Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải công nghiệp 3R

Thứ tư, 02/10/2013 15:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Giải quyết ô nhiễm môi trường nói chung và trong sản xuất công nghiệp nói riêng đã và đang là vấn đề cấp bách đặt ra đối với các địa phương trong cả nước. Việc xử lý rác thải ngay tại khu công nghiệp, nơi phát sinh nguồn thải theo mô hình 3R (giảm thiểu (Reduce), tái chế (Recycle) và tái sử dụng (Reuse)) tại Hải Phòng là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát được ô nhiễm môi trường, tránh gian lận thương mại, tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần xây dựng khu công nghiệp xanh, thân thiện môi trường.

Xử lý rác thải bằng lò đốt tại Công ty TNHH phát triển thương mại và sản xuất Ðại Thắng

Nhà máy 3R

Trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), có nhiều dãy nhà xưởng sản xuất khá khang trang, sạch sẽ với khuôn viên cây cối xanh mát, và cả hồ nước với từng đàn cá bơi tung tăng. Ít ai có thể ngờ đây lại là một cơ sở chuyên thu gom, xử lý, tái chế các loại phế liệu công nghiệp - nhà máy 3R, trong đó, không ít rác thải công nghiệp được coi là nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Ông Ðoàn Ngọc Hùng, người đã từng lăn lộn với ngành sản xuất tiểu, thủ công nghiệp của thành phố cảng những năm đầu của thời kỳ đổi mới với các sản phẩm nhựa mang tên Ðại Thắng, cũng là người đã mạnh dạn đầu tư phát triển hoạt động trong lĩnh vực thu gom, tái chế, xử lý rác thải công nghiệp ngay tại khu công nghiệp của Hải Phòng cho biết, chính từ những kinh nghiệm tích lũy được trong hoạt động sản xuất trên lĩnh vực hóa chất, nhựa của đơn vị trong mấy chục năm qua, cùng với các chính sách ưu đãi của TP Hải Phòng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy 3R.

Ðã có một thời, cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, TP Hải Phòng tập trung phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp. Khi đó, nơi nơi phát triển sản xuất, nhà nhà thành công xưởng sản xuất nhằm tạo sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, mà ít để ý đến tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng trong các khu dân cư, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Trước tình hình đó, TP Hải Phòng đã có chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp cũ trong khu dân cư tới các khu, cụm công nghiệp tập trung, nhất là các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàng loạt nhà máy trước đây nằm giữa trung tâm thành phố, gần các khu dân cư, đã được di dời như Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng, Nhà máy Bia Hải Phòng, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Cơ khí Duyên Hải... Ðồng thời, thành phố khuyến khích ngành công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tiêu tốn ít tài nguyên, thân thiện với môi trường và phát triển hoạt động thu gom, tái chế, xử lý rác thải công nghiệp... Ngay tại các khu công nghiệp tập trung, TP Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế xanh, thân thiện môi trường. Kèm theo đó, có cơ chế động viên, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy thu gom, xử lý, tái chế rác thải công nghiệp ngay trong các khu công nghiệp, theo mô hình 3R.

Công ty TNHH Phát triển thương mại và Sản xuất Ðại Thắng (Công ty Ðại Thắng) - một trong những doanh nghiệp đi tiên phong thực hiện chủ trương của TP Hải Phòng và của Ban quản lý khu kinh tế trong lĩnh vực thu gom, xử lý, tái chế rác thải công nghiệp ngay trong các khu công nghiệp. Ðơn vị đã đầu tư gần một trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy tái chế, xử lý rác thải công nghiệp trên diện tích 18 nghìn m2 với trang, thiết bị hiện đại. Ở đây các loại rác thải công nghiệp được vận chuyển, phân loại và đưa đến các khu vực xử lý riêng biệt với các thiết bị chuyên dụng như: phân ly dầu, nước; xúc rửa thùng phuy; xử lý ắc-quy, chì thải; xử lý linh kiện điện tử; phá dỡ bóng đèn huỳnh quang; tẩy rửa và thu hồi kim loại; lò đốt chất thải nguy hại... theo các quy trình khép kín. Ðặc biệt, các loại chất thải nguy hại được xử lý bằng các quy trình nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Ðây là doanh nghiệp thực hiện thu gom, tái chế, xử lý rác thải ngay tại khu công nghiệp - nơi phát sinh nguồn thải theo mô hình 3R: giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng. Và điều quan trọng là rác thải công nghiệp được xử lý an toàn tại chỗ, không đẩy ô nhiễm môi trường ra khu dân cư. Hướng đi này của Công ty Ðại Thắng đã được nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đồng tình, ủng hộ với các hợp đồng gắn bó lâu dài trong thu gom, xử lý rác thải công nghiệp. Qua xử lý, nhiều sản phẩm tái chế được tái sử dụng, giúp các doanh nghiệp sản xuất nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Ðồng thời là mô hình tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý không chỉ kiểm soát được ô nhiễm môi trường, mà còn góp phần tránh gian lận thương mại qua việc thu gom phế liệu, tăng nguồn thu cho ngân sách...

Nhân rộng mô hình các nhà máy 3R

Hải Phòng là một trong các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Sản xuất công nghiệp góp phần quan trọng trong tăng trưởng GDP của thành phố. Chỉ tính trong 10 năm (2002-2012), GDP của TP Hải Phòng tăng bình quân gần 11%/năm, gấp 1,57 lần mức tăng của cả nước, đứng thứ hai trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong đó, tỷ trọng GDP nhóm ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ tăng từ 84,1% năm 2002 lên 89,7% năm 2012; sự gia tăng nhanh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên nhiều lĩnh vực với 372 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 6,74 tỷ USD. Khu công nghiệp Nomura nhanh chóng lấp đầy, các nhà máy cũng đang được khẩn trương xây dựng tại các khu công nghiệp Ðồ Sơn, Nam Cầu Kiền, Ðình Vũ, Tràng Duệ, Vsip Thủy Nguyên... Trong đó, nhiều nhà máy lớn có giá trị đầu tư trên dưới một tỷ USD đã và đang chuẩn bị bước vào sản xuất hoặc chuẩn bị khởi công xây dựng như: Kyocera, Bridgestone, LG Electric...

Ði kèm với sản xuất công nghiệp phát triển là tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng. Ðặc biệt là các loại rác thải công nghiệp cũng tăng lên nhanh chóng. Trước thực trạng nói trên, TP Hải Phòng đã sớm ban hành Quy hoạch phát triển công nghiệp Hải Phòng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, thành phố chủ trương đổi mới phương thức tăng trưởng công nghiệp từ chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu, từng bước cơ cấu lại các ngành công nghiệp thành phố theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh phát triển bền vững, và ít rác thải.

Thực tế tại Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố khác cho thấy, bên cạnh những doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc các quy định về sản xuất sạch, quan tâm bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh, thì không ít doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến lĩnh vực này. Cùng với đó là các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền, do chạy theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã cho phát triển hoạt động sản xuất ồ ạt trên địa bàn mà không chú trọng bảo vệ môi trường đã gây những hệ lụy không nhỏ. Nhiều nhà máy đầu tư hàng chục tỷ đồng phải nằm "đắp chiếu" do sự phản ứng từ người dân. Có nhiều doanh nghiệp không duy trì được sản xuất thường xuyên do người dân bức xúc, ngăn trở vì gây ô nhiễm môi trường, còn các cơ quan chức năng và chính quyền cũng liên tục phải "chạy theo" để xử lý, giải quyết các vụ việc... Trước thực tế này, việc xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế xanh, thân thiện môi trường; khuyến khích phát triển công nghiệp xử lý, tái chế chất thải rắn, chất thải nguy hại ngay tại nguồn phát sinh theo mô hình xử lý rác thải 3R càng trở nên cấp thiết.

Theo Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng Phạm Thuyên, đơn vị đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực bảo vệ môi trường và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng duy trì sự phát triển ổn định, bền vững của khu công nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong khu vực nói riêng. Theo đó, các dự án đầu tư mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng đều được lựa chọn theo danh mục ưu tiên đối với việc sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường. Các dự án đầu tư phải có hồ sơ về môi trường ngay trong giai đoạn chuẩn bị dự án, phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp thẩm quyền phê duyệt (nếu dự án trong danh mục quy định), có cam kết bảo vệ môi trường, thực hiện quan trắc môi trường định kỳ... Ðể xây dựng khu công nghiệp xanh, thân thiện môi trường, ban quản lý khu kinh tế đã ban hành nhiều văn bản, quy trình về thu mua, xử lý phế liệu, phế thải; về tiêu chuẩn tỷ lệ cây xanh và các loại cây xanh trồng trong khu công nghiệp; về an toàn hóa chất trong khu công nghiệp... Ðặc biệt, trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải, phế liệu, nhất là chất thải nguy hại..., ban quản lý phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như hải quan, tài nguyên và môi trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm môi trường ngay tại nguồn phát sinh. Ðồng thời cũng là giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại trong việc nhập khẩu phế liệu, hoặc phế liệu còn giá trị thương mại phát sinh trong quá trình sản xuất, (không phải nộp thuế nhập khẩu) của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp để tiêu thụ trong nước. Thậm chí, có cả trường hợp đưa các nguyên vật liệu lẫn chất thải công nghiệp ra tiêu thụ bên ngoài, nhằm trốn thuế nhập khẩu theo quy định... Trên thực tế, năm 2012, Ban Quản lý khu công nghiệp Hải Phòng đã kiểm tra, phát hiện các doanh nghiệp Hiroshige Việt Nam, As’ty Việt Nam, Yoneda Việt Nam tại Khu công nghiệp Nomura vi phạm và kiến nghị UBND thành phố Hải Phòng xử phạt hành chính 445,5 triệu đồng và thực hiện ngay các giải pháp khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng Phạm Quốc Ka, trên địa bàn thành phố hiện có năm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại và tái chế, tận thu, tái sử dụng các loại phế liệu được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Trong những năm qua, các doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải công nghiệp, góp phần tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo việc làm, đời sống ổn định cho hàng trăm lao động và đóng góp cho ngân sách thành phố. Tuy nhiên, việc giải quyết, xử lý ô nhiễm môi trường ngay từ nguồn phát sinh vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất. Ðể từng bước khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, ngoài sự nghiêm túc, đồng hành của các doanh nghiệp phát sinh nguồn thải, sự kiên quyết, chặt chẽ của các cơ quan quản lý chức năng, còn phải cần đến chính sách hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở mang hoạt động thu gom, xử lý rác thải... Trong đó, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng, phát triển hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải công nghiệp theo mô hình 3R ngay tại khu công nghiệp - nơi phát sinh nguồn thải, góp phần xây dựng khu công nghiệp xanh, tránh được những hệ lụy phát sinh trong quá trình đưa rác thải ra khỏi khu công nghiệp và nhất là việc xử lý rác thải nguy hại dễ phát sinh ô nhiễm môi trường tại chính các doanh nghiệp xử lý rác thải hiện còn nằm xen lẫn trong khu dân cư. Ðây cũng là một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 20-NQ/TU ngày 28-5-2008 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)