Sứ mệnh vật liệu xây dựng với phát triển biển đảo

Thứ sáu, 16/10/2020 10:46
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Biển đảo có vai trò quan trọng với mọi quốc gia, cả với các quốc gia không có biển. Với nước ta, bờ biển dài hơn 3.260 km chưa kể bờ biển của các hải đảo, thì biển đảo càng quan trọng hơn nhiều. Phát triển quốc phòng, phát triển kinh tế, phát triển giao lưu quốc tế, thậm chí còn giúp đỡ nước láng giềng không có biển trong các hoạt động giao thông xuất nhập khẩu. Khai thác tài nguyên biển, đầu tư xây dựng đảo, xây dựng và khai thác các bãi biển… là các hoạt động mang tính thường xuyên cả ngày lẫn đêm. Nói đến kinh tế biển người ta thường nghĩ đến việc khai thác, nhưng loài người còn biết được tác dụng của nhiều loại virus đã cấp cho trái đất một lượng oxy đủ lớn hàng ngày. Người ta tính một nửa oxy cho sự sống trên trái đất là từ biển. Để phát huy tiềm năng của biển, đảo, vùng bờ biển, con người phải đầu tư xây dựng. Ngoài việc xây dựng hệ thống tàu bè thì cần xây dựng các kết cấu hạ tầng. Tất cả phần xây dựng đó đều có liên quan đến vật liệu và vật liệu xây dựng. Vật liệu xây dựng để xây các công trình phục vụ phát triển kinh tế và quốc phòng. Điều chung nhau của xây dựng công trình quốc phòng là cần vật liệu xây dựng bền trong nước biển, bền trong khí hậu biển, chịu được tác động của muối, của gió bão và không có hại đối với môi trường biển, không giết chết san hô, tảo biển và các loại hải sản, phù du. Vật liệu và cấu kiện bên trong môi trường biển đảo không chỉ về cơ học, lý học, sinh học, chịu được ăn mòn, chịu được tác động của sóng, gió, bão, sự ăn mòn của một số loài sinh sống trên biển. Núi đá vôi trên biển bị bào mòn sâu ở khu vực mặt nước bởi sóng, nhưng một phần do sự gặm nhấm của loài hà biển.

Phát triển vật liệu xây dựng cho biển đảo thường được chú ý bằng việc cung cấp các vật liệu đạt yêu cầu chất lượng từ đất liền, từ các nhà máy sản xuất khai thác, sử dụng, chế biến vật liệu có sẵn trên biển.

Xi măng bền nước biển, tên thường gọi là xi măng bền sunfat là loại vật liệu được dùng phổ biến nhất, nhiều nhất cho các công trình biển đảo. Từ xi măng tạo ra các loại bê tông, chủ yếu là bê tông cốt thép, nghĩa là xi măng cùng thép, đá cấp phối, cát và các loại phụ gia tạo ra bê tông bền trong môi trường biển vừa bền về hóa học, cơ học và sinh học. Đến nay, trên thế giới chưa có một nhà máy xi măng nào được xây dựng trên biển, chỉ có trên bờ biển và nguyên liệu dùng cũng lấy từ các mỏ đá vôi, mỏ sét ở trên bờ. Đâu đó, có vài nơi có sản xuất xi măng bằng cách khai thác các dãy san hô đã chết ở dưới biển, thay cho đá vôi. Tuy nhiên, đây chỉ là những dây chuyền công suất nhỏ.

Có xi măng bền sunfat, để chống xâm thực phá hủy bê tông cốt thép cần có các giải pháp công nghệ bảo vệ cốt thép và thực hiện công nghệ chế tạo bê tông đến độ chắc, đặc, đảm bảo việc ngăn cản ion SO42-xâm nhập qua lớp bê tông vào đến cốt thép mở đường cho sự tiếp cận ion cl-, tác nhân phá hoại cốt thép, phá hoại bê tông.

Các loại vật liệu ceramic, gạch granite, sứ vệ sinh, các vật liệu nhựa, vật liệu composite đều có khả năng tốt trong việc chống xâm thực của nước biển, của khí hậu biển. Vật liệu làm bằng gỗ thì cần phải phủ lớp màng bóng hoặc sơn chống xâm thực. Ngoài ra, có thể sử dụng vật liệu gỗ nhựa, dòng sản phẩm mới được đùn ép theo tỷ lệ giữa bột gỗ nghiền siêu mịn và nhựa. Đây là loại vật liệu vừa có khả năng chịu được nắng, chịu được ẩm và chịu được sự xâm thực của khí hậu và môi trường biển.

Các công cụ, đồ vật, khí tài bằng kim loại cần được phủ màng hoặc sơn chống xâm thực nước biển. Điều bắt buộc cho sơn xây dựng có khả năng chống xâm thực.

Bê tông xi măng cho vùng biển đảo chủ yếu được sản xuất bằng xi măng bền sunfat, cốt liệu đá, cát đều là các vật liệu không nhiễm mặn, nước sử dụng cũng là nước ngọt. Tuy nhiên, hiện nay có thể sử dụng công nghệ sản xuất bê tông cho vùng biển từ xi măng bền sunfat, cát biển, thậm chí là cát nghiền từ đá san hô và cốt liệu bình thường cùng với nước sử dụng là nước biển. Để có thể ngăn cản sự phá hủy bê tông loại này, người ta phải sử dụng một loại phụ gia đặc biệt có khả năng ngăn cản sự xâm thực của các ion SO42. Tuy nhiên, công nghệ này chưa phổ biến cả trên thế giới và ở Việt Nam.

Với công nghệ bê tông truyền thống, tức là sử dụng cát, đá không nhiễm mặn cùng với nước ngọt thì tùy theo từng vùng biển đảo có thể tổ chức sản xuất cát “ngọt” từ cát biển bằng công nghệ sàng, tuyển, rửa bằng nước ngọt. Sản xuất được cát “ngọt” ở vùng biển, ven biển, hải đảo sẽ giảm được giá thành bê tông do chi phí vận chuyển từ đất liền xa xôi.

Phát triển kinh tế biển, bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương là việc làm quan trọng, trong đó các công trình xây dựng hạ tầng, nhà cửa, kho tàng, hầm trú ẩn…cần rất nhiều vật liệu, vật liệu xây dựng đặc biệt có khả năng chống sự phá hoại, xâm thực của nước biển, khí hậu biển. Bản thân các đồ đạc, nội thất, ngoại thất, khí tài quân sự, quốc phòng đều cần được bảo vệ chống xâm thực bằng nhiều giải pháp công nghệ và vật liệu khác nhau.

Sứ mệnh của vật liệu xây dựng Việt Nam và các loại vật liệu khác là phải thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật, kể cả những trường hợp khó nhất, ở cả những nơi xa xôi nhất.

Nguồn: Tạp chí Vật liệu Xây dựng, Số 10/2020

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)