Chính quyền địa phương thì chi phí đánh giá an toàn cho các công trình dạng chung cư nhà ở xã hội do Chính phủ xây dựng (được bán cho dân theo thời hạn sử dụng 50-70 năm) cũng được Chính phủ chi trả. Riêng với công tác đánh giá ATCL, qua việc thực hiện chỉ thị 05 như đã nêu tại Mục 2, các tác giả cho rằng một số chính sách liên quan đến kinh phí thực hiện đánh giá ATCL nên được thực hiện như sau: 1) Chính phủ/Chính quyền địa phương phải bổ sung nguồn vốn cố định hàng năm để thực hiện đánh giá ATCL công trình hiện hữu do mình quản lý; 2) Đối với các công trình không thuộc sở hữu nhà nước thuộc loại nhà ở, Chính phủ có chính sách hỗ trợ, cho vay ưu đãi để thực hiện đánh giá ATCL và sửa chữa gia cường kết cấu; 3) Đối với công trình xây mới, phải quy định về công việc đánh giá ATCL kèm theo dự trù kinh phí trong Quy trình bảo trì công trình; 4) Nghiên cứu các giải pháp sử dụng vốn của xã hội đóng góp để thực hiện;

- Ngoài vấn đề kinh phí, đối với công tác tổ chức quản lý kiểm soát công tác bảo trì và ATCL công trình; Chính phủ/Chính quyền địa phương và các Bộ quản lý công trình chuyên ngành cần giao nhiệm vụ cụ thể cho Cơ quan chuyên môn về xây dựng do mình quản lý thực hiện theo dõi và tổ chức đánh giá công tác thực hiện bảo trì, đánh giá ATCL định kỳ các công trình thuộc sở hữu nhà nước và các công trình có quy mô lớn mà sụp đổ thì gây thiệt hại lớn về người và tài sản để phòng ngừa các thảm họa có thể xảy ra.

4.4. Về công tác tuyên truyền, tập huấn và xây dựng cơ sở dữ liệu các công trình

- Qua thực tế thực hiện Chỉ thị số 05 cho thấy thực trạng: Chính quyền và cán bộ quản lý xây dựng tại địa phương chưa quan tâm đúng mức; trong một số trường hợp đánh giá thực tế, quy trình chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành chưa được áp dụng đúng. Như vậy, công tác tuyên truyền về đánh giá ATCL cần được làm thường xuyên ở các địa phương để xây dựng nhận thức về công tác phòng ngừa rủi ro về sự cố sập đổ công trình để tiết kiệm và đảm bảo lợi ích cộng đồng giống như công tác phòng chống thiên tai. Công tác và tập huấn kỹ thuật cũng phải được các Bộ quản lý và phối hợp với các trường đại học có chuyên ngành về công trình xây dựng để giảng dạy cho các sinh viên.

- Tìm hiểu thực tế ở các địa phương cho thấy Chính quyền địa phương chủ yếu quản lý, kiểm tra công trình trong quá trình thi công xây dựng (xây mới hoặc xin phép sửa chữa/cải tạo) còn thực trạng cơ sở dữ liệu về khả năng chịu lực các công trình hiện hữu hầu như không có thông tin (ngoại trừ các công trình có dấu hiệu nguy hiểm, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào). Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, cách thức quản lý và công bố thông tin về các công trình phải được đánh giá an toàn như ở Hồng Kông và một số quốc gia là bài học đáng được quan tâm. Xét về tầm quan trọng và lợi ích lâu dài, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý và công bố thông tin với công trình hiện hữu phải được đưa vào Luật Xây dựng (hiện chỉ có quy định lưu trữ tài liệu cho công trình xây mới, các công trình cũ trên 20 năm tuổi gần như không có thông tin). Trước mắt, các Bộ/ngành và Chính quyền địa phương cần tích cực xây dựng danh mục thông tin cơ bản (ví dụ: năm hoàn thành xây dựng/bắt đầu sử dụng; quy mô: chiều cao, số tầng, tổng diện tích sàn; các đặc điểm kết cấu; thông tin về lần sửa chữa/cải tạo lớn; thông tin về hệ thống PCCC; việc thực hiện công tác bảo trì định kỳ và các nội dung bảo trì được thực hiện) về công trình hiện hữu.

5. Kết luận

Công tác bảo trì, đặc biệt công tác đảm bảo ATCL và PCCC đối với công trình hiện hữu là rất quan trọng, có tính thiết yếu trong việc đảm bảo an toàn và lợi ích cộng đồng. Tầm quan trọng của các công tác này đã được thể hiện qua các quy định bằng Luật ở nhiều quốc gia.

Để công tác bảo trì các công trình hiện hữu được thực hiện đồng bộ, có tính thực tế để phòng ngừa các sự cố và giảm thiểu thiệt hại do sụp đổ, cháy nổ công trình gây ra; công tác xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, quy trình và hệ thống kỹ thuật phục vụ đánh giá, cơ chế chính sách của nhà nước, công tác tuyên truyền, tập huấn và xây dựng cơ sở dữ liệu đã được các tác giả nghiên cứu, đề xuất.

Nguồn: Tạp chí Người Xây dựng, Số 1&2/2021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)